Không dung túng bất kỳ người tu hành nào vi phạm đạo đức, giáo luật
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định: “ Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật.”
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Vấn đề lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan đã được người đứng đầu ngành văn hóa giải trình cụ thể và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu thực tế, thời gian qua, cử tri rất bức xúc hành vi lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, bằng các thủ đoạn lừa bịp ở một số nơi như buôn thần, bán thánh, bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vô căn cứ qua các hình thức dâng sao giải hạn, đóng tiền gọi vong, trả nợ tiền kiếp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân để trục lợi.
Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, tuy nhiên các văn bản chưa đủ sức mạnh để xử lý tệ nạn này.
Theo báo cáo của Bộ, nguyên nhân này là do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật có địa vị pháp lý cao hơn.
“Việc thiếu văn bản pháp luật cao hơn trong thời gian vừa qua trách nhiệm chính là về ai, bộ, ngành nào? Bộ trưởng có trách nhiệm gì không và giải pháp cụ thể của Bộ trưởng là gì trong thời gian tới?,” đại biểu chất vấn.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nhận định giáo lý, giáo luật không có dâng sao giải hạn, thỉnh vong, gọi hồn, hoặc đốt vàng mã để chuyển họa thành phúc, chuyển hung thành cát… Tuy nhiên, hoạt động mê tín dị đoan này vẫn đang ngang nhiên tồn tại ở nhiều nơi thờ tự của Phật giáo.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa địa phương và cá nhân Bộ trưởng.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Bản chất của tôn giáo là tốt đẹp, mục đích của tôn giáo là hướng con người đến những điều thiện, tránh xa cái ác, cái xấu, tu thân tích đức giúp đỡ mọi người. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng là quyền và nhu cầu chính đáng của nhân dân, làm phong phú đời sống tinh thần, giúp phát triển con người toàn diện. Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong thời gian qua, một số cá nhân lợi dụng nghi thức tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật…
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ pháp luật đã có hình thức xử lý và dư luận xã hội lên án vi phạm đạo đức văn hóa, thuần phong mỹ tục. Để khắc phục những hiện tượng trên, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về các biện pháp phòng ngừa mê tín dị đoan; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng; lên án phê phán và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hiện mê tín dị đoan.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng các công trình văn hóa thể thao đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa.
Không có chuyện cá nhân xây chùa với mục đích kinh doanh
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết theo quy định của luật pháp Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không có quy định về kinh doanh chùa.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, Bộ Nội vụ cũng chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa nhằm mục đích trục lợi. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận thực tế thời gian qua, đã có một số cá nhân lợi dụng cơ sở thờ tự Phật giáo, niềm tin của nhân dân, của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi và gây bức xúc dư luận.
Về ý kiến một số đại biểu cho rằng một số cán bộ đã “góp tiền” để xây dựng chùa để kinh doanh, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ, đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền để xây dựng chùa kinh doanh trục lợi.
Theo quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, hoặc là từ các nguồn khác phù hợp với quy định pháp luật.
“Trong thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo này cũng nằm trong diện đối tượng là do nhân dân đóng góp,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến Chùa Ba Vàng, từ ngày 20-28/3/2019, các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Trị sự Phật giáo Việt Nam… có rất nhiều văn bản gửi cho các bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo với Chính phủ về nội dung này.
Qua kiểm tra, xác minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất xác định những sai phạm pháp luật và giới luật của Phật giáo từ đó đưa ra những hình thức xử lý phù hợp.
“Sau khi xử lý sự việc trên, đa số đồng thuận với cách giải quyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Việc xử lý hợp lý, kịp thời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ngành Trung ương đã tạo được niềm tin trong tăng ni, tín đồ phật tử, nhất là quần chúng nhân dân đối với Phật giáo Việt Nam,” Bộ trưởng khẳng định.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian tới, ngành Nội vụ tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng tôn giáo trong đó có Nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo; không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm lệch chuẩn về đạo đức, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cho người dân, các chức sắc, nhà tu hành, đặc biệt đối với các tín đồ tôn giáo; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý tín ngưỡng, tôn giáo và các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng, quản lý tốt, tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo.
Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức tôn giáo để kịp thời phát hiện, xử lý sớm những trường hợp vi phạm pháp luật theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội phản ánh về tình trạng xây dựng chùa có sự “góp vốn” của cá nhân, tổ chức với mục đích kinh doanh, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý, không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt không có bất kỳ một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh.
Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, với tinh thần “Hộ quốc an dân,” đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình truyền bá tư tưởng đạo lý Phật giáo.
Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng lòng tổ chức rất thành công Đại lễ Vesak, được bạn bè quốc tế Phật giáo đánh giá cao. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn phát huy tinh thần “phụng đạo, yêu nước,” thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội,” tích cực hưởng ứng các hoạt động lợi dân, phúc lợi xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa.
Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng mặc dù rất ít, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh,” những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, có ứng xử chưa phù hợp với các phật tử đến lễ chùa đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo các quy định của hiến chương và các nội quy của Giáo hội.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật,” Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định./.
Theo Phan Phương-Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam )
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: 'Đặt nền móng cho văn hoá ở thời đại mới'
Nhân dịp Xuân mới 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn kết về những kết quả của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong không khí xuân mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói năm 2018 là một năm nhiều dấu ấn đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với khởi đầu là đội U23 Việt Nam giành Huy chương Bạc Giải bóng đá U23 châu Á và vào những ngày cuối cùng của năm, đội Tuyển bóng đá Việt Nam đã xuất sắc giành Cup Vô địch Giải AFF Cup - một món quà vô cùng quý giá dành tặng người hâm mộ sau 10 năm mong đợi. Các hoạt động thể thao từ quần chúng tới thể thao thành tích cao đều đạt được những thành tích nổi bật, Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc VIII được tổ chức thành công đã khép lại một chu kỳ phát triển khá ấn tượng của thể thao Việt Nam.
Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2017, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 620.000 tỷ đồng. Những con số này đang góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ở lĩnh vực văn hóa, công tác quản lý lễ hội ngày một nề nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đang có những chuyển biến tích cực, nhan sắc Việt Nam cũng khẳng định vị thế trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội. Việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đó, trong năm qua, nhiều lần Bộ trưởng cũng chia sẻ những trăn trở về vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội. Phải chăng đây cũng là một trong những hạn chế, tồn tại của ngành?
- Trong Nghị quyết số 33-NQ/TƯ đã nêu rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng". Và thực tế chúng ta cũng có thể thấy, biểu hiện của sự tha hóa len lỏi ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội với các mức độ khác nhau. Đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố tác động: từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và của các phương tiện truyền thông mới; những bất cập về thể chế, cơ chế, đi kèm với những yếu kém trong thực thi pháp luật, quản lý xã hội; một số nơi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nâng cao văn hóa ứng xử.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu; việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật vào công tác quản lý nhà nước nói chung còn nhiều hạn chế. Chưa thực sự gắn kết hiệu quả giữa vận động, giáo dục với thực thi pháp luật; việc đầu tư nguồn lực (cả về nhân lực và tài chính) của Nhà nước và xã hội cho việc xây dựng đạo đức, lối sống chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, chưa tạo được sức đề kháng đủ để ngăn chặn hiệu quả sự tác động tiêu cực; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa đồng bộ. Chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; chưa nhận thức rõ vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách của mỗi người.
Do vậy, chống xuống cấp đạo đức, lối sống phải là công việc của cả hệ thống chính trị, phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các Bộ, ngành, địa phương, gia đình, trường học và toàn xã hội. Trong đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Như vậy, trong phạm vi chức năng của ngành, đối với vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội, ngành sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào?
- Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay, trước hết cần phải giải quyết cho được tận gốc 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như tôi đã nói ở trên, và cần cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp như tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống như: phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục của 3 môi trường "gia đình - nhà trường - xã hội", tiếp tục thí điểm thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp... Cùng với đó, ngành cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Thưa Bộ trưởng, "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", với cương vị là tư lệnh của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với nhiều lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, ông có tâm sự gì về ghế nóng của mình trong năm qua?
- Khi Bác Hồ nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" với ý nghĩa là văn hóa phải được coi trọng hàng đầu, có vai trò quan trọng nhất, định hướng sự phát triển của đất nước, với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi càng ngày càng thấm thía hơn câu nói trên của Bác. Đầu tiên là văn hóa, và xét cho đến cùng, mọi sự phát triển đều hướng đến thước đo giá trị của văn hóa. Đây là một trong những lý do tại sao UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững.
Ở đây chúng ta cũng cần thấy rằng, văn hóa tồn tại ở tất cả mọi nơi, văn hóa liên quan đến những giá trị cao đẹp, chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội nên văn hóa luôn luôn nhạy cảm. Những vấn đề văn hóa, dù có thể chưa biết kết quả trước - sau thế nào, cũng nhận được sự quan tâm của xã hội. Kèm với đó, sự thay đổi của điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cũng tác động rất lớn đến văn hóa, khiến văn hóa phải thích nghi, biến đổi để phù hợp với bối cảnh. Và cũng chính vì vậy, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng có kỳ vọng như thế nào về bước phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm mới 2019?
- Năm 2019 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương tiến hành tổng kết Chiến lược này, từ đó, xác định các bước triển khai tiếp theo. Tôi kỳ vọng nhiều vào những tác động tích cực từ các chính sách, phong trào, hoạt động văn hóa đối với vấn đề đạo đức xã hội.
Chúng ta đã triển khai nhiều phong trào người tốt, việc tốt, có thêm những chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đi kèm với những chấn chỉnh trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những chính sách, hoạt động đó đang dần dần đi vào đời sống và lan tỏa để trở thành những giá trị, chuẩn mực, tấm gương tốt cho toàn xã hội. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng là cơ hội để biến khát vọng tăng cường sức mạnh của dân tộc từ văn hóa thành sự thật. Văn hóa có tiềm năng kinh tế và đang chứng minh tiềm năng đó. Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ sáng tạo chính là cách phát triển bền vững nhất.
Những chiến công vang dội của thể thao trong năm 2018 cũng là tiền đề để cho chúng ta mong đợi những thành công tiếp theo trong năm 2019, đặc biệt là SEA Games vào dịp cuối năm.
Du lịch Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế. Sự ổn định chính trị, vẻ đẹp của văn hóa, con người cộng với những nỗ lực của những người làm du lịch sẽ giúp cho chúng ta không chỉ đạt được những giải thưởng du lịch quốc tế uy tín, mà thực sự, đạt được giải thưởng từ chính tình cảm của các du khách. Tôi tin tưởng du lịch trong năm 2019 sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng ấn tượng.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Cẩm Thúy - Hoàng Minh (thực hiện)
Theo Daioanket
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: "Chưa nhận được thông tin quan chức góp tiền xây chùa" Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định "chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc quan chức góp tiền để xây dựng chùa" và đề nghị đại biểu Quốc hội có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định...