Không lấy phiếu tín nhiệm CT HĐND Đà Nẵng
HĐND TP Đà Nẵng sẽ không lấy phiếu tín nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND do ông Trần Thọ đảm nhiệm bởi ông Thọ mới kế nhiệm chức danh này từ ông Nguyễn Bá Thanh.
Ông Trần Thọ (bên trái) nhận hoa chúc mừng từ ông Nguyễn Bá Thanh trong ngày nhận chức Chủ tịch HĐND
Ngày 8/7, HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khoá VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 của thành phố này sẽ bắt đầu từ ngày mai (9/7). Kỳ họp này HĐND thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 16/17 chức danh do HĐND bầu ra.
Những người được lấy phiếu lần này gồm những chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn như chủ tịch; phó chủ tịch; ủy viên thường trực; các trưởng ban của HĐND và chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên UBND.
Tuy nhiên HĐND thành phố Đà Nẵng sẽ không lấy phiếu tín nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND do ông Trần Thọ đảm nhiệm bởi ông Thọ mới kế nhiệm chức danh này từ ông Nguyễn Bá Thanh (được điều ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương) trong kỳ họp thứ 6 (bất thường) HĐND vào tháng 4/2013.
Được biết trong đợt lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu phải tổ chức công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân; gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.
Kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại kỳ họp HĐND, đồng thời báo cáo cấp ủy cùng cấp và HĐND cấp trên trực tiếp.
Video đang HOT
Theo Khampha
"Lấy phiếu tín nhiệm không phải là cuộc đua"
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM (khóa VIII) sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/7 tới đây với nhiều nội dung quan trọng như thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, xem xét tăng học phí, viện phí, chất vấn...
Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND TP tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 16 chức danh do HĐND TP bầu. Trước kỳ họp, Pháp Luật TP.HCM trò chuyện đầu tuần với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Sẽ chất vấn những gì người dân bức xúc
Qua đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi, bà thấy cử tri TP quan tâm, bức xúc những vấn đề nào?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Điều có thể thấy trước hết là người dân TP đều đánh giá điều hành của TP tương đối tốt vì đã duy trì được tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) ổn định trong những năm qua và sáu tháng đầu năm 2013 này.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số vấn đề khiến người dân quan tâm, bức xúc. Cụ thể là tình hình kinh tế nói chung còn khó khăn, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, kinh doanh của DN, cuộc sống người dân (nhất là công nhân, người nghèo, người có thu nhập thấp). Tiếp đó là thủ tục hành chính tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn được thông thoáng, thái độ cán bộ, công chức đôi chỗ vẫn còn cửa quyền, hách dịch, quan liêu. Tình hình ô nhiễm môi trường, nước sạch sinh hoạt cho người dân ngoại thành, tệ nạn trộm cắp vặt, cướp giật công khai, tai nạn giao thông... cũng là những vấn đề mà TP nhận được khá nhiều góp ý, kiến nghị của cử tri. Đây cũng chính là những vấn đề sẽ được chất vấn tại kỳ họp.
Kỳ họp này cũng sẽ có một số tờ trình về điều chỉnh tăng học phí, viện phí, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. HĐND sẽ cân nhắc việc này như thế nào?
Trước khi thông qua một tờ trình tăng phí, lệ phí nào đó thì HĐND luôn tuân thủ theo đúng nguyên tắc. Thứ nhất là phải bảo đảm đúng pháp luật, thứ hai là đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và thứ ba là mức phí đưa ra phải phù hợp với khả năng đóng góp của người dân tại thời điểm đó.
Với những loại phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và với phạm vi rộng, trước khi đề ra một mức phí thì TP đều rất thận trọng, quan tâm trước hết đến quyền lợi của người dân. Người dân đóng tiền là để nhận được dịch vụ tốt hơn nên TP cũng phải xem xét liệu cơ quan cung ứng dịch vụ có đáp ứng được chất lượng dịch vụ theo đóng góp của người dân hay không mới đề ra mức phí cụ thể. Nhưng thu khi nào, mức thu là bao nhiêu, nếu quá cao thì sức chịu đựng của người dân không đáp ứng được, sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Bởi vậy, sau khi khảo sát nếu thấy người dân đã phải chịu quá nhiều loại phí trong cùng một thời điểm rồi thì HĐND sẽ không thông qua (TP đã tạm thời chưa thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy - PV).
Xem xét tăng viện phí, học phí là một trong những vấn đề sẽ được bàn bạc trong kỳ họp. Ảnh: HTD
Không phải chuyện hơn thua
Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là lấy phiếu tín nhiệm (PTN) 16 chức danh do HĐND TP bầu. Liệu đại biểu (ĐB) có đủ thông tin để bỏ phiếu một cách chính xác, thưa bà?
Cho tới nay công tác chuẩn bị cho việc lấy PTN đã sẵn sàng. Báo cáo công tác của các chức danh được lấy PTN cũng đã được gửi cho ĐB nghiên cứu rồi. Nếu nói các ĐB hiểu hết về các chức danh mình sẽ bỏ phiếu thì không thể nào hiểu hết 100% được đâu. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi, những nét chính (như cách làm việc thế nào, hiệu quả công việc tới đâu, phẩm chất đạo đức, lối sống có trong sạch, lành mạnh không...) của các vị này thì ĐB lại nắm khá rõ.
Thường trực HĐND cũng đã tạo nhiều điều kiện rất thuận lợi để các ĐB có thể hiểu, tương tác và thậm chí phối hợp cùng với các chức danh này thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài các kỳ họp HĐND trong năm, TP còn tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát, mời các ĐB đi nghe các sở, ngành họp, bàn bạc về những vấn đề mà cử tri quan tâm để có thêm thông tin. Cạnh đó, còn có một số chương trình mang tính tương tác cao như "Lắng nghe và trao đổi", "Đối thoại cùng chính quyền TP". Với những hình thức hoạt động, cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, có tính thực tế như trên, tôi tin rằng ĐB không thiếu thông tin để đánh giá.
Vừa qua có khá nhiều ý kiến cử tri thắc mắc tại sao lại đưa ra ba mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) mà không phải là hai mức (tín nhiệm và không tín nhiệm). Phải làm sao để giải tỏa được băn khoăn này?
Ngay khi thảo luận bàn về lấy phiếu ở kỳ họp QH, một số ĐBQH cũng đã đặt ra câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng ta không nên chỉ coi việc lấy PTN là được hay mất, hơn hay thua mà thực chất nó là "lấy phiếu để thăm dò mức độ tín nhiệm của ĐB với từng chức danh được lấy PTN". Nếu tín nhiệm thấp mới tiến hành bỏ PTN.
Bởi vậy, nếu ngay từ đầu mà ta chỉ lấy theo hai mức hoặc là có hoặc là không tín nhiệm thì nhiều người lại nhầm lẫn rằng đây là bỏ PTN ngay từ đầu (mà không có bước thăm dò mức độ tín nhiệm). Thêm nữa, vì đây là lần đầu tiến hành lấy PTN nên ta cần phải có bước đi thận trọng, chặt chẽ, càng tránh được sự hiểu lầm càng tốt.
Nên có cái nhìn toàn diện
Có thực tế là lãnh đạo ngành nào va chạm thực tiễn nhiều thì số phiếu đạt được thấp, ngành nào ít va chạm thì lại đạt số phiếu an toàn. Vậy làm sao để lần lấy PTN này phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh?
Đúng là nhìn vào kết quả lấy phiếu vừa qua của QH thì thấy bên lập pháp phiếu có cao hơn bên hành pháp. Nhưng nếu nói ngành nào ít va chạm thực tiễn mà đạt số PTN cao hơn và ngược lại thì cũng không hẳn. Rà lại bảng kết quả, có nhiều lĩnh vực cũng gai góc, cũng gắn liền với người dân đấy chứ nhưng kết quả đâu có thấp.
Do vậy, mỗi ĐB khi lấy PTN đều cần phải khách quan. Có thể ở lĩnh vực đó rất gai góc, nhiều khó khăn, có hạn chế, trì trệ và mình thấy không hài lòng. Nhưng cần nhìn xa một chút, nghĩa là phải nhìn xem người đứng đầu lĩnh vực đó có quyết liệt trong điều hành, có đưa ra được nhiều giải pháp khả thi hay không? Tiếp đó là thái độ làm việc có tích cực, trách nhiệm, có lắng nghe một cách cầu thị hay chưa? Khi đánh giá phải đánh giá năng lực điều hành công việc, hiệu quả công việc, thái độ trách nhiệm với công việc... chứ không nên chỉ nhìn thấy cái hạn chế trước mắt của người ta mà không thấy được mặt tốt, tích cực.
Xin cảm ơn bà!
Xem xét tăng học phí, viện phí Kỳ họp này HĐND TP sẽ bàn và thông qua một số nội dung như đánh giá báo cáo tình hình KT-XH của TP sáu tháng đầu năm 2013, bàn thảo đưa ra nhiệm vụ giải pháp cho sáu tháng cuối năm; báo cáo về tình hình thu ngân sách; báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ bảy cho tới nay. Ngoài ra, HĐND cũng xem xét thông qua một số tờ trình về điều chỉnh phí, lệ phí (tăng học phí, viện phí); trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm. Tiếp đó là nội dung mới: Lấy PTN với 16 chức danh do HĐND TP bầu (gồm chủ tịch và phó chủ tịch HĐND TP, ủy viên Thường trực HĐND, các trưởng ban của HĐND; chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP, các ủy viên UBND TP). Tôi tin là sẽ công tâm, khách quan Nghị quyết của QH đã có quy định không được vận động để lấy PTN. Tôi nghĩ mình lấy PTN không chỉ với tư cách cá nhân mình mà còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, bởi vậy không được đan xen các mối quan hệ cá nhân mình trong quá trình đánh giá. Các ĐB cũng đã nhận thức rất rõ điều này, do đó tôi tin việc lấy PTN chắc chắn sẽ công tâm và khách quan.
Theo Khampha
Hà Nội công bố kết quả tín nhiệm 18 vị lãnh đạo Chiều nay, HĐND Hà Nội công bố tỷ lệ tín nhiệm của các lãnh đạo chủ chốt. Giám đốc Sở Lao động nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, còn Chủ tịch HĐND thành phố lại nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất. Độc giả nhấn vào ảnh để vào trang Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Hà Nội...