Không dám ló mặt ra đường, rửa tay ngày mấy chục lần vì sợ COVID-19
Đại dịch như được thiết kế riêng để làm trầm trọng thêm những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), vốn chiếm khoảng 2% dân số thế giới.
Nhiều người mắc OCD ám ảnh bởi việc bị lây bệnh nên chọn những cách cực đoan như nhốt mình trong nhà hoặc rửa tay hàng chục lần – Ảnh minh họa của Times of India
Tại Hong Kong, theo báo South China Morning Post (SCMP), COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng của những người bị OCD.
Nhiều trường hợp gần như bị trầm uất khi tự nhốt mình trong nhà, không dám bước chân ra đường vì sợ dính virus. Số khác không ngừng lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19, có người rửa tay hàng chục lần mỗi ngày vì nhìn đâu cũng thấy nguy cơ bị lây bệnh.
Chị Minal Mahtani, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người mắc chứng lo âu và OCD tại Hong Kong, cho biết số người liên hệ cầu cứu đã tăng gấp 4 lần so với trước dịch.
Trước COVID-19, trung bình mỗi tuần tổ chức của chị Mahtani nhận được khoảng 20 cuộc gọi và email nhờ hỗ trợ. Điều khiến chị Mahtani lo lắng là dù Hong Kong gần như không còn ghi nhận ca nhiễm nào, số người nhờ giúp lại tăng lên.
Video đang HOT
Chị Mahtani giải thích dịch COVID-19 khiến những người mắc chứng OCD cảm thấy bất an hơn, cảm giác mọi thứ đều mông lung, không thể đoán trước được việc gì. Điều đó dẫn tới những suy nghĩ, suy đoán rất phi logic và các hành động lặp đi lặp lại để giải tỏa sự bất an đó.
“Dù chỉ mới ho nhẹ, sốt hoặc khô họng, những người này sẽ kết luận ngay mình đã bị mắc COVID-19 và đây là chuyện lớn nhất thế giới với họ”, chị Mahtani thông tin thêm.
Số người tâm thần trong dịch tăng nhiều
Việc hỗ trợ xoa dịu những người bị OCD trong COVID-19 phức tạp hơn mức bình thường. Ví dụ trước đây với những người bị ám ảnh bởi vi trùng, người trị liệu có thể đưa bệnh nhân đến nơi công cộng và để họ chạm vào tay nắm cửa trong khoảng 20 giây để chứng minh không có tác hại gì.
Cách làm trên không áp dụng được vào thời điểm hiện tại do virus SARS-CoV-2 thực sự nguy hiểm, các thông điệp kêu gọi rửa tay thường xuyên và hạn chế đến nơi công cộng cũng được phát liên tục nên ai cũng nghe thấy.
Với nhóm lo sợ về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19, tổ chức của chị Mahtani kiến nghị chính quyền huy động các bác sĩ trị liệu thần kinh tại các trung tâm tiêm chủng. Những người này sẽ giúp xoa dịu tinh thần của người mắc OCD trong 15 phút trước và sau khi tiêm.
Bác sĩ chuyên trị tâm thần Ivan Mak Wing-chit cho biết ông đã chứng kiến nhiều người mắc OCD trong dịch so với trước đó, có người đã khỏi nhưng lại tái phát.
Theo bác sĩ Ivan Mak Wing-chit, một số bệnh nhân mắc OCD có yếu tố di truyền, song phần lớn mắc chứng này do gặp phải áp lực trong cuộc sống. Có người được chẩn đoán mắc OCD khi quá lo sợ bản thân có thể mắc COVID-19 từ virus bám trên giày.
Số liệu của Cơ quan quản lý bệnh viện Hong Kong cho thấy số lượng bệnh nhân tâm thần được điều trị tại các bệnh viện công đã tăng từ 240.900 trong những năm 2016-2017 lên 275.800 vào năm 2020-2021, giai đoạn COVID-19 bùng phát và lan rộng.
Cơ quan này không cung cấp cụ thể số lượng bệnh nhân từng chứng bệnh song thừa nhận con số tổng có thể cao hơn, do COVID-19 đã làm ngưng trệ một số dịch vụ thiết yếu trong bệnh viện.
Quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc viên Molnupiravir điều trị Covid-19
Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên Molnupiravir để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Thuốc viên Molnupiravir trị Covid-19 (Ảnh: Reuters).
Cơ quan Quản lý Thuốc và Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh khuyến cáo nên sử dụng thuốc Molnupiravir ngay cho những người nhiễm bệnh nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố gây nguy cơ bệnh chuyển nặng như béo phì, tiểu đường, bệnh tim, cao tuổi.
Trích dẫn các dữ liệu lâm sàng, MHRA khuyến cáo nên sử dụng thuốc này càng sớm càng tốt, sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Đây là thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được phê duyệt và lần đầu tiên một loại thuốc uống Covid-19 dự kiến được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc này ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm, giúp giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. Theo đó, thuốc khi đi vào cơ thể sẽ can thiệp vào quá trình phát triển của virus, ngăn chặn virus phát triển, duy trì tải lượng virus thấp trong cơ thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thuốc sẽ được kê đơn sử dụng 2 lần một ngày trong 5 ngày liên tiếp.
Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh, cho biết loại thuốc này sẽ được sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ biến chứng cao hơn khi nước Anh bước vào một trong những mùa đông thử thách nhất từ trước đến nay. Ông nói thêm, Anh có thể triển khai đợt điều trị rộng rãi bằng thuốc này, được gọi là Lagevri ở Anh, nếu nó hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong và cả chi phí điều trị.
"Chúng tôi hiện đang làm việc với chính phủ và NHS để khẩn trương áp dụng phương pháp điều trị này cho bệnh nhân", Bộ trưởng vắc xin Anh Maggie Throup nói trước quốc hội.
Anh cũng là quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt vắc xin Covid-19. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh gia tăng căng thẳng.
Anh đang chứng kiến làn sóng dịch bùng phát trở lại với khoảng 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày hàng ngày, vốn đã làm dấy lên những lời chỉ trích về quyết định dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng chống dịch. Dữ liệu được công bố vào ngày 3/11 cho thấy tỷ lệ nhiễm đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước, do số ca nhiễm ở trẻ em ở những khu vực phía tây nam có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tăng cao.
Công ty Meck cho biết, họ dự kiến sản xuất 10 triệu liều thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu liều trong năm 2022.
Tại Mỹ, giới chức y tế Mỹ sẽ họp vào ngày 30/11 để xem xét về dữ liệu an toàn và hiệu quả của thuốc và bỏ phiếu về việc có cấp phép sử dụng Molnupiravir hay không.
La Nina đe dọa khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn trong mùa đông Thế giới phải đối diện với La Nina - hiện tượng thời tiết thường gây ra mùa đông khắc nghiệt hơn. Hình thái khí hậu này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Á. Trung Quốc đang đối mặt với thiếu hụt nguồn điện. Ảnh: Bloomberg La Nina đã hình thành ở Thái Bình Dương, với đặc điểm...