Sẽ thật khủng khiếp nếu đưa tất cả số bà mẹ tử vong lên báo!
Xung quanh diễn biến các ca tai biến sản khoa cũng như nguyên nhân thuyên tắc ối (một bệnh lý rất hiếm gặp) của 5 ca tai biến, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, trao đổi với phóng viên Dân trí về những vấn đề này.
Việt Nam: 2 thai phụ tử vong vì tai biến mỗi ngày
Thưa PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng tai biến sản khoa trong thời gian vừa qua?
Ở Việt Nam, năm 2002, tỷ lệ tai biến dẫn đến tử vong 165 bà mẹ/100.000 trẻ đẻ sống. Tức là cứ 100.000 trẻ đẻ sống thì mất đi 165 bà mẹ. Mỗi năm đẻ 1 triệu trẻ mất 1.650 bà mẹ. Con số đó không hề nhỏ.
Đến năm 2010, con số này đã giảm rất nhiều, tỷ lệ tử vong các bà mẹ còn 65/100.000 trẻ đẻ sống. Mục tiêu phấn đấu đến 2020 chỉ còn khoảng 58,3 bà mẹ tử vong/100.000 trẻ đẻ sống. Nếu được như vậy thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 600 – 700 bà mẹ tử vong liên quan đến sản. Tính bình quân, một ngày 2 bà mẹ ra đi.
Nhưng có những tai biến sản khoa không thể tránh được, không riêng gì ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 1.000 bà mẹ tử vong liên quan đến sản. Mỗi năm khoảng 10 triệu bà mẹ bị các tai biến sản khoa.
Thưa ông, các thai phụ tử vong chủ yếu liên quan đến các nguyên nhân nào? Trong số các ca tai biến sản khoa hai tháng trở lại đây, đã có tới 5 ca được khẳng định là do thuyên tắc ối, trong khi đây là một bệnh lý hiếm gặp ở cả Việt Nam và thế giới. Điều này có gì bất thường không thưa ông?
Tử vong của các thai phụ này do rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu các tai biến sản khoa như băng huyết, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, uốn ván rốn, vỡ tử cung và gần đây là nạo phá thai không an toàn… Ngoài ra, các bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp, phổi của người phụ nữ càng trở nên trầm trọng hơn khi mang thai cũng là nguyên nhân gây tử vong.
Điều đáng mừng là hiện nay có nhiều loại thuốc tốt hơn, trang thiết bị tốt hơn, vì thế, nhiều trường hợp tai biến lẽ ra trước đây tử vong nay đã được cứu sống. Ngay cả những tai biến nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc… trước kia tỉ lệ tử vong rất cao thì nay cũng rất ít xảy ra. Hay như tai biến nhiễm trúng uốn ván trước nhiều, nhưng nay hầu như không còn do chiến lược phòng bệnh tiêm phòng uốn ván cho các bà mẹ mang thai bao phủ rộng gần như 100%.
Do đó, những ca tử vong còn lại tập trung vào bệnh khó cứu như thuyên tắc ối. Khi có kết quả 5 thai phụ được khẳng định là thuyên tắc ối, nhiều người thắc mắc, sao giờ sản phụ hay chết do tắc mạch ối? Tôi thì cho rằng, vì những tai biến khác người ta đã can thiệp được, cứu sống được nên số tử vong còn lại rơi vào bệnh khó cứu như thuyên tắc ối. Nếu những tai biến kia chưa can thiệp được hiệu quả thì các ca tai biến sản khoa khi thì ca chết do tim, ca chết do huyết áp, phổi, lúc do nhiễm khuẩn, do chảy máu.
Khó xảy ra tiêu cực trong quản lý hồ sơ
Video đang HOT
Thiếu sự tư vấn nên thai phụ dù đi khám cũng không hiểu được thực sự mình đang bị nguy cơ gì (Ảnh: Pháp luật Việt Nam )
Khi xảy ra tai biến, gia đình người bệnh đều rất bức xúc. Ông đánh giá vai trò, trách nhiệm của bác sĩ sản như thế nào trong những trường hợp tai biến?
Không phải trường hợp tai biến nào cũng do bác sĩ. Trên thực tế, nhiều phụ nữ mắc bệnh tim, suy thận, suy gan, cao huyết áp… vẫn cố có thai, rồi trong quá trình thai nghén bệnh trầm trọng hơn, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Như những trường hợp cao huyết áp, bình thường đã nguy hiểm, có thai càng nguy hiểm hơn bởi huyết áp có thể tăng vọt bất cứ lúc nào, gây xuất huyết não, tử vong cho người bệnh.
Còn với bác sĩ, tôi chắc chắn rằng, không ai mong muốn xảy ra những tai biến đó. Có chăng, tôi cho rằng, một số anh chị em bác sĩ vẫn chưa có kinh nghiệm tư vấn cho người bệnh. Bởi những người phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ, nhất là những trường hợp có bệnh lý sẵn. Ví như trước một thai phụ cao huyết áp, bác sĩ phải tư vấn để sản phụ hiểu được nguy cơ đó. Nhưng bác sĩ mình mới chỉ thực hiện việc ghi vào bệnh án huyết áp cao, dùng thuốc, khám chỉ định… nên khi xảy ra tai biến, người nhà bệnh nhân thắc mắc, vẫn cho sản phụ khám đúng hẹn, đúng lịch kỳ, vậy tai biến do đâu?
Nhiều người nhà bệnh nhân phản ứng bởi họ không tin vào kết luận được đưa ra, bởi họ cho rằng việc bệnh viện nắm hồ sơ bệnh án dễ xảy ra tiêu cực, thậm chí sửa bệnh án. Theo ông có khả năng này xảy ra không?
Khi xảy ra tai biến tử vong, phải để khoa học trả lời và đã có kết luận khoa học của cả hội đồng, nhiều ban ngành thì người nhà nên tin vào kết luận đó.
Còn tôi cho rằng, trong việc bệnh viện nắm toàn quyền trong quản lý hồ sơ cũng rất ít có khả năng xảy ra tiêu cực. Bởi khi có vấn đề xảy ra, hồ sơ thường được niêm phong ngay. Sửa hồ sơ đâu có đơn giản khi ngoài ngành y tế còn có công an vào cuộc.
Cái gì nóng phải tập trung
Thực tế, chúng ta đang rất thiếu các BS sản khoa, nhất là tại các BV tuyến huyện vì có nơi BS ngoại phụ trách khoa sản, bác sĩ nội phải tham gia khám sản. Vậy, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì để nâng cac năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác sản khoa ở tuyến cơ sở không, thưa ông?
Bác sĩ sản có thiếu, nhưng không vẫn đỡ thiếu hơn các chuyên khoa khác như chuyên khoa nhi, bác sĩ chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y…
Bên cạnh việc yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/Tp tiếp tục chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Phụ sản TƯ, BV Từ Dũ và các bệnh viện đầu ngành về Sản phụ khoa và Nhi khoa đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, tổ chức ngay các lớp tập huấn đào tạo lại cho cán bộ y tế tuyến dưới, tập trung vào các nội dung về theo dõi cuộc đẻ và cấp cứu, hồi sức sản khoa. Tiếp tục cử các đoàn công tác đến các tỉnh để làm việc với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan ở địa phương về công tác chăm sóc thai sản, cấp cứu, hồi sức sản khoa và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, Bộ Y tế chú trọng công tác đào tạo nhằm bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa. Tiếp tục tăng cường đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn bản tại những vùng sâu, vùng xa…
Ngay tại BV Phụ sản TƯ, mỗi ngày không dưới 100 học viên các nơi tham gia học về sản khoa tại viện. Bệnh viện cũng luôn có bác sĩ cài cắm, sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới. Từ Hải Phòng, Ninh bình, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… khi có những ca bệnh nặng.
Bộ Y tế có động thái gì trước những ca tai biến sản khoa liên tiếp xảy ra thời gian gần đây?
Như tôi đã nói, tai biến sản khoa không chỉ gặp riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới cũng có khoảng 10 triệu ca tai biến mỗi năm.
Các ca tai biến chủ yếu rơi vào thai phụ sống ở vùng sâu, vùng xa vì thế Bộ Y tế đặc biệt đào tạo cô đỡ thôn bản góp phần giải quyết phần nào những tai biến, tử vong trong sản. Rõ ràng, khi đào tạo được đội ngũ này, tử vong đỡ đi nhiều.
Chính phủ, Quốc hội luôn có chương trình mục tiêu quốc gia về sinh sản, về làm mẹ an toàn. Còn về Bộ Y tế, những cái gì nóng, quan trọng luôn phải tập trung. Từ làm mẹ an toàn, dân số… không chỉ tập trung trước mắt mà ưu tiên cả chiến lược dài hơi, ưu tiên cả đào tạo.
Năm nào Bộ Y tế cũng kiểm tra định kỳ hoạt động tại các bệnh viện. Có các yếu tố này se tăng cường kiểm tra đột xuất. Trong y tế, thời điểm nào chuyên ngành nào nổi lên phải tập trung vào chuyên ngành đó, ví như tay chân miệng thì phải tập trung giảm dịch tay chân miệng. Còn thời điểm này, chúng tôi tăng cường tập trung vào sản khoa. Tuy vậy, tôi cho rằng những tai biến này vẫn nằm trong giới hạn kiểu soát, bởi thực tế, tỉ lệ tử vong của bà mẹ giảm rất nhiều.
Để hạn chế những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra ở những cơ sở y tế thiếu cán bộ, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh cần rà soát tổ chức nhân sự và trang thiết bị làm công tác sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế. Những cơ sở y tế không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định cần được củng cố kịp thời hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ.
Ngoài ra, sẽ tăng cường việc giám sát, tăng cường nhân lực, trang thiết bị cho tuyến dưới. Hiện tại tuyến dưới cũng được tăng cường rất nhiều qua đề án 1816. Tôi chỉ mong, tuyến trên làm thật nhiệt tình, đã đi phải nhiệt tình chuyển giao công nghệ. Tuyến dưới thấy mình chưa đủ năng lực, kém phải tiếp tục học hỏi, chứ không chẳng còn cách gì khác. Đó chính là giải pháp, đường lối đã, đang thực hiện và có hiệu quả nên phải tiếp tục.
Vẫn đang chờ báo cáo chính thức của tỉnh “Đến nay Bộ Y tế mới nhận được Báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, TP.HCM, Quảng Nam. Còn chờ tiếp cáo Hưng Yên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Nha Trang, Gia Lai. Ở Bắc Ninh cơ quan công an đang điều tra. Trường hợp ở Mộ Đức, Quảng Nam đã tạm thời đình chỉ 2 nữ hộ sinh có liên quan đến ca đẻ hôm đó trước khi có kết luận về sự việc. Quan điểm là Bộ Y tế không chỉ đổ cho khách quan, mà còn xem xét các nguyên nhân có liên quan đến tinh thần thái độ, trình độ, chủ quan trong theo dõi, tiên lượng diễn biến, nhiều khi chuyển chậm, giữ bệnh nhân. Chúng tôi còn đang chờ kết luận báo cáo chính thức của tỉnh. Trên thực tế, đúng là có trường hợp gây băng huyết theo dõi tốt hơn chắc chắn sẽ tránh được tai biến vỡ tử cung”, ông Nguyễn Duy Khê,Vụ trưởng Vụ bảo vệ bà mẹ trẻ em, BYT cho biết.
Hồng Hải (thực hiện)
Theo Dân trí
Châm cứu chữa bại não, tự kỷ
Bệnh viện Châm cứu Trung ương đang miễn hoàn toàn viện phí, tiền thuốc điều trị cho trẻ bại não, tự kỷ, câm điếc mở ra cơ hội hòa nhập cho hàng ngàn trẻ em.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 trẻ em bại não. Nhiều em trong số đó đã được Bệnh viện Châm cứu Trung ương mang lại cuộc sống bình thường nhờ phương pháp châm cứu phục hồi chức năng.
80%-90% liệt tứ chi
Di chứng sau một lần viêm não khiến Lê Trọng Huy (4 tuổi, ngụ Hà Nội) từ một cậu bé khỏe mạnh, vui vẻ bỗng liệt toàn thân, nằm bất động và không thể nói được. Sau 2 đợt điều trị bằng điện châm, thủy châm kết hợp với xoa bóp bấm huyệt và tập vận động tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Huy đã ngồi dậy và bước đi chập chững. Chị Nguyễn Thanh Hoài, mẹ Huy, không giấu được niềm vui: "Dù cháu chưa nói được, bước chân vẫn run run nhưng thế này là tiến bộ lắm rồi".
Châm cứu chữa bại não
TS-BS Nguyễn Thị Tú Anh, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết mới đây, bé Nguyễn Đức Hoàng (3 tuổi, ngụ Hà Nội) bị liệt tứ chi do viêm đa rễ thần kinh cũng đã khỏi bệnh sau 2 đợt điều trị. Ngoài ra, rất nhiều cháu sau khi điều trị đã trở lại trường học.
Cũng theo bác sĩ Anh, gần 90% bệnh nhân được chữa trị tại đây là bệnh nhân bại não, phần lớn ở thể nặng và rất nặng. Trong đó, trẻ bị liệt tứ chi chiếm khoảng 80% - 90%, liệt nửa người chiếm 5% - 7%, còn lại là liệt hai chân.
18%-21% khỏi bệnh hoàn toàn
Để tạo lập các chức năng vận động, nghe nói, giao tiếp, cải thiện trí nhớ, bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp điện châm, thủy châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt, tập vận động và giáo dục hòa nhập. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, họ sẽ tác động, kích thích các huyệt, dưỡng khí, thông kinh lạc... giúp hệ thần kinh trung ương của trẻ phục hồi và dần vận động, giao tiếp được. Liệu trình điều trị một đợt thường kéo dài từ 25-30 ngày, thời gian nghỉ 3-4 tuần rồi lặp lại đợt tiếp theo. Với trẻ bại não, việc điều trị bằng châm cứu thực hiện khi trẻ được 6 tháng tuổi với cân nặng 7-8 kg.
Kết quả theo dõi, đánh giá trên 4.000 bệnh nhi bại não điều trị trong giai đoạn 2009-2011 tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương bằng phương pháp châm cứu phục hồi chức năng cho thấy: tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn (đi lại, nói, đi học, hòa nhập tốt) chiếm 18% - 21% cải thiện rõ rệt (ngồi vững, bò, đứng vịn, đứng, đi men, nói thêm từ, hiểu lời nói) chiếm 60% - 75%. Chỉ còn 1% - 5% trẻ không cải thiện do chịu ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khác.
PGS-TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết bệnh viện miễn hoàn toàn viện phí, tiền thuốc cũng như các loại tiền thủ thuật với những trẻ bại não, tự kỷ, câm điếc hoặc có di chứng viêm não. Chính vì thế, đây là cơ hội để hàng trăm ngàn trẻ mắc bệnh bại não được điều trị phục hồi chức năng, sớm hòa nhập cộng đồng.
Dễ bại não do tai biến sản khoa
Trẻ em bị các bệnh liên quan đến não thường có 15% từ các nguyên nhân trước khi sinh. Đó là người mẹ nhiễm virus (cúm, rubella) khi mang thai dưới 3 tháng, ngộ độc, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, dùng thuốc hoặc chụp X-quang trong lúc mang thai. Ngoài ra, từ 40% - 60% là do mẹ gặp tai biến sản khoa, đẻ khó phải can thiệp bằng foocxep, đẻ non, chuyển dạ kéo dài khiến não bị ảnh hưởng dẫn đến di chứng điếc, câm, chậm nói. Số còn lại là do di chứng của viêm não, viêm màng não mủ, dị dạng mạch máu não, sang chấn sọ não.
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Hà Nội: Siết chặt công tác sản khoa để giảm tai biến Trước cnhiều ca tai biến sản khoa gần đây, trong đó tại Hà Nội là trường hợp tử vong trẻ sơ sinh tại Vân Đình, Sở Y tế Hà Nội yều cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra công tác sản khoa, giảm nguy cơ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các...