Không cần thiết “nới” độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27
Chỉ nên để độ tuổi gọi nhập ngũ tối đa tới 25 tuổi là vừa đủ, vì đây là khung độ tuổi sung sức nhất của thanh niên.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ – Phó tư lệnh quân khu 9, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk chia sẻ với PV ngày 12/11 xoay quanh chuyện dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ – Phó tư lệnh quân khu 9, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội
Quan điểm của Thiếu tướng ra sao về việc “nới” độ tuổi gọi nhập ngũ với đối tượng công dân học đại học thêm 2 năm nữa, lên 27 tuổi, thay vì độ tuổi tối đa là 25 so với Luật hiện hành?
Đúng là thời gian vừa rồi việc quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hàng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên tham gia thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ thấp. Nhưng một phần nguyên nhân cũng từ phía Hội động nghĩa vụ quân sự xã, huyện đã không giám sát chặt chẽ với đối tượng này. Vì thế mà hầu hết chỉ gọi tuyển quân từ nông thôn, đối tượng vừa tốt nghiệp PTTH, vùng sâu vùng xa… chứ nếu cắt thẳng và phân bổ thẳng chỉ tiêu thì chắc chắn số quân lực sẽ đủ và không bị mất cân đối về tỷ lệ.
Thực tế, độ tuổi tốt nghiệp đại học từ 18 đến 23 tuổi, nên so với quy định tại Luật hiện hành tối đa tới 25 tuổi, thì vẫn còn khoảng cách 2-3 tuổi nữa. Đây là khung độ tuổi sung sức nhất của thanh niên, họ vừa trẻ, vừa khỏe, vừa đam mê cống hiến, chứ nếu nới rộng thêm tới 2 năm nữa, khoảng 27 tuổi tôi e rằng hơi dài, dù rằng ý tưởng của ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi là muốn kéo dài thêm khung độ tuổi để đảm bảo tuyển đủ quân lực cho quân đội chính quy.
Ngoài ra, một trong những nội dung sửa đổi tại Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) là nâng thời hạn nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng. Việc kéo dài thời hạn nghĩa vụ quân sự thêm có hợp lý, thưa Thiếu tướng?
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành thì thời hạn nghĩa vụ quân sự của hạ sĩ quan binh sĩ của bộ binh là 18 tháng, còn hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân … là 24 tháng. Sự chênh lệch thời hạn nghĩa vụ quân sự giữa các đối tượng đã tạo nên sự không công bằng.
Thời hạn phục vụ nghĩa vụ quân sự có thể sẽ nới từ 18 tháng lên 24 tháng để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng .
Thêm nữa, với thời gian quy định trong Luật hiện hành chỉ đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu đến cấp phân đội, chứ không đáp ứng được các chương trình huấn luyện cấp cao hơn như trung đoàn, quân khu vì không đủ thời gian để tổ chức huấn luyện, hợp luyện cho bộ đội.
Video đang HOT
Vì thế, tôi cho rằng việc tăng thời hạn phục vụ nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng là hoàn toàn hợp lý. Thời gian như vậy đủ đáp ứng cho các chương trình huấn luyện phục vụ cho diễn tập cấp trung đoàn trở lên, vừa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng phục vụ.
Ngoài ra, nếu thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ 18 tháng thì các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo số lượng hạ sĩ quan chỉ huy và hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật phục vụ trong thời bình.
Thực tế tôi biết ở nhiều đơn vị việc mở lớp chiêu sinh, động viên bộ đội học lên cán bộ hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên môn … rất khó khăn. Thuyết phục anh em ở lại học thêm khó khăn một thì thuyết phục gia đình anh em bộ đội đồng ý cho ở lại học khó 10, do họ cho rằng nếu học hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuận thêm 6 tháng nữa sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch riêng.
Do đó, việc tăng thời hạn này lên 24 tháng vừa bảo đảm công bằng chung với mặt bằng xã hội, vừa tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị về đảm bảo quân số cán bộ hạ sĩ quan phục vụ trong thời bình.
Dự thảo Luật cũng quy định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền kéo dài thêm thời hạn tại ngũ của hạ sĩ quan – binh sĩ không quá 6 tháng nữa. Có ý kiến nên bỏ quy định này để tránh nảy sinh những vấn đề xin – cho. Ông thấy sao?
Tôi không cho là như vậy, thậm chí việc trao quyền này là rất cần thiết. Vì yêu cầu nhiệm vụ tại mỗi đơn vị quân đội (bộ binh, binh chủng, hay quân chủng…) ở nhiều cấp, nhiều góc độ và nhiều đơn vị nhiệm vụ khác nhau.
Nhất là trong trường hợp đồng chí nào đang làm nhiệm vụ đặc biệt hoặc vững chuyên môn nhiệm vụ mà chưa có người thay thế kịp thời thì việc kéo dài thời hạn phục vụ thêm 6 tháng là cần thiết. Kéo dài thêm thời hạn phục vụ đối với các trường hợp này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo quốc phòng an ninh hiện nay.
Có quan điểm cho rằng cần giảm đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền nghĩa vụ quân sự cũng như đảm bảo công bằng xã hội. Ông có đồng tình với quan điểm trên?
Đúng là phải thu hẹp lại đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình xuống, chứ quy định như Luật hiện hành quá rộng. Vừa rồi có hiện tượng công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để “né”, trốn đi nghĩa vụ quân sự, không công bằng đối với nhiều đối tượng khác.
Vì vậy, dự án Luật đã đưa ra quy định chặt chẽ hơn, thu hẹp đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Chỉ có những đối tượng như học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”.
Để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Với bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào thì việc tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 18 tháng chưa đủ rèn luyện chiến sĩ thuần thục
Để có thông tin đa chiều về một số điểm mới của Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), NTNN đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh) - nguyên Tư lệnh quân khu IV, Đại biểu quốc hội (các khóa VIII, IX, X).
Thưa Trung tướng, Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) trước đây quy định thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, nay Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) nâng lên 24 tháng. Theo Trung tướng quy định này có phù hợp?
Thanh niên Hà Nội ên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Giang Huy
- Cách đây mười mấy năm, khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi đã không đồng ý thời hạn nghĩa vụ quân sự là 18 tháng bởi kẻ thù của chúng ta luôn luôn là những nước lớn, hơn hẳn chúng ta về trang thiết bị kỹ thuật, về lực lượng, vì vậy chiến sĩ của ta cần phải được rèn luyện thật cao, đến mức điêu luyện, trình độ kỹ thuật, chiến thuật thật giỏi để có thể 1 đánh 10. 18 tháng thì chưa đủ rèn luyện chiến sĩ thuần thục kỹ - chiến thuật ở mức độ cao.
Hơn nữa, hiện nay chiến tranh là chiến tranh công nghệ cao, khác hẳn thời ta đánh Mỹ, do đó yêu cầu rèn luyện cũng phải cao hơn gấp bội, 24 tháng nghĩa vụ quân sự là phù hợp với điều kiện hiện nay. Thực ra, để có một đội quân chuyên nghiệp phải cần từ 30 - 36 tháng, nhưng nền kinh tế của ta chưa cho phép nên có thể chấp nhận 24 tháng với điều kiện là trình độ huấn luyện thật giỏi, tốt. Riêng hải quân, không quân, tên lửa, cần kéo dài thời gian hơn nữa vì đây là ngành cần đào tạo công nghệ cao, cần có thời gian để làm chủ vũ khí-khí tài hiện đại.
Còn vấn đề tăng độ tuổi gọi công dân nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Nguyên Tư lệnh quân khu IV
Kẻ thù của chúng ta luôn luôn là những nước lớn, hơn hẳn chúng ta về trang thiết bị kỹ thuật, về lực lượng, vì vậy chiến sĩ cần phải được rèn luyện thật cao, đến mức điêu luyện, trình độ kỹ thuật, chiến thuật thật giỏi để có thể 1 đánh 10".
- Hiện nay thanh niên, sinh viên có nhiều người muốn tham gia quân đội để rèn luyện, thử thách. Quân đội chính là trường học để họ có thể trau dồi, kiểm nghiệm kiến thức và thử thách bản thân. Ra khỏi quân đội, quá trình rèn luyện đó chính là động lực để họ có thể đạt tới những hoài bão trong cuộc sống. Nếu chỉ lấy thanh niên nhập ngũ ở lứa tuổi 25 trở xuống thì rất nhiều trí thức tốt nghiệp đại học sau 25 tuổi sẽ "lọt lưới", và như vậy sẽ thiếu đi một lực lượng lớn trí thức phục vụ quân đội. Trong những cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay cần rất nhiều những trí thức tham gia để làm chủ các trang thiết bị hiện đại, cho nên việc đưa tuổi nghĩa vụ quân sự lên 27 là rất tốt. Sinh viên nên tham gia vào quân đội để trải nghiệm và học tập nhiều điều trong môi trường quân đội.
Dự thảo Luật NVQS sửa đổi quy định chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên học đại học chính quy. Trung tướng có cho rằng như vậy là hợp lý?
- Nếu tạm hoãn tất cả thì chúng ta sẽ thiếu một lượng lớn thanh niên cho quân đội, vì vậy đây là cách điều chỉnh sao cho hợp lý chứ không phải là phân biệt đối xử. Các sinh viên học đại học chính quy sẽ đi nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước vẫn đặt lên hàng đầu.
Mong Quốc hội vì nhu cầu lâu dài của quân đội cần quan tâm đến lực lượng nghĩa vụ quân sự để đào tạo cho đất nước lực lượng dự bị hùng hậu. Nếu chiến tranh xảy ra thì lực lượng dự bị này có thể chuyển thành những người lính điêu luyện làm chủ mọi kỹ-chiến thuật của cuộc chiến hiện đại. Và chúng ta sẽ luôn có những người lính điêu luyện để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Nâng độ tuổi gọi nhập ngũ là cần thiết
Nhiều năm trong quân ngũ, tôi thấy quân đội là môi trường rất tốt để rèn luyện tính kỷ luật, tác phong. Trong quân ngũ ta thấy được ý nghĩa cao cả tình đồng đội, sự hy sinh và lớn hơn là trách nhiệm của công dân đối với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Điều này rất cần cho một thanh niên bước vào đời. Và càng cần cho một sinh viên - nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng cho tương lai của đất nước. Tôi đồng ý việc tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học chính quy. Nhưng sau khi tốt nghiệp nhất thiết sinh viên phải thực hiện NVQS. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh đất nước ta - một đất nước luôn bị kẻ thù nhòm ngó.
Đoàn Đại Giang(cựu chiến binh, xã Giao Long, Giao Thủy, Nam Định)
Là bộ đội nghĩa vụ, chúng tôi nghĩ được ở lại thêm quân ngũ 6 tháng là một điều may mắn. Trước kia bộ đội Trường Sa 3 năm mới được về lại đất liền, nay chúng tôi ở lại thêm 6 tháng thì càng có cơ hội để được rèn luyện trong môi trường nghiêm túc, được học hỏi kinh nghiệm sống của các bậc đàn anh, và quan trọng hơn là chúng tôi vẫn được đầy đủ chế độ, từ tiền ăn, tiền phụ cấp, tiền độc hại...
Chiến sĩ Nguyễn Đức Anh (đóng quân tại Đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa)
Thời chúng tôi đi chống Mỹ có những tân binh 34 tuổi vẫn vào bộ đội, quan trọng là khi đất nước cần công dân xả thân vì Tổ quốc, thì mọi người đều sẵn sàng ra trận. Kinh nghiệm của lính chiến, càng lớn tuổi càng có nhiều kinh nghiệm khi tham gia chiến đấu; do vậy tôi ủng hộ việc nâng độ tuổi của người gọi nhập ngũ lên 27 tuổi.
Nguyễn Văn Thế (cựu chiến binh, Yên Lạc, Vĩnh Phúc )
Theo Dân Việt
Đề xuất tăng tuổi nhập ngũ lên 27 Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nâng tuổi nhập ngũ lên 27 thay vì 25 như hiện nay. Độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 đến hết 27 Trình bày Tờ trình về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 3/11, Bộ trưởng Quốc...