Khống chế chi phí lãi vay được trừ
Muốn ngăn chặn được hành vi trốn thuế của khu vực doanh nghiệp (DN) FDI và cả khu vực DN trong nước hiện nay, Chính phủ không nên nâng mức chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% lên 30% – PGS.TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khuyến nghị.
Doanh nghiệp không đồng tình
Theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Đây là quy định khiến nhiều DN phản ứng từ năm 2017 đến nay. Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất nâng mức chi phí lãi vay được trừ lên 30%.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực có tỷ lệ lãi vay lớn nhất
Lãnh đạo Công ty Deloitte Việt Nam từng đưa ra ý kiến: Nghị định 20 có tác động rất lớn đến các tập đoàn trong nước (cả nhà nước và tư nhân) hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con hoặc các DN hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản, điện, than, xi măng… Trên thực tế, với mô hình công ty mẹ – con, việc công ty mẹ chuyên thực hiện chức năng quản lý vốn tập trung đang trở nên phổ biến. Để thực hiện các dự án cần có nguồn vốn lớn, nhưng các công ty thành viên của các tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để vay vốn từ ngân hàng thương mại. Do đó, các tập đoàn, tổng công ty phải huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho công ty con, DN thành viên. Việc huy động vốn tập trung thường có lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.
Vì thế, nếu khống chế tổng chi phí lãi vay sẽ tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn, tổng công ty cũng như cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh. Như vậy, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí lãi tiền vay vượt mức khống chế.
Tại tọa đàm “Khấu trừ lãi suất và trốn tránh thuế: Sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP theo hướng nào?” vừa diễn ra, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, Nghị định 20 có đối tượng điều chỉnh là các DN có giao dịch liên kết (các công ty có quan hệ họ hàng như bố mẹ, con cái, anh chị em, con cháu trong họ). Nghị định 20 không cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn thuế. Một DN chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20 phải phụ thuộc vào hai điều kiện là mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, là tỷ lệ lãi vay/Ebitda) và có giao dịch liên kết hay không.
Theo thống kê, số lượng DN có tỷ lệ lãi vay/Ebitda theo các mức độ khác nhau, ví dụ: Năm 2016, số DN có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 20% là 396 DNNN (chiếm 16,5% tổng số DNNN), 673 DN FDI (chiếm 4,9% tổng số DN FDI), 37.956 DN ngoài nhà nước (chiếm 8,2% tổng số DN ngoài nhà nước).
Như vậy, DN ngoài nhà nước có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là khối doanh nghiệp ít có quan hệ liên kết nhất nên ít chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.
Video đang HOT
Trong khi đó, tỷ trọng nhóm DN có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 và tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 20% trong khu vực DNNN là lớn nhất, lần lượt là 20,5% và 19,4% trung bình trong giai đoạn 2013-2016. Trong cùng giai đoạn, tỷ trọng DN có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 20% chỉ là 5,5% trong khu vực DN FDI và 5,3% trong khu vực DN ngoài nhà nước. DNNN có nhiều hoạt động liên kết nhất thông qua mô hình tập đoàn, tổng công ty. Đây chính là lý do tại sao Nghị định 20 gặp nhiều sự phản đối từ nhóm DNNN.
Thắt chặt tỷ lệ lãi vay là cần thiết?
Khu vực DN FDI có chi phí lãi vay quốc tế/lãi vay trong nước khoảng 1,2 trong giai đoạn 2013-2016. Điều này chứng tỏ khu vực DN FDI chủ yếu vay nợ từ thị trường quốc tế, rất có thể từ các công ty liên kết ở nước ngoài. Trong năm 2016, chỉ có khoảng 4,9% số DN FDI có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 20% và chỉ khoảng 3,4% số DN FDI có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 30%. Lưu ý rằng, trong số những DN có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 20%, không phải DN nào cũng có giao dịch liên kết. Do vậy, số DN FDI chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20 rất thấp nên hầu như cũng không có phản ứng kể từ khi Nghị định 20 có hiệu lực.
Trước thực tế đó, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, muốn ngăn chặn được hành vi trốn thuế của khu vực DN FDI và cả khu vực DN trong nước hiện nay, Chính phủ không nên nâng mức chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số DN. Ngoài việc hạn chế hành vi trốn tránh thuế, việc hạn chế mức trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN còn làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN trong nước với các DN FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài.
Tương tự, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, điều đó cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của các DN tư nhân với DNNN vốn có lợi thế hơn về khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Rõ ràng, việc những tập đoàn như EVN hay TKV đứng ra vay rồi cho các công ty thành viên vay lại sẽ dễ dàng và hưởng lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều so với việc từng công ty thành viên đi vay, tạo ưu thế lớn so với các DN tư nhân trong nước. Do vậy, việc thắt chặt trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN từ các giao dịch liên kết chính là góp phần làm giảm những lợi thế của DN FDI với DN trong nước, của DNNN với DN tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình DN.
Chuyên gia VEPR cho rằng, trong tương lai, Bộ Tài chính nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ chi phí lãi vay giữa các công ty liên kết. Với các khoản vay độc lập, tỷ lệ chi phí lãi vay được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN cũng cần được khống chế ở một mức trần nào đó để bảo đảm cấu trúc tài chính lành mạnh của các DN, hệ thống ngân hàng.
Liên quan đến điều này, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã đưa ra quy định về vốn mỏng (thin capitalization) dựa trên một tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhất định (phổ biến là 3). Bất kỳ DN nào có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vượt mức quy định thì chi phí lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá quy định sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
PGS.TS Phạm Thế Anh: “Để tuân thủ tốt Nghị định 20, mức khống chế trần chi phí lãi vay cần được áp dụng cho tất cả DN. Mặt khác, chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ ký kết trước thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực nên được trừ toàn bộ; cho phép các DN chuyển phần chi phí lãi vay chưa được trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn). Chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20″.
Đức Minh
Theo Petrotimes.vn
PGS.TS Phạm Thế Anh: Không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay!
Tại tọa đàm "Khấu trừ lãi suất và trốn tránh thuế: Sửa Nghị đinh 20/2017/NĐ-CP theo hướng nào" được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức sáng 26-12 tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Thế Anh đã cho rằng: Không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay.
Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết có hiệu lực từ 1-5-2017, được đánh giá đã "điểm trúng huyệt" các DN FDI liên tục mở rộng kinh doanh nhưng báo lỗ triền miên... Theo thống kê của Tổng cục Thuế, qua công tác thanh tra, kiểm tra từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2019, đã kiểm tra và truy thu trên 41.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 5.000 tỷ đồng, giảm lỗ 86.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết đã phát huy hiệu quả, truy thu trên 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ trên 13.700 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 12.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, nhiều DN và chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự bất cập của việc khống chế trần chi phí lãi vay là tác động lên hoạt động đi vay và cho vay lại giữa Cty mẹ và các Cty thành viên - vốn rất phổ biến trong các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước cũng như tư nhân.
PGC.TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách. Ảnh: N.D
Theo đó, tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận thuần trước thuế và lãi). Theo phản ánh của một số DN, quy định này sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình Cty mẹ, Cty con.
Mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ khi vừa công bố nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
Tuy nhiên theo ông Thế Anh, không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay được khấu trừ thuế từ 20% lên 30%. Bởi Nghị định 20/2017/NĐ-CP không có mục đích cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn tránh thuế.
Cụ thể, thống kê số lượng DN có chi phí lãi vay/EBITDA theo các mức độ khác nhau thì có kết quả như sau. Ví dụ, vào năm 2016, số DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA> 20% của khu vực DN Nhà nước (DNNN) là 396 DN (chiếm 16,5% tổng số DNNN), của khu vực FDI là 673 DN (chiếm 4,9% tổng số DN FDI), của khu vực ngoài Nhà nước là 37956 DN (chiếm 8,2% tổng số DN ngoài Nhà nước).
Như vậy, DN ngoài Nhà nước là khu vực DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA là lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là khối DN ít có quan hệ liên kết nhất nên ít chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm DN có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 và tỷ lệ lãi vay/EBITDA> 20% trong khu vực DNNN là lớn nhất (lần lượt là gần 20,5% và 19,4% trung bình trong giai đoạn 2013-2016).
Trong khi đó, trong cùng giai đoạn, tỷ trọng DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA> 20% chỉ là 5,5% trong khu vực FDI và 5,3% trong khu vực ngoài nhà nước. DNNN cũng là nhóm DN có nhiều hoạt động liên kết nhất thông qua mô hình tập đoàn và Tổng Cty. Đây chính là lý do tại sao Nghị định 20 gặp nhiều sự phản đối từ nhóm DN này.
"Lưu ý rằng, trong số những DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA> 20% thì không phải DN nào cũng có giao dịch liên kết. Do vậy, số DN thực sự chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP trong khu vực FDI còn thấp hơn nữa. Khối này hầu như cũng không có phản ứng gì kể từ khi Nghị định 20 có hiệu lực. Do vậy, muốn chống được hành vi trốn thuế rất phức tạp của khu vực FDI và cả khu vực DN trong nước hiện nay, tôi cho rằng Chính phủ không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số DN", PGS. TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Ngoài việc hạn chế hành vi trốn tránh thuế, việc hạn chế mức trần lãi vay được khấu trừ thuế còn làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN trong nước với các DN FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các Cty mẹ ở nước ngoài. Tương tự, nó cũng giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN tư nhân với DNNN vốn có lợi thế hơn về khả năng tiếp cận các nguồn vốn.
Rõ ràng, việc những tập đoàn như EVN hay TKV đứng ra vay nợ rồi cho các Cty thành viên vay lại sẽ dễ dàng và hưởng lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều so với việc từng Cty thành viên đi vay, tạo ưu thế lớn so với các DN tư nhân trong nước. Do vậy, việc thắt chặt trần lãi vay được khấu trừ thuế từ các giao dịch liên kết chính là góp phần làm giảm những lợi thế của FDI với DN trong nước, của DNNN với DN tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình DN.
Do đó, ông Thế Anh đề nghị: "Trong tương lai Bộ Tài chính nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ lãi vay giữa các Cty liên kết. Ngay bản thân với các khoản vay độc lập, tỷ lệ lãi vay được khấu trừ thuế cũng cần được khống chế ở một mức trần nào đó để đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các DN."
Ngọc Dung
Theo Phapluatxahoi.vn
EVN ban hành Mẫu hóa đơn điện tử và thông báo tiền điện mới từ ngày 1/3 Mẫu Hóa đơn điện tử, Thông báo tiền điện mới không có bất kỳ sự thay đổi nào về cách tính tiền điện hay thông tin của khách hàng mà chỉ thay đổi bố cục trình bày và điều chỉnh, bổ sung thông tin. Với thông điệp sẵn sàng đổi mới, thể hiện sự minh bạch, cầu thị và lắng nghe khách hàng,...