Khôi phục các tập tin đã xóa trên không gian đám mây
Nếu vô tình xóa nhầm một vài tập tin nào đó trên kho lưu trữ đám mây, bạn có thể khôi phục những dữ liệu này nếu biết cách tương tác với chúng. Những cái tên nổi bật như Dropbox, Google Drive và Microsoft OneDrive đều hỗ trợ tính năng này.
Dropbox
Với Dropbox, nó sẽ không cung cấp thùng rác để chứa các tập tin đã xóa. Thay vào đó, các tập tin của nó được ẩn đi, vì vậy khi muốn khôi phục hoặc xóa một tập tin vĩnh viễn, bạn phải đi đến thư mục chứa tập tin đã xóa và bỏ ẩn chúng đi.
Để làm điều này, bạn hãy nhấp vào biểu tượng thùng rác nhỏ ở góc trên bên phải và nhấn vào nút Show deleted files. Ngoài ra bạn cũng có thể kích chuột phải và nhấn Show deleted files từ menu hiện ra.
Bạn phải tìm đến thư mục chứa tập tin đã xóa và bỏ ẩn mới có thể tìm thấy chúng
Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì các tập tin đã xóa của bạn sẽ xuất hiện dưới dạng màu xám, và khi chọn một hoặc vài trong số này, bạn có thể kích chuột phải một lần nữa để mở tùy chọn bổ sung.
Để khôi phục lại các tập tin, nhấp vào Restore… Bên cạnh đó, để xóa chúng vĩnh viễn bạn có thể chọn Permanently delete… hoặc xem và khôi phục lại các phiên bản trước của tập tin (nếu có) thì chọn Previous versions.
Dropbox cung cấp tùy chọn xem phiên bản trước của một tập tin nếu có
Khi đã sẵn sàng để khôi phục lại một tập tin, Dropbox sẽ hiển thị một hộp thoại nhắc bạn. Nếu tập tin đó có nhiều phiên bản khác trước đó, bạn có thể xác nhận điều này.
Mỗi tập tin được xóa trên Dropbox sẽ được lưu trữ giới hạn trong vòng 30 ngày, hoặc thông qua chương trình mở rộng có thời gian lên đến 1 năm.
Google Drive
Google Drive mang đến cho người dùng một thùng rác (Trash) để chứa các tập tin đã xóa. Bạn có thể xóa một tập tin từ bất cứ nơi nào trên Drive, và nó sẽ chuyển tới thùng rác.
Để khôi phục tập tin đó, đầu tiên bạn sẽ cần phải bấm vào biểu tượng thùng rác trên thanh bên, và ở đó bạn sẽ thấy rất nhiều tập tin đã từng nghĩ đã mất đi vẫn còn tồn tại trên đó.
Google Drive cung cấp thùng rác rất thuận lợi để chứa tập tin đã xóa
Video đang HOT
Bạn có thể chọn một, một số hoặc tất cả các tập tin và nhấp chuột phải vào nó để thấy một menu hiện ra với hai lựa chọn Restore hoặc Delete forever. Lưu ý là hai tùy chọn này cũng xuất hiện ở góc trên bên phải của giao diện thùng rác.
Có thể dễ dàng thao tác khôi phục và xóa các tập tin trong thùng rác
Cách nhanh nhất để xóa vĩnh viễn tất cả các tập tin trong thùng rác là click vào mũi tên bên cạnh các tập tin trong thùng rác. Từ trình đơn thả xuống, chọn Empty trash.
Microsoft OneDrive
OneDrive của Microsoft cũng sẽ di chuyển các tập tin bị xóa vào một thùng rác, mà cụ thể bạn có thể tìm thấy trong Recycle bin, thay vì xóa chúng hoàn toàn.
Thùng rác này được tìm thấy ở góc dưới bên trái của cửa sổ chuyển hướng
Một khi đã mở thùng rác, cũng giống như Google Drive, bạn sẽ thấy rất nhiều tập tin mà mình đã nghĩ là mất được lưu trữ.
Nếu muốn khôi phục lại tất cả các tập tin trong thùng rác, bạn có thể nhấp vào Restore all items, còn nếu muốn xóa chúng vĩnh viễn thì chọn Empty recycle bin.
Mặt khác, nếu muốn khôi phục hoặc xóa các tập tin nhất định, bạn sẽ đánh dấu kiểm trước những lựa chọn mong muốn và sau đó chọn hành động tương ứng. Bạn có thể khôi phục (Restore) các tập tin này, xóa (Delete) chúng, xem thông tin (Properties) chi tiết hơn và cuối cùng là xóa các lựa chọn để bắt đầu chọn lại (Clear selection).
Tiến hành lựa chọn thao tác xử lý cho các tập tin lưu trữ trên Recycle bin
Kiến Văn
Ảnh chụp màn hình
Theo Thanhnien
Khôi phục cài đặt gốc trên thiết bị Android có thực sự an toàn?
Thông thường trước khi có ý định chuyển quyền sở hữu một thiết bị Android, người dùng sẽ tiến hành khôi phục cài đặt gốc (Factory reset) nhằm xóa mọi dữ liệu cá nhân, biến thiết bị trở lại như mới. Nhưng liệu tùy chọn này có thực sự đảm bảo được tính riêng tư và bảo mật?
Factory reset liệu đã thực sự an toàn?
Theo một nghiên cứu từ Avast, hãng chuyên cung cấp các phần mềm bảo mật trên nhiều nền tảng, tùy chọn Factory reset có sẵn trên các thiết bị Android không mang lại hiệu quả như mong đợi trong việc xóa dữ liệu cá nhân của người dùng. Avast đã tiến hành mua lại 20 chiếc smartphone cũ chạy hệ điều hành Android trên chợ eBay, và họ đã có thể phục hồi lại hơn 40.000 bức ảnh, 750 email cùng tin nhắn, 250 liên lạc và còn có thông tin cá nhân của 4 chủ sở hữu trước của thiết bị, dĩ nhiên các dữ liệu được phục hồi này đều có thể sử dụng dù rằng trước khi lên eBay, người dùng đã tiến hành Factory reset.
Trong thời đại hiện nay, smartphone hay các thiết bị Android nói chung đều là nơi lưu trữ dữ liệu cá nhân của mỗi người, từ công việc quan trọng đến những thông tin nhạy cảm. Hệ điều hành Android có tích hợp sẵn một tùy chọn nghe có vẻ rất hữu dụng trong việc xóa bỏ các thông tin cá nhân trước khi chuyển quyền sở hữu thiết bị, tuy nhiên thực tế hiệu quả nó mang lại không như người dùng tưởng tượng. Nếu bạn chuẩn bị bán máy hoặc trao đổi với người khác, nên thực hiện những bước sau đây nhằm chắc chắn rằng dữ liệu cá nhân luôn được đảm bảo an toàn, không thể phục hồi hoặc nếu có cũng không thể sử dụng được.
Bước 1: Đặt mật khẩu (Password)
Nếu như thói quen sử dụng cá nhân của bạn không muốn rắc rối nhiều bước với việc thiết lập mật khẩu cho thiết bị, bước đầu tiên cần thực hiện là thiết lập mật khẩu sử dụng máy.
Security - khu vực dành cho các tùy chọn về an toàn dữ liệu và bảo mật trên Android
Vào Settings - Security - Screen lock và chọn kiểu mật khẩu thích hợp. Lưu ý là có nhiều kiểu thiết lập khóa máy như khóa bằng khuôn mặt, khóa bằng giọng nói, khóa bằng hình ảnh, số hoặc chữ, tuy nhiên để có thể chuẩn bị cho bước 2, bạn cần sử dụng kiểu khóa máy bằng số (PIN) hoặc chữ (Password). Thiết lập mật khẩu ở bước này cũng chính là "chìa khóa" sử dụng cho việc mã hóa và giải mã ở các bước sau. Mật khẩu có thể đặt tối thiểu 4 và tối đa là 17 ký tự, chỉ là số nếu dùng PIN và nếu dùng Password thì đa dạng hơn, cả số lẫn chữ cùng ký tự đặc biệt.
Các tùy chọn thiết lập mật khẩu
Lời khuyên: mật khẩu có thể đặt kết hợp để tạo độ khó nhất định, nhưng bạn cần phải nhớ mật khẩu này. Đừng dùng các mật khẩu đơn giản dễ đoán như ngày sinh, biển số xe hoặc chuỗi số liên tục (1234 chẳng hạn).
Bước 2: Mã hóa (Encrypt)
Mã hóa dữ liệu trên thiết bị Android
Một bước rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu là mã hóa chúng. Với việc mã hóa dữ liệu, bạn có thể thực hiện khi vẫn đang sử dụng máy chứ không cần phải đợi đến trước khi chuyển quyền sở hữu. Tiến trình mã hóa sẽ biến dữ liệu cá nhân của bạn trên thiết bị trở nên không thể sử dụng nếu không có "chìa khóa". Các dữ liệu đã được mã hóa này (gần như là dữ liệu vô nghĩa, không thể sử dụng) nếu có bị phục hồi cũng đảm bảo an toàn nếu kẻ xấu không biết được "chìa khóa" giải mã.
Thời gian mã hóa tương đối lâu, cần kiên nhẫn và không gây gián đoạn
Để mã hóa dữ liệu, vào Settings - Security - Encrypt phone. Nếu chưa đặt mật khẩu cho máy ở bước 1, hệ thống sẽ yêu cầu bạn thực hiện việc này trước.
Lời khuyên: hãy sạc đầy thiết bị của mình trước khi tiến hành mã hóa. Thời gian mã hóa tương đối lâu, tùy thuộc vào dung lượng của dữ liệu và bạn cần kiên nhẫn chờ máy hoàn thành. Đừng làm bất kỳ việc gì gây gián đoạn trong quá trình mã hóa.
Bước 3: Factory reset
Factory data reset - Xóa tất cả mọi thứ, tiến hành sau khi đã mã hóa
Bước kế tiếp là tiến hành Factory reset, theo lý thuyết ở bước này, tất cả dữ liệu sẽ bị xóa và thiết bị trở về tình trạng như lúc xuất xưởng. Vào Settings - Backup & reset và chọn Factory data reset. Trước khi xóa toàn bộ dữ liệu trên máy, hãy chắc chắn rằng bạn đã tiến hành sao lưu những thông tin cần thiết như hình ảnh, nhạc, phim, các thông tin liên lạc trong danh bạ, tin nhắn, email...
Bước 4: Chèn dữ liệu giả (Dummy data)
Nếu đã thực hiện xong 3 bước phía trên, thiết bị Android của bạn về cơ bản đã an toàn, tuy nhiên với những ai có tính cẩn thận cao, từng lưu trữ nhiều dữ liệu nhạy cảm thì nên thực hiện thêm một (hoặc nhiều) lớp bảo vệ nữa. Với các thiết bị lưu trữ, việc thực hiện lệnh xóa không hoàn toàn xóa đi dữ liệu hiện tại theo cách hiểu của đa số người dùng mà chỉ ẩn chúng đi mà thôi, do đó việc khôi phục là khá dễ dàng với những người có kinh nghiệm. Vậy nên, bạn có thể chèn dữ liệu giả lên thiết bị của mình như ảnh, phim, nhạc, thông tin ảo để ghi đè lên vùng trống vừa xóa trước đó.
Bước 5: Factory reset
Sau khi đã chèn dữ liệu giả, hãy tiến hành Factory data reset một (hoặc nhiều) lần nữa. Bước 4 và 5 có thể thực hiện lại nhiều lần tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của thông tin cần bảo mật và tính cẩn thận của mỗi người. Dĩ nhiên như đã nói, chỉ cần 3 bước đầu tiên là đã khá an toàn với người dùng thông thường. Bước 4 và 5 sẽ giúp chôn sâu dữ liệu thật dưới một (hoặc nhiều) tầng dữ liệu ảo, nhằm tạo thêm nhiều khó khăn khi có kẻ xấu tiến hành khôi phục.
Thiết bị Android đã mã hóa xong
Quan trọng nhất trước khi chuyển quyền sở hữu thiết bị Android hoặc ngay trong quá trình sử dụng là mã hóa dữ liệu. Bạn nên mã hóa chúng ngay lập tức nhằm đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân vì nếu không có "chìa khóa" giải mã, dữ liệu của bạn nếu có rơi vào tay kẻ xấu cũng không thể đọc được.
Thế Nghĩa
Ảnh chụp màn hình
Theo Thanhnien
5 bước giúp máy Android chạy mượt như mới Xóa ứng dụng và các tập tin không cần thiết, giải phóng bộ nhớ đệm, định dạng thẻ nhớ hay đưa máy về trạng thái xuất xưởng là những cách giúp tăng tốc thiết bị Android. Hệ điều hành Android ngày càng hoàn thiện và thông minh hơn khi có thể giúp người dùng xử lý rất nhiều công việc. Với chiếc smartphone...