Không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ trong vụ cháy tàu ngầm hạt nhân Nga
Vụ cháy trên tàu ngầm hạt nhân ở miền bắc nước Nga đã được dập tắt và không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ cũng như ô nhiễm môi trường, giới chức Nga cho biết.
Khói bốc lên từ vụ cháy tàu ngầm hạt nhân Nga ngày 7/4 (Ảnh: Twitter)
Đám cháy đã bắt đầu vào đầu giờ chiều qua 7/4 giờ địa phương trên tàu ngầm hạt nhân K-266 Oryol khi con tàu đang được đại tu tại xưởng đóng tàu Zvezdochka ở thị trấn Severodvinsk thuộc vùng Arkhangelsk, miền bắc nước Nga.
Đến chiều muộn, lực lượng cứu hỏa đã dập tắt đám cháy. “Đám cháy đã được không chế. Không có mối đe dọa nào đối với cư dân hay môi trường”, một phát ngôn viên của xưởng đóng tàu cho hay.
Không có vũ khí hay nhiên liệu hạt nhân trên tàu ngầm lớp Oscar II vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn. Giới chức nói rằng vụ việc cũng không gây thương vong vì tất cả các thủy thủ và công nhân đã rời khỏi tàu kịp thời.
Ủy ban điều tra Nga tuyên bố cơ quan này sẽ mở một cuộc điều tra về việc liệu có xảy ra các vi phạm an toàn hay không, vốn có thể gây ra đám cháy trong quá trình sửa chữa.
Hãng tin Interfax dẫn lời phát ngôn viên Yevgeny Gladyshev của xưởng đóng tàu Zvezdochka nói rằng ụ tàu đã được bơm đầy nước trong nỗ lực dập tắt đám cháy.
Video đang HOT
Trước đó, ông Gladyshev nói với hãng tin Tass rằng nước không gây bất kỳ thiệt hại nào đối với các thiết bị bên trong tàu vì phần thân bên trong đã được đóng chặt.
Tàu ngầm K-266 Oryol, dài 155 m, gia nhập Hạm đội phương Bắc tại vùng Murmansk vào năm 1992. Khi hoạt động, tàu được trang bị tên lửa chống hạm.
Nó đã được đưa tới Severodvinsk để sửa chữa vào năm 2013 và dự kiến công tác đại tu đến năm 2016 mới hoàn thành.
An Bình
Theo Dantri/RT, BBC, AFP
Nga siết chặt "vòng vây" Bắc Cực bằng S-400
Sư đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga vừa được đưa vào vị trí trực chiến ở vùng Murmansk thuộc miền tây bắc nước Nga. Thông tin trên vừa được văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hồi cuối tuần qua.
Theo hãng tin RIA Novosti, Lực lượng phòng không thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300 được giao trọng trách bảo vệ các cơ sở hạ tầng chiến lược ờ vùng Murmansk như các cơ sở công nghiệp và năng lượng, địa điểm đồn trú của quân đội, lực lượng của Hạm đội và trục giao thông.
"Các thiết bị quân sự của hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã được triển khai tại trường bắn Kapustin Yar ở khu vực Astrakhan", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Cũng theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không S-400 đã tiến hành diễn tập đánh chặn hơn 10 tên lửa đạn đạo mô phỏng với các độ cao, tốc độ khác nhau.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm: "Ở thời điểm hiện tại, các đơn vị phòng không của Hạm đội Biển Bắc đã được trang bị các hệ thống phòng không S-300 và S-400".
Động thái củng cố mạnh cho Hạm đội phương Bắc với hệ thống S-400 nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực của Nga nhằm tăng cường an ninh và bảo vệ ccacs vùng lãnh thổ phía bắc Bắc Cực, nhất là khi mà NATO đang ngày càng "nhòm ngó" tới khu vực "béo bở" này. Trước đó, hồi tháng 2/2014, Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov, từng cho biết Nga có kế hoạch triển khai một lượng khí tài và quân đội ở Bắc Cực vào năm 2015.
Bất chấp việc tăng cường quốc phòng ở khu vực này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tái khẳng định, Moscow không có ý định quân sự hóa Bắc Cực, và rằng "tất cả các biện pháp là nhằm tăng cường an ninh biên giới của Liên bang Nga".
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
Hiện nay, lực lượng phòng không Nga đã triển khai được tất cả 4 trung đoàn, trong đó 2 trung đoàn đầu tiên được bố trí ở ngoại ô thủ đô Moscow. Trung đoàn S-400 thứ ba được triển khai ở vùng Baltic (Leningrad) và trung đoàn thứ tư vừa được triển khai ở khu vực Nakhodka (vùng lãnh thổ Primorsky Krai), gần sát với phần lãnh thổ phía Đông Bắc của Trung Quốc và phía Bắc của Triều Tiên.
S-400 Triumph được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của lực lượng tên lửa phòng không của Nga trước năm 2020.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, Nga khẳng định, nước này chưa có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga.
Tuy nhiên, theo dự kiến, tới khi nào S-400 đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Quân đội Nga thì nước này sẽ bắt đầu xuất khẩu (khoảng từ năm 2015) loại tên lửa tối tân này. Trong đó, các khách hàng tiềm năng sẽ được mua hệ thống S-400 là Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và có thể cả Việt Nam. Hiện trong biên chế, lực lượng phòng không Việt Nam có 2 tiểu đoàn S-300PMU1 hiện đại.
Đan Khanh (Tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nga- NATO "răn đe nhau" bằng các cuộc diễn tập quân sự lớn Ngày 16/3, hơn 45.000 binh lính Nga cùng máy bay chiến đấu và tàu ngầm của Nga bắt đầu cuộc diễn tập quân sự trên nhiều khu vực đất nước. Cuộc diễn tập ngày 16/3 là một trong những đợt phô diễn lực lượng quân sự lớn nhất của Nga kể từ khi mối quan hệ với phương Tây rơi xuống mức thấp...