Khơi thông điểm nghẽn để phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng thực tế vẫn còn những rào cản cần được tháo gỡ nhằm thu hút đầu tư phát triển logistic liên kết vùng.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc là khu vực kinh tế quan trọng của đất nước, nhất là với một số nhóm hàng lương thực, thuỷ sản, trái cây. Do đó, khu vực này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và là nhân tố góp phần đảm bảo an ninh lương thực cũng như tạo nguồn hàng lớn để duy trì xuất khẩu. Thế nhưng, thực tế vẫn còn những rào cản cần được tháo gỡ nhằm thu hút đầu tư phát triển logistics (dịch vụ hậu cần) trong liên kết vùng.
Còn nhiều hạn chế
Chia sẻ về thực trạng phát triển dịch vụ logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới với nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển.
Tính đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688km. Có 5 tuyến đường bộ nối Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Mạng lưới đường thủy nội địa tại vùng có độ dài và chất lượng cao hơn so với các vùng trong cả nước với hệ thống kênh dàu 28.000 km; trong đó, 23.000 km có khả năng khai thác và vận tải, 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra vào sông Hậu.
Về hàng hải, Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển được hệ thống gồm 12 cảng biển với 37 bến cảng, tổng chiều dài 7.642 mét, 23 bến phao và 16 khu neo đậu chuyển tải, khu tránh trú bão.
Đối với hàng không, hệ thống sân bay đã nâng cấp các cảng hàng không trong khu vực như Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Cà Mau, Cảng hàng không Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm; 12.000 tấn hàng hóa/năm. Tuy nhiên, trong vùng hiện không có tuyến đường sắt.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tổng số lượng doanh nghiệp logistics tại 13 tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long chiếm chưa tới 5% số lượng doanh nghiệp logistics cả nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm. Điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ bày tỏ, hiện nay, hoạt động logistics tại TP Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung mới trong giai đoạn đầu phát triển.
Không những thế, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, hiện đại. Một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Ngoài ra, một số tuyến cao tốc và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị quan trọng chưa được đầu tư xây dựng. Phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng.
Cùng với đó, cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics không được đầu tư đồng bộ. Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác tàu trọng tải lớn.
Đặc biệt, Cần Thơ còn thiếu trung tâm logistics cảng biển, hàng không cấp vùng; ùn tắc giao thông chưa được khắc phục tại một số trục đường chính và các nút giao thông trọng điểm.
Video đang HOT
Là doanh nghiệp có hơn 10 năm đầu tư cho ngành chế biến nông sản, xuất qua 30 nước trên thế giới, thị trường EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật, ông Phạm Tiến Hoài – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên cho rằng trong cấu thành giá thành một sản phẩm nông sản xuất khẩu có một chi phí cao, bất hợp lý, chiếm tới 30% và chủ yếu do chi phí tiếp vận.
Đơn cử như đường đi xuất khẩu một quả dứa phải qua nhiều công đoạn xử lý, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hoạch, rồi người nông dân phải vận chuyển tới 1 cơ sở đóng gói, sau đó lại vận chuyển tới một cơ sở chiếu xạ để tiệt trùng, qua bảo quản kho và xuất đi.
Ông Đặng Anh Diệp – Phó Giám đốc Chi nhánh Tân cảng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Đồngbằng sông Cửu Long chiếm đến hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo, 75% sản lượng trái cây, 65% thủy hải sản. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nông sản vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Hơn nữa, từ năm 2018 trở lại đây luồng kênh Quan Chánh Bố đã bị bồi lắng dẫn đến tuyến luồng chỉ còn 3m so với thiết kế 6,5m, không đảm bảo cho các tàu có trọng tải trên 7.000 tấn có thể lưu thông vào. Do đó, việc chờ đợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đón được tàu lớn quốc tế trong thời gian tới là chưa khả thi.
Ngoài ra, hầu hết các container rỗng đều tập kết tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn là khu vực Cái Mép. Vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu thường mất từ 2-3 ngày để chuyển container rỗng xuống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đóng hàng khiến chi phí tăng cao.
Hoá giải nút thắt
Cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải, Thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, Vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng…
Bởi vậy, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và phần lớn lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở Tp. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 – 40% tùy từng tuyến.
Hiện nay, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.
Hơn nữa, các doanh nghiệp logistics hoạt động tại khu vực này mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Để tối ưu và giảm chi phí tiếp vận cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giới phân tích cũng đã nêu tầm quan trọng của một trung tâm chuyên cho nông sản xuất khẩu.
Trung tâm này có thể gọi là một điểm đến đa dạng dịch vụ, bao gồm tất cả các dịch vụ để mục tiêu là hỗ trợ làm sao cho người nông dân tiếp xúc được trực tiếp với thương nhân, kinh doanh nông sản và với đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, để phát triển nhiều trung tâm tiếp vận, ngoài những chính sách của chính quyền địa phương, Chính phủ cần những chính sách mạnh mẽ và chuyên sâu hơn.
Theo ông Trần Việt Trường, với vai trò là Trung tâm logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Đây là cơ sở để thành phố phát huy vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Vì vậy, thành phố đang kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hạng II vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ với quy mô 242,2ha.
Khu chức năng sẽ kết nối với hàng không, cảng Cái Cui, Tân Cảng Thốt Nốt và trung tâm đặt tại quận/huyện, nhằm khai thác hiệu quả các khu vực chức năng, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, thành phố đang hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ có quy mô 3.300 ha. Sự ra đời của trung tâm này được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giúp các địa phương phát huy được thế mạnh về nông nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, hiện nay Chính phủ đang ngày càng quan tâm tới việc phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của ngành logictics khu vực này nói riêng qua việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc.
Cụ thể như cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi hay việc đầu tư Cảng Trần Đề và nâng cấp cảng thuộc khu vực Cần Thơ cũng thể hiện quyết tâm lớn của Chính Phủ giúp cải thiện hạ tầng.
Nhằm phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Thanh Hải cho rằng cần tận dụng lợi thế nguồn hàng hoá nông sản, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản. Đây là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.
Chẳng hạn như nâng cao chất lượng quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, nhất là hoạt đồng đầu tư của các dự án.
Cùng đó, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics qua việc cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính và phát triển cảng biển gắn với trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển trung tâm logistics với dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tang; tăng cường hợp tác giữa các công ty logistics như chia sẻ hàng hóa, qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển hai chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hiện đại hóa trong hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics. Bởi, việc tạo thuận lợi cho luồng hàng sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả năng lực của logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành nông nghiệp với nỗi trăn trở hoá giải được 'lời nguyền'
Vải thiều xuất qua Nhật, xoài xuất qua Mỹ có giá vài trăm nghìn đồng/kg, tuy nhiên nông dân vẫn chưa thu về được lợi nhuận cao nhất. Ngành nông nghiệp vẫn đang đứng trước "lời nguyền" như manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn tới "được mùa mất giá" và quan trọng hơn là nông dân không biết rõ khi nào những "lời nguyền" này mới được hóa giải.
Nhiều nông dân sản xuất không có lãi, thực trạng này được phản ánh qua việc diện tích thanh long bị phá bỏ, đất nông nghiệp bỏ hoang do người sản xuất không còn mặn mà làm nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề nóng mà các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chiều ngày 7/6.
Vải thiều xuất Nhật có giá vài trăm nghìn đồng/kg, nông dân lời bao nhiêu?
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề: Kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những năm qua liên tục tăng trưởng, năm 2021 đạt trên 48 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, 80% xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và 70% phụ thuộc vào một thị trường lớn, đầu ra rủi ro.
Thời gian qua, một số nông dân đã chặt bỏ thanh long vì giá rớt mạnh.
Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn Sóc Trăng) chất vấn: "Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán ở trong nước còn thấp. Vì vậy, thu nhập của nông dân chưa được cải thiện. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?".
Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, thời gian qua, chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất khẩu qua Nhật, xoài xuất sang Mỹ với giá mấy trăm nghìn/kg, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp thế?
Ông Hoan cho rằng, giá trên đã bao gồm chi phí vận chuyển, logistics chiếm tỷ trọng rất cao nên nông dân không nên quá háo hức. Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao như vậy có phân bổ lại cho người nông dân hay không nếu so với bán nông sản nội địa.
Theo đó, ông Hoan dẫn chứng, Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP.HCM thì mới rõ bức tranh.
"Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi rằng đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì câu chuyện là thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu? Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", ông Hoan nói.
Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài cũng còn rất nhiều vấn đề. Bộ trưởng NN&PTNT kể vừa qua khi công tác tại Mỹ, ông có dịp vào thăm các siêu thị lớn như Walmart thì nông sản Việt Nam có mặt rất ít. Điều này cho thấy việc định vị nông sản của Việt Nam đang chậm một bước, giá trị xuất khẩu chưa như kỳ vọng.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về những vấn đề cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam như "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nguyên do chủ yếu là ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, quy mô nhỏ bé, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, khó cho xuất khẩu, liên kết còn kém, kết nối sản xuất chưa song hành với thị trường.
Để hạn chế điều này, Bộ Công Thương cam kết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Diên cho biết, Bộ đang triển khai đề án được Chính phủ giao là xuất khẩu hàng hoá chính ngạch.
"Hiện có 18/63 địa phương đã cho ý kiến vào đề án xuất khẩu hàng chính ngạch, đề nghị các địa phương được lấy ý kiến nhanh chóng cho ý kiến để hoàn tất đề án, trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6, làm cơ sở cho thực hiện", ông Diên nói.
Đừng để hy vọng của nông dân thành vô vọng
Thực tế, những vấn đề trên không mới nhưng đã kéo dài qua nhiều năm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận ngành nông nghiệp Việt Nam mang 3 "lời nguyền" là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Tuy nhiên, trên cương vị Tư lệnh ngành nông nghiệp, ông cũng không thể trả lời bao giờ giải được "lời nguyền" này.
Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết chưa hài lòng khi Bộ trưởng nói khó có câu trả lời cho câu hỏi "khi nào, bao giờ", về "lời nguyền" nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát vì yếu tố thị trường, do biến động.
Đại biểu Mai đồng ý đúng là thị trường là yếu tố khó xác định, có nhiều biến động nhưng có quy luật cung cầu, cạnh tranh và vai trò quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường gồm có kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường. Như vậy, không thể nói là chúng ta khó xác định được kết quả. Hiện nay, việc xác định kết quả đầu ra là quy luật tiên tiến, thông lệ quốc tế đang áp dụng.
"Tôi mong với câu hỏi "khi nào, bao giờ" có được câu trả lời, vì đó là hy vọng của người dân, không nên để hy vọng thành vô vọng", bà Mai nói.
Trước chất vấn này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nếu ở vai trò đại biểu, ông cũng kỳ vọng với Bộ trưởng như bà Mai. Tuy nhiên, theo ông Hoan, khi nói "khó xác định" không có nghĩa là ngành sẽ đứng yên mà trong cái khó phải tìm ra hướng đi. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chính là cách vận động theo xu thế đó, chủ động thích ứng sự thay đổi chứ không bị động.
Ông Hoan cũng nhắc tới nền nông nghiệp trước 3 chữ biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Những yếu tố này phải có khoảng thời gian, nâng cao năng lực từ người sản xuất tới doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành.
"Tôi rất chia sẻ với cảm xúc của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Tôi nói khó đưa ra câu trả lời có vẻ bản thân tôi chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tôi sẽ nghiên cứu để trả lời thêm đại biểu sau", ông Hoan nói. Đồng thời cho biết thêm, nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển nông nghiệp theo câu khẩu hiệu là "nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn", tức là tối giảm chi phí, tối đa lợi nhuận bằng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đây cũng là hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Trước phần hỏi - trả lời chất vấn trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm: thị trường có nhiều cái biến nhưng cái bất biến là phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước về phân tích, dự báo, phát triển thị trường để thúc đẩy ngành.
Thúc đẩy xuất khẩu thông qua cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài chính là nguồn lực quan trọng và là lợi thế giúp phát triển mạng lưới phân phối, từ đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng Việt ra thế giới. Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại toạ đàm "Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong việc...