Khó đạt mục tiêu nới room tín dụng?
Mức nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đạt chuẩn Basel II sẽ không nhiều để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành.
Đã có 9/17 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II. Nguồn: Internet.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 9/17 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, VPBank, Techcombank, MB, MSB và khoảng 10 ngân hàng đã nộp hồ sơ xin áp dụng Basel II sớm.
Một trong những yêu cầu quan trọng của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất 8%, trong đó một số ngân hàng vượt mục tiêu tối thiểu như VPBank đạt 11,2%, MSB và MB đạt trên 9%…
Kỳ vọng được nới chỉ tiêu cao
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, đến hết tháng 4/2019, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm 1,05% lên 582.379 tỷ đồng; vốn tự có tăng khá mạnh tới 5,66% lên 851.795 tỷ đồng.
Trong đó, dẫn đầu vốn điều lệ là khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) với 268.872 tỷ đồng (tăng 0,61% so với cuối năm 2018); khối NHTM nhà nước với 149.001 tỷ đồng (tăng 0,75%) và khối ngân hàng liên doanh-nước ngoài với 116.619 tỷ đồng (tăng 2,76%).
Để thưởng cho những ngân hàng “về đích” Basel II sớm, NHNN đưa ra thông điệp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà băng này trong việc tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới. Cụ thể, NHNN cho cơ chế “thoáng” hơn về “room” tín dụng – được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay.
Thực tế, với những ngân hàng đạt chuẩn Basel II, ngay từ đầu năm, chỉ tiêu tín dụng được giao đã ở mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng như Vietcombank là 15%, TPBank là 13%…
Tuy nhiên, tính đến hết quý I, một số nhà băng đã gần cạn room tín dụng. TPBank đã tăng trưởng tín dụng tới 11,3%. Còn VPBank, Vietcombank đã “ngốn” hơn 6% room tăng trưởng tín dụng, tức đã dùng hơn 40% hạn mức cho phép dù mới chỉ bước qua 3 tháng.
Vì vậy, tại đại hội cổ đông vừa qua, các ngân hàng đã được “gắn mác” Basel II đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu, như: VIB (35%), MB (15%), VPBank (15%), TPBank (21%), HDBank (24%), OCB (30%)…
Nhờ kế hoạch tăng trưởng tín dụng này, các ngân hàng mới có thể tự tin đặt lợi nhuận 2019 ở mức cao. Theo đó, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018. Trong khi đó, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.077 tỷ đồng, tăng 26,8%; MB đặt mục tiêu lãi 9.895 tỷ đồng, tăng 27%…
Video đang HOT
Liên quan đến việc các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II đề nghị nới mức tăng trưởng tín dụng, giới phân tích cho rằng mức nới sẽ không được nhiều để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành ở mức 14%.
“Quà” có như kỳ vọng?
Đến nay chưa có thông tin về việc NHNN tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho bất cứ ngân hàng nào. Tuy nhiên, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo NHNN cho biết, để kiểm soát tín dụng trong mục tiêu đặt ra cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu, 6 tháng cuối năm 2019, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm. Trong đó có điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra…
NHNN cũng đưa ra định hướng: những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp thì không bị hạn chế tăng trưởng tín dụng; ngân hàng nào tăng tín dụng mà không đảm bảo đủ vốn thì không được tăng trưởng tín dụng thêm.
Trong bối cảnh còn có những ngân hàng yếu kém, NHNN buộc phải đưa ra chỉ tiêu tín dụng nhằm khống chế tín dụng đối với nhà băng yếu.
Do đó, trong trường hợp chỉ tiêu tín dụng đặt ra không được NHNN chấp thuận, các ngân hàng phải điều chỉnh lợi nhuận hoặc cơ cấu lại dư nợ cho vay theo hướng tăng biên lợi nhuận, tức là đẩy mạnh tín dụng vào phân khúc cho vay có lời cao (nhưng đi kèm với rủi ro nợ xấu).
Trả lời báo chí về tăng chỉ tiêu tín dụng lên tới 35%, lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng kỳ vọng sẽ được NHNN nới tăng trưởng tín dụng. Còn thực tế được chấp thuận ở mức nào thì sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.
Theo Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, nếu không được nới chỉ tiêu tín dụng cũng không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Nguyên nhân là bởi chỉ tiêu lợi nhuận này là trên cơ sở hoạt động kinh doanh đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng mà còn dựa trên các hoạt động kinh doanh nổi bật của ngân hàng là dịch vụ, thẻ, bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác. Do đó, mục tiêu lợi nhuận của VIB là khả thi.
Ông Vỹ cũng tự tin khi cho rằng VIB có truyền thống thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận, nên ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận thực tế sẽ vượt 20 – 30% kế hoạch.
Đại diện các ngân hàng đều cho hay chiến lược tăng trưởng bán lẻ được đẩy mạnh những năm gần đây và ngân hàng nỗ lực giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, nhất là trong bối cảnh tín dụng không còn tăng trưởng cao như trước.
Một trong những chiến lược được các ngân hàng đẩy mạnh là đầu tư vào ngân hàng số và phân phối bảo hiểm (bancassurance). Đây sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển của các ngân hàng trong thời gian tới.
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn
Tăng trưởng tín dụng: Nỗi lo sớm mục tiêu 14%?
Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại mới đạt 1,25%, thấp hơn so với những năm trước, khiến một số câu hỏi đặt ra về áp lực tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại đạt 1,25%.
Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 2 giảm mạnh 17% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 2 cũng giảm xuống mức thấp nhất (51,2 điểm) kể từ tháng 3/2016 cho thấy, khu vực sản xuất đang tăng chậm lại.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm hàng điện tử, máy vi tính và quang học (chỉ tăng 5,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 38%); nhóm sản xuất thuốc và hóa dược (giảm 12,4% trong khi cùng kỳ tăng 12,7%)
Do vậy, không bất ngờ khi tiếp tục xu hướng của tháng 1, trong tháng 2/2019, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) khá ảm đạm. Lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục cao hơn so với DN đăng ký mới. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 13.519 DN, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, có 13.692 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 7.843 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các DN đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2019 là 3.156 DN, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số DN tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản trong 2 tháng đầu năm 2019 lên tới 16.675 DN, bằng 104,36% DN thành lập mới.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: "Từ sau Tết âm lịch đến nay, hoạt động của Ngân hàng khá "bình bình" do DN chưa trở lại guồng hoạt động mạnh và Ngân hàng tập trung tăng trưởng các hoạt động dịch vụ, ngân hàng bán lẻ".
Đáng chú ý, tuần qua, NHNN đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau gần 5 tháng không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0. Cụ thể, NHNN đã hút 17.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm và hút ròng 6.374 tỷ đồng thông qua OMO, số dư OMO đang lưu hành giảm xuống chỉ còn 7.587 tỷ đồng. Tính chung, NHNN đã hút ròng 23.374 tỷ đồng và lượng tín phiếu lưu hành đã vượt trên lượng OMO lưu hành.
Dù NHNN đã liên tục hút ròng tới 162 nghìn tỷ đồng trong 5 tuần gần đây, nhưng lãi suất trên liên ngân hàng vẫn giảm không ngừng, đặc biệt là trong tuần vừa qua. Lãi suất kỳ hạn qua đêm hiện ở mức 3,3%/năm; 1 tuần ở mức 3,4%/năm; lần lượt giảm 68 điểm cơ bản và 65 điểm cơ bản so với cuối tuần trước.
Không tăng vốn, không tăng tín dụng
Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần khá "xông xênh" về dư địa tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), thì các ngân hàng thương mại quốc doanh duy trì mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn. Ví dụ, BIDV và Vietcombank chỉ tăng trưởng theo đúng hạn mức được NHNN giao từ đầu năm, tức ở mức dưới 15%. VietinBank duy trì mức tăng trưởng tín dụng khá thấp là 7,7%, theo phương án xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt.
"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tình trạng thiếu vốn hiện tại của các ngân hàng quốc doanh mới là yếu tố chính trong việc hạn chế tiềm năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này", TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Minh chứng cho vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank thừa nhận, do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới cuối năm 2018, nên Ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng.
"Trong suốt 10 năm vừa qua, kể từ sau khi VietinBank cổ phần hóa năm 2008, Ngân hàng đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó quy mô về vốn tự có, tài sản đã tăng trên 6 lần. Cũng trong quãng thời gian này, VietinBank đã khai thác các nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài để phục vụ cho sự phát triển, Nhà nước chưa phải đầu tư thêm khoản vốn nào cho VietinBank", ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là để Ngân hàng có khả năng mở rộng huy động vốn, cấp tín dụng cho nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời bảo đảm tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.
"Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cũng như việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu Ngân sách nhà nước do các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng", ông Thọ nói.
Mức tăng 14% không phải là áp lực lớn
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng bằng 1/3 của cả năm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019, tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng hơn 4% trong 6 tháng đầu năm và gần 10% trong 6 tháng cuối năm. Đây là quy luật đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Theo ông Nghĩa, nguyên do của việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ bằng 1/3 cả năm là bởi liên quan đến sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Về chính sách tài khóa, nửa đầu năm thường giải ngân rất chậm, tập trung vào các tháng cuối năm. Trong khi đó, vốn từ ngân sách và ngân hàng đều ở mức thấp khiến cho các hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn và hiệu quả sử dụng vốn rất thấp.
"Chỉ cần thay đổi cấu trúc về phân bổ ngân sách tương đối đồng đều cho cả năm sẽ làm tăng GDP và tương tự, hệ thống ngân hàng cũng sẽ đồng thời vận hành như vậy. Tuy nhiên, mức tăng 14% không phải là áp lực lớn", TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, vốn tín dụng tăng 14% nhưng quan trọng hơn là 4 yếu tố: thứ nhất, tăng thực chất với dư nợ tốt; thứ hai, tăng từ đầu năm; thứ ba, tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; thứ tư, tăng tín dụng ngắn hạn, vòng quay tín dụng được gia tăng.
"Vòng quay vốn tín dụng quyết định lượng vốn bỏ ra cho nền kinh tế và gia tăng hiệu quả tín dụng, qua đó góp phần tăng trưởng GDP của đất nước. Do đó, vòng quay tín dụng được gia tăng là điều rất có ý nghĩa', ông Tú nói.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 14% "Tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và trải đều qua các tháng, tín dụng đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017"- Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tại buổi họp báo sáng nay (7/1), công bố kết quả hoạt động 2018 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019. Phó...