“Không đánh giỏi là… chết!”
“Trước hết phải có lòng yêu nước, nhưng ở chiến trường, đánh giỏi là điều kiện tiên quyết để sống. Bộ đội ta đã làm được”, PGS. TS Nguyễn Đình Lê nhấn mạnh khi nói về điều “chỉ Việt Nam làm được” qua chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
PGS.TS Nguyễn Đình Lê hiện là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Cận – hiện đại, trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Sau những thất bại trên chiến trường miền Nam, Hoa Kỳ đã quyết định dùng đến quân bài chiến lược là B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Ông có thể nói gì về tham vọng của đế quốc Hoa Kỳ trong trận chiến quyết định này?
Theo tôi, đánh phá Hà Nội bằng B52 với Hoa Kỳ là cuộc thử lớn, với mục tiêu đánh cho chúng ta kiệt quệ đi chứ không hẳn đánh để tạo điều kiện cho việc ký hiệp định, bởi lẽ nếu không đánh, ta vẫn tiến lên giành thắng lợi cuối cùng… Và trước sau Hoa Kỳ cũng vẫn ký hiệp định Paris. Hoa Kỳ đánh để “Hà Nội không còn 2 viên gạch dính vào nhau”, để 2 thập kỷ sau cũng chưa khôi phục lại được. Sau nữa, đánh để lên dây cót cho chính quyền Sài Gòn, để bảo lãnh cho Thiệu với nghĩa “cứ ký hiệp định đi, có gì còn Hoa Kỳ đằng sau” nữa.
Có thể có 1 khả năng nữa là Hoa Kỳ đánh trận này như một trận phục thù. Tôi mới đi Hawai để xem xét lại trận Trân Châu Cảng thì trong chừng mực nào đó thấy có điểm tương tự. Nhật đánh Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ mang bom nguyên tử trả thù.
Không kể Tổng thống Gerald Ford, đã có 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ sa lầy trong cuộc chiến tại Việt Nam và Hoa Kỳ gần như đã huy động hết tiềm lực của mình. Một nước Hoa Kỳ lớn như thế, chưa từng thua ai trong 200 năm lịch sử, một đất nước cao ngạo, ngay cả khi thương lượng với Liên Xô, với Trung Quốc bao giờ cũng muốn ở thế thượng phong, vậy mà 20 năm sa lầy ở Việt Nam, không thể thắng được. Vì thế, Hoa Kỳ muốn rửa nhục, phục thù.
PGS.TS Nguyễn Đình Lê: “Nếu chỉ bắn rơi 10 chiếc B52 thì cũng đã là chuyện động trời”.
Đối diện với âm mưu đánh phá Hà Nội bằng B52, phía ta có hoàn toàn chủ động không, thưa ông?
Khi Hoa Kỳ bắt đầu đánh phá lại miền Bắc là ta có phần bị động – có lý do chắc chắn để nói vậy. Ta đánh 3 chiến dịch lớn ở miền Nam vào cuối tháng 3/1972 thì chỉ mấy ngày sau Hoa Kỳ đánh phá miền Bắc. Thực sự là ta bất ngờ. Tất cả hệ thống phòng thủ lớn nhất của Bắc Bộ rút hết vào khu 4. Tháng 6 ta mới bắt đầu bố trí lại lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội
Có điều chắc chắn là Hoa Kỳ tin Việt Nam không bắn được B52. Có 2 sự kiện để Hoa Kỳ tin điều này: Năm 1970, khi lính biệt kích Hoa Kỳ nhảy dù xuống thị xã Sơn Tây – trung tâm “thủ đô bộ đội” ở đó – hòng cứu phi công, thì lực lượng ra đa cảnh vệ quốc gia của ta không phát hiện kịp; Vụ Hoa Kỳ dùng B52 rải thảm Hải Phòng (16/4/1972) ta không đối phó được, không bắn rơi máy bay nào dù đã sử dụng rất nhiều SAM 2.
Từ ngày 18/12/1972, khi ta chủ động thực sự nhiều thứ thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, Bộ Chính trị đặt quyết tâm cần ít nhất bắn rơi tại chỗ một máy bay B52. Nhưng trong chiến dịch Line Backer II, cục diện đã khác. Ta đã bắn rơi hàng chục máy bay B52. Hoa Kỳ nói không phải 34 chiếc đâu, mà 15 chiếc. Nhưng nếu rơi 15 máy bay chiến lược của Hoa Kỳ như họ nói thì lực lượng phòng không của miền Bắc đã quá giỏi rồi. Thế giới khi đó chưa ai bắn được B52. Chỉ ở Việt Nam mới làm được điều đó – khủng khiếp đấy chứ.
Sau những “lỗ hổng chết người” ở các trận Sơn Tây, Hải Phòng như ông nói ở trên, tại sao ta có sự thay đổi nhanh đến như vậy trong trận Điện Biên Phủ trên không?
Đó là cái giỏi vượt bậc của lực lượng vũ trang của ta. Trận ở Hải Phòng, có thể nói chiến tranh từ xa của ta không tốt, biển ta không giữ được. Nhưng khi Hoa Kỳ đưa máy bay vào Hà Nội, đi sâu vào đất liền hàng trăm cây số, ra đa hoàn toàn có thể biết được. Sau này có thể nói đơn giản, ta kết hợp giữa phương tiện hiện đại và thô sơ để có thể phát hiện máy bay địch.
Và một sự thật, 4 ngày sau khi B52 ném bom, ta phát hiện ra 1 quy luật, máy bay Hoa Kỳ xuất phát từ 2 nơi, từ Udon và Guam, tập kết ở một số địa bàn cố định sau đó sử dụng chế độ lái tự động để thả bom. Bộ tội ta phát hiện ra những điểm đường chéo giao nhau và dồn hỏa lực phòng không vào “tọa độ chết”. Ngày lực lượng phòng không của ta bắn rơi nhiều B52 nhất là nhờ có “bí quyết” này. Đó là chuyện rất mẹo mà chỉ Việt Nam mới làm được.
Video đang HOT
Với sức hủy diệt của B52 cùng lực lượng hùng hậu mà Hoa Kỳ huy động, hẳn người dân miền Bắc ở thời điểm đó cũng “tâm trạng”, thưa ông?
Lo thì ai… chẳng lo. Trước đó địch còn rải truyền đơn nói rằng máy bay này ở tít trời cao, trên 11 km vẫn không ai thấy được, không ai nghe tiếng động cơ mà chỉ biết B52 đến bởi khói và bom dày đặc. Sau này ở chiến trường, chứng kiến B52 đánh thực sự thì kinh khủng vì khoảng 30 tấn bom cùng nổ trong khoảng 3-10 giây, trong khi phải 7-8 chiếc tiêm kích muốn ném 30 tấn bom phải cần khoảng 1 giờ. Tôi chứng kiến một đợt ném ở khoảng cách 3km mà thấy vô cùng khủng khiếp.
Nhưng với thắng lợi đầu tiên, khi chiếc máy bay rơi ở Bắc Hà Nội thì dân rất tin vì một loại mà chưa ai bắn được, chưa từng chiếc nào rơi trên thế giới mà ta đã bắn được.
Phi công Hoa Kỳ thừa nhận, sau một vài ngày đánh phá Hà Nội, khi xuất phát tại sân bay để tham chiến, họ rất hoang mang vì những máy bay xuất phát trước đó đã không trở về nữa?
Mới đầu thì họ không tin việc B52 bị bắn hạ, nhưng sau đó thì phải tin. Lúc ấy, chính những người lính này trở thành những người lính phản chiến cuối cùng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trong các hội thảo vừa qua ông có đề cập việc con số B52 rơi ta công bố có khác với Hoa Kỳ, nhưng không kể đến sự khác nhau về con số thì các học giả Hoa Kỳ và quốc tế đánh giá thế nào về trận chiến này?
“Chỉ có Việt Nam làm được như vậy” là nhận định của nhiều người. Cụm từ “Điện Biên Phủ trên không” chính là do một nhà báo nói ra và đó là một khái quát rất đúng. Báo chí Hoa Kỳ thừa biết B52 hiện đại đến mức nào và khi Tổng thống Hoa Kỳ hay Bộ Tư lệnh không quân Hoa Kỳ nói đây chỉ là cuộc “dạo chơi” thì không phải không có lý. Nếu ta bắn rơi chỉ 10 chiếc thì cũng đã là chuyện động trời. Máy bay do thám U2 mà mãi Liên Xô mới bắn hạ được 1 chiếc, vậy mà không ngờ B52 lại bị bắn nhiều như thế. Họ phải thừa nhận điều đó, nhưng số liệu họ công nhận ít hơn.
Điều cốt lõi nào làm nên chiến thắng của Điện Biên Phủ trên không và có phải Hoa Kỳ đã không đánh giá hết khả năng của bộ đội ta?
Suy đến cùng, trụ cột trong trận này là của lực lượng phòng không – không quân, đây là lực lượng sống còn thực sự. Không thể nói Hoa Kỳ không tài, nhưng đối phương của họ vẫn tài hơn. Bộ đội ta không phải chỉ dũng cảm mà muốn sống nhất định phải giỏi. Trước hết phải có lòng yêu nước nhưng ở chiến trường, đánh giỏi là điều kiện tiên quyết để sống. Bộ đội ta đã làm được. Mà dường như đó là văn hóa của ta, bị chèn ép đến cùng đường thì làm được những việc phi thường. Trong hoàn cảnh cuối cùng nhất định phải nghĩ ra cách đánh không thì chết.
Chuyên gia Liên Xô xem xét xác máy bay B52 bị bắn rơi tại Hà Nội.
Có khi nào ông chia sẻ, cắt nghĩa với học giả Hoa Kỳ về thất bại của Hoa Kỳ trong trận Điện Biên Phủ trên không?
Có đồng nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu tôi trả lời thẳng thật câu hỏi vì sao họ thua. Tôi nói, Hoa Kỳ quá kiêu ngạo, nghĩ mình quá văn minh. Máu kiêu ngạo của Hoa Kỳ làm cả Sài Gòn tin. Tận mùa xuân 1975, khi ta đã giải phóng toàn bộ Tây Nguyên mà họ vẫn tin, bảo ta không đánh nổi Đà Nẵng, không đánh nổi Sài Gòn đâu. Như vậy là rất không hiểu đối phương. Nixon, Hoa Kỳ đã phải trả giá rất đau vì 4 đời tổng thống sa lầy và thất bại ở Việt Nam, cho cả danh dự của nước Hoa Kỳ.
Nếu không có chiến thắng này, diễn biến bàn đàm phán ở Hội nghị Paris sẽ thế nào, thưa ông?
Hoa Kỳ vẫn sẽ ký thôi. Nixon định làm cú lừa cả 2 bên sau hiệp định, Sài Gòn bị lừa, Hà Nội bị lừa. Hoa Kỳ lấy được tù binh ra rồi đánh tiếp. Đến khi đón được hơn 400 phi công trong đợt 2 ở Gia Lâm, Hoa Kỳ làm chiến dịch Duck Hook (Vịt đá). Hoa Kỳ ký Hiệp định nhưng với Tổng thống R.Nixon thì chưa chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đâu.
Tư liệu mới tiết lộ gần đây cho thấy Tổng thống R.Nixon muốn thực hiện chiến dịch Duck Hook ngay sau khi Hoa Kỳ nhận hết số tù binh ta trao trả ở Gia Lâm (29/3/1972). H.Kissinger muốn phát động chiến dịch đó muộn hơn vào dịp ông ta nhận xong giải thưởng Nô-ben hòa bình! Đấy, ý đồ của người đứng vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực của Hoa Kỳ lúc đó tính toán như vậy đấy.
Còn nếu Hoa Kỳ muốn gây sự đánh miền Bắc thì dễ lắm, không thiếu gì lý do! Có điều tại sao Hoa Kỳ không thực hiện được là vì vụ Watergate đã nhấn chìm R. Nixon. Và vụ đó cũng nhấn chìm luôn một tham vọng muốn đánh lại miền Bắc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Người lính già với vở rối nước "đánh B52"
Đào Thục - một làng quê ở ngoại ô Hà Nội thuộc huyện Đông Anh - có phường rối nước trên 300 năm tuổi. Bên cạnh các vở diễn truyền thống của làng như "Ba khí giáo trò", "Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống"... từng mê hoặc bao lớp người, nay có thêm vở mới: "Đánh B52".
Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu gia đình ông Đinh Thế Văn.
Tác giả của vở rối mới toanh này là ông Đinh Thế Văn - vị Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa từng hạ B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội bằng cách đánh độc đáo của mình.
Hai lần đánh "Điện Biên Phủ"
Nhà có hai anh đầu tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng năm 16 tuổi (1953), Đinh Thế Văn cũng xung phong vào bộ đội. Chàng trai "chưa đủ tuổi" ấy theo đoàn quân lên Tây Bắc để tham gia trận đánh cuối cùng với quân viễn chinh Pháp ngay tại lòng chảo Điện Biên. Kết thúc trận đánh lịch sử ấy, Văn cũng vừa tròn 17 tuổi đời với 2 tuổi lính, huân chương chưa "đầy ngực" nhưng hai năm "cơm vắt ngủ hầm" cũng đủ đểcho chàng trai trẻ nếm trải mùi chiến trận. Đó là trận đánh Điện Biên Phủ lần đầu của Văn.
Những tưởng được trở về làng và tiếp tục với nghề nông của gia đình, để mỗi tháng một lần, Văn sẽ theo cha ra đình làng tham gia diễn rối nước như bao bậc tiền bối của Đào Thục đã từng diễn rối từ thời Vua Lê Ý Tông (1735), nhưng cuộc chiến tranh chống Mỹ đã khép lại nhiều dự định của Văn. Ông tiếp tục đời quân ngũ rồi trở thành vị Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa khi vừa mới ngoài ba mươi.
Nếu như bắn máy bay các loại F của Mỹ là điều còn khá mới mẻ của lính phòng không ngày ấy thì việc đánh B52 còn lạ lẫm hơn. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội này, toàn binh chủng đã phải luyện tập không ngừng nghỉ suốt ngày đêm với bao gian khổ, nhưng tất cả đều hướng về mục tiêu là phải "hạ gục" cho bằng được pháo đài bay của không lực Mỹ ngay trên bầu trời thủ đô.
Đã 40 năm rồi mà ông Văn vẫn không quên cái đêm 18/12/1972 trước khi bước vào trận đánh để đời ấy: "Chúng tôi hồi hộp vô cùng. Tim như muốn vỡ ra khi nghe còi báo động vang lên và tiếng của những chàng trắc thủ báo cáo về tọa độ của từng tốp B52 lừ lừ tiến vào Hà Nội. Chúng tôi như những cậu học trò bước vào phòng thi, dù "ôn tập" đã khá nhuần nhuyễn và tự tin, song thật khó để biết rằng "đề thi" ấy liệu chúng tôi có giải được không? Và rồi, từng "bài toán" một, chúng tôi lần lượt tìm ra đáp số".
Ông Đinh Thế Văn trước thủy đình. Ảnh: Trà Ban
"Đáp số" mà ông Văn nói ấy chính là một trong hai chiếc máy bay B52 đầu tiên rơi ngay trong đêm 18/12/1972 mà Tiểu đoàn 77 của ông bắn rơi một chiếc. Ông Văn nhớ lại: "Lúc ấy là 23h9, một tốp B52 hiện lên màn hình ngày càng rõ. Bộ phận giải nhiễu cho hay, đích thị là con "ngáo ộp" ấy rồi. Đến cự ly 32km, tôi cho phát lệnh, 2 quả tên lửa lao vào trời đêm, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23km, nổ tung. Trắc thủ báo cáo "mục tiêu cháy rất to. Cả tiểu đoàn vỡ òa! Đó chính là chiếc B52rơi ở xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây - một trong hai pháo đài bay đã bị bắn hạ ngay trong đêm đầu tiên "khai hỏa" chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội".
Cũng cần nhắc lại rằng, trước khi Mỹ mở chiến dịch "đưa Hà Nội trở về thời đồ đá", bộ đội tên lửa của ta cũng đã từng bắn B52 nhưng chỉ nghe nói "lúc thì chúng rơi bên rừng Lào, khi thì chúng lê lết về sân bay Đà Nẵng", riêng lần này thì có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt "niềm kiêu hãnh" của không lực Mỹ rơi rụng xuống các cánh đồng miền Bắc Việt Nam. Đấy là lần thứ hai, ông Văn tham gia đánh Điện Biên Phủ, nhưng lần này là "Điện Biên Phủ trên không".
Đánh theo cách của Văn
Trong Bảo tàng Binh chủng Phòng không-Không quân hiện còn lưu giữ cuốn "sổ đỏ" nói về cách đánh B.52. Tiểu đoàn 77 của ông Đinh Thế Văn đã góp vào đấy những trang rất độc đáo mà không một giáo án nào trước đó đề cập đến. Đó là "đánh theo cách của Văn".
Ông Văn nói với tôi rằng, cuốn "sổ đỏ" ấy, khách tham quan chỉ nhìn thấy cái bìa, còn ruột của nó thì vẫn còn là điều "bí mật". Ông chỉ diễn nôm để cho người ngoại đạo chuyện súng ống là tôi hiểu thế này: "Bám theo B52 là hàng loạt các loại máy bay khác, lại còn nhiễu giả chúng giăng mắc dày đặc vây quanh nhằm đánh lạc hướng rađa của ta. Đã vậy, các loại máy bay tiêm kích của chúng có thể bắn trả vào bộ phận phát sóng dưới đất của ta một cách chính xác nhất nếu như mình không khôn ngoan "lúc ẩn lúc hiện". Vì việc phát sóng ấy của rađa vô tình trở thành mục tiêu cho địch.
Khi chúng bay vào tầm 32km, xác định được hướng bay của chúng, ta tắt rađa và phát lệnh cho tên lửa lao lên. Bắn như thế, thuật ngữ quân sự gọi là "vượt trước nửa góc", giống như bắn đón đầu. Nói thì có vẻ dông dài nhưng tất tật các thao tác ấy chỉ diễn ra chưa đến 10 giây vì vận tốc B52 là 1.000km/h nên chỉ trong tích tắc, hoặc là tên lửa trúng mục tiêu, hoặc là chỉ "vuốt đuôi" chúng mà thôi".
Cách đánh "vượt trước nửa góc" của Tiểu đoàn 77 đã thành một trong những cách đánh ưu việt của bộ đội tên lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà cả Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng lẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm của Đinh Thế Văn ngay khi khói bom vừa dứt để nghe vị tiểu đoàn trưởng này báo cáo cách đánh B.52 khá kỳ lạ ấy.
Rối nước cũng "đánh" B52
Làng rối nước Đào Thục xuất hiện cách nay trên 300 năm và con cháu của làng vẫn giữ "nghề" truyền thống này từ bấy đến giờ. Cha ông Đinh Thế Văn là cụ Đinh Văn Viết, một "ông bầu" của làng múa rối nước Đào Thục, sinh thời có dặn con trai, lúc ông Văn còn tại ngũ: "Nếu sau này con về hưu mà còn mạnh khỏe, con nên tiếp tục truyền thống rối nước của làng, đừng bỏ mai một mà có lỗi với ông bà".
Năm 53 tuổi (1990), ông Văn "trả súng cho quân đội" về hưu với quân hàm đại tá. Cuộc chiến với ruộng vườn cũng không kém phần gian nan nhưng lời dặn của bố cứ ám ảnh lấy ông. Làng Đào Thục chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 cây số nhưng thuộc "vùng sâu vùng xa", bởi bùn lầy đã vây lấy làng mỗi mùa mưa đến.
Ông Văn kể, có những năm, dân Đào Thục không bán được con lợn, con gà nào vì không một bà buôn nào có thể đưa được heo gà ra khỏi làng do đường quá lầy lội. Khó khăn là vậy nhưng ánh đèn để diễn rối nước nơi thủy đình của làng Đào Thục thì chưa có năm nào tắt.
Ông Văn nghĩ, rối nước với các vở cũ ngày một "mòn", ông cùng một số nghệ nhân của làng bèn sáng tác ra vở mới: "Đánh B52". Có lẽ, trận đánh B.52 năm nào vẫn còn cựa quậy trong người lính già này. Nhưng mỗi lần diễn rối nước, ban tổ chức lại phải chạy vạy gõ cửa khắp làng để xin "tài trợ", nuôi diễn viên. Làm như thế sẽ không bền chặt.
Nghĩ vậy, ông Văn lại xuống Hà Nội gõ cửa Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, gặp ngay Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm - một người rất "máu" với vốn văn hóa cổ truyền. Giáo sư Chương về Đào Thục cùng ông Văn để xem "Đánh B.52" và ông rất tâm đắc.
Sau chuyến đi đó, hễ có đoàn khách nước ngoài nào mà "mê" văn hóa truyền thống của Việt Nam, GS Chương lại dẫn về Đào Thục để thưởng lãm. Dần dà, các tour du lịch cũng đưa rối nước Đào Thục vào chương trình của họ.
Thế rồi, con đường làng lầy thụt năm nào đã thành "bon bon đường nhựa" cùng với hệ thống điện chiếu sáng kéo về đến tận thủy đình vừa mới tân trang, tất cả đều được Nhà nước đầu tư xây dựng. Các diễn viên của làng cũng không còn cảnh "chạy gạo" gõ cửa dân làng vào mỗi đêm diễn nữa mà đã tự nuôi thân bằng vé tham quan của du khách.
"Nếu không có cái cú "đánh B52 bằng rối nước", chắc không biết đến bao giờ Đào Thục mới thoát được cảnh bùn lầy" - ông Văn kết luận. Hình như những trận đánh B52 từ 40 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính già 75 tuổi ấy.
Theo Dantri
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 2 Đêm 18 rạng sáng 19/12/1972 là một đêm trăng mờ, còn hai đêm nữa là đến rằm. Dù đã chuẩn bị tất cả cho cuộc chiến và sẵn sàng hi sinh cho chiến thắng vì danh dự và lòng tự hào dân tộc, nhưng người lính vẫn không khỏi hồi hộp và đau xót. Đêm day dứt của Phạm Tuân Anh hùng Phạm...