Không chỉ tống tiền, mã độc WannaCry có thể gây chết người
Loại mã độc tấn công tống tiền mới vô hiệu hóa nhiều máy tính tại các bệnh viện ở Anh, khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe bị đình trệ.
Mã độc tấn công tống tiền ransomware đã lan tràn trên phạm vi 150 quốc gia, theo thông báo mới đây của Kaspersky. Không đơn thuần là những vụ tấn công ăn cắp dữ liệu như trước đây, loại mã độc nguy hiểm này đang gián tiếp đe dọa tính mạng của nhiều người.
Những kẻ tấn công đã nhằm vào máy tính bên trong Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Quốc gia (NHS) của nước Anh, gây xáo trộn lớn đến hoạt động của cơ quan này. Nhiều máy tính của cơ quan này ngừng hoạt động, có thể gây nguy hại đến tình trạng sức khỏe của hàng loạt bệnh nhân, theo Mashable.
Loại mã độc WannaCry đang lan tràn với tốc độ cực lớn tại nhiều quốc gia. Ảnh: The Hacker News.
Các chuyên gia bảo mật từ lâu đã dùng cụm từ “bit và byte có thể tạo ra máu và nước mắt” nhưng phải đến cuộc tấn công mới đây, người ta mới thực sự hiểu sâu sắc vấn đề này.
Hiện tại, chưa có báo cáo nào công bố có người bị chết do ảnh hưởng của cuộc tấn công. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện tại Anh đã buộc phải di chuyển các bệnh nhân từ nơi có máy tính bị nhiễm mã độc. Nhân viên tại các bệnh viện này cũng yêu cầu bệnh nhân không đến bệnh viện, trừ khi gặp trường hợp khẩn cấp.
Tại nhiều bệnh viện ở Anh, nhân viên không thể xem xét hồ sơ bệnh án. Một số khác phải hoãn lại các cuộc hẹn với bệnh nhân. Business Insider khẳng định nhân viên bệnh viện đang phải dùng giấy và bút để làm việc.
Tưởng tượng ra một viễn cảnh, bệnh viện tại 150 quốc gia đang có mã độc WannaCry lây lan đều bị tấn công. Nó sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tại một quốc gia tân tiến như Mỹ, các chuyên gia bảo mật còn cảm thấy vô cùng lo ngại.
Joshua Corman thuộc lực lượng an ninh mạng ngành chăm sóc y tế Mỹ (Bộ Y tế và Dịch vụ con người) vẽ lên bức tranh ảm đạm về tình trạng bảo mật tại các bệnh viện nước này. Theo ông, 85% bệnh viện tại Mỹ không có nổi một chuyên gia bảo mật đúng nghĩa.
Video đang HOT
Ngay cả khi họ có một nhân sự như vậy, người này có thể cũng vô vọng trong việc ngăn chặn vụ tấn công tống tiền đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Các bệnh viện thường sử dụng máy tính lỗi thời, dễ dàng nhiễm nhiều loại mã độc .
Một trong những điểm nguy hiểm của mã độc WannaCry khiến người ta lo lắng là nó có mức độ phá hoại rất lớn nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào khiến người dùng cảnh giác. Cách thức tấn công của nó giống với hàng loạt vụ tấn công khác, gửi tài liệu kèm mã độc và đợi cho người dùng mở lên.
Khi được mở, loại mã độc này sẽ khóa toàn bộ dữ liệu của người dùng, yêu cầu trả Bitcoin để mở khóa trở lại.
Tại Việt Nam, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) vừa gửi cảnh báo đến các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp cả nước về việc phòng ngừa và ngăn chặn tấn công bằng mã độc WannaCry. Theo VNCERT, đây là loại mã độc cực kỳ nguy hiểm, yêu cầu các cơ quan tổ chức phải thực hiện nghiêm lệnh điều phối ứng cứu khẩn cấp.
Loại công cụ tấn công tống tiền mới được cho sử dụng công cụ bị rò rỉ từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Nó khai thác một lỗ hổng từ hệ điều hành Windows để tiến hành xâm nhập và mã hóa dữ liệu của người dùng.
Microsoft đã phát hành bản vá chính thức mang tên MS12-010 cách đây vài tháng nhưng không phải máy tính nào cũng cập nhật bản vá này.
Thành Duy
Theo Zing
Việt Nam trong top 20 nước bị mã độc tống tiền tấn công
Chỉ trong vài giờ, mã độc WannaCry đã ảnh hưởng tới hơn 114.000 máy tính tại hầu khắp các quốc gia, trở thành vụ lây nhiễm ransomware lớn nhất lịch sử.
Theo Kaspersky, mã độc tống tiền WannaCry đang lây lan mạnh trong đó chủ yếu gây ảnh hưởng tại Nga. Việt Nam nằm trong danh sách 20 nước hàng đầu bị tấn công, bên cạnh Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan...
20 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi mã độc tống tiền WannaCry, theo Kaspersky.
THN cho hay, phạm vi lây lan của mã độc tống tiền này đã lên tới 99 quốc gia, số máy tính bị nhiễm không ngừng tăng. Có tổng tộng 16 tổ chức của Anh dính WannaCry trong đó bao gồm Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) buộc cơ sở này phải từ chối bệnh nhân, hủy bỏ các hoạt động và sắp xếp lại lịch hẹn.
Ransomware lớn nhất lịch sử cũng nhắm vào hãng viễn thông Telefónica của Tây Ban Nha với trên 85% máy tính. Những "nạn nhân" khác còn có công ty viễn thông Bồ Đào Nha, hãng MegaFon của Nga hay dịch vụ giao hàng FedEx. Người dùng tại Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines... cũng bị ảnh hưởng.
WannaCry lây nhiễm thế nào?
Tương tự các ransomware khác, mã độc tống tiền dụ người dùng bấm vào các email lừa đảo, thực hiện tải các tập tin hay ứng dụng độc hại. Sau khi nhiễm, WannaCry quét toàn bộ mạng nội bộ và lây lan sang tất cả máy tính cùng hệ thống.
Mã độc tống tiền này được xác định tấn công thông qua lỗ hổng SMB trong hệ điều hành Windows bằng cách khai thác EternalBlue. Đáng chú ý, đây cũng chính là điểm mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng để hack các máy tính.
Mặc dù đã được Microsoft vá từ tháng 3 năm ngoái nhưng vẫn còn một lượng lớn máy tính chạy Windows 7 hay Server 2008 chưa cài đặt bản sửa lỗi này. Theo công ty công nghệ Mỹ, WannaCry không gây ảnh hưởng tới các máy tính chạy Windows 10 trong đợt tấn công này.
Sau khi lây nhiễm, WannaCry tiến hành mã hóa dữ liệu trên máy tính người dùng với các định dạng tập tin văn phòng, file đa phương tiện, mã nguồn lập trình, chứng chỉ mã hóa hay tập tin đồ họa... Tiếp theo nó hiển thị thông báo đòi tiền chuộc nếu muốn giải mã để cứu dữ liệu.
Trả tiền chưa chắc đã "yên thân"
Thông báo của WannaCry được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, có tiếng Việt.
Với WannaCry, kẻ đứng sau mã độc này đòi người dùng trong ba ngày kể từ thông báo đầu tiên phải thanh toán 300 USD bằng tiền ảo Bitcoin để giải mã. Nếu quá thời hạn trên, số tiền chuộc sẽ tăng gấp đôi lên mức 600 USD và sau 7 ngày thì dữ liệu sẽ bị mất.
Mã độc hiển thị thông tin, hướng dẫn bằng 20 ngôn ngữ khác nhau trong đó có cả tiếng Việt. Ngoài ra, một đồng hồ đếm ngược cũng được thiết kế để cảnh báo.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cảnh báo rằng việc chấp nhận trả tiền chuộc không đảm bảo người dùng sẽ lấy lại được toàn bộ dữ liệu. Một số mã độc tống tiền có thể "vòi" thêm các khoản lớn hơn, hoặc tiếp tục mã hóa trở lại.
Bảo vệ trước WannaCry
Người dùng được khuyến cáo cập nhật phần mềm cho các thiết bị cá nhân, máy chủ lên bản mới nhất. Với hệ điều hành đã ngừng hỗ trợ như Windows XP, Vista, Windows 8, Server 2003 và 2008, Microsoft cũng mới tung ra bản vá khẩn cấp.
Với các email, liên kết không đáng tin cậy, người dùng được khuyến cáo tuyệt đối không bấm vào. Ngoài ra, việc cài đặt phần mềm diệt virus cũng giúp tăng cường bảo vệ máy tính.
Đình Nam
Theo VNE
Cảnh giác mã độc tống tiền ẩn trong tập tin hình ảnh lây lan qua Facebook Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, nếu nhìn thấy một tập tin hình ảnh hoặc đồ họa trên máy tính mà bạn chưa từng tải về, tuyệt đối không mở ra vì có thể nó chứa mã độc, theo Digitaltrends. Hãy cẩn thận với những tập tin hình ảnh &'không mời mà đến. ẢNH: AFP Hãng bảo mật Check Point (Israel)...