Không dưng Petrolimex lãi “khủng”
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải “bỗng dưng” Tập đoàn Petrolimex có lãi lớn trong năm 2015…
Người dân “dễ chấp nhận và thấy khách quan”
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến mức lợi nhuận “khủng” vừa được Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố. Theo đó, lợi nhuận mà tập đoàn này thu về trong quí IV/2015 (chưa soát xét) là 1.003 tỉ đồng, chênh lệch rất lớn với cùng kỳ năm ngoái. Quí IV/2014, tập đoàn này báo lỗ 1.159 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Petrolimex lãi ròng 3.138,5 tỉ đồng trong khi năm 2014 lỗ hơn 9 tỉ đồng. Riêng với công ty mẹ, báo cáo tài chính (chưa soát xét) ghi nhận con số 1.806,7 tỉ đồng lãi ròng trong quí IV/2015 và lũy kế 2.141,9 tỉ đồng cho cả năm 2015. Những con số này đếu vượt xa so với cùng kỳ.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc tập đoàn này cũng giải thích trong báo cáo giải trình rằng, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex chênh lệch lớn so với cùng kỳ như vậy là do trong năm 2015, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, vân tải, dịch vụ … có tăng trưởng so với năm 2014.
Giá xăng dầu thế giới quí IV/2015 tuy vẫn cùng xu hướng giảm như quí IV/2014 nhưng mức giảm giữa các tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên việc phải đảm bảo dự trữ tồn kho theo quy định của kinh doanh xăng dầu không tác động trầm trọng tới doanh nghiệp. Trong khi đó, sản lượng xuất bán xăng dầu tại thị trường trong nước của tập đoàn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các lý do nêu trên chỉ là để người dân “dễ chấp nhận và thấy khách quan” về mức lãi khủng mà Petrolimex công bố. Thực tế, theo ông Long, chi phí kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là Petrolimex hợp lý như thế nào để dẫn đến lãi lớn đến nay người dân vẫn chưa được thấy rõ.
“Không dưng” lãi lớn!
Video đang HOT
PGS.TS Ngô Trí Long phân tích: Từ 1.11.2014, chi phí kinh doanh định mức đối với mặt hàng xăng được nâng lên 1.050 đồng/lít; với diesel, dầu hỏa là 950 đồng/lít; với dầu mazut là 600 đồng/kg. Các con số chi phí kinh doanh định mức trước đó chỉ là 860 đồng/lít đối với xăng và dầu diesel, 500 đồng/kg đối với dầu mazut.
Bên cạnh chi phí kinh doanh định mức được nâng lên này, doanh nghiệp xăng dầu còn được tính thêm lợi nhuận định mức trước thuế (tức lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước) của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là 300 đồng/lít,kg. “Giá xăng dầu liên tục giảm mà chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp lại tăng lên mạnh như thế, lãi lại “ấn” cố định, doanh nghiệp xăng dầu không lãi to mới là chuyện lạ”-ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, đã đến lúc phải có cơ quan chuyên môn khách quan, độc lập xem xét và đánh giá lại các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xăng dầu xem nó đã hợp lý chưa để có những điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế, theo ông Thắng, giá dầu thế giới đã giảm tới hơn 70% kể từ tháng 6.2014 do tình trạng dư cung kéo dài song giá xăng dầu trong nước đã chưa thực sự giảm tương xứng, chi phí định mức kinh doanh của doanh nghiệp lại được đẩy lên cao hơn, thuế phí đối với mặt hàng xăng dầu được thu nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng phân tích rằng, điều hành giá xăng dầu hiện nay mới chỉ theo nguyên tắc “15 ngày thay giá một lần”.
“Giá bình quân xăng dầu nhập khẩu mà liên bộ Tài chính-Công Thương vẫn thường công bố mỗi 15 ngày đã chính xác với giá bình quân thực nhập xăng dầu của doanh nghiệp hay chưa, nó có đủ để làm căn cứ tính giá xăng dầu bán ra với doanh nghiệp không?… là những gì người dân đang cần câu trả lời từ các cơ quan chức năng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Cuối cùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, để hài hòa lợi ích Nhà nước-doanh nghiệp-người dân, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
“Tất nhiên, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải được có lãi nhưng Nhà nước là người đề ra chính sách phải cân bằng làm sao để lãi đó hợp lý. “Doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng quá như thế cũng là chưa tương xứng với quyền lợi của người dân tiêu dùng xăng dầu rồi”, ông Long kết luận.
Theo Danviet
Cước TAXI: Cần một cơ chế hợp lý
Khi giá cước mang tính thị trường hơn, không còn là chuyện áp đặt hành chính thì mới hết cảnh phải chờ đợi ít nhất 7-10 ngày cho một lần điều chỉnh...
Ảnh minh họa
Quanh câu chuyện lình xình cước taxi chây ì không chịu giảm ngay khi giá xăng dầu liên tục lao dốc, nhiều người thực sự "choáng" với phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình, rằng phải mất 7-10 ngày mới có thể tiến hành giảm giá cước bởi phải chờ làm thủ tục, hồ sơ, hiệu chỉnh đồng hồ...
Đó là điều hết sức vô lý trong tiến trình thị trường hóa các hoạt động kinh tế hiện nay, cũng rất "khập khiễng" với phương thức điều hành giá xăng dầu là điều chỉnh 15 ngày/lần được cơ quan quản lý Nhà nước đang áp dụng.
Đáng lý ra, việc định giá bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào trong một nền kinh tế thị trường phải tuân thủ nguyên tắc "thuận mua vừa bán", còn ở đây là chuyện giá phải qua xét duyệt. Đáng lẽ việc điều chỉnh giá cước taxi phải song hành cùng với điều chỉnh giá xăng dầu, nhưng ở đây là quyền lợi của một trong các bên không được đảm bảo: giá xăng dầu giảm thì người dùng thiệt ít nhất trong 7-10 ngày chờ hãng taxi điều chỉnh cước; hoặc tài xế thiệt nếu giá cước không điều chỉnh kịp thời sau khi giá xăng dầu tăng lên.
Và trong cơ chế vận động giá cước kiểu đó, điều khó hiểu là bảng giá của rất nhiều hãng taxi tương đối giống nhau. Theo trang websosanh.vn, cập nhật đến 17/1/2016, đa số các hãng taxi có giá mở cửa trong khoảng 5-6 nghìn đồng; giá cước 30km đầu tiên ở khoảng 10-11 nghìn đồng/km. Trong đó, có hãng giá cước không thay đổi gì so với bảng niêm yết từ tháng 6/2015. Rất khó để giải thích cho việc các hãng đồng loạt giữ giá cước giống nhau như vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu đã giảm tới 9 lần liên tiếp tính đến thời điểm này.
Một bất cập khác, nhu cầu sử dụng dịch vụ taxi thường có chu kỳ: tăng cao vào các giờ cao điểm, ngày lễ tết, mưa gió... trong khi lại khá "ế" vào thời điểm khác. Việc áp giá cước cố định ở vào giai đoạn nhu cầu tăng cao đột biến cũng lại mang tính phi thị trường, bởi khi đó nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn để được phục vụ. Ngược lại, nếu thu được mức chi trả cao hơn ở giờ cao điểm, các hãng taxi cũng có điều kiện để cạnh tranh giá thấp ở thời gian thấp điểm, công bằng cho cả người dùng và tài xế, hãng xe.
Những bất cập trên được kỳ vọng sẽ được xóa bỏ trong thời gian tới. Nhờ công nghệ, một số ứng dụng kết nối người cần di chuyển và tài xế ra đời, như Uber, GrabTaxi... đang tạo ra môi trường cho những thỏa thuận giá minh bạch hơn. Dịp Tết rồi, nhiều khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ taxi Uber ở một số thời điểm đắt hơn so với giá cước taxi thông thường.
Việc kết nối hệ thống hoàn toàn bình thường, khi cho hiển thị các xe sẵn sàng phục vụ trên hệ thống và xe trống gần nhất phải phục vụ khách hàng. Nhưng, mức giá cước được định ra với từng trường hợp cụ thể, có khi là tính thêm vào giá mức tăng 40%, thậm chí 70%... Đương nhiên khách hàng vẫn hoàn toàn có quyền lựa chọn đi hay không.
Lâu nay, Uber hay GrabTaxi... vẫn được cho là có khả năng cung cấp dịch vụ giá cước thấp hơn các hãng taxi thông thường, tài xế cũng được lợi vì nhiều chính sách thưởng, hỗ trợ... Nhưng qua trường hợp vừa rồi có thể thấy, những ứng dụng này đang đặt ra một cuộc chơi mới, theo điều kiện thị trường rất cụ thể và minh bạch, công bằng: bên phục vụ ra giá và khách hàng có quyền chấp nhận hay từ chối; trong điều kiện này thì giá có thể thấp, ở điều điện khác giá sẽ phải thỏa thuận ở mức cao hơn...
Phải chăng, đó chính là cơ chế cần thiết nhân rộng cho thị trường vận tải taxi hiện nay, khi mà nó đã tạo ra được một cơ chế phục vụ linh hoạt về giá, đảm bảo không gián đoạn dịch vụ và quyền quyết định sử dụng dịch vụ hay không hoàn toàn nằm ở khách hàng?
Còn tất nhiên, câu chuyện vẫn bàn cãi lâu nay về quản lý xe và tài xế, về phương thức thu thuế, hay về rủi ro an toàn... lại là câu chuyện khác, ở một góc độ quản lý khác mang tính hành chính và liên quan đến thực thi pháp luật. Nhưng đó chẳng phải là nơi để phát huy vai trò "Nhà nước kiến tạo"?
Bởi chỉ khi giá cước mang tính thị trường hơn, không còn là chuyện áp đặt hành chính thì mới hết cảnh phải chờ đợi ít nhất 7-10 ngày cho một lần điều chỉnh...
Theo Thời Báo Ngân Hàng
'Thuế phí chiếm 40,8% lợi nhuận, doanh nghiệp nhỏ đi, chết đi là phải' 'Doanh nghiệp phải đóng 40,8% lợi nhuận cho nhà nước thông qua thuế phí. Như vậy doanh nghiệp tư nhân làm sao chịu được. Doanh nghiệp nhỏ đi là phải, chết đi là phải'. Trước tình trạng số lượng doanh nghiệp chết, tạm dừng hoạt động ngày càng tăng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện nay doanh nghiệp tư...