Không chỉ để hút vốn!
Câu chuyện xã hội hóa đối với ngành vận tải đường sắt đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ, chúng ta đều nhận thấy một thực tế là hệ thống đường sắt phát triển chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu phát triển đất nước.
Thêm nữa, vận tải hàng không, đường bộ, đường biển.. cũng đang rầm rộ “tái cơ cấu” theo hướng xã hội hóa đầu tư. Nhìn lại quá trình “xã hội hóa” lĩnh vực giao thông trong thời gian qua có thể thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, còn không ít vấn đề đòi hỏi phải có sự đánh giá nghiêm túc kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế tồn tại.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước eo hẹp thì các dự án BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) phần nào phát huy tác dụng. Thế nhưng, thực tế có tình trạng các trạm thu phí mọc lên như nấm trên các tuyến đường vốn xã hội hóa. Người ta đã thống kê, tại 4 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh hiện có đến hơn ba chục trạm thu phí khiến cho nhiều doanh nghiệp “khóc ròng”. Chỉ riêng đoạn đường từ ngã ba Tân Vạn về huyện Tân Uyên (Bình Dương) hơn 5km nhưng đã có tới 5 trạm thu phí. Không chỉ dày trạm mà phí thu của mỗi trạm cũng khác nhau, chỗ cao chỗ thấp tùy ý doanh nghiệp. Nhiều trạm tức là tăng phí, và dĩ nhiên khi các chi phí vận tải gia tăng thì gánh nặng này sẽ đổ xuống ai là chuyện không phải nói thêm…
Nói như vậy không có nghĩa là xã hội hóa đầu tư đường sắt sẽ làm cho chi phí của loại hình vận tải này gia tăng. Ở đây, vấn đề đặt ra là từ những tồn tại trong việc thực hiện các dự án đường bộ sẽ rút ra bài học gì? Thu hút tư nhân đầu tư cả tỷ USD vào các tuyến đường để thu bạc lẻ không đơn giản. Có thể đó cũng chính là áp lực khiến các nhà đầu tư phải “giăng” trạm thu phí, dù biết chắc điều đó không dễ chịu với người dân? Xã hội hóa sẽ thu hút nhiều nguồn lực, lợi ích thấy rõ. Nhưng xã hội hóa cũng tạo sự cạnh tranh và với chúng ta, năng lực, trách nhiệm, giám sát… đều chưa đạt trình độ tốt nhất. Nếu triển khai ồ ạt, không chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dẫn tới hiệu quả kém, thậm chí tác động xấu tới xã hội.
Người dân sẵn sàng trả phí khi tham gia giao thông, nhưng các khoản phí phải minh bạch, rõ ràng. Điều mà người dân lo ngại chính là khi đã tư nhân hóa, tức là người bỏ tiền ra là “chủ” của các tuyến đường, các nhà ga, sân bay…, liệu họ có tăng các loại phí dịch vụ để nhanh chóng thu hồi vốn và có lãi (điều vốn đã xảy ra với đường bộ)?
Vì vậy, Nhà nước, Bộ GTVT cần xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch; người dân cần và có quyền được biết, mỗi đồng tiền họ trả cho các khoản phí… Xã hội hóa để thu hút nguồn vốn. Nhưng đừng quên giao thông chính là lĩnh vực mang tính cộng đồng xã hội rất cao, tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và sự phát triển của xã hội! Tuấn Kiệt
Theo_Hà Nội Mới
Video đang HOT
Bỏ tư duy "con cháu trong nhà", đường sắt sẽ hết độc quyền?
"Mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia kinh doanh vận tải đường sắt, chứ không thể để một mình Tổng Công ty Đường sắt làm độc quyền như lâu nay. Riêng những vấn đề liên quan đến đất, an ninh quốc phòng là do Nhà nước quản lý và không được phép chuyển nhượng".
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định như vậy tại cuộc họp bàn về xã hội hóa lĩnh vực đường sắt diễn ra sáng nay (20/4).
Loại bỏ tư duy "con cháu trong nhà"!
Để đổi mới đường sắt và tăng tính cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện hợp tác đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua hình thức cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt có điều kiện. Theo đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), trước tiên sẽ áp dụng thí điểm đối với bãi hàng của 3 nhà ga trọng điểm là Yên Viên (TP Hà Nội), Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên ĐSVN - khẳng định quyết tâm đổi mới đường sắt để ĐSVN phát triển chứ không phải là để các công ty con của đường sắt phát triển.
"Trước kia ngành đường sắt nặng về quan điểm con cháu trong nhà, nhưng nay sẽ thay đổi tư duy. Chúng tôi kêu gọi đầu tư, thậm chí mời các đơn vị mua hẳn đoàn tàu về chạy, ngành đường sắt sẽ cung cấp hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ đi kèm" - ông Trần Ngọc Thành cho biết.
Bàn về điều kiện hợp tác đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà kho, bãi hàng tại các khu ga, ĐSVN đưa ra phương án hợp tác dựa trên cơ sở hồ sơ thiết kế tổng thể về quy mô đầu tư hệ thống kho, bãi hàng tại các khu ga đường sắt đã được thống nhất giữa các bên.
Xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia kinh doanh vận tải nhằm đổi mới ngành đường sắt
Ông Thành cho hay, ĐSVN sẽ đầu tư các hạng mục liên quan đến tác nghiệp điều hành giao thông vận tải là xếp dỡ, đường lập tàu. Nhà đầu tư chỉ được đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tập trung vào một số hạng mục như bãi hàng, nhà kho, thiết bị xếp dỡ, hệ thống quản trị kho bãi.
Về điều kiện kinh doanh, nhà đầu tư được thu dịch vụ, trên cơ sở khung giá Nhà nước và ĐSVN chấp thuận, gồm: Giá dịch vụ xếp, dỡ, nâng hạ hàng hóa, container tại các ga, bãi hàng; giá dịch vụ lưu kho, bảo quản hàng hóa tại kho; giá các loại dịch vụ khác được nhà nước cho phép. Thời hạn thuê, ĐSVN cho thuê có điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt trên cơ sở thẩm định phương án tài chính để thu hồi vốn đầu tư của dự án đề xuất do nhà đầu tư lập.
Được biết, hiện nay ĐSVN đã mời một số nhà đầu tư có năng lực tài chính cùng tiến hành khảo sát, đề xuất quy mô công năng của từng công trình, đề xuất quyền khai thác công trình, từ đó ĐSVN sẽ tổng hợp và đề xuất cơ chế, triển khai.
Chủ tịch ĐSVN cũng cho hay đang rà soát toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến sao cho hợp lý để nâng tốc độ chạy tàu Lào Cai, Thống Nhất, Đồng Đăng. Trong đó, tàu Lào Cai đang chạy 7,5 tiếng với vận tốc 50km/h sẽ rút xuống còn khoảng 5,5 tiếng; tàu Thống Nhất từ TPHCM đi Nha Trang hiện là 4,5 tiếng sẽ rút còn khoảng dưới 4 tiếng; tàu Hà Nội - Đồng Đăng từ 5 tiếng, rút xuống dưới 5 tiếng.
"Việc rà soát giao cho từng cá nhân, từng bộ phận, khu gian. Tôi sẽ đi kiểm tra đột xuất, nếu sai lệch cho nghỉ việc luôn" - ông Thành cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, các ga,bãi hàng, đường - tài sản quốc gia cấp 1 nên có thể cho thuê hoặc liên kết với các đơn vị để đầu tư rồi hoàn lại. Nhà nước lấy lại hạ tầng đã cho thuê trên nguyên tắc nguồn thu và thời hạn trong bao nhiêu năm. Theo Thứ trưởng Đông, giá phí thuê hạ tầng cần tính toán trên cơ sở m2; phí điều hành đường sắt cũng sẽ nghiên cứu trên cơ sở km rồi tính giá thành, đến khi nhượng quyền thì cũng áp dụng giá đó.
Chia đều lợi ích các bên?
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, kết nối vận tải của Việt Nam đứng thứ 46/186 nước trong danh sách xếp hạng của thế giới, so với năm 2012 thì nay đã tăng được 5 bậc, nhưng với vị trí xếp hạng chỉ trên Lào (quốc gia không có biển), Campuchia và Myanma thì rõ ràng quá kém. Điều này cho thấy nguyên nhân sâu xa là từ việc kết nối các phương thức vận tải (hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy) là rất yếu.
"Trong các loại hình vận tải, đường sắt quốc gia chiếm ưu thế và có nhiều tiềm năng, nhưng bao năm qua ngành đường sắt vẫn trì trệ không phát triển được cũng bởi tư duy độc quyền. Tuy nhiên, ngồi vào cuộc họp xã hội hóa hôm nay là ngành đường sắt đã đáng biểu dương bởi có sự thay đổi trong tư duy" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thăng: "Nếu để một mình đường sắt làm thì sẽ tiếp diễn cơ chế xin - cho"
Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn 2050 là chiến lược nhằm đổi mới toàn diện ngành đường sắt. Trong đó, Bộ trưởng Thăng cho rằng, đổi mới thì phải hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có, nâng tốc độ chạy tàu lên 80-90km/h đối với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng; ưu tiên các tuyến đường sắt khổ đôi là Hà Nội -Vinh và TPHCM - Nha Trang.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đường sắt là lĩnh vực khó khăn, hạ tầng đã sử dụng cả trăm năm nay nên việc thay đổi sẽ khó khăn. Tuy nhiên, việc xúc tiến thay đổi Luật Đường sắt là mở cửa cho việc thay đổi hạ tầng đường sắt, cho phép chuyển nhượng quyền khai thác và tạo ra cơ sở phát triển.
"Mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia, chứ không thể một mình ĐSVN làm, bởi nếu một mình đường sắt làm thì sẽ tiếp diễn cơ chế xin - cho, chạy vạy, như thế không thể phát triển được. Muốn đổi mới thì phải chấp nhận xóa bỏ những cái cũ. Riêng những vấn đề liên quan đến đất, an ninh quốc phòng là do Nhà nước quản lý và không được phép chuyển nhượng. Đối với các nhà đầu tư, có thể thuê đất để sử dụng nhưng chỉ phục vụ trong phạm vi phát triển các vấn đề liên quan đến đường sắt, chứ không thể làm bất động sản hay các lĩnh vực khác. Còn với người dân, hành khách, lợi ích mà họ được hưởng chính là dịch vụ, là chất lượng và tiết kiệm thời gian, để mỗi chuyến đi tàu là một trải nghiệm thú vị" - Bộ trưởng Thăng nói rõ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu rà soát lại Luật hiện hành, các nghị định, thông tư đối với đường sắt. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về xã hội hóa đường sắt để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc nhượng quyền, có thể làm thí điểm để việc nhượng quyền khả thi.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Thông tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai dài 285km Với tổng mức đầu tư 166,46 triệu USD, giai đoạn 1 của Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai dài 285km đã về đích trước thời hạn hợp đồng ở một số gói thầu từ 3 - 6 tháng, chính thức thông toàn tuyến ngày 24/4. Ban quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao...