Không khí lạnh gây gió mạnh, sóng cao hơn 4 m ở bắc Biển Đông
Không khí lạnh không chỉ gây rét đậm, rét hại ở Bắc bộ và Trung bộ mà còn khiến bắc Biển Đông xuất hiện sóng to, gió mạnh.
Gió mạnh kèm theo sóng cao hơn 4 m có thể gây nguy hiểm cho tàu, thuyền ở khu vực bắc Biển Đông
ẢNH MINH HOẠ:CTV
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Bộ TN-MT) cho biết, trong ngày hôm nay, 22.1, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía tây Bắc bộ và trung Trung bộ.
Các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa đêm nay và sáng ngày mai, 23.1, tiếp tục có rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng phổ biến 12 – 15 độ C, vùng núi Bắc bộ phổ biến từ 8 – 11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C.
Trong ngày hôm nay, không khí lạnh tiếp tục gây mưa cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định. Trong đó, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to.
Video đang HOT
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo về hiện tượng gió mạnh và sóng lớn ở nhiều vùng biển do ảnh hưởng của không khí lạnh. Ngày hôm qua, 21.1, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã ghi nhận có gió đông bắc mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8.
Trong ngày và đêm nay, 22.1, khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6 – cấp 7, giật cấp 8 khiến sóng biển cao từ 2 – 4 m, biển động mạnh.
Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ, Nam bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6 – cấp 7, giật cấp 8 khiến sóng biển cao từ 2 – 4 m, biển động mạnh. Dự báo từ đêm nay, vùng biển khu vực giữa và nam Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6 – cấp 7, giật cấp 8 – cấp 9, sóng biển cao từ 2 – 4,5 m, biển động mạnh.
Theo Thanhnien
Thừa Thiên-Huế: Biển xâm lấn, hàng trăm hộ dân nguy cơ mất nhà
Nhiều đoạn bờ biển tiếp tục bị xâm thực sâu từ 5-10m, khiến hàng trăm hộ dân đối mặt với nguy cơ mất nhà cửa, ruộng đồng.
Đợt mưa lũ vừa qua ở vùng biển Thừa Thiên-Huế có gió mạnh, sóng to, triều cường dâng cao, khiến cho nhiều đoạn bờ biển của một số địa phương ở huyện Phú Vang, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở nặng.
Sạt lở tiến sâu vào đất liền từng ngày.
Hiện nay, bờ biển xã Vinh Hải bị sạt lở với chiều dài hơn 3km, biển xâm thực vào đất liền từ 5-7m. Một số đoạn kè tạm bờ biển bị san phẳng. Sóng biển tràn qua Tỉnh lộ 21, ảnh hưởng 150ha đồng ruộng và ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân. Những hàng phi lao chắn sóng được trồng hơn 20 năm trước bị sóng cuốn phăng trơ gốc. Nhiều hàng quán phục vụ khách tắm biển bị sóng đánh tan tành, nền móng sụt lún, hư hỏng nặng... Ông Phan Ngọc Ánh, thôn 3, xã Vinh Hải cho biết, trước đây, bờ biển cách nhà cả cây số, bây giờ thì sóng biển xâm thực đánh tan đê biển, lấn sát vào khu dân cư: "Miếu ông tại thôn 3 Vinh Hải đã ra sát biển, chứng tỏ biển đã xâm thực đến là 20m. Hơn nữa là xâm thực vô đồng ruộng, nhiễm mặn nhiều nên nguyện vọng của dân cư là cứu lại kè biển cho xã Vinh Hải".
Theo người dân xã Vinh Hải, trong vòng 20 năm qua hàng chục ha bờ biển, rừng phòng hộ và đất nông nghiệp ở đây bị sạt lở, cuốn trôi ra biển. Hơn 100 hộ dân sống gần bờ phải di chuyển chỗ ở.
Hiện nay, sạt lở tiếp tục lấn sâu vào đồng ruộng. Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải huyện Phú Lộc cho biết, đợt mưa lũ vừa rồi, nước biển ăn sâu làm vỡ tuyến đê biển dài gần 100m, cát biển tràn vào vùi lấp ruộng của dân.
"Vừa qua, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, tình hình xâm thực biển tại Vinh Hải diễn biến hết sức phức tạp. Toàn tuyến bờ biển xâm thực từ 5-7m vào đất liền, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn. Đối với tình hình xâm thực biển, địa phương mong muốn cấp trên, sớm quan tâm đầu tư kè kiên cố đê bao toàn tuyến để bà con ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Hữu nói.
Hơn 4 km bờ biển qua xã Vinh Hải huyện Phú Lộc bị sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng xói lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên-Huế kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống ven biển các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải huyện Phú Vang; các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc... Bà con mất ăn, mất ngủ trong mùa mưa bão. Các đợt mưa lũ vừa qua gây ra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển kéo dài khoảng 30km đi qua nhiều địa phương, uy hiếp đời sống, sản xuất và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, đoạn qua xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang và xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc với chiều dài hơn 3km, tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khu vực sạt lở chưa thể xử lý được.
Biển liên tục sạt lở khiến người dân lo lắng.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, địa phương đang tính toán phương án đầu tư chống sạt lở về lâu dài, nhưng trước mắt tập trung ưu tiên xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở nặng: "Ảnh hưởng của gió mùa, triều cường, sóng lớn gây sạt lở ven biển rất lớn, tập trung ở các khu vực Vinh Hải, Phú Hải, Phú Diên. Đặc biệt, khu vực Vinh Hải có nhiều điểm sạt lở nặng, sóng tràn tràn qua Tỉnh lộ 21. Sạt lở bờ biển hiện nay cũng cần đến 2.000 tỷ mới làm được, cần có lộ trình thời và thời gian. Trong giải pháp của tỉnh sẽ ưu xử lý những điểm xung yếu, nghiên cứu lập dự án xin kinh phí Trung ương kết hợp địa phương để ngăn chặn xói lở"./.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Theo VOV
Bắc Bộ, Trung Bộ chuẩn bị đón đợt rét kỷ lục trong 10 năm Chiều 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo về đợt không khí lạnh cường độ mạnh đang tiến vào khu vực các tỉnh Bắc Bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông. Các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt rét sắp tới có cường độ mạnh xấp xỉ...