Khó thu hồi tài sản tẩu tán ra nước ngoài
Một số tội phạm, đặc biệt tội phạm liên quan về chức vụ, tham nhũng, kinh tế…, trước khi bỏ trốn ra nước ngoài đã mang theo khối tài sản rất lớn.
Các cơ quan chức năng làm gì để thu hồi số tài sản “bẩn” này?
Khó chứng minh
Một nguyên cán bộ Interpol VN cho biết những đối tượng này tẩu tán tài sản dưới danh nghĩa lập các công ty, ký các hợp đồng làm ăn với nước ngoài (rửa tiền).
Để chứng minh đòi hỏi quá trình điều tra công phu, phối hợp giữa lực lượng cảnh sát của hai nước. Việc thu hồi tài sản phải căn cứ vào tội danh của đối tượng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền hai nước.
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn – Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, nếu Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can thì có quyền ra quyết định kê biên tài sản.
Với những đối tượng chưa ra quyết định khởi tố, cơ quan chức năng phải chứng minh được những tài sản ở nước ngoài là do phạm tội mà có được. Việc này trên thực tế rất khó để chứng minh.
Theo một chuyên gia mạng, hiện nay với nguồn thông tin đa dạng về dịch vụ hỗ trợ cách chuyển tiền, hướng dẫn đầu tư để xin thẻ định cư, cách bảo mật thông tin… các đối tượng khi có dự tính ra nước ngoài sẽ có chuẩn bị trước.
“Họ tìm cách chuyển tiền bằng việc đầu tư, mua cổ phiếu, đưa con cháu đi du học ở nước dự tính định cư… Khi đó, đối tượng cũng đã có nền tảng, có vỏ bọc nhà đầu tư và được pháp luật bảo vệ tài sản của họ…” – chuyên gia này cho biết.
Không dễ thu hồi
Luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng Luật phòng chống rửa tiền quy định nếu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài từ 1.000 USD trở lên phải báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Video đang HOT
Các khoản ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài khác phải có lý do chính đáng, số lượng tiền chuyển cũng phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể.
“Tuy nhiên, các đối tượng tẩu tán tài sản thường lợi dụng việc mua sắm quốc tế, đầu tư ra nước ngoài để núp bóng chuyển số tiền lớn ra khỏi VN. Các đối tượng thường lập công ty ở các quốc gia, vùng lãnh thổ vốn là thiên đường trốn thuế” – luật sư Nông nói.
Khi đó, các đối tượng tiếp tục sử dụng để đầu tư vào các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Canada, Đức…) để hưởng quy chế định cư dài hạn và hợp pháp.
Trong một số trường hợp, việc thu hồi tài sản tẩu tán hết sức khó khăn nếu đối tượng bị truy nã và tài sản tẩu tán đang ở một nước mà VN không ký hiệp định tương trợ tư pháp.
Tuy nhiên, nếu có quyết tâm cao thì VN có thể thực hiện dẫn độ và thu hồi tài sản bằng việc truy nã quốc tế. Mặt khác, để thu hồi tài sản tẩu tán do tham nhũng, VN có thể vận dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng năm 2003.
Còn theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, pháp luật VN quy định tương đối đầy đủ để điều chỉnh, hạn chế và xử lý những hành vi liên quan đến rửa tiền, quản lý ngoại hối, đầu tư ra nước ngoài…
Nhưng từ thực tế những vụ án hình sự liên quan đến tín dụng ngân hàng, thương mại quốc tế, nếu ai đó có tài sản để ở nước ngoài thì việc tịch thu vô cùng khó khăn, tốn kém chi phí.
Để khắc phục, luật sư Nghiêm cho rằng quan trọng là ở công tác phòng chống, vì nếu để đến khi bị phát giác, bị truy nã… thì rất khó thu hồi.
“Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoạt động theo đúng luật định. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai tài sản quan chức để các thiết chế giám sát làm đúng chức năng.
Nếu ai đó kê khai gian dối và không giải trình được nguồn gốc với cơ quan thuế thì phải có chế tài, không loại trừ việc tịch thu sung công quỹ” – luật sư Nghiêm nói.
Rất nhiều ngoại tệ chảy ra nước ngoài
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có một cách chuyển tiền chính thức ra nước ngoài mà nhiều người đang sử dụng là lập công ty ở trong nước và câu kết với nhà xuất khẩu ở nước ngoài – thường là công ty liên kết qua việc nhập nguyên vật liệu, máy móc thiết bị.
Đơn cử công ty trong nước nhập lô hàng của công ty liên kết ở nước ngoài có trị giá thực chỉ là 100 USD. Nhưng công ty trong nước yêu cầu ngân hàng phát hành tín dụng thư tới 1.000 USD để thanh toán lô hàng.
Tình huống này khó ai có thể kiểm soát được vì đơn hàng thanh toán là 1.000 USD mà người mua trả đúng 1.000 USD nên ngân hàng không có lý do gì để từ chối cả.
Lợi dụng việc này, nhiều công ty trong nước đã chuyển số lượng rất lớn ngoại tệ ra nước ngoài một cách hợp lệ.
Quy định quản lý ngoại hối rất chặt chẽ nhưng vẫn bị những người không trung thực, cố ý gian lận, lách luật để chuyển số lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài.
Theo Tuổi Trẻ
Ông Trịnh Xuân Thanh trốn cũng khó thoát
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), ông Thanh có trốn ở đâu cũng khó thoát.
Đến ngày 19/9, tên ông Trịnh Xuân Thanh chưa xuất hiện trên mạng Interpol
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế đối với bị can Trịnh Xuân Thanh về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), ông Thanh có trốn ở đâu cũng khó thoát.
Bắt tội tham nhũng, không có vùng cấm
Liên quan đến việc truy bắt ông Trịnh Xuân Thanh, ngày 19/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, khi truy nã về tội "Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quốc tế không có vùng cấm, thực chất là không có tị nạn tội "tham nhũng". Đối với Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm tham nhũng, có rất nhiều nước tham gia. Vì thế các quốc gia này sẽ ủng hộ Việt Nam để bắt tội phạm tham nhũng.
Đối với thông tin trên mạng xã hội nói về việc ông Trịnh Xuân Thanh viết đơn xin ra khỏi Đảng, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng: "Chúng ta truy nã về tội phạm kinh tế, nên không liên quan đến việc ông Thanh tham gia đảng phái nào. Việc ra, vào Đảng là tinh thần tự nguyện của mỗi người, anh không thấy phù hợp thì xin ra. Anh không đủ tư cách đứng trong đội ngũ của Đảng thì sẽ bị khai trừ".
Thiếu tướng Quân nhận định, việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng là vì sợ làm hoen ố uy tín của truyền thống gia đình chứ không phải là chống chính quyền. Việc xin ra khỏi Đảng và truy cứu trách nhiệm hình sự là 2 việc khác nhau. Các trường hợp tội phạm chỉ có tị nạn về "chính trị" chứ không có tị nạn về kinh tế. Vì vậy, việc truy bắt ông Thanh không có trở ngại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế, có Văn phòng Interpol Việt Nam (C55), qua kênh đó phát lệnh truy nã. Qua kênh Interpol, cảnh sát quốc tế sẽ truy bắt người bị truy nã. Về vấn đề dẫn độ về Việt Nam sau khi bắt được, có những nước có hiệp định tương trợ về tư pháp, có những nước không có hiệp định dẫn độ. Đối với quốc gia có hiệp định tương trợ về tư pháp, họ sẽ tương trợ việc chi trả kinh phí dẫn độ, thậm chí vé máy bay. Đối với nước chưa ký hiệp định, có thể đàm phán theo từng trường hợp cụ thể.
"Nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức, Canada hoặc một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ về tư pháp, việc bắt giữ, dẫn độ sẽ khó khăn hơn nhưng không bế tắc. Trong trường hợp đó sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bàn bạc, thương lượng cụ thể. Trong nhiều trường hợp pháp luật cho phép, thủ tục dẫn độ có thể trao trả lẫn nhau" - Thiếu tướng Quân nói.
Đủ căn cứ xác định bị can Thanh bỏ trốn
Ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 19/9, phóng viên Tiền Phong nhập tên bị can Trịnh Xuân Thanh trên website www.interpol.int/notice của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế - Interpol nhưng chưa thấy xuất hiện hình ảnh và thông tin về ông này. Về việc này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng: Các đơn vị chức năng đang làm thủ tục với Tổ chức Cảnh sát Quốc tế để truy nã ông Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh "đi du lịch", chứ không phải bỏ trốn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc - cho rằng, đi du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp. Song, ông Thanh là cán bộ lãnh đạo, sau khi hết thời hạn nghỉ phép vẫn không xuất hiện tại cơ quan, khiến Tỉnh ủy Hậu Giang phải cử người đi tìm. Nếu đúng là ông Thanh chữa bệnh thì phải có thông tin từ phía gia đình. Hiện cả cơ quan quản lý, gia đình đều không biết tung tích ông Thanh ở đâu thì rõ ràng ông này lợi dụng việc nghỉ phép để bỏ trốn.
"Ngoài ra, ông Thanh đi khỏi nơi cư trú sẽ phải khai báo với cơ quan chức năng về thủ tục tạm trú, tạm vắng theo quy định. Việc ông Thanh bỏ trốn được cơ quan điều tra căn cứ từ ngày khởi tố bị can 16/9 là đúng luật" - luật sư Tuấn nói.
Ngày 19/9, phóng viên Tiền Phong nhập tên bị can Trịnh Xuân Thanh trên website www.interpol.int/notice của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế - Interpol nhưng chưa thấy xuất hiện hình ảnh và thông tin về ông này. Về việc này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng: Các đơn vị chức năng đang làm thủ tục với Tổ chức Cảnh sát Quốc tế để truy nã ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo Minh Đức (Tiền Phong)
Ông Trịnh Xuân Thanh có bị dẫn độ nếu đang lưu trú ở Đức "Đức vẫn có thể dẫn độ nghi can cho Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, dù hiệp định giữa hai nước đã hết hiệu lực", nguồn tin của VnExpress cho biết. Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, ngày hôm qua đã bị Cơ quan Cảnh sát điều...