Không để giá hàng hóa “cố thủ” chậm giảm theo giá xăng dầu
Giải pháp căn cơ để điều chỉnh giá cả hàng hóa là phải tăng cường các biện pháp hành chính, thanh, kiểm tra và nêu cao ý thức của doanh nghiệp và người dân.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần. Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, mặc dù giá xăng dầu đã giảm sâu nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.
Có độ trễ nhưng không thể quá lâu
Tại buổi tọa đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/8, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá ( Bộ Tài chính), nhận xét, sở dĩ có tình trạng này là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi mặt hàng này được điều chỉnh giảm cần có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp đến giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.
Các khách mời tại tọa đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp”.
Nhận định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho thấy, thông thường, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu thường ngắn trong khi dự báo giá xăng dầu còn nhiều biến động, cho nên các doanh nghiệp (DN) tính toán, nếu giảm giá ngay các mặt hàng khác có liên quan sẽ sợ rằng sau này giá xăng dầu tăng lại khó điều chỉnh theo, người tiêu dùng sẽ lại phản đối, không đồng tình.
“Đây là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay đến mấy tháng, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần là phải điều chỉnh ngay”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Vũ Vinh Phú, tình trạng này được coi như là một “căn bệnh” trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay. Đó là sự phân phối không công bằng để cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều.
“Hệ thống phân phối còn quá nhiều bất cập khiến khâu trung gian có điều kiện làm tăng giá hàng hóa, trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã được hưởng lợi và người dân, người tiêu dùng luôn phải mua hàng với giá đắt. Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn, không giải quyết được điểm nghẽn thì câu chuyện “té nước theo mưa” hay “lên nhanh xuống chậm” sẽ rất khó chấm dứt”, ông Phú chỉ ra.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát kê khai giá của DN để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Làm thế nào để giảm giá hàng hóa?
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, hiện có 3 nhóm mặt hàng khiến cho chỉ số CPI tăng cao, chiếm tới 80% tổng mức tăng. Trong đó, nhóm giao thông vận tải đã chiếm khoảng 55 % cơ bản vẫn là do giá xăng dầu.
Nhóm thứ hai là lương thực thực phẩm chiếm khoảng 13% tổng mức tăng và nhóm thứ ba là nhóm vật liệu xây dựng đã chiếm tới 80% tổng biên độ tăng CPI 7 tháng đầu năm vừa qua, do đó cần tập trung kiểm soát giá cả 3 nhóm này là việc làm rất quan trọng.
Theo đó, cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách. Trong đó cần làm rõ nguyên nhân cụ thể của việc tăng cấu phần giá. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát nhưng cũng không thể làm triệt để được nếu ý thức của người dân và DN chưa vào cuộc. Do đó, cần tăng cường thêm ý thức cả DN và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
Giá hàng hóa thiết yếu tại siêu thị, chợ dân sinh từng tăng mạnh theo giá xăng dầu, nhưng nay giá xăng dầu đã giảm vẫn có một vài mặt hàng giá còn tăng thêm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương đưa ra giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như ngư dân đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp.
Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc, trong lĩnh vực vận tải, cung phương tiện ít, nhu cầu vận tải lớn, dù kêu gọi áp dụng mệnh lệnh hành chính thì chỉ tác dụng nhất định. Quan trọng là làm sao đáp ứng cung đủ cầu, lúc đó tự thị trường điều tiết.
“Yếu tố quan trọng là không chỉ cơ quan hành chính mà các DN cần phải vào cuộc, bảo vệ người tiêu dùng. Hội người tiêu dùng, Hiệp hội vận tải cần lên tiếng để không chỉ vì quyền lợi của DN vận tải mà còn giúp các DN vận tải có nhận thức về trách nhiệm chung”, ông Bảo nói.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, vấn đề giá có phạm vi rộng, ngoài các giải pháp về kỹ thuật cần có thêm các giải pháp khác. Để đưa giá cả hàng hóa về giá trị thực trước tiên cần coi trọng vấn đề cung – cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và nhất là việc giảm các khâu trung gian.
Phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, ngoài biện pháp hành chính còn huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội DN, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các chợ, các khu phố vào cuộc, làm sao để những người buôn bán tự giác giảm giá hàng hóa một phần hoặc theo tiến độ giảm của giá xăng dầu, từ đó chia sẻ trách nhiệm chung với cộng đồng xã hội.
Sau thuế, phí xăng dầu đang hành doanh nghiệp
Không chỉ chậm giảm thuế, các loại phí đang đổ vào giá xăng dầu, đẩy giá mặt hàng này tăng cao cũng chưa được bỏ hoặc xem xét lại một cách thấu đáo trong nỗ lực kìm chế lạm phát.
Đơn cử là đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Bộ Tài chính từ giữa tháng 6 vừa qua, nhưng đến nay không thấy biến chuyển gì khiến giá xăng không thể giảm mạnh như kỳ vọng. Cụ thể, trong 4 lần giảm giá xăng liên tiếp vừa qua, có 2 lần giảm 3.000 - 3.600 đồng/lít xăng, gần đây giảm 450 đồng/lít. Thế nhưng, lần nào Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn được trích lại 800 - 950 đồng/lít khiến mức giảm của xăng bị cắt gọt. Đơn cử, nếu không trích quỹ, trong 2 lần giảm giá từ 3.000 - 3.600 đồng/lít thì lẽ ra xăng phải được giảm 4.000 - 4.600 đồng/lít. Hay ngày 1.8 vừa qua, nếu không trích Quỹ bình ổn giá 800 đồng thì xăng phải giảm được 1.250 đồng/lít, thay vì giảm có 450 đồng.
Các chuyên gia cho rằng nên xem xét rà soát lại các loại phí đánh vào giá xăng dầu vì đang đẩy giá bán lẻ lên cao. Ảnh NHẬT THỊNH
Trong cơ cấu giá thành một lít xăng dầu, ngoài khoản thuế chiếm gần 30%, số còn lại là phí cũng chiếm hơn 5%. Trong đó, có mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là khá vô chừng. Chẳng hạn, mức trích trước đây khoảng 300 đồng/lít, nhưng nhiều kỳ điều chỉnh giá, khi thấy giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, cơ quan điều hành mạnh tay trích giữ lại quỹ số tiền lớn hơn. Chẳng hạn trích gần cả 1.000 đồng/lít xăng liên tục trong 3 lần điều chỉnh vừa qua. Như vậy, xăng bị mất cơ hội giảm thêm gần 3.000 đồng/lít trong tháng 7.
Ngoài ra, một lít xăng dầu nhập khẩu hiện phải được cộng thêm khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển. Ngày 2.8, một ngày sau khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, hàng trăm đại lý bán xăng dầu trên một diễn đàn xăng dầu tỏ ra khá bức xúc khi cho rằng, các đầu mối cung cấp xăng dầu đã giảm chiết khấu xăng dầu quá lớn. Cụ thể, mức chiết khấu trước khi giá xăng dầu điều chỉnh khoảng 600 - 900 đồng/lít (bao gồm phí vận tải khoảng 300 đồng/lít) nay xuống khoảng 200 - 400 đồng. Theo một số chủ cây xăng, việc giảm chiết khấu này để đầu mối bù vào mức giảm giá xăng dầu ngày hôm trước và giá xăng dầu tăng hay giảm thì đại lý bán lẻ chịu thiệt chứ nhà đầu mối xăng dầu không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong cơ cấu tính thuế giá bán lẻ xăng dầu đến nay vẫn có hiện tượng tính thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế giá trị gia tăng được đánh 10% trên giá bán ra và cơ cấu giá bán đã gồm các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Cũng vì lằng nhằng các loại trích quỹ, chiết khấu, hiện tượng cây xăng đóng cửa, hết hàng vừa tái diễn trở lại với lý do bán càng nhiều càng lỗ.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, cho rằng nên xem xét rà soát lại các loại phí đánh vào giá xăng dầu vì đang đẩy giá bán lẻ lên cao. Trong đó, chức năng "bình ổn" giá của Quỹ bình ổn giá xăng dầu nay khá mờ nhạt và thậm chí bị hiểu sai, lệch lạc cho nền kinh tế thị trường. Đề xuất bỏ Quỹ này đồng nghĩa với bỏ việc trích lập quỹ, sẽ khiến giá xăng dầu được điều tiết tự nhiên hơn trong một nền kinh tế đã hội nhập sâu với thế giới.
"Tôi băn khoăn chưa rõ tại sao đã có đề xuất bỏ, lại ngay lập tức trích lập rất cao, có phải để bù cho số âm quỹ trước đó? Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành xăng dầu trong thời gian qua liên tục báo lãi, lãi lớn, lãi đậm. Con số này có nằm trong số "lợi nhuận định mức" mà giá xăng dầu phải trích lập miệt mài hay không?', ông Việt đặt vấn đề.
Giá xăng có thể giảm hơn 1.300 đồng/lít nếu không trích quỹ bình ổn Ở kỳ điều hành ngày 1/8, liên bộ tiếp tục trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng ở mức 800-850 đồng/lít. Điều này khiến giá xăng không thể tiếp tục giảm mạnh như 2 kỳ vừa qua. Từ 15h ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 450 đồng/lít còn 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít còn 25.600...