“Khơi thông” du lịch Hà Tĩnh, tạo điểm nhấn cho vùng Bắc Trung Bộ
Mặc dù có nhiều tiềm năng, đặc biệt là du lịch biển, du lịch nông nghiệp nhưng so với nhiều tỉnh miền Trung, Hà Tĩnh vẫn được xem là “vũng trũng du lịch” do chưa khai thác hết các tiềm năng.
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành thuộc CLB lữ hành Unesco tại Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Quyên
Tài nguyên tự nhiên đa dạng
Hà Tĩnh có tiềm năng du lịch khá toàn diện, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như núi Hồng, sông La, đèo Ngang, dãy Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang. Ngoài ra, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử, văn hóa như Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Hương Tích, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc…
Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh Trần Nguyễn Huỳnh, cùng với tập trung thế mạnh là du lịch biển với những bãi biển đẹp hoang sơ như: Xuân Thành, Thiên Cầm, Thạch Hải, Đèo Con, Hà Tĩnh đang phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, phát huy lợi thế tự nhiên, sinh thái để xây dựng sản phẩm du lịch xanh bền vững.
Đoàn khảo sát tham quan Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Hoàng Quyên
Video đang HOT
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, năm 2023, tổng lượt khách tham quan đạt 3.361.000 lượt khách (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 34% so với kế hoạch cả năm 2023). Vào một số thời điểm, như dịp nghỉ lễ 30-4, 1-4 vừa qua, nhiều điểm du lịch Hà Tĩnh đông kín khách vui chơi, tạo sức hút mới cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Hồ Thiên Tượng (xã Hồng Lĩnh) được xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 2004. Ảnh: Hoàng Quyên
Tạo thương hiệu du lịch Bắc Trung Bộ
Mặc dù được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch biên giới (giáp Lào) nhưng Hà Tĩnh vẫn bị đánh giá là “vùng trũng” của du lịch miền Trung. Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội diễn ra vào sáng 28-6, đa số các doanh nghiệp du lịch cho rằng, du lịch Hà Tĩnh còn đơn giản, hạ tầng đầu tư đơn sơ nên chưa thu hút được các đơn vị lữ hành. Với những khách lẻ, Hà Tĩnh mới là điểm dừng chân, chưa phải là điểm lưu trú hấp dẫn.
Khảo sát vườn trầm đặc sản của Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Quyên
Để “khơi thông” cho du lịch Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, với những tiềm năng hiện có, Hà Tĩnh cần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng, tầng lớp khác nhau. Ngoài ra, các điểm đến cần có sự sáng tạo, đổi mới trong việc trưng bày các sản phẩm, đưa ứng dụng công nghệ vào phục vụ khách.
Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH du lịch, quản lý khách sạn và bất động sản (VOH) Nguyễn Văn Quảng gợi ý, các hệ thống dịch vụ tại các điểm du lịch cần phải được nâng cấp chuyên nghiệp như hệ thống nhà vệ sinh, chính sách thanh toán điện tử linh hoạt.
Còn theo Giám đốc Công ty lữ hành S-Travel Nguyễn Hồng Thắng, Hà Tĩnh cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho các khu du lịch, tránh đầu tư dàn trải, ồ ạt làm mất cảnh quan, bản sắc, có thể gây lãng phí, trong đó cần tập trung cho du lịch sinh thái, tự nhiên.
Khảo sát cơ sở sản xuất mật ong rừng. Ảnh: Hoàng Quyên
Đóng góp cho hoạt động liên kết du lịch giữa Hà Nội với tỉnh Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch tới các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Trần Quốc Lâm thông tin, tới đây, Hiệp hội sẽ thực hiện chương trình ký kết với đường sắt Việt Nam với kỳ vọng sẽ mở thêm tuyến mới để du khách miền Bắc dễ dàng du lịch Hà Tĩnh.
Hồ Kẻ Gỗ - điểm du lịch xanh hấp dẫn
Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, đi khoảng 20 km về phía Tây Nam, du khách sẽ tới khám phá hồ Kẻ Gỗ, một điểm du lịch xanh với nhiều nét hấp dẫn, độc đáo, nằm trên địa phận huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Ấn tượng đầu tiên khi đến nơi đây là hình ảnh những "đồi núi lô nhô" như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã miêu tả trong bài ca đã đi cùng năm tháng "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", nay đã biến thành những hòn đảo lớn, nhỏ, cây xanh phủ kín. Nước cạn để lộ những triền đồi cát sỏi trông như những bãi biển nho nhỏ. Điểm nhấn của hồ đối với du khách là cây cầu hình vòng cung mềm mại nối liền với đảo nhỏ có ngôi đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, khánh thành vào ngày 18/1/2014. Đến đây vào những ngày hè du khách mới thấy hết giá trị của không gian xanh, không gian yên tĩnh, không khí trong lành, gió từ hồ thổi lên mát rượi. Từ trên cao, du khách ngắm nhìn trời mây trong xanh biếc trong nắng hè, mặt nước phẳng lặng, các loại cây xanh trên đảo đan xen, khung cảnh thật hữu tình, nên thơ.
Khung cảnh nên thơ hồ Kẻ Gỗ |
Hồ đẹp khi mùa mưa đầy nước, nhưng cũng đẹp vào mùa nắng hạn. Bên kia con đập, một kênh nhân tạo vẫn đầy ắp dòng nước trong xanh từ hệ thống bơm trong hồ, chảy dài tít tắp qua những đồng lúa, rừng keo mướt mát. Từ trên các đảo nhỏ, du khách phóng tầm mắt xa xa là những dãy núi, ngọn đồi tạo thành những bờ đê tự nhiên cho hồ với những triền đồi thoai thoải phủ kín cây xanh. Đó đây, những "hòn đảo" nhỏ như những chòm cây xanh giữa hồ mà mùa khô còn nhìn thấy rõ các mớn vốn in trên các vách đá. Trong ngày nắng đẹp, mặt hồ phẳng lặng, trong veo như gương soi khổng lồ in rõ từng chùm mây dưới mặt hồ. Đi trên con đập chính, nghe gió lộng thổi từ khu rừng xanh mát mà tưởng như "nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ" từ thuở "chân lội qua khe" để "đắp đập xây hồ", "đào núi ngăn sông" hay sự thay đổi diệu kỳ của mảnh đất này. Vào ngày cuối tuần, trên mặt hồ có vài chiếc thuyền chở khách du lịch với những chiếc áo phao màu cam nổi bật trong màu xanh ngắt của hồ, thuyền chầm chậm trôi, để du khách được tận hưởng cảm giác thư thái giữa khung cảnh nên thơ của hồ.
Được biết, hồ Kẻ Gỗ được khởi công ngày 26/3/1976, khánh thành ngày 26/3/1980 với sự đóng góp của trên 60 nghìn người, đặc biệt là những chàng trai, cô gái từ các địa phương của Hà Tĩnh đã đổ mồ hôi, công sức "đắp hồ xây đập" chặn dòng nước ngọt của sông Rào Cái. Hồ vừa là nguồn nước quý giá cho sản xuất và đời sống của hàng trăm nghìn dân, vừa trị thủy, hạn chế lũ vào mùa mưa. Hồ Kẻ Gỗ trải dài 30km trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê. Với trữ lượng hơn 300 triệu m 3 nước, hồ cung cấp nước tưới cho gần 17.000 ha lúa và hoa màu của các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh và phía bắc huyện Kỳ Anh. Đặc biệt, gắn với hồ là Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích tự nhiên 35.159 ha với hệ thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng.
Hồ Kẻ Gỗ đang là điểm đến thiên nhiên hấp dẫn, thu hút du khách |
Hồ Kẻ Gỗ bây giờ nằm một phần trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, nơi có núi, có sông, có hồ, có những loài động thực vật đặc hữu. Không chỉ có giá trị du lịch sinh thái mà còn có ý nghĩa bảo tồn các giá trị thiên nhiên đặc sắc... Hằng năm, người dân và chính quyền địa phương đều thả hàng ngàn kg cá giống xuống hồ Kẻ Gỗ để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngày 30/11/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch Khu Du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ với diện tích 4.816 ha, trong đó diện tích mặt nước là 2.030 ha, diện tích đồi núi ven hồ cư dân hiện trạng là 2786 ha.
Hồ Kẻ Gỗ đã đi vào thơ ca, nhạc họa, là một biểu tượng của quê hương Hà Tĩnh và đến hôm nay đang được bảo tồn, tôn tạo không gian xanh, cảnh quan , môi trường, phát huy sự đa dạng sinh học . Hồ Kẻ Gỗ đang được đầu tư, khai thác các giá trị, là điểm đến hấp dẫn đối du khách gần xa, tận hưởng không khí trong lành nhất là trong những ngày hè oi ả và cùng khám phá, trải nghiệm nét đẹp của hồ Kẻ gỗ trong không gian xanh.
Khám phá "cổng trời" có từ thời vua Minh Mạng trên đỉnh Đèo Ngang Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ngoài di tích cổ kính, phong cảnh nơi đây rất hùng vĩ và nên thơ. Di tích Hoành Sơn Quan (tức cửa Hoành Sơn) được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng, để kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Người dân hay gọi...