Khởi động lại du lịch vì tương lai tăng trưởng bao trùm
Đại dịch COVID-19 đã tác động lớn tới kinh tế và xã hội ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Du khách trên biển Waikiki ở Hawaii. Ảnh tư liệu: Reuters
COVID-19 đã làm đảo lộn thế giới, từ cách chúng ta sống, tương tác với nhau, cách chúng ta làm việc, giao tiếp, cho đến cách di chuyển và đi lại. Trong năm 2021, đại dịch đã đẩy thêm 32 triệu người vào tình trạng đói nghèo cùng cực. Cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, ngành du lịch đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử do các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, cấm đi lại, phong tỏa, cách ly,…
Cô Mary Taboniar là nhân viên khu nghỉ dưỡng Hawaiian Village ở Honolulu trên đảo Hawaii, Mỹ. Suốt 15 tháng qua, bà mẹ đơn thân của hai đứa con không nhận được một đồng lương nào do virus SARS-CoV-2 đã tàn phá ngành du lịch, kéo theo các ngành dịch vụ lưu trú như khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều sụp đổ theo. Hơn một năm qua, cô Taboniar phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp thấp nghiệp và những “ngân hàng thực phẩm” do địa phương hỗ trợ để trang trải cuộc sống gia đình. Những tưởng ngành du lịch có thể hồi sinh trở lại với Hawaii thì sự xuất hiện của biến thể Delta lại khiến hòn đảo du lịch phải đóng cửa một lần nữa. Đáng lo hơn là khoản trợ cấp bổ sung cho người thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Mỹ đã hết hạn từ đầu tháng 9. Taboniar chia sẻ: “Điều đó khiến tôi vô cùng lo sợ. Tôi phải trả tiền thuê nhà thế nào nếu không có trợ cấp thất nghiệp và việc làm?”.
Anh Harbi Amarat là hướng dẫn viên du lịch lâu năm ở thành cổ Petra của Jordan. Suốt 3 thập niên qua, ngày nào anh cũng đi bộ hàng cây số đưa du khách dạo qua những kỳ quan của thành phố “hoa hồng đỏ” này. Anh cho biết, tính đến hết năm 2019, Petra đã đón lượng khách du lịch khổng lồ lên tới 1,1 triệu người. Nhưng bước sang năm 2020, thành cổ này hoàn toàn vắng bóng du khách đến nỗi Harbi phải thừa nhận: “Chúng tôi từng nói vui với nhau rằng ngành du lịch đôi khi có thể bị ốm, nhưng sẽ không bao giờ chết. Vậy mà COVID-19 đã giết chết du lịch rồi. Trong thời gian phong tỏa, tôi không biết làm gì khi ở nhà, các con tôi đều phải ở nhà, các ngôi đền và nhà thờ đều đã đóng cửa rồi. ” Anh Harbi cùng vợ giờ phải phụ thuộc vào khoản vay hỗ trợ từ chính phủ và chuyển sang đào tạo hướng dẫn viên du lịch để có thêm thu nhập nuôi 4 đứa con và trang trải cuộc sống.
Video đang HOT
Bức tường kính của nhà thờ Sainte-Chapelle (Pháp). Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN
Virus SARS-CoV-2 gần như vô hình ấy đã khiến ngành du lịch toàn cầu gần như suy sụp. Theo Liên hợp quốc, tác động của COVID-19 tới ngành du lịch có thể khiến thế giới mất tới hơn 4.000 tỷ USD trong năm 2020 và 2021. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, du lịch quốc tế và các ngành liên quan đã “bốc hơi” khoảng 2.400 tỷ USD. Trong quý I/2021, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu sụt giảm tới 83%, chủ yếu do sự lây lan của các biến thể mới. Đặc biệt tình trạng này thực sự giáng đòn mạnh vào phụ nữ, một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Theo thống kê của UNWTO, phụ nữ là lực lượng lao động chính trong ngành du lịch, chiếm tới 54%. Nhưng nhiều người trong số này lại chỉ làm những công việc phổ thông và không chính thức. Điều này đồng nghĩa họ sẽ gánh chịu cú sốc kinh tế nặng nề hơn so với đồng nghiệp là nam giới.
Ngành du lịch đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterress khẳng định du lịch có sức mạnh và tiềm năng trong thúc đẩy sự thịnh vượng và bền vững bao trùm. Du lịch cũng chạm tới hầu hết mọi thành phần kinh tế, xã hội, những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Chính vì lẽ đó, Ngày Du lịch thế giới 27/9 năm nay nhấn mạnh chủ đề: “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”. Thông qua chủ đề này, Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili một lần nữa khẳng định cam kết của tổ chức du lịch LHQ trong nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn thông qua du lịch và sẽ không bỏ lại bất kỳ ai phía sau.
Du lịch được coi là trụ cột trong phần lớn những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ đến năm 2030, đặc biệt là các mục tiêu không đói nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau, bình đẳng giới, việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế… Việc khởi động lại du lịch sẽ giúp khởi động quá trình phục hồi và tăng trưởng toàn cầu cũng như giúp tiếp cận được với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
UNWTO đưa ra một số giải pháp để khởi động lại và giúp tăng trưởng ngành du lịch một cách toàn diện nhất bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các quốc gia thành viên, các đối tác, chính phủ các nước cùng các tổ chức, cá nhân liên quan.
X
Khách xếp hàng tham quan công trình lịch sử Conciergerie (Pháp). Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN
Từ mùa Hè năm nay, ngành du lịch đã có dấu hiệu hồi sinh sau thời gian dài “đóng băng” do dịch bệnh. Châu Âu là một trong những khu vực sớm mở cửa du lịch bằng việc áp dụng chứng chỉ xanh COVID-19 cho những du khách hoàn thành đủ liều vaccine hay những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Từ tháng 8 vừa qua, châu Á cũng đã dần thí điểm các mô hình du lịch an toàn đón du khách quốc tế như “bong bóng du lịch”, “hành lang xanh”,…
Chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tạm ngừng nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế từ cuối tháng 3/2020. Nhằm chuẩn bị từng bước cho việc khôi phục kinh tế cùng với phòng, chống dịch, Việt Nam đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó có những người làm trong ngành du lịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo việc nghiên cứu thí điểm đón khách quốc tế đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang), dự kiến từ tháng 10/2021. Theo quy trình dự kiến, trước khi nhập cảnh, khách du lịch quốc tế cần cài đặt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” (Vietnam Safe Travel – VST) để khai báo hồ sơ chứng nhận tiêm chủng vaccine, thông tin y tế cần thiết để làm thủ tục tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021. Còn tại một số nước trên thế giới, việc bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vaccine” cũng đang là một xu hướng, coi đây là “đòn bẩy” phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới vẫn ở mức thấp (với 40,6% dân số toàn cầu được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine), cùng với khoảng cách tiêm chủng không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo khiến cho triển vọng vực dậy ngành du lịch vẫn đối mặt với trở lực.
Không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trên “đảo ngọc” Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Năm 2021 dự báo tiếp tục là một năm nhiều khó khăn đối với ngành du lịch thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại khiến khả năng phục hồi của ngành du lịch, đi kèm theo đó là dịch vụ ăn uống và lưu trú là rất thấp. Theo một số chuyên gia, đại dịch đã khiến cho ngành du lịch gần như phụ thuộc vào khách nội địa. Tuy nhiên, ngành công nghiệp “không khói” vẫn được đánh giá sẽ có triển vọng tích cực, bởi nhu cầu du lịch tăng cao khi nhiều nước kiểm soát được dịch COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng, cùng với sự “chung tay” của nhiều thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Theo UNWTO, du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng được xem là yếu tố then chốt.
Mỹ chuẩn bị cho khả năng đóng cửa chính phủ do hết ngân sách
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 23/9 cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho một khả năng đóng cửa chính phủ trong bối cảnh ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào ngày 30/9.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Psaki cho biết: "Điều này phù hợp với thông lệ lâu đời của nhiều cơ quan hành chính để nhắc nhở các nhân viên cấp cao về nhu cầu xem xét và cập nhật các kế hoạch đóng cửa chính phủ. Đây không phải là một hướng dẫn chính thức, mà chỉ là một lời nhắc nhở, chúng ta sẽ nghỉ 7 ngày, và tất nhiên chúng ta cần chuẩn bị cho mọi trường hợp bất trắc". Bà Psaki cũng nhấn mạnh: "Trên thực tế, việc đóng cửa chính phủ cũng vô cùng tốn kém, gây gián đoạn và tổn hại". Ngoài ra, bà Psaki lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Biden đang thực hiện các bước đi để giảm thiểu tác động của khả năng chính phủ đóng cửa đối với việc đối phó với đại dịch, phục hồi kinh tế hoặc các ưu tiên khác của Mỹ.
Trước đó, ngày 21/9, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép các cơ quan liên bang của Mỹ duy trì hoạt động đến ngày 3/12 cũng như tránh để xảy ra nguy cơ đóng cửa chính phủ vào cuối tháng này, bất chấp việc dự luật này có thể không được Thượng viện chấp thuận. Dự luật tạm thời của được các Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ đưa ra, được biết đến với tên gọi "giải pháp duy trì", bao gồm việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công của Mỹ cho đến sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Theo đảng Dân chủ, biện pháp này cho phép nền kinh tế đầu tàu thế giới tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái
Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho rằng dự luật chi tiêu của đảng Dân chủ vượt ra ngoài tầm quyển soát, đồng thời cam kết sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm nâng mức trần nợ. Không một nghị sĩ nào của phe Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu cho "giải pháp duy trì".
Malaysia, Ấn Độ đứng đầu châu Á về phục hồi kinh tế nhanh hơn dự báo Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bloomberg, hoạt động kinh tế tại Malaysia và Ấn Độ trong năm tới dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó, dù hai nước này nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trong những tháng gần đây. Người dân đeo khẩu...