Khô trâu món ngon cho dân nhậu
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất không những cá tôm hào sảng mà còn dồi dào về gia súc gia cầm. Do đó, ngoài cá thịt tươi sống bà con còn chế biến ra nhiều món ngon vật lạ như khô cá, khô lươn, khô rắn, khô bò… và còn có cả khô trâu.
Đặc biệt, khô trâu từ lâu đã có một sức hấp dẫn lạ kỳ nhờ thịt ngon, ngọt và bổ dưỡng không thua gì thịt bò. Theo Đông y, thịt trâu mát, hiền, ăn thường xuyên có thể trị được bệnh tê thấp. Do đó, nhiều quán ăn, quán nhậu bình dân đã chế biến thịt trâu thành nhiều món ăn dân dã, tuy đậm chất quê mùa nhưng không kém phần cầu kỳ, tinh tế, chẳng hạn như khô trâu, trâu luộc mẻ, trâu hầm sả, trâu trộn gỏi…
Thật ra, khô trâu chỉ mới có mặt trên thị trường từ chín mười năm nay, phổ biến nhất là ở Thạnh Trị (Sóc Trăng), Giá Rai (Bạc Liêu), Tân Hồng (Đồng Tháp), Cà Mau…
Khô trâu đang phơi.
Video đang HOT
Khô trâu sau khi nướng chín.
Cách làm khô trâu cũng giống như khô bò nhưng muốn cho miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn, người làm phải chọn cho được thịt đùi, đùi sau càng tốt rồi thái (lóc) bỏ hết gân trước khi đem xắt thành lát nguyên vẹn, dầy khoảng 1,5 cm. Kế đến là khử tanh thịt với gừng, rượu trắng, muối. Xong đem ướp sả, tỏi, ớt bằm nhuyễn hoặc giã nát, trộn thêm ít muối cho thấm độ 30 phút trước khi đem phơi nắng và thường xuyên trở bề. Nắng càng tốt thịt càng ngon. Bình quân cứ 3 kg thịt tươi có thể làm được 1 kg khô, do đó giá khô phải cao gấp ba lần giá thịt.
Nếu phơi một nắng đem nướng ăn liền gọi là khô một nắng. Khô trâu một nắng rất thơm ngon, mềm và ngọt dịu. Còn như phơi nhiều nắng gọi là khô trâu, có thể bảo quản ăn cả tháng mà chất lượng vẫn không thay đổi.
Khô trâu và gỏi khô trâu.
Muốn cho thịt ngon, mềm chúng ta nên đem khô ngâm nước độ 5 phút, sau đó đem nướng trên bếp than hồng và trở qua trở lại cho đến khi nghe tiếng nổ lách tách, mùi thơm bốc lên nức mũi, lúc đó khô đã chín đều. Xong, chúng ta dùng chày đâm tiêu dần (đập ) cho miếng khô tơi ra. Đập càng mạnh, sớ khô càng mềm và dễ nhai.
Sớ thịt trâu to hơn sớ thịt bò nhưng thơm và ngọt đậm hơn. Món này ngon nhất là xé nhỏ ra, chấm với nước cơm mẻ chua cay hoặc nước mắm me chua – cay – ngọt. Thưởng thức món khô trâu hãy nhai từ từ và nuốt chậm chậm mới có thế mới cảm nhận hết hương vị đậm đà và quyến rũ của nó.
Khô trâu, ngoài món nướng ra còn có thể chế biến thành món gỏi khô ngon đáo để. Muốn làm món này, người ta xé khô nướng ra thành miếng nhỏ rồi trộn chung với đu đủ bào, cho thêm giấm, ớt, đường, đậu phọng đâm nhỏ, đặc biệt là rau răm để nguyên lá sẽ giúp cho món gỏi vừa nồng, vừa thơm tuyệt hảo.
Khô trâu có thể dùng trong các bữa cơm, cũng có thể biến thành món nhậu có “thương hiệu”. Khác hơn khô bò, khô trâu rất hiền, nhiều đạm nhưng ít cholesterol. Vì vậy mà thị trường hiện nay tiêu thụ rất mạnh, làm không đủ bán.
Theo LĐO
Ngọt thơm canh sườn lá đinh lăng
Lá đinh lăng không chỉ dùng để kho cá, làm thứ rau ăn kèm với nem chua, gỏi...; đun nước uống chữa bệnh đau lưng, mỏi gối, nóng trong, chán ăn mà ngày nay người ta còn dùng để nấu canh với sườn non. Đây là món ăn lạ miệng và bổ dưỡng.
Từ bao đời nay, ta vẫn biết đến đinh lăng như một loài cây có công dụng chữa bệnh rất hữu hiệu. Đinh lăng thuộc họ nhân sâm, có vị hơi đắng, tính mát, có mùi thơm, có tác dụng giải độc, lợi tiểu, chữa một số bệnh ngoài da... Đinh lăng được dùng để chế biến món ăn không những tạo cảm giác ngon miệng, lạ miệng cho bữa cơm mà còn được coi như một loại thuốc chữa bệnh.
Nguyên liệu nấu canh sườn lá đinh lăng đơn giản, chỉ gồm sườn lợn, lá đinh lăng, hành khô, hành lá, hạt tiêu và các loại gia vị. Sườn mua về rửa sạch, chặt khúc vừa phải, cho vào trần trong nước sôi rồi vớt ra rửa sạch để ráo. Lá đinh lăng chọn những lá không chọn những lá quá già sẽ làm canh bã. Đem nhặt rồi rửa sạch và cắt khúc để ráo nước.
Phải là người hiểu biết về loài cây này mới có thể chọn được những cây lá đinh lăng ngon. Thông thường, có hai loại là đinh lăng lá nhỏ và đinh lăng lá to. Loại lá nhỏ có nhiều răng cưa hơn, ăn thơm ngon hơn, lá già ăn bùi hơn, cây trồng lâu năm sẽ cho củ to và giá trị hơn. Nhiều người rất dễ nhầm hai loại này với nhau.
Khi đã chuẩn bị xong sườn và lá đinh lăng thì phi thơm hành khô với dầu ăn trong xoong. Sau đó cho lượng nước đủ ăn, nêm gia vị cho vừa và đun sôi. Tiếp đó cho sườn vào ninh mềm. Hớt sạch bọt trong quá trình ninh sườn. Khi chuẩn bị ăn thì mới cho lá đinh lăng vào. Gần bắc ra thì nêm lại gia vị và cho hành lá vào đảo đều.
Canh sườn lá đinh lăng chỉ đơn giản vậy thôi nhưng khi ăn vô cùng hấp dẫn. Nước canh ngọt lịm, thêm vị hơi đắng nhẹ và bùi bùi của lá đinh lăng cùng hương thơm đặc trưng của nó và hành lá. Món canh này ăn nóng với cơm rất ngon, bổ dưỡng.
Ngày nay, đinh lăng rất hiếm, chỉ ở một số vùng quê mới trồng và trồng rải rác. Muốn có lá đinh lăng để nấu ăn người ta thường sang nhà xin nhau chứ ít ai đem bán ngoài chợ.
Theo LĐO
[Chế biến]- Mực chiên bơ: Món nhậu nhâm nhi khó dứt Nhanh, gọn, nhưng vị ngon của món này luôn khiến mọi người nhâm nhi mãi. Nguyên liệu: - 3-4 con mực khô loại ngon - Bơ - Nước mắm, đường Cách làm: Khô mực mua về ngâm nước khoảng 15 phút để vừa rửa sạch mực vừa giúp cho mực khô được mềm sau khi nướng. Nướng chín mực. Đập mỏng, xé sợi....