Kho “tiền tấn” của hai ông trùm cờ bạc Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương
Phan Sào Nam có hàng triệu USD gửi tại ngân hàng nước ngoài, hàng trăm tỉ đồng giấu khắp nơi song vẫn dùng ví, túi cũ do vợ tặng. Trong quá trình làm ăn “ông trùm đánh bạc” này cũng mang “tiền tấn” biếu tặng cho cựu tướng công an.
Nguyễn Văn Dương (trái), Phan Sào Nam (phải).
Các ông trùm đánh bạc ăn chia ra sao?
Ngày 18.7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã tống đạt Kết luận điều tra số 829/ANĐT, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ truy tố 92 bị can về 7 tội danh, gồm: Tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; đưa hối hộ; sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số các tội danh này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, C50 Bộ Công an) bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Qua điều tra, đến nay có đủ căn cứ kết luận xác định đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển An ninh Công nghệ cao – CNC) cầm đầu.
Trong đó có 25 “đại lý cấp 1″; gần 6.000 “đại lý cấp 2″ và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc; số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được là 9.853 tỉ đồng. Sau khi chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, nộp thuế của các công ty vận hành là 3.700 tỉ đồng, các cá nhân được hưởng lợi là 4.700 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra báo Lao Động có được, đầu năm 2015, biết Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an), Phan Sào Nam đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài.
Dương đồng ý. Đến ngày 1.4.2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CNC) ký với Nam về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Winall khi đơn vị này thác thương mại Rikvip.
Các bên đã thỏa thuận tỉ lệ ăn chia doanh thu theo phụ lục hợp đồng là: Nếu doanh thu đến 5 tỉ đồng một tháng thì CNC hưởng 30%, còn VTC Online 70%; trên 5 tỉ và dưới 15 tỉ thì CNC hưởng 35%, VTC Online 65%. Trên 15 tỉ đồng, CNC hưởng 40%, VTC Online 60%. Mỗi tháng hai kỳ, CNC và VTC Online ký đối soát để thanh toán hợp đồng.
Sau khi ký hợp đồng, Phan Sào Nam chỉ đạo cấp dưới mua thiết bị, ký hợp đồng thuê chỗ đặt máy chủ tại Công ty dữ liệu VNPT – chi nhánh Tổng Công ty dịch vụ viễn thông để hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng game bài RikVip. Ngày 24.8.2016, Dương chỉ đạo Hoàng Đại Dương (Giám đốc Công ty giải pháp Việt) thành lập Công ty Hải Khánh để thay CNC phát hành cổng game bài Tip.Club.
Để theo dõi, phân chia doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam trực tiếp tổng hợp số liệu doanh thu game Tip.Club từ một trang web do Hoàng Thành Trung (sinh năm 1978, Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) cung cấp kết nối đến cơ sở dữ liệu cổng game bài Tip.Club.
Video đang HOT
Theo kết luận điều tra, Nam được hưởng lợi gần 1.500 tỉ đồng, Dương gần 1.700 tỉ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi gần 1.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện giờ Dương mới khai chỉ đạo thuộc cấp chuyển 576 tỉ đồng góp vốn vào Công ty đầu tư UDIC; góp vốn 329 tỉ đồng vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn. Dương mở hai sổ tiết kiệm trị giá 150 tỉ đồng mang tên mình tại ngân hàng; mua tầng 5 và tầng 6 của một tòa nhà tại quận Đống Đa với giá 61 tỉ đồng…
Cán bộ ngân hàng đếm tiền thu giữ được của Phan Sào Nam tại Quảng Ninh. Ảnh: CAND
Kho tiền chục nghìn tỉ đồng của “ông trùm đánh bạc”
Quá trình điều tra, Nam thừa nhận hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền, tích cực cùng người thân nộp 777 tỉ đồng. Cơ quan điều tra tạm giữ tổng cộng khoảng 850 tỉ đồng, phong tỏa gần 77 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng, kê biên hai nhà trị giá 12,4 tỉ đồng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá 139 tỉ đồng và 5 ôtô sang như Ford Mustang, Audi Q5…
Theo cơ quan điều tra, trước khi bị bắt, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore; gửi một người đàn ông ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỉ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỉ đồng. Tiền đựng trong hai hòm gỗ to bằng hai chiếc tủ lạnh. Cơ quan điều tra còn thu hai vali USD cùng vàng được Nam gửi tại TPHCM cùng hàng trăm tỉ đồng mà Nam “có ý định chuyển hóa vào bất động sản”. Việc kiểm đếm từ 22h hôm trước đến 4h30 hôm sau.
Để đưa tiền lên máy bay vận chuyển ra Hà Nội, cơ quan điều tra phải nhờ sự can thiệp của Công an TPHCM để giảm thủ tục. Ra đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), lực lượng điều tra dùng đến bốn ôtô để chuyển “hàng đặc biệt” đến nơi quản lý tang vật.
Tại cơ quan điều tra, Nam cũng khai đã chuyển cho một số bị can cất giữ vàng, ngoại tệ có tổng trị giá hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên, các bị can được Nam gửi tiền và cất giữ đang trốn, nên chưa thể làm rõ.
Còn Nguyễn Văn Dương (đồng chủ mưu) – ngoài khối tài sản “khủng” được hưởng lợi từ việc tổ chức đánh bạc trái phép trên mạng, khi khám nhà Dương, cơ quan điều tra còn phát hiện hàng trăm chai rượu, trong đó có những chai rượu trị giá hàng trăm triệu đồng.
Mang “tiền tấn” biếu tặng cựu tướng công an
Công an tỉnh Phú Thọ xác định giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong cho C50. Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để hợp tác việc này.
Ngày 3.5.2012, Nguyễn Văn Dương gửi văn bản báo cáo với ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát và C50 “tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Tháng 5.2015, ông Hóa chỉ đạo phòng tham mưu dự thảo quyết định thành lập công ty bình phong và được ông Vĩnh ký duyệt. Thời điểm này, Phan Sào Nam đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài.
Quá trình CNC vận hành cổng thanh toán game RikVip, khoảng giữa năm 2015, một cán bộ Phòng, chống tội phạm mạng máy tính (Phòng 2) của C50 phát hiện game bài RikVip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc nên đã báo cáo trưởng phòng.
Thời điểm đó, vị trưởng phòng 2 của C50 đã báo cáo, đề xuất ông Nguyễn Thanh Hóa cho phòng mình tổ chức, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng ông Hóa không đồng ý đề xuất với lý do CNC vận hành game bài RikVip là không vi phạm pháp luật và sẽ báo cáo lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo Bộ để CNC được hoạt động thí điểm, phục vụ công tác nghiệp vụ. Do vậy, Phòng 2 đã không thể tổ chức xác minh.
Theo kết luận, lúc đó, một số Phó Cục trưởng Cục C50 cũng biết việc CNC kinh doanh game bài RikVip, Tipclub là tổ chức đánh bạc nên đã đề xuất ông Nguyễn Thanh Hóa tổ chức xác minh, xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, một lần nữa, ông Hóa phủi tay, không đồng ý, và cho rằng đây không phải là đánh bạc, không phải tội phạm.
Cũng theo kết luận, để thuận lợi trong quá trình làm ăn, ông Phan Văn Vĩnh đã được Dương tặng đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song cơ quan điều tra đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Theo kết luận điều tra, việc Dương khai, đã tặng ông Vĩnh 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỉ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2. Ngoài ra, Dương còn chi tiền cho ông Vĩnh vào các dịp tết từ 10.000 – 150.000USD.
CƯỜNG NGÔ
Theo Laodong
Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Nguyễn Văn Dương khai cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng
Trong quá trình được ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet, Nguyễn Văn Dương khai cho ông Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD, 1 áo sơ mi và 1 lọ thuốc bổ gan. Ngoài ra, Dương khai còn cho ông Hóa 22 tỷ đồng.
Theo bản kết luận điều tra số 829/ANĐT ngày 18/7/2018 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ về vụ án "Đánh bạc"; "Đưa hối lộ"; "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"; "Mua bán trái phép hóa đơn"; "Rửa tiền" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành khác, bị can Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 "đại lý cấp 1", gần 6.000 "đại lý cấp 2" với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo thành lập công ty làm vỏ bọc để đánh bạc như thế nào?
Đối với bị can Nguyễn Văn Dương (SN 1975, quận Đống Đa - Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (Công ty CNC), sau khi thành lập Công ty CNC, được ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 - Bộ Công an) tạo điều kiện hoạt động, đã thỏa thuận chỉ đạo ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty VTC online) tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club.
Sau khi ký hợp đồng, Dương chỉ đạo các thành viên trong công ty thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu, xây dựng cổng thanh toán kết nối với công ty HomeDirect, Công ty VNPT EPAY, Công ty Ngân Lượng và Công ty GTS thực hiện vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính trên 1.600 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn RikVip là trên 370 tỷ đồng, giai đoạn Tip.Club là trên 1.200 tỷ đồng). Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra đã tạm giữ, kê biên 2 sổ tiết kiệm với số tiền 150 tỷ đồng, phong tỏa hơn 1.000 tỷ đồng trong ngân hàng, kê biên 2 tầng (tầng 5 và tầng 6) tòa nhà ICON4 trị giá hơn 61 tỷ đồng và tạm giữ 4 ô tô các loại.
Cũng theo bản kết luận điều tra, sau khi có số tiền thu lời bất chính từ hành vi tổ thức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty Cổ phần đầu tư UDIC để hợp thức hóa số tiền thu lời bất chính.
Bị can Phan Văn Vĩnh (trái) và bị can Nguyễn Văn Dương.
"Trong quá trình được ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet, Nguyễn Văn Dương khai cho ông Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD, 1 áo sơ mi và 1 lọ thuốc bổ gan; cho Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vi rút trị giá 30.000 USD. Ngoài ra, Dương khai còn cho ông Hóa 22 tỷ đồng" - kết luận điều tra cho biết.
Hành vi trên của Nguyễn Văn Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm "Tổ chức đánh bạc" quy định tại Khoản 2, Điều 249, tội "Rửa tiền" quy định tại Khoản 3, Điều 251 Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và tội "Đưa hối lộ" quy định tại Khoản 3, Điều 364 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Nội dung bản kết luận cho biết thêm, trong quá trình điều tra, bị can Dương đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng không hợp tác khai báo về việc sử dụng số tiền bất chính nên đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra thu hồi vật chứng trong vụ án.
Ông Phan Văn Vĩnh không thừa nhận Dương cho 27 tỷ đồng
Tại cơ quan điều tra, ông Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet. Trong thời gian cho C50 hợp tác với Công ty CNC, ông Vĩnh mới thừa nhận được Dương cho 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng...Nhưng ông Vĩnh không thừa nhận Dương cho 1 đồng hồ Rolex giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD.
"Tại cơ quan điều, ông Vĩnh thừa nhận mua đồng hồ Rolex trên và trả cho Dương với số tiền 1,1 tỷ. Nhưng bản thân Dương là người phụ thuộc nên không có sự mua bán ở đây. Trong khi đó, Phan Văn Vĩnh là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an , 1 tháng lương của ông Vĩnh tương đương chỉ 20 triệu đồng. Vậy số tiền ông Vĩnh khai mua đồng hồ Rolex với giá 7.000 USD, mà phải trả 1,1 tỷ đồng bằng 55 tháng lương, tương đương với 4 năm 7 tháng không chi phí gì. Mặt khác, Dương không phải anh, em họ hàng thân thiết. Từ căn cứ trên, có đủ cơ sở kết luận ông Phan Văn Vĩnh được Dương cho chiếc đồng hồ Rolex trên là đúng"- kết luận nêu rõ.
Cũng theo bản kết luận điều tra, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm được tổ chức hay không được tổ chức đánh bạc, bị bắt hay không bị bắt đều phụ thuộc vào quyết định của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa . Việc Nguyễn Văn Dương khai đưa cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD, Nguyễn Thanh Hóa số tiền 22 tỷ đồng là có cơ sở, nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh, cần tiếp tục điều tra, nếu làm rõ sẽ đề nghị xử lý tiếp ở giai đoạn 2.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Kho tiền của người tổ chức mạng lưới đánh bạc chục nghìn tỷ đồng Phan Sào Nam có hàng triệu USD gửi tại ngân hàng nước ngoài, hàng trăm tỷ giấu khắp nơi song vẫn dùng ví, túi cũ do vợ tặng. Cán bộ ngân hàng đếm tiền thu giữ được của Phan Sào Nam tại Quảng Ninh. Ảnh: CAND Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ),...