Không lơ là trong nhiệm vụ bảo vệ rừng
Dù đã xuất hiện những cơn mưa “vàng” vào giữa tháng 4, nhưng mùa khô năm nay vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, ngành chuyên môn và các địa phương vẫn đang tập trung nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhất là ở khu vực đồng bằng.
Trong 2 ngày 13 và 14-4, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa trái mùa với lượng mưa khá lớn đã làm giảm nguy cơ cháy rừng từ cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) xuống còn cấp II (cấp cháy trung bình). Tuy nhiên, vì thời tiết tiếp tục nắng nóng, không mưa nên đến ngày 19-4, mức dự báo cháy rừng đã trở lại cấp cháy V, tức có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa thông tin: “Đối với rừng đồng bằng thì sau những cơn mưa đầu mùa sẽ làm bùn đất, phèn trên lớp lá cây, cành khô, rễ cây, cỏ khô… dưới tán rừng được rửa sạch. Khi đó, khả năng bén lửa dễ dàng hơn nên nguy cơ cháy rừng đồng bằng sẽ tăng cao so với trước khi mưa. Vì vậy, công tác PCCCR cần được chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và các ngành liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện cho đến hết mùa khô năm 2020″.
Toàn tỉnh hiện có 7 khu rừng tràm ở đồng bằng, với tổng diện tích 4.070ha. Trong đó, 3 khu rừng có diện tích lớn là rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội (hơn 1.671ha), rừng tràm Bình Minh (963ha), rừng tràm Trà Sư (845ha).
Hiện nay, những khu rừng này vẫn đang có mức cảnh báo cháy rất cao nên ngành kiểm lâm đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp cùng địa phương thực hiện tốt công tác PCCCR. Trong đó, luôn đảm bảo công tác ứng trực của lực lượng bảo vệ rừng, tham mưu chính quyền địa phương ngưng các hoạt động trong rừng tại các vùng trọng điểm cháy song song với việc thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng vào các giờ cao điểm nắng nóng.
Theo đó, ngành kiểm lâm đã xác định vùng trọng điểm cháy hơn 7.286ha trong tổng số 16.868ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh, để thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trước “giặc lửa” qua giai đoạn khốc liệt của mùa khô năm nay.
Lực lượng bảo vệ rừng đã phát dọn, đốt cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đốt dọn các tuyến băng trắng, vùng đệm chống cháy lan từ ngoài vào tại các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp. Với các khu rừng đồng bằng, lực lượng bảo vệ rừng tập trung duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.
Hiện nay, tình hình thời tiết vẫn còn khá bất lợi, dễ gây ra hiện tượng cháy ở hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, việc huy động lực lượng, phương tiện gặp nhiều khó khăn do đã tập trung bố trí ở các khu vực trọng điểm cháy. Vì vậy, việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để nắm tình hình sẽ giúp lực lượng bảo vệ rừng đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Video đang HOT
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ rừng đang là biện pháp đơn giản nhưng mang đến hiệu quả cao. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn kết hợp các đoàn thể, các xã có rừng thực hiện lồng ghép trong các buổi họp dân để tuyên truyền các nội dung PCCCR, chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, mua bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép…
Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Thái Văn Nhân cho biết, đơn vị đã phối hợp ngành kiểm lâm cùng các địa phương tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Với khu vực rừng tràm Trà Sư, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, chốt chặn các khu vực trọng điểm và bố trí 2 tổ thay phiên tuần tra đêm trong rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên kiểm tra dụng cụ, phương tiện PCCCR, phát dọn cỏ và đốt chủ động các đường băng cản lửa, thực hiện khảo sát các hồ đập chứa nước và bổ sung nước vào các bồn phục vụ PCCCR khu vực đồi núi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư khi khảo sát công tác PCCCR tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã khẳng định, tuy mùa khô năm nay đi qua 2/3 chặng đường nhưng lực lượng bảo vệ rừng không vì thế lơ là nhiệm vụ. Các đơn vị phải đảm bảo 100% quân số trong công tác trực nhật, đồng thời cho rà soát lại trang thiết bị, vật tư, nhiên liệu, điều kiện kinh phí phục vụ công tác PCCCR nhằm đảm bảo tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Đối với rừng tràm Trà Sư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị quản lý cho đóng cửa rừng, bổ sung thêm lực lượng chốt chặn, kiểm soát người ra vào để đảm bảo an toàn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh tích cực tuần tra, kiểm tra tình hình các diện tích rừng có nguy cơ cao nhằm đưa ra phương án phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Với tinh thần nỗ lực, tỉnh phấn đấu sẽ bảo vệ hiệu quả diện tích rừng qua mùa khô năm 2020.
Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng. Trong đó có 13 vụ cháy xảy ra trong phạm vi đất quy hoạch lâm nghiệp với tổng diện tích 10,77ha. Các vụ cháy đều được những địa phương có rừng huy động lực lượng tham gia cứu chữa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.
THANH TIẾN
Mưa lớn hiếm gặp giữa tháng 4 ở miền Trung, cảnh báo sự bất thường
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai diễn ra cực đoan, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ra chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai năm 2020.
Cụ thể, trong Chỉ thị do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ký nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước.
Điển hình là hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, trong đó có đợt ngay trong đêm 30, sáng 01 Tết Nguyên đán; mưa lớn từ ngày 12-14/4 ở các tỉnh duyên hải miền Trung làm trên 19.500ha lúa bị ngập úng, gãy, đổ. Đây là hiện tượng hiếm gặp, báo hiệu sự bất thường, cực đoan của thiên tai.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 05-06 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016 vừa qua.
Mưa lớn hiếm gặp từ 12 - 14/4 ở miền Trung gây đổ ngã nhiều diện tích lúa. Ảnh: TTXVN.
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN (Ban Chỉ huy) các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trên cơ sở nhận định của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế, tổng hợp, phân tích, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ về các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt lớn có thể xảy ra, cũng như các kịch bản ứng phó cụ thể, tránh để xảy ra bị động bất ngờ, gây hậu quả lớn dẫn đến thảm họa.
Đề xuất các giải pháp cần thiết trước mắt và lâu dài nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến và đánh giá tác động của thiên tai đến các mặt của đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để tiếp nhận và truyền tải thông tin được kịp thời, chính xác, đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ thường trực, trực ban, họp chỉ đạo điều ứng phó, cũng như tổ chức các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đến hiện trường xảy ra thiên tai được hiệu quả.
Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các Bộ ngành, địa phương thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ huy, chỉ đạo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, không để chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai theo hướng chuyên trách, đảm bảo tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các vùng miền, địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản...
Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao, do tư nhân quản lý.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm.
Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,... nhất là đối với Nhân dân, khách du lịch tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Chú trọng công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; đẩy mạnh hoạt động quỹ phòng chống thiên tai, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng theo đúng quy định, phát huy hiệu quả quỹ, tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
Khánh Nguyên
TPHCM "hạ nhiệt" sau cơn mưa trái mùa Sau trận mưa trái mùa đầu tiên vào chiều 8/4, nhiệt độ tại TPHCM đã hạ xuống dưới 35 độ C. Qua nhiều ngày nắng nóng trên 37 độ C kéo dài, chiều ngày 8/4 sau trận mưa trái mùa đầu tiên, nhiệt độ tại TPHCM đã hạ xuống dưới 35 độ C. Bầu không khí của thành phố cũng mát mẻ hơn....