Không để vốn vay ngân hàng tiếp tay cho tín dụng đen
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng các kênh cung cấp vốn, giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhưng cũng kiểm soát chặt không để vốn ngân hàng tiếp tay cho tín dụng đen.
Ngày 26-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khi Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành NH góp phần hạn chế tín dụng đen.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết hội nghị được NHNN tổ chức trực tuyến trên 63 tỉnh, TP cả nước nhằm cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp của ngành NH để đẩy mạnh tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay sản xuất kinh doanh để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.
Số liệu của NHNN cho thấy ngành NH đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, TP với tổng số tiền khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Hội nghị của toàn ngành NH nhằm trao đổi giải pháp tăng kênh tiếp cận vốn, giảm tín dụng đen. Ảnh: Linh Anh
Trong khi đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, cả nước có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ g.i.ế.t người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo… Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, nhìn nhận chưa có khái niệm chính thống về tín dụng đen cũng như quy định của pháp luật. Tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của NHNN với lãi suất rất cao so với quy định, hay là cho vay nặng lãi.
Đối tượng vay nặng lãi mà các tổ chức, cá nhân nhắm tới là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu vùng xa không có hiểu biết, đối tượng cờ bạc cá độ bóng đá…
Video đang HOT
“Tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa “kết nối NH và khách hàng”… Các đối tượng cho vay nặng lãi thường không quy định lãi suất cụ thể mà thường tính lãi suất theo ngày; thu nợ với nhiều hình thức trái pháp luật, thuê xã hội đen” – ông Phạm Huyền Anh dẫn chứng.
Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, tín dụng đen chưa ảnh hưởng đến ngành NH, nhưng nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến vốn vay được sử dụng để cấp cho các đối tượng cho vay nặng lãi, từ đó nguy cơ rủi ro, nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của NH. Do đó, ngành NH đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho vay, phục vụ đời sống tiêu dùng, chỉ đạo hệ thống tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi, tiếp cận cho vay nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, công khai, minh bạch các mức lãi suất cho vay, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn… Tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tín dụng vi mô không để xảy ra tình trạng móc ngoặt, tiếp tay cho tín dụng đen.
Dưới góc độ cơ quan công an, ông Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, đánh giá tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngành công an cũng áp dụng nhiều giải pháp. Đáng lưu ý, tín dụng đen không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà các KCN – KCX, TP lớn…
Các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn, nhưng lại gắn nhiều thủ đoạn đòi nợ, nếu không trả nợ thì chỉ bỏ nhà đi trốn nhưng trốn cũng không xong vì bị xã hội đen tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan… Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê, các công ty tài chính cấp phép hoặc không được cấp phép, các tổ chức biến tướng huy động vốn với lãi suất rất cao, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, góp hội, họ, phường, dưới hình thức cho vay trực tuyến, cho vay online…
“Trong khi người đi vay không chỉ hộ nghèo, sinh viên mà cả cán bộ công chức, đối tượng chơi cờ bạc, lô đề hoặc đầu tư vào hoạt động bất hợp pháp. Lãi suất cao “cắt cổ” tính theo ngày, tuần ở mức rất cao khiến nhiều người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng vài tháng sau đã phải viết giấy nợ hàng trăm triệu đồng, không có khả năng trả nổi” – ông Phạm Văn Tám nói.
Để đẩy lùi tín dụng đen, theo đại diện Bộ Công an cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành. Bộ Công an đang có kế hoạch điều tra cơ bản, yêu cầu tất cả công an từng địa phương lên từng đối sách với từng băng nhóm, đối tượng. Chỉ đạo các công an đơn vị địa phương mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, gắn với bảo vệ an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên Đán. Cơ quan công an cũng đề nghị ngành NH cần đơn giản thủ tục, hồ sơ vay vốn và cung cấp nhiều gói tín dụng phù hợp đối với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và nhiều đối tượng có nhu cầu vốn phù hợp.
Thái Phương – Thy Thơ
Theo nld.com.vn
Vay trực tuyến lãi suất 700% vẫn có hàng ngàn người xin vay
Có công ty cho vay trực tuyến thành lập chưa được một năm mà hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn xin vay.
Tại buổi tập huấn về thị trường tài chính tiêu dùng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hôm cuối tuần, các chuyên gia tài chính nhìn nhận mô hình cho vay ngang hàng - P2P (cho vay trực tuyến, online) đang phát triển rất "nóng" tại Việt Nam nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng.
Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực thông tin có công ty cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017 nhưng mỗi ngày có tới 2.000 đơn xin vay, cho thấy nhu cầu là rất lớn.
Ở các nước mô hình này cũng phát triển, riêng Trung Quốc, dư nợ cho vay trực tuyến tính đến cuối năm ngoái vào khoảng 30-40 tỉ USD, với hơn 6.000 công ty. Tuy nhiên, do mô hình này bị biến tướng nên cơ quan quản lý Trung Quốc đã ra tay dẹp từ 6.000 xuống còn khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Mô hình cho vay trực tuyến mới xuất hiện ở Việt Nam gần đây nhưng nhu cầu của người vay rất lớn. Ảnh: Linh Anh
Theo TS Cấn Văn Lực, đây là cách thức cho vay không thông qua trung gian là ngân hàng thương mại, chỉ có đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và người vay, giống như Uber, Grab trong lĩnh vực taxi đã xuất hiện ở Việt Nam.
Vì sao cách thức cho vay này lại nở rộ thời gian qua? TS Cấn Văn Lực cho rằng trong thực tế đời sống, luôn có người cần vay và người muốn cho vay, điển hình là các hiệu cầm đồ luôn có đất sống. Và nhờ công nghệ phát triển nhanh nên người vay và bên cho vay có thể kết nối với nhau mà không thông qua các định chế tài chính ngân hàng, công ty tài chính...
"Mô hình này có nhiều ưu điểm, chi phí thấp, giải ngân nhanh nhưng đáng lo là hình thức này đang bị biến tướng, do nhiều người huy động vốn xong không cho vay mà lấy tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác. Mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, bên vay và người cho vay (nhà đầu tư) không rõ ràng... Đồng thời hiện chưa có cơ sở pháp lý để quản lý mô hình cho vay này" - TS Cấn Văn Lực nói.
Cũng chính vì chưa có khung pháp lý nên các công ty, nhà đầu tư cho vay xong sẽ dùng nhiều biện pháp để đòi nợ, thu hồi nợ, bao gồm cả thuê xã hội đen... Một số công ty cho vay trực tuyến lợi hình thức cho vay này rồi đưa thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên cả 100%/năm, thậm chí 720% mỗi năm như báo chí phản ánh thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn trực tuyến rất lớn nhưng cơ quan quản lý lại chưa có cơ sở pháp lý nên rủi ro sẽ cho cả bên đi vay lẫn người cho vay. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào mô hình này càng rủi ro hơn.
Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần định hướng, có khung pháp lý cho mô hình này hoạt động, phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khung pháp lý cần được xây dựng càng sớm càng tốt, chứ không hẳn thấy khó quản lý thì cấm.
"Cho vay trực tuyến bản chất là cho vay dân sự, đã xuất hiện trên thế giới từ lâu và chỉ mới có ở Việt Nam gần đây. Về mặt hình thức cơ bản đã có hình hài rồi. Mô hình cho vay này cũng không thể cấm vì là xu hướng tất yếu của công nghệ, vấn đề là chúng ta phải có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thì tốt hơn" - TS Lực nhận xét.
Nhiều công ty đang cho vay online với lãi suất rất cao. Ảnh minh hoạ: NLĐ
Thái Phương
Theo nld.com.vn
Tài chính 24h: Lợi nhuận 2019 của Vietinbank đạt 7.555 tỷ đồng? Các chuyên gia tại Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo VietinBank sẽ ghi nhận lỗ khoảng 765 tỷ đồng trong quý IV, chủ yếu là do chi phí dự phòng tăng và/hoặc thoái lãi dự thu. Ảnh minh họa. HSC: Lợi nhuận năm 2019 của Vietinbank đạt 7.555 tỷ đồng HSC dự báo, năm 2019, HSC lợi nhuận trước thuế của...