Khó thu hút vốn đầu tư lưới truyền tải điện do vướng cơ chế
Hiện nhà đầu tư tư nhân chưa thể tham gia đầu tư lưới điện truyền tải mà chỉ thực hiện đầu tư hạ tầng lưới điện nhằm đấu nối nhà máy điện của mình lên hệ thống…
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
Xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được đánh giá là có thể giúp giảm áp lực vốn đầu tư phát triển của nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam , đảm bảo việc thực hiện đồng bộ phát triển giữa nguồn điện và lưới điện.
Nhờ đó, có thể giảm bớt rủi ro về hiệu quả đầu tư trong trường hợp nguồn hoặc lưới điện không đáp ứng được tiến độ. Tuy nhiên, đến nay, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này vẫn gặp nhiều trở ngại.
Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định tại hội thảo Những vấn đề về Đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam, do Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực, Cục Điện lưc và Năng lượng tái tạo tổ chức sáng 3/12.
Cơ chế chưa cụ thể
Theo báo cáo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, hiện nay, các chủ đầu tư dự án nguồn điện thông thường đầu tư các công trình điện đấu nối đồng bộ với phạm vi đầu tư xây dựng nhà máy điện của mình trên cơ sở quy định thỏa thuận đấu nối và chủ đầu tư quản lý, vận hành không bàn giao tài sản cho EVN/EVNNPT tiếp nhận quản lý vận hành.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thực hiện đầu tư đường dây, trạm biến áp phục vụ đấu nối, sau đó bàn giao lại cho ngành điện quản lý.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho rằng việc chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối, sau đó bàn giao lại cho ngành điện là chưa có cơ sở theo quy định.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã có đề xuất về đầu tư dự án hạ tầng truyền tải, cam kết bàn giao cho EVN tiếp nhận đường dây truyền tải và trạm biến áp 500 kV với giá 0 đồng, không hoàn trả chi phí.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm đối với đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ truyền tải chung của hệ thống điện quốc gia sẽ do ngành điện chịu trách nhiệm thực hiện đầu tư trên cơ sở danh mục các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phù hợp theo quy định Luật Điện lực và các quy định hướng dẫn Luật, đặc biệt là quy định về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải…
Đây chính là nguyên nhân mà nhà đầu tư tư nhân chưa thể tham gia đầu tư lưới điện truyền tải mà chỉ thực hiện đầu tư hạ tầng lưới điện nhằm đấu nối nhà máy điện của mình lên hệ thống…
Video đang HOT
Cũng theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực, Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật khác đều chưa quy định cụ thể “hoạt động truyền tải” có bao gồm cả hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành lưới điện truyền không, để từ đó phân biệt được “độc quyền nhà nước” trong hoạt động truyền tải bao gồm tất cả các khâu hay chỉ đối với hoạt động quản lý, vận hành.
Theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP quy định “đường dây tải điện” là một trong các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP. Như vậy, theo Nghị định này, được hiểu là các nhà đầu tư tư nhân được đầu tư xây dựng đường dây truyền tải điện.
“Tuy nhiên, do Luật Điện lực không quy định rõ hoạt động ‘hoạt động truyền tải’ có bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải không, nên việc áp dụng Nghị định 63 nêu trên để đầu tư theo PPP với lưới truyền tải là chưa có cơ sở. Do vậy, để các nhà đầu tư ngoài EVN tham gia đầu tư xây dựng lưới truyền tải, quy định của Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải cần phải được làm rõ,” đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tân – thành viên hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã định hướng tương đối rõ việc xã hội hóa trong đầu tư và khai thác sử dụng lưới điện truyền tải, tách bạch với độc quyền nhà nước nước.
Song theo ông Tân, đối với quy định của Luật Điện lực, tại điều 4 của Luật Điện lực hiện đang quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.”
Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về hoạt động truyền tải bao gồm những hoạt động nào… Như vậy, theo quy định của Luật Điện lực, hiện nhà nước vẫn độc quyền trong các khâu đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải.
Đồng thời, hiện cũng chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa, quy định cụ thể về Hệ thống điện truyền tải, cũng như chưa có định nghĩa và phân định rõ về phạm vi giữa hệ thống truyền tải điện trục chính, truyền tải điện liên vùng, lưới điện truyền tải phục vụ cung cấp điện và hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Thời gian qua, một số chủ đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo đã đề nghị bàn giao lại tài sản cho EVNNPT các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nguồn của các chủ đầu tư sau khi đầu tư đưa vào vận hành.
Về vấn đề này, vị đại diện EVNNPT cho hay, các công trình này sẽ do chủ đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư và sở hữu, không bàn giao tài sản cho EVNNPT. Bởi không kiểm soát được quá trình đầu tư của các chủ đầu tư nên EVNNPT sẽ không thể kiểm soát được chất lượng, chi phí, hiệu quả dầu tư, tiềm ẩn nguy cơ sự cố, tổn thất điện cao…
Trường hợp bàn giao tài sản với giá trị 0 đồng cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc theo luật hiện hành như: giá trị tài sản đánh giá lại, thuế thu nhập bất thường, chi phí quản lý vận hành tăng thêm, đặc biệt là chưa có quy định về việc doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận tài sản từ chủ đầu tư tư nhân thành tài sản công…, ông Tân chia sẻ.
Cân nhắc phạm vi đầu tư
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải sẽ có khả năng tạo cạnh tranh về dịch vụ và giá, đa dạng nguồn vốn… Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới phải sửa đổi Luật, Nghị định và các quy định pháp luật về truyền tải điện.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc xóa bỏ hoàn toàn độc quyền về lưới điện truyền tải từ hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành là vấn đề mới, cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động tới việc tái cơ cấu ngành điện, thị trường điện do thay đổi hoàn toàn cấu trúc thị trường điện các cấp độ, định hướng phát triển ngành điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt… và các vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh năng lượng.
Trạm biến áp 500kV đang được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thi công trên vùng núi đá ở xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Ngoài việc nghiên cứu, điều chỉnh các quy định pháp Luật Điện lực theo nhiệm vụ của Nghị quyết số 55-NQ/TW thì cần phải nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia đã xóa bỏ độc quyền và cách thức xử lý, từ đó mới có thể đề xuất cơ chế thực hiện phù hợp.
Ngoài ra, cần hiểu đúng chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, không phải xóa bỏ hoàn toàn về độc quyền nhà nước về truyền tải điện mà cần tách bạch phạm vi nào cần độc quyền, phạm vi nào được thực hiện đầu tư tư nhân trên cơ sở đảm bảo an ninh, quốc phòng.
“Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn trong, ngoài nước để nghiên cứu các quy dịnh liên quan về đầu tư lưới điện truyền tải, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xem xét, đề xuất nội dung hoàn thiện, sửa đổi Luật Điện lực về đầu tư lưới điện truyền tải nếu cần thiết,” ông Tuấn Anh cho hay.
Theo kiến nghị của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực, để có thể xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xã hội hóa lưới điện truyền tải, cần thiết xem xét sửa đổi Luật Điện lực theo hướng làm rõ khái niệm “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện,” từ đó nghiên cứu, sửa đổi các quy định đầu tư ngoài EVN.
Trước mắt, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích, làm rõ quy định tại Luật Điện lực về “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” theo hướng nhà nước độc quyền trong quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn để có thể thực hiện thu hút đầu tư sau khi có Nghị quyết về nội dung này hoặc Luật Điện lực được sửa đổi; trong đó, quan tâm đến các quy định về bàn giao, phân chia lợi nhuận, chi phí và trách nhiệm trong quản lý, vận hành sau đầu tư.
Các doanh nghiệp tại hội thảo cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra cơ sở pháp lý để phân định rõ trách nhiệm của nhà nước, tư nhân trong việc đầu tư lưới truyền tải điện , cùng với đó là tháo gỡ các vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, tiếp nhận tài sản bàn giao…/.
Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động của thủy điện Thượng Nhật
Bộ Công Thương quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty Thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Chiều 27/11, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương vừa có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nội dung quyết định nêu rõ, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực số 383/GP-ĐTĐL ngày 12/12/2019 do Cục Điều tiết điện lực cấp cho Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ ngày 27/11/2020
Thủy điện Thượng Nhật xả nước.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm quy định của pháp luật đối với Nhà máy thủy điện Thượng Nhật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 16/11, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác kiểm tra công tác quản lý an, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Ngày 19/11, Đoàn Kiểm tra đã có Báo cáo số 1571/BC-ATMT về kết quả kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tại công trình thủy điện Thượng Nhật tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đã vi phạm các quy định của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP. Cụ thể, theo kết luận, đơn vị này đã vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quá tình kiểm tra cũng cho thấy, công ty này đã không thực hiện quan trắc quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.
Theo quy định của Luật Điện lực, Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đã vi phạm các quy định pháp luật như hành vi vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hành vi không thực hiện quan trắc cũng được xác định là vi phạm điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.
Các hành vi vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam là không thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động điện lực về nghĩa vụ thực hiện các quy định.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Luật Điện lực, hành vi của Công ty thuộc trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực do không thực hiện đúng các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động điện lực.
Ngày 25/11, Cục Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này với tổng số tiền vi phạm là 130 triệu đồng.
Căn cứ các quy định của Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật. Ngày 27/11, Cục Điều tiết điện lực đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-ĐTĐL về việc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Dự án nhà máy thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW, dung tích toàn bộ hồ chứa 17 triệu m3, kinh phí đầu tư hơn 341 tỷ đồng. Dự án này hiện vẫn chưa hoàn thiện, đang còn một số vướng mắc chưa giải quyết nên chưa được tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép tích nước, vận hành.
Trong quá trình vận hành, nhiều lần thủy điện này tự ý tích nước trong mùa mưa lũ tại bão số 9, bão số 13, cố tình phớt lờ mọi cảnh báo, yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cơ quan chức năng đã phải cưỡng chế thì thủy điện Thượng Nhật mới xả nước 5 cửa van, tuy nhiên sau bão số 13 lại tiếp tục tích nước...
Vì sao Bộ Công Thương xin lùi thời hạn trình Quy hoạch Điện VIII? Phó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Công thương lùi thời hạn trình Quy hoạch Điện VIII đến cuối tháng 12/2020. Lưới điện là khâu cần chú trọng trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến đồng ý với kiến nghị xin lùi thời gian trình Quy hoạch điện VIII tới cuối...