Khơi thông nguồn vốn, rã băng thị trường bất động sản là vực dậy cả trăm ngành nghề liên quan
Bất động sản đóng góp tới 11% GDP và có sức ảnh hưởng chi phối đến hàng trăm ngành nghề.
Khơi thông nguồn vốn bất động sản cũng là vực dậy 40 ngành nghề liên quan trực tiếp và hàng trăm ngành nghề liên đới.
Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thời điểm 3 tháng cuối năm luôn là “mùa vụ” được trông đợi nhất trong năm của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, năm nay bước vào quý 4 lại là thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp bất động sản.
Hàng nghìn doanh nghiệp trên thị trường bất động sản đang bị rơi vào tình cảnh đói vốn, khó khăn chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng, giãn, hoãn các dự án đang triển khai, thậm chí sa thải 30-50% lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng, dòng vốn tín dụng bị đóng và dư nợ trái phiếu cao.
Thị trường bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế. Cánh chim báo bão ấy là đầu vào của nhiều ngành nghề khác nhau. Không có đất, không có nhà thì các ngành: hạ tầng, thiết kế, vật tư, xây dựng, nội thất, gốm sứ, máy móc cơ điện, thiết bị gia dụng… cũng mất đi cơ hội phát triển. Thậm chí các ngành tưởng chừng không hề liên quan như: hội họa, điêu khắc cũng thịnh suy theo sức khỏe của thị trường địa ốc. Đó là chưa kể đến sau lưng bất động sản còn có cả hệ thống tài chính.
Thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn. Việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho cả chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng như người mua nhà. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách đột phá khơi thông nguồn vốn, vực dậy thị trường bất động sản.
Video đang HOT
“Vấn đề pháp lý và vốn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi Ngân hàng Nhà nước siết cho vay và kiểm soát chặt trái phiếu đã gây khó khăn cho thị trường bất động sản. Do đó, cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp với các dự án đã triển khai, ngân hàng đã thẩm định hồ sơ thì tiếp tục giải ngân. Đối với những dự án đã đầy đủ các thủ tục pháp lý, hiện cần nguồn vốn để phát triển thì cũng cần cấp vốn cho doanh nghiệp làm”, TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam chỉ ra.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp cần phải thúc đẩy chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nếu làm được sẽ tạo cơ hội tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
Ông Lực cũng cho rằng, với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng tốt, thu ngân sách khả quan thì các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản khả thi, bao gồm cả việc nới trần tín dụng.
Về vấn đề trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đề ra một số giải pháp như, với trái phiếu đang đến hạn trong năm nay và năm 2023 Chính phủ cần có chương trình hoãn nợ cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản, đúng luật. Cần có chương trình cho vay đặc biệt cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Theo đó, nhà đầu tư sẽ có lại niềm tin và trở lại với thị trường vốn, đầu tư trở lại vào cổ phiếu trái phiếu. Và các quỹ phát triển, quỹ đầu tư cũng có lại nguồn vốn để hỗ trợ lại thị trường.
“Những giải pháp này cần phải được làm ngay sẽ giúp thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu có thể hồi phục vào giữa năm 2023 để chúng ta tiếp tục vấn đề phát triển kinh tế”, ông Hiếu cho biết.
Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cũng cho rằng, để người dân giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở, cần khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn vốn như các quỹ đầu tư, tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động… khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Các chủ đầu tư uy tín cần được tạo điều kiện hoãn nợ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi.
Cũng theo ông Đính, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án để phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
“Cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật, nội dung sửa cần bám sát thực tế, phải thực sự tháo gỡ được điểm nghẽn đang hiện hữu. Đồng thời quá trình sửa luật cần thường xuyên được cập nhật, công khai để xã hội nắm bắt, củng cố niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư”, ông Đính nhận định.
Nhìn sang Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS nước này cũng rơi vào cảnh khó khăn tương tự. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là khi 6 ngân hàng lớn bắt tay để bơm khoảng 140 tỷ USD ra thị trường, được cho là tích cực để vực dậy một trong những đầu kéo quan trọng của nền kinh tế là bất động sản.
Tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy
Nguồn cung hiện nay đang thiếu nghiêm trọng ở tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn coi bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn sau đó mới đến vàng, chứng khoán.
Tại tọa đàm chuyên đề về "Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, từ quý IV/2021, khi các địa phương gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc.
Đáng chú ý, tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Theo tổng hợp số liệu từ các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh so với quý III/2021. Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) trong quý IV/2021 tăng nhẹ 3-5% so với quý trước. Cá biệt có những vùng tăng 100%, 70% đặc biệt là đất nền, khu vực giáp ranh thành phố lớn giá tăng 15-20%. Ngược lại, bất động sản du lịch so với cùng kỳ quý 1/2021 thì cơ bản giảm, so với quý IV/2021 gần như đi ngang.
Ông Khởi cho biết, trong thời gian qua từ năm 2020, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành ban hành nhiều chính sách, nhiều Luật ra đời, tháo gỡ tương đối nhiều khó khăn với bất động sản như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, hàng loạt Nghị định của Chính phủ nhưng lại đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 nên tác động của Luật chưa đến thực tiễn nên vẫn khó khăn.
"Tác động của Luật với bất động sản luôn có độ trễ từ 6 tháng đến một năm bởi sau khi có Luật lại chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Mỗi quy trình kinh doanh bất động sản lại có Luật khác nhau, luật này chờ luật kia, tới đây phải nhanh chóng tháo gỡ thủ tục pháp lý, dù đã cố gắng nhưng phải tiếp tục", ông Khởi nói.
Nguồn cung hiện nay đang thiếu nghiêm trọng ở tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn coi bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn sau đó mới đến vàng, chứng khoán. Do đó, cần có giải pháp kích cầu nguồn cung, tháo gỡ thủ tục pháp lý cho dự án, đặc biệt dự án nhà ở xã hội. Chỉ trong từ 25-19/4, TP. HCM một lúc khởi công 5-6 dự án nhà ở xã hội, nhiều tình cũng khởi công, hầu hết là các dự án vướng mắc từ 2020-2021 giờ mới triển khai.
Nói về nguồn vốn, ông Khởi cho rằng, đây là một trong những yếu tố không thể xem thường trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Thị trường vốn gắn chặt với bất động sản. Bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực lớn thì nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng nhưng gần đây đã có một số quy định siết tín dụng vào bất động sản.
"Siết thị trường vốn thì thị trường bất động sản không phát triển được. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất sửa Nghị định 153 theo nguyên tắc không phải doanh nghiệp bất động sản nào ta cũng cấp vốn như nhau mà nên ưu tiên vốn cho dự án nào hạn chế dự án nào", ông Khởi nói.
Tại các địa phương cũng phải kiểm soát chặt chia lô bán nền và đấu giá đất, bởi đây là 2 vấn đề có tác động ghê gớm đến thị trường, chỉ cần một dự án tăng giá hàng loạt dự án tăng giá theo. Đó là cái hạn chế địa phương cần tăng cường quản lý hạn chế méo mó thị trường.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, vừa rồi có tình trạng câu kết liên kết làm giá giữa sàn và chủ đầu tư, giữa các sàn với nhau, giữa các sàn với môi giới hay chủ đầu tư không đem hàng ra bán liên kết với sàn nâng giá làm nhiễu loạn thông tin.
Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, Chính phủ đồng ý sẽ trình Quốc hội sửa một số luật, trong đó có 3 luật nếu sửa được như Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ khơi thông thị trường phát triển. Quốc hội cũng thống nhất đưa Luật Đấu thầu để sửa tiếp.
"Cần nhiều giải pháp tổng hợp không chỉ ở góc độ Bộ Xây dựng mà Chính phủ, các bộ ngành cùng tham gia. Tôi tin rằng, muốn thị trường bất động sản phát triển ta phải thực hiện nhiều giải pháp như trên", ông Khởi nhấn mạnh.
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực ra phương án xử lý trái phiếu đến hạn Trước sức ép đến hạn của hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm nay và hàng trăm ngàn tỉ đồng trong 2 năm tới, các chuyên gia cho rằng cần sớm triển khai nhiều giải pháp để xử lý tránh hệ lụy cho thị trường tài chính và nền kinh tế. Áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp...