‘Không lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó’
Thủ tướng lưu ý truyền thông khách quan việc tiếp cận bình đẳng các loại vaccine khác nhau, tránh tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch Covid-19 trong nước đang được kiểm soát nhưng cục bộ tại một số địa phương như TP.HCM, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, lại diễn biến phức tạp, khó dự báo và một số tỉnh có nguy cơ cao có thể bùng phát bất kỳ khi nào, ở bất cứ đâu.
Tập trung hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương dập dịch
Trong cuộc chiến chống đợt dịch lần thứ tư, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu.
Một là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.
Hai là bảo đảm mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt 3 mục tiêu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ tư. Ảnh: VGP.
Ba là tập trung hỗ trợ các tỉnh có tâm dịch, trước hết là TP.HCM, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, để dập dịch thành công, trong đó đặc biệt lưu ý đến mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp, bệnh viện.
Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nhắc nhở tuyệt đối không lơ là, chủ quan, song cũng không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh.
Bên cạnh chiến lược “kết hợp hài hòa giữa phòng ngừa và tấn công”, Thủ tướng yêu cầu phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, “4 tại chỗ”.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý không trông chờ, ỷ lại mà phải luôn luôn có tư tưởng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn và đối tượng quản lý, căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể để tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.
“Chiến lược vaccine” cũng là giải pháp được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên phạm vi cả nước theo lộ trình phù hợp, khoa học, hiệu quả.
Không chờ đợi, lựa chọn vaccine
Video đang HOT
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “5K vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các đơn vị phải chủ động phòng ngừa, phát hiện phải sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, điều trị phải hiệu quả, xử lý dứt điểm tình hình dịch để ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống, sản xuất kinh doanh cho người dân.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó. Ảnh: Chí Hùng .
Trong áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội, Thủ tướng lưu ý cần xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở, căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính. Tinh thần Thủ tướng quán triệt là kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo.
Ông yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình, thực hiện việc cách ly y tế tại nhà.
Theo ông, xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm, cách ly, phong tỏa kịp thời là chìa khóa dập dịch thành công.
Với việc tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, Thủ tướng thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Ông yêu cầu Bộ Y tế làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vaccine, quản lý chất lượng vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vaccine.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine.
Đáng lưu ý, Thủ tướng nhắc nhở cần truyền thông khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vaccine khác nhau, tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Bổ sung hơn 11 tỷ đóng góp cho cơ chế COVAX
Thủ tướng cũng vừa quyết định bổ sung hơn 11 tỷ đồng, tương đương 500.000 USD từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 cho Bộ Y tế để thực hiện đóng góp cho cơ chế COVAX.
Thủ tướng yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch. Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai thực hiện theo quy định.
Bốn kinh nghiệm chống dịch "xương máu" của Bắc Giang
Sau hơn một tháng vật lộn chống chọi với đại dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã rút ra được những bài học kinh nghiệm "xương máu", đặc biệt là cách phòng chống dịch trong khu công nghiệp.
Dịch tấn công vào các khu công nghiệp
Trao đổi với phóng viên Dân trí , ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ: Trong đợt dịch lần thứ 4 này, ca bệnh đầu tiên được Bắc Giang phát hiện vào ngày 7/5, tại xã Phương Sơn của huyện Lục Nam. Đây là ca bệnh được phát hiện tại cộng đồng trong một gia đình, sau đó địa phương đã khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái trao đổi với phóng viên Dân trí .
Tuy nhiên, ngày 8/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận ca mắc Covid-19 là bệnh nhân N.T.T. ở Hữu Lũng (Lạng Sơn); là công nhân Công ty TNHH Shin young Việt Nam, tại Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên - Bắc Giang).
Hàng ngày bệnh nhân T. đi xe ô tô đưa đón công nhân đến Công ty TNHH Shin young Việt Nam làm việc.
Theo số liệu của Sở Y tế Bắc Giang, sáng 9/5, tỉnh này đã ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3 ca đều là công nhân của Công ty TNHH Shin young Việt Nam.
Đến tối 11/5, Bắc Giang phát hiện thêm 63 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở các Công ty TNHH Shin young Việt Nam, Công ty TNHH SJ Tech Việt Nam, Công ty TNHH Vina Solar, Công ty TNHH Kum Jang Vina, đều ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên).
Dịch không chỉ dừng lại ở Khu công nghiệp Vân Trung, đến tối 13/5, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện những ca bệnh đầu tiên ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, nằm trong Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên).
Công ty TNHH Hosiden Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp Quang Châu sau đó đã trở thành một trong những "ổ dịch" lớn nhất Bắc Giang.
Trong các ngày từ 13-15/5, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tầm soát Covid-19 trên diện rộng tại 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, đều phát hiện ra các ca F0 tại các khu công nghiệp này.
Trước nguy cơ dịch sẽ bùng phát mạnh trong khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã họp bàn và đến ngày 18/5 đã quyết định cho tạm dừng 4 khu công nghiệp nói trên, tương đương 375 doanh nghiệp, với 160.000 công nhân, trong đó có khoảng 60.000 công nhân là người ngoài tỉnh. Đồng thời, Bắc Giang đã quyết định giữ chân số công nhân ngoại tỉnh này ở lại, vì nếu để họ trở về các địa phương thì nguy cơ cả nước bùng dịch là rất cao.
Ngày 18/5, tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp.
"Quyết định giữ chân 60.000 công nhân ngoại tỉnh ở lại là Bắc Giang chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả. Nhưng nếu để họ về thì nguy cơ cả nước bùng dịch rất cao, 60.000 công nhân này ở rải rác tại 61/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam", ông Thái chia sẻ.
Những bài học quý báu về chống dịch trong khu công nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ, trong những đợt dịch trước đó, tỉnh này cũng ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng, tuy nhiên sau đó khoanh vùng, dập dịch rất nhanh.
Ông Thái cho biết, dịch xuất hiện trong cộng đồng chỉ là những "đốm lửa nhỏ", một ca F0 truy vết ra số lượng F1 rất ít, chủ yếu liên quan đến gia đình hoặc hàng xóm. Chính vì vậy việc phong tỏa thường chỉ tiến hành ở diện hẹp, trong phạm vi xóm, thôn hoặc cùng lắm đến cấp xã.
Tuy nhiên, công tác chống dịch trong khu công nghiệp rất khó khăn, vì môi trường làm việc rất đông công nhân, có sự giao lưu rất lớn. Một ca F0 phát hiện trong khu công nghiệp sẽ truy vết ra hàng trăm F1, bởi công nhân thường được bố trí ngồi làm việc cùng nhau trong phân xưởng, cùng sử dụng các không gian chung như nhà ăn, khu vệ sinh và phương tiện giao thông...
Theo ông Thái, quan điểm của Bắc Giang về việc tạm dừng 4 khu công nghiệp nói trên là để kìm hãm dịch. Thời điểm này, ngoài việc đưa các đối tượng thuộc diện đi cách ly tập trung, Bắc Giang đã quyết định phong tỏa toàn bộ các khu nhà trọ của công nhân, để ngăn không cho dịch lây lan sang các địa phương khác. Đồng thời, tỉnh dồn tổng lực, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh bạn đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm nhằm tìm nhanh ra F0, truy vết các F1 và đưa đi cách ly.
Ông Thái đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở.
Sau một tuần tạm dừng 4 khu công nghiệp, ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang đã ban hành hướng dẫn sản xuất "4 an toàn" cho các doanh nghiệp trong điều kiện vẫn còn dịch:
Thứ nhất , công nhân an toàn: Khi công nhân trở lại công ty làm việc phải được xét nghiệm, nếu âm tính với SARS-CoV-2 mới cho làm. Ngoài ra, khoảng 3-4 ngày phải xét nghiệm lại công nhân, có thể chỉ xét nghiệm tầm soát khoảng 30-40% số công nhân.
Thứ hai , sản xuất an toàn: Trong nhà xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh phải được bố trí khoa học, có vách ngăn để đảm bảo công tác phòng dịch được tốt. Công nhân phải thực hiện làm việc, ăn uống theo nhóm nhỏ, bởi nếu khi phát hiện ra F0 thì việc tiến hành cách ly dễ dàng hơn vì không liên quan đến tổ nhóm khác, không phải dừng hoạt động của cả nhà máy.
Ngoài ra, doanh nghiệp được hoạt động trong điều kiện địa phương còn dịch phải bố trí nơi ở cho công nhân tách biệt khỏi cộng đồng.
Thứ ba , giao thông an toàn: Các doanh nghiệp bắt buộc phải bố trí xe đón đưa công nhân chuyên biệt, có danh sách và hướng dẫn công nhân đi đúng xe, ngồi đúng số ghế. Tổ chức giao thông như vậy nếu khi phát hiện F0 thì khâu truy vết rất nhanh chóng.
Thứ tư , doanh nghiệp an toàn: Doanh nghiệp phải thành lập tổ phòng chống dịch bệnh Covid-19, với sự tham gia của lực lượng y tế ở Ban Quản lý các khu công nghiệp. Tổ này có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp doanh nghiệp hoạt động an toàn trước dịch bệnh.
"Bốn kinh nghiệm chống dịch này có thể áp dụng trong trường hợp với các địa phương chưa có dịch. Có chăng chỉ bỏ khâu xét nghiệm công nhân, vì họ đã ở trạng thái an toàn rồi. Khi chưa có dịch, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các bước này, họ chần chừ lắm, nhưng hiện nay họ đã tự giác thực hiện vì đã thấm thía thiệt hại rồi", ông Thái chia sẻ.
Đến 19h ngày 16/6/2021, ổ dịch liên quan khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn phát sinh thêm trường hợp F0. Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân, các trường hợp liên quan đến công nhân, được phát hiện chủ yếu tại các khu cách ly tập trung
Tổng số trường hợp F0 là 4.680 trường hợp (tăng 279 trường hợp); F1 là 25.558 trường hợp; F2 là 94.941 trường hợp. Do tỉnh đang tăng tốc xét nghiệm hàng ngày để truy quét F0 nên dự báo trong 2-3 ngày tới, vẫn sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ca nhiễm mới trong nhóm công nhân (là F1) ở các khu cách ly tập trung. Khả năng dịch lây nhiễm ra cộng đồng là thấp.
Chuyến xe truy vết dịch tễ xuyên đêm Trong màn đêm, nhân viên y tế theo xe đi khắp các ngõ ngách, gõ cửa từng nhà, truy vết các trường hợp tiếp xúc ca nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch.