Khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa đang nằm dưới đáy biển
Theo một nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) công bố ngày 5/4, hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương.
Thợ lặn thu thập rác thải nhựa ở ngoài khơi bờ biển đảo Goree, Senegal. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhóm các nhà nghiên cứu từ CSIRO và Đại học Toronto đã sử dụng hai mô hình dự đoán để ước tính số lượng và sự phân bố của rác thải nhựa dưới đáy biển. Nhà khoa học cấp cao Denise Hardesty tại CSIRO, người đã đóng góp cho nghiên cứu này, cho biết đây là ước tính đầu tiên trên thế giới về lượng rác thải nhựa dưới đáy đại dương và nơi nó tích tụ.
Theo bà Hardesty, mỗi năm lại có hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra biển. Tuy nhiên, số lượng rác thải này nằm sâu dưới đáy đại dương vẫn còn là “ẩn số”. Do đó, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đáy đại dương đã trở thành “nơi lưu cữu” hầu hết rác thải nhựa với số lượng ước tính từ 3 – 11 triệu tấn.
Ước tính trên được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các robot điều khiển từ xa (ROVs) và sử dụng những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương.
Theo dữ liệu từ ROV, khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 đến 11.000 m.
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Ước tính khoảng 19 – 23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.
Hong Kong (Trung Quốc) thí điểm thu phí rác thải từ ngày 1/4
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu thực hiện chương trình thí điểm thu phí rác thải tại 14 địa điểm từ ngày 1/4, bao gồm tòa nhà văn phòng chính quyền, khu nhà ở, trung tâm mua sắm, nhà hàng và viện dưỡng lão.
Trong thời gian thí điểm, các túi rác này được cung cấp miễn phí.
Rác thải nhựa ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) cho biết chính quyền sẽ thành lập các đội tại mỗi địa điểm để theo dõi chặt chẽ quá trình vận hành và dự kiến báo cáo kết quả lên Hội đồng Lập pháp trong khoảng tháng 5 - tháng 6 tới.
Ngày 31/3, ông Trác Vĩnh Hưng (Cheuk Wing-hing), Phó Tổng thư ký chính quyền Hong Kong, cho biết sau khi triển khai thử nghiệm, cơ quan chức năng sẽ đánh giá toàn diện về sự tham gia của công chúng, sự hiểu biết và chấp nhận kế hoạch, khối lượng rác, khối lượng tái chế trước khi tiếp tục triển khai.
Theo quy định về thu phí rác thải của Hong Kong, người dân phải sử dụng "túi rác được chỉ định" hoặc "nhãn được chỉ định" để vứt rác. "Nhãn được chỉ định" có giá 11 HKD/túi (khoảng 40.000 đồng Việt Nam), "túi rác được chỉ định" có kích cỡ từ 3 lít đến 100 lít, có giá từ 0,3 - 11 HKD.
Cục Bảo vệ Môi trường đã dán áp phích và các tài liệu quảng cáo ở các khu vực công cộng của tòa nhà, đến từng nhà để thông báo chi tiết cho người dân về chương trình và phân phát túi và tờ rơi, bao gồm thông tin về các điểm tái chế và thu gom rác thực phẩm gần tòa nhà. Các thùng rác giữa các tầng trong tòa nhà đã được thay thế bằng túi rác chỉ định, ngoài ra còn có thông tin hướng dẫn các bước tái chế rác thải thực phẩm và cung cấp dịch vụ tái chế rác thải thực phẩm gần đó.
Giảm gánh nặng cho hành tinh "Hành tinh của chúng ta đang ngập ngụa trong rác thải". Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) đã mở đầu như vậy trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Không rác thải (Zero Waste Day 30/3) năm nay. Rác thải nhựa tràn ngập tại Lahore, Pakistan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Lời cảnh tỉnh mạnh mẽ này không chỉ phản ánh...