Khốn khổ vì bác sĩ… internet
Nhiều thai phụ đã lâm vào những tình huống dở khóc dở cười do áp dụng thiếu cân nhắc các “bí kíp” chăm sóc thai lượm lặt từ internet.
Chị N.T.M.X (31 tuổi) đã mang thai tuần thứ 34 nhưng kết quả siêu âm cho thấy em bé vẫn ở ngôi mông. Sợ phải sinh mổ, chị dành thời gian lên các diễn đàn để hỏi thăm những phương pháp có thể giúp em bé trở đầu. Trên một diễn đàn về chăm sóc con cái, một số người bày cho chị cách… trồng cây chuối hay lau sàn nhà.
Trồng cây chuối thì chị không dám làm vì sợ té ngã và cũng làm không nổi khi đang mang cái bầu đã gần đến ngày sinh. Thế là chị miệt mài lau sàn theo tư thế quỳ như một kinh nghiệm trên diễn đàn. Một tuần sau, kết quả siêu âm cho thấy thai vẫn chưa xoay đầu, còn chị thì gánh thêm chứng đau lưng do quỳ lau sàn.
Lợi bất cập hại
Không chịu thua, chị X. tiếp tục săn “bí kíp” và mừng rỡ khi đọc được bài viết về “thủ thuật xoay thai bên ngoài” trên một trang web chuyên viết về hôn nhân – gia đình. Trước đây, chị đã nghe người ta nói về cách làm này nhưng bán tín bán nghi nên chưa dám thử, nay đọc bài viết như tiếp thêm lòng tin, nên chị nhờ người nhà xoa nắn cái bầu theo như “bác sĩ internet” chỉ dẫn.
Thai phụ nên tìm kiếm thông tin chăm sóc thai kỳ từ những website có độ tin cậy cao
Ba ngày sau, chị lại phải nhập viện vì đau bụng dữ dội, có dấu hiệu dọa sinh non, trong khi em bé thì vẫn cứ ở ngôi mông. “Phương pháp “ngoại xoay thai” ngày nay người ta không sử dụng nữa vì nó dễ dẫn đến các biến chứng. Lực bên ngoài muốn tác động vào bào thai thì phải vượt qua thành bụng rất dày, cơ tử cung, các phần phụ của thai… nên khó lòng xoay trở được em bé. Mà nếu cố xoay trở, tác động ngoại lực quá mạnh có thể gây chấn thương, nhau bong non, kích thích tử cung gây sinh non…, rất nguy hiểm” – Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết.
Thai phụ T.T.T.N (26 tuổi) thì lại cố ăn mặn ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai vì muốn sinh con trai, theo một bí quyết từ internet. Mặc cho những bữa ăn được nêm nếm mặn chát và cơ thể ngày một phù nề, chị vẫn quyết tuân theo “cho kịp trước khi giới tính thai nhi được hình thành”. Theo BS Thông, các trang web mà chị N. tham khảo trước hết đã vi phạm pháp luật, bởi hiện nay tất cả các hành vi tuyên truyền về lựa chọn, can thiệp giới tính thai nhi đều bị cấm. Hơn nữa, ăn mặn để có con trai cũng là một mẹo vô căn cứ, chưa được khoa học chứng minh. Chế độ ăn mất cân bằng này có thể khiến thai phụ bị rối loạn chuyển hóa muối – nước, cao huyết áp thai kỳ…
Theo BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện (BV) Từ Dũ, ông gặp khá nhiều trường hợp thai phụ tin vào những lời khuyên khá buồn cười như kiêng những thực phẩm nhờn nhờn như rau mồng tơi vì sợ thai… tuột mất, ăn nhiều trứng ngỗng cho khỏe – trong khi đây là một loại thực phẩm dễ gây đầy bụng ở cả người thường, huống gì là bà bầu!
Lời khuyên “vận động nhiều cho dễ đẻ” cũng được nhiều bà bầu tuân theo triệt để, thậm chí có các “trường phái” còn cho rằng nên siêng leo cầu thang! Tuy nhiên, theo BS Thông, leo cầu thang chỉ là một cách chữa mẹo thiếu cơ sở và hoàn toàn không nên tuân theo. Thai phụ thường được khuyên nên vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu và cũng cần tránh luôn việc leo cao, đi đứng ở những nơi không an toàn để khỏi bị té ngã. Một số bài tập dành cho thai phụ có thể có lợi cho việc sinh nở nhưng nếu quá gắng sức sẽ phản tác dụng.
Không có lời khuyên nào luôn đúng
Cũng theo BS Trần Ngọc Hải, một lời khuyên có thể đúng với người này nhưng không đúng với người kia, bởi thể trạng mỗi người mỗi khác. Ví dụ, lời khuyên “phụ nữ mang thai nên đi lại nhiều cho dễ sinh” đúng với đa số nhưng lại sai đối với những người đã có vết mổ cũ vì việc di chuyển quá nhiều, vận động không phù hợp có thể làm nứt vết mổ. Lời khuyên thai phụ phải bồi bổ thứ này, thứ kia, ăn nhiều, tăng cân… cho con khỏe mạnh, to lớn cũng rất thường gặp.
Thực ra, việc tăng cân, bồi bổ phải phụ thuộc vào thể trạng của từng người, nếu người phụ nữ đó trước đây đã có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối… thì việc cố “ăn cho 2 người” chỉ tạo thêm nguy cơ cho thai kỳ. Thai phụ quá cân thường sinh khó và dễ gặp các tai biến sản khoa, đứa bé cũng không khỏe mạnh. Với người vốn đã thừa cân từ trước khi mang bầu thì càng nguy hiểm vì dễ dẫn đến các bệnh lý về nội tiết, tim mạch.
Video đang HOT
BS Nguyễn Ngọc Thông khuyến cáo: Việc tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe trên internet rất nên làm nhưng cần hiểu thông tin ấy chỉ chung chung. Qua đó, thai phụ có thể nhận biết các dấu hiệu bất thường, biết đến các biện pháp chăm sóc thai kỳ thông dụng… Khi nhận ra sự bất thường hoặc trước khi muốn áp dụng bài tập, chế độ ăn uống nào đó, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chắc chắn rằng điều đó tốt cho mình, chứ đừng tự làm bác sĩ.
Tìm những nguồn thông tin tin cậy
Theo các BS, khi muốn tham vấn từ internet, thai phụ nên tìm các nguồn thông tin có tính tin cậy cao, như trang web của các bệnh viện chuyên khoa, các hội sản phụ khoa của Việt Nam và thế giới, những tờ báo chuyên ngành có uy tín, các diễn đàn có BS trực tiếp tham gia tư vấn… Nên tránh các bài viết không rõ tác giả, không rõ nguồn, chỉ trích lời chung chung mà không hề có ý kiến chuyên gia với tên, chức danh rõ ràng.
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Những "nhức nhối" của ngành y tế năm 2012
Tai biến sản khoa; Viện phí mới; Bác sĩ Trung Quốc khám "chui; Không tìm ra nguyên nhân bênh "lạ" ở Quảng Ngãi... là những sự kiện đáng chú ý của ngành y tế trong năm 2012.
Tăng viện phí, không cam kết tăng chất lượng
Viện phí mới áp dụng từ 1/8 khiến nhiều người hoang mang. Bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế coi viện phí mới là một gánh nặng.
Tuy nhiên, giá viện phí vừa được điều chỉnh tư chỉ mới tính 3/7 cấu phần của giá viện phí, sắp tới, giá này sẽ được thu đúng, thu đủ. Điều này có nghĩa, giá viện phí sẽ tiếp tục tăng- PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh vừa cho biết ngày 13/12.
Bộ Y tế và Lãnh đạo một số bệnh viện lý giải, tăng viện phí là tính đúng, thu đủ. Viện phí mới thay thế cho khung giá cũ quá lỗi thời, chứ không tạo thêm khoản dư cho bệnh viện. Do đó, chỉ dựa vào giá viện phí mới mà nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như người dân yêu cầu là điều không thể.
Viện phí tăng nhưng bệnh nhân phải nằm ngoài hanh lang
Nếu theo lý thuyết, viện phí tăng đồng nghĩa với tăng chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn chừng mực khi nói về cam kết này. Tại một số bệnh viện, 2-3 người vẫn chen nhau một giường, thậm chí phải chui xuống gầm hoặc nằm ở hành lang để ngủ.
"Xới" các phòng khám Trung Quốc
Có thể nói chưa bao giờ những lùm xùm xung quanh việc khám chữa bệnh ở các phòng khám có yếu tố nước ngoài được "xới" lên nhiều như năm 2012.
Một số bác sĩ không rõ xuất xứ đến Việt Nam chữa bệnh, gây nhiều "tai họa" cũng khiến dư luận bức xúc.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thu Phong thường trú tại Hà Đông (Hà Nội), tử vong tại Phòng khám Maria là do bác sĩ truyền dịch. Theo Sở Y tế Hà Nội, người điều trị trực tiếp cho chị Phong là 3 bác sĩ "chui" người Trung Quốc.
Phòng khám đa khoa Maria, nơi bệnh nhân Nguyễn Thu Phong tử vong
Trước khi xảy ra vụ tử vong tại phòng khám Maria, Sở Y tế Hà Nội đã 4 lần xử phạt phòng khám về những sai phạm như chưa có giấy phép hành nghề hay quảng cáo sai sự thật. Như vậy, rõ ràng phòng khám này vi phạm trong suốt thời gian dài nhưng vẫn tồn tại.
Vụ việc xảy ra ở phòng khám đa khoa Maria như giọt nước tràn ly, thổi bùng những bức xúc trong dư luận về kiểu làm ăn "không giống ai" của các phòng khám Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó phòng khám Maria có thể coi là một "điển hình". Và Sở Y tế chỉ vào cuộc sau khi những phòng khám có bác sĩ "chui" bị giới truyền thông phanh phui.
"Nhức nhối" tai biến sản khoa
Chưa bao giờ những vụ việc liên quan đến tai biến sản khoa khiến dư luận lên tiếng nhiều như năm nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 88 ca tử vong mẹ hoặc tử vong con trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, con số này chỉ là "phần nổi" của tảng băng chìm. Theo Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), có tới 60% trường hợp tai biến sản khoa không được các địa phương báo cáo.
Riêng ở Quảng Ngãi từ tháng 4/2012 đến nay đã liên tục xảy ra 19 trường hợp tai biến sản khoa.Trong đó có 6 ca tai biến làm chết 4 trẻ sơ sinh và 3 trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con.
Mẹ của sản phụ Lê Thị Hương (Quảng Ngãi) chết ngất tại bệnh viện khi nhận hung tin con gái mình tử vong
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Khê, các vụ tai biến sản khoa xảy ra còn do các y, bác sĩ khoa sản không thực hiện tốt quy chế chuyên môn, theo dõi diễn biến bệnh không thường xuyên, thiếu chặt chẽ; nhận định, tiên lượng, đánh giá tình trạng bệnh chưa chính xác; xử lý chưa kịp thời, thiếu tích cực.
Không tìm ra nguyên nhân bệnh "lạ" ở Quảng Ngãi
Căn "bệnh lạ" ở Quảng Ngãi chưa từng xuất hiện trên thế giới. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi vào ngày 19/4/2011 sau đó lây lan sang các xã Ba Ngạc, Ba Tô, Ba Xa, Ba Vinh (H.Ba Tơ) và Thanh An (H.Minh Long).
Bệnh "lạ" lan rộng và gây ra hàng chục cái chết cho người dân ở khu vực này, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Ba Điền. Tính đến thời điểm này, Quảng Ngãi có 23 người tử vong vì bệnh "lạ".
Đến nay, ngành y tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh "lạ" ở Quảng Ngãi
Những người mắc bệnh "lạ" bị tổn thương cơ thể rất nghiêm trọng như suy gan, tổn thương cơ tim, tổn thương da... Ngoài ra, lòng bàn tay, bàn chân nổi lên lớp dày giống vết bỏng, các vết loét lây lan sang miệng, lưng, bụng và có nguy cơ tử vong cao.
Từ khi bệnh "lạ" xuất hiện, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới vào cuộc nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân căn bệnh này.
"Nóng" các dịch bệnh mới nổi
Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 2 loại bệnh nguy hiểm chưa từng xuất hiện hoặc rất hiếm gặp trên thế giới nhưng đã được ghi nhận tại nước ta. Tính rộng hơn trong 10 năm qua, số loại bệnh mới nổi ở Việt Nam được ghi nhận nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Tháng 9/2012, có 2 trường hợp tử vong do nhiễm "amip ăn não người". Bệnh nhân đầu tiên là thanh niên 25 tuổi ở Phú Yên, trú tại TP HCM, tử vong chỉ sau một ngày nhập viện.
Không chỉ amip ăn não, tháng 11/2012, Bộ Y tế lại xác nhận một trường hợp tại TP Hồ Chí Minh bị nhiễm virus Hanta gây suy thận. Bệnh nhân N.V.T. (nam, 55 tuổi ở TPHCM) nhập viện do bị chuột cắn và bị suy thận. Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân N.V.T. dương tính với loại virus có tên Hantavirus có ở chuột.
Hanta virus trên chuột có thể gây suy thận
Trong năm, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh tái nổi như tả, sốt xuất huyết, bệnh dại, rubella, tay chân miệng.
Theo PGS Phan Trọng Lân, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), những bệnh mới nổi, không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dân, khả năng gây đại dịch lớn.
Thu Trịnh (Tổng hợp)
Theo Khampha
Nguy cơ tai biến sản khoa vì thai quá ngày Suy thai và tai biến sản khoa là hai mối lo ngại lớn nhất đối với những ca thai quá ngày sinh. Được người nhà đưa vào bệnh viện (BV), chị N.T.Th (một công nhân ngụ tại Bình Dương) ngần ngại hỏi bác sĩ (BS) vì sao đứa bé mình đang mang đã nằm trong bụng quá 9 tháng 10 ngày được chừng...