Khi những “ông lớn” công nghệ bị kiện dồn dập tại Việt Nam
Liên tiếp có đến 3 vụ khởi kiện những nền tảng công nghệ quốc tế tại Việt Nam được công bố chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Khởi đầu là TikTok bị VNG khởi kiện, tiếp đến là First News – Trí Việt khởi kiện Lazada, và gần nhất là Vie Channel cho biết đã khởi kiện Spotify.
TikTok bị VNG kiện đòi bồi thường thiệt hại hơn 221,5 tỉ đồng. Ảnh: Thế Lâm
Vì đâu nên nỗi?
Cáo buộc từ phía VNG đưa ra đối với phía TikTok tại Việt Nam, là có đến hơn 11 triệu clip ngắn trên nền tảng TikTok đã lồng ghép bản ghi âm những bài hát do Zing – một công ty con của VNG – sở hữu bản quyền và khai thác. Số bản ghi âm được phía VNG thống kê bị xâm phạm bản quyền lên đến khoảng 150. Vấn đề là, VNG cho rằng đã gửi thư khuyến cáo đến TikTok vào tháng 6.2019 song phía TikTok không gỡ các bài hát được VNG khẳng định là vi phạm. Chính vì thế, khoảng một năm sau thời điểm trên, VNG đã khởi kiện TikTok ra Tòa án Nhân dân TPHCM.
Vụ First News – Trí Việt (viết tắt First News) kiện Lazada, được cho rằng trước đó phía First News cũng đã một số lần gửi thư cảnh báo phía nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, tình hình bán sách giả trên Lazada, đặc biệt là những đầu sách do First News nắm quyền xuất bản, vẫn cứ tiếp diễn. Giọt nước tràn ly, First News đã tiến hành khởi kiện Lazada.
Vụ kiện về sách giả bán trên Lazada của First News – Trí Việt thu hút sự quan tâm. Ảnh: cắt từ clip.
Trong 2 vụ kiện trên, các doanh nghiệp bị đơn đều là những công ty nước ngoài đang có chi nhánh/pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, cụ thể là tại TPHCM. Có nghĩa là VNG và First News đang “nắm người có tóc”.
Tuy nhiên trường hợp Vie Channel kiện Spotify AB (nhánh cung cấp dịch vụ cho các thị trường ngoài Mỹ của Spotify – ứng dụng dịch vụ âm nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay) có khác một chút. Đó là Spotify AB hiện không có chi nhánh tại Việt Nam. Nền tảng âm nhạc trực tuyến này chính thức công bố xâm nhập thị trường Việt Nam từ tháng 3.2018.
Video đang HOT
Tuy nhiên, dịch vụ này được cung cấp xuyên biên giới thông qua nền tảng trực tuyến và khách hàng/người mua dịch vụ cũng thanh toán qua phương thức trực tuyến với gói cước 59.000 đồng/tháng. Phía Vie Channel cáo buộc Spotify AB đã xâm phạm bản quyền hai chương trình Rap Việt với 19 bài hát và Người ấy là ai với 19 tập phát sóng.
TikTok, Lazada và Spotify AB đều là các nền tảng công nghệ trực tuyến toàn cầu. TikTok gần đây càng được biết đến nhiều sau khi vướng lệnh cấm tại Mỹ từ chính quyền của Tổng thống Trump. Là một nền tảng chuyên về video ngắn, bí quyết công nghệ của TikTok được cho chính là thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo) mang tới thành công, với lượng người dùng bình quân 800 triệu mỗi tháng.
Trong khi đó, Lazada là nền tảng thương mại điện từ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á thuộc quyền sở hữu của một trong hai tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Alibaba của tỉ phú Jack Ma. Còn Spotify là ứng dụng âm nhạc trực tuyến toàn cầu, hiện có gần 300 triệu người dùng, trong đó hơn 130 triệu là thuê bao có trả phí.
“Ông lớn” càng không thể lơ là vấn đề bản quyền
Trên thực tế, các vi phạm liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ, cụ thể là bản quyền âm thanh và hình ảnh trên các nền tảng công nghệ trực tuyến xảy ra phức tạp và khó kiểm soát. Đơn cử trường hợp TikTok, bị VNG cáo buộc vi phạm trong hơn 11 triệu clip ngắn có lồng ghép trái phép các bản ghi âm bài hát. Hay các gian hàng trên Lazada, bán những tựa sách giả do First News nắm bản quyền xuất bản.
Các nền tảng công nghệ như TikTok, Lazada… không phải là đối tượng vi phạm trực tiếp mà do người dùng. Tuy nhiên, các bên nguyên đơn như VNG, First News đang quy trách nhiệm của phía cung cấp nền tảng, buộc TikTok, Lazada hay Spotify AB phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm bản quyền xảy ra trên nền tảng của họ. Điều này cũng phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Theo đó, các nền tảng công nghệ trực tuyến như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm xảy ra trên đó, từ những nội dung video phản cảm, trái thuần phong mĩ tục Việt Nam, vi phạm pháp luật, cho đến hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, những “ông lớn” công nghệ mà điển hình là Facebook, cũng đã nhiều lần bị phạt vì để xảy ra vi phạm trên nền tảng của mình. Điển hình Facebook, đã bị phạt 5 tỉ USD tại Mỹ vào tháng 9.2019 vì để rò rỉ thông tin tài khoản của 87 triệu người dùng vào tháng 3.2018. Ngoài ra, CEO của mạng xã hội này là Mark Zuckerberg cũng đã hơn một lần phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Cả 3 vụ kiện tại Việt Nam đối với các “ông lớn” TikTok, Lazada, Spotify đều liên quan tới vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể là bản quyền ghi âm và hình ảnh. Phía các nguyên đơn đã cho lập vi bằng làm bằng chứng vì thế các bị đơn khó mà có thể chối cãi được. Vấn đề là, cáo buộc trách nhiệm từ phía nguyên đơn đối với bị đơn được các cơ quan tố tụng xác nhận và chấp nhận ở mức độ nào mà thôi.
Lời cảnh báo
Các vụ kiện dồn dập liên quan tới bản quyền tại Việt Nam mà bị đơn là các “ông lớn” công nghệ quốc tế cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, những nền tảng trực tuyến quốc tế làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam hoặc thu lợi từ thị trường Việt Nam không thể “phủi tay” với những hành vi vi phạm trên nền tảng của mình. Cụ thể, không thể cho rằng tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam còn phức tạp và nhức nhối, từ đó cũng buông xuôi cho người dùng, đối tác, khách hàng… trên nền tảng của mình muốn làm gì thì làm, hoặc không nỗ lực đến cùng trong việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bản quyền.
Bản quyền luôn gắn với sáng tạo, việc cung cấp dịch vụ cũng như kinh doanh của TikTok, Lazada, Spotify cũng liên quan mật thiết với vấn đề bản quyền và sáng tạo. Chính vì thế, các nền tảng này càng phải hiểu rõ hơn ai hết việc xâm phạm bản quyền của đơn vị, doanh nghiệp khác sẽ gây ra thiệt hại và khó khăn như thế nào.
Theo phía VNG, việc xâm phạm bản quyền ghi âm thuộc sở hữu của doanh nghiệp này trong các video ngắn trên TikTok đã gây ra thiệt hại đến hơn 221,5 tỉ đồng. Và VNG đã khởi kiện yêu cầu TikTok phải bồi thường thiệt hại với giá trị tương đương số tiền trên. Trong khi đó, khoản thiệt hại được phía Vie Channel nêu ra đòi Spotify AB bồi thường là hơn 9,5 tỉ đồng, dù không lớn bằng khoản thiệt hại của phía VNG nhưng cũng cho thấy, giá trị thiệt hại chia bình quân trên mỗi đơn vị bài hát, tập chương trình phát sóng cũng không hề nhỏ.
Sau khi thông tin các vụ kiện được đưa lên công luận, rất nhiều ý kiến độc giả bình luận cho biết ủng hộ việc khởi kiện đòi bản quyền vì đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sáng tạo. Mặt khác, khi các bên vi phạm dù trực tiếp hay chỉ ở vai trò cung cấp nền tảng cứ phớt lờ các cảnh báo về hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng của mình, việc khởi kiện ra tòa chính là cách hành xử văn minh, minh bạch và cần thiết để bảo vệ quyền lợi, đồng thời cũng đánh động dư luận ngày càng đồng thuận trong tiếng nói phản đối hành vi vi phạm bản quyền.
Duy trì và mở rộng kinh doanh trong giai đoạn "bình thường mới": Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm nhất trên thế giới khởi động trạng thái kinh tế - xã hội theo hướng "bình thường mới". Sự thay đổi này giúp cho nhiều doanh nghiệp bắt đầu khởi động lại hình thức kinh doanh trực tiếp và đặt ra câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục kinh doanh online, đặc biệt là trên nền tảng TMĐT?
Doanh nghiệp "hồi sinh" trong mùa dịch nhờ kinh doanh trực tuyến
Trong Báo cáo quý 1/2020 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, do ảnh hưởng Covid-19 có đến 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.200 doanh nghiệp. Thực tế đó cùng với sự chuyển dịch xu hướng tiêu dùng của người dân đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển từ hoạt động offline sang online như một phương án bất đắc dĩ để tìm kiếm cơ hội tồn tại trong mùa dịch.
Anh Lê Văn Trường - chủ gian hàng Caring Life (chuyên kinh doanh các sản phẩm gia dụng hiện đại) cho biết, anh quyết định gia nhập Lazada vào tháng 3/2020 sau khi hứng chịu kết quả lợi nhuận âm từ tháng 2/2020. Vào thời điểm giãn cách xã hội, anh đã phải cho nhân viên nghỉ xoay ca nhưng các chi phí về nhân sự, địa điểm thuê cửa hàng, kho bãi đều tiêu tốn một khoản chi phí cố định không nhỏ. Bởi vậy, khi có điều kiện tìm hiểu về traffic, anh quyết định gia nhập sàn TMĐT Lazada.
Từ hệ thống quảng cáo sản phẩm đa dạng, phí sàn hợp lý, lại không mất phí đăng ký - Lazada đã tạo điều kiện cho những nhà bán hàng lần đầu tiên biết đến kinh doanh online như anh Trường gia nhập mô hình kinh doanh mới một cách thuận lợi. Theo ước tính của anh Trường, sau hơn một tháng tham gia Lazada, hiện nay doanh thu từ kênh online đã xấp xỉ với kênh kinh doanh trước đây. Số lượng đơn hàng đổ về Caring Life đều đặn hơn, trong đó tháng 4 là thời điểm kênh online đạt doanh thu cao nhất.
Gian hàng trực tuyến của Caring Life
Câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp Dottie cũng tương tự như Caring Life. Tuy đã gia nhập Lazada từ tháng 9/2019 nhưng kênh online vẫn chưa được doanh nghiệp này chú trọng phát triển bằng kênh bán hàng truyền thống. Chỉ đến thời điểm cuối tháng 3/2020 khi doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa chuỗi 15 cửa hàng, doanh thu sụt giảm 50-70% thì gian hàng trực tuyến trên Lazada mới trở thành "chiếc phao cứu sinh" giúp Dottie cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục duy trì công việc cho nhân viên. Bởi vậy, dù sản phẩm không thuộc ngành hàng thiết yếu nhưng Dottie đã có chỉ số tăng trưởng đáng nể 200% nhờ chiến lược số hóa kịp thời.
Khách hàng tham khảo sản phẩm của Dottie trên Lazada
Caring Life hay Dottie là những ví dụ điển hình cho những doanh nghiệp đã trải qua cả hai phương thức bán hàng offline và online. Và không hẹn mà gặp, hai doanh nghiệp đều quyết định kết hợp cả hai hình thức bán hàng để tăng doanh số ở mức cao nhất trong điều kiện thị trường hiện nay. Đây cũng được đánh giá quyết định sáng suốt nhất cho các nhà bán hàng nói chung trong bối cảnh "bình thường mới".
Cơ sở để kênh trực tuyến tiếp tục phát triển bền vững hậu Covid-19
Trên thực tế, việc lựa chọn kết hợp 2 hình thức kinh doanh của Caring Life hay Dottie không đơn giản chỉ dựa trên kết quả lợi nhuận trong mùa dịch. Mùa dịch đã giúp người dùng nhận thấy rõ hơn những lợi thế của việc mua sắm trực tuyến với đời sống và sức khỏe. Và xu thế này được dự báo sẽ vẫn tiếp tục phát triển sau dịch như thói quen mua sắm mới của nhiều người dân.
Cũng mới đây, ngày 15/5/2020, quyết định số 645 về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc giai giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ thông qua. Đây là văn bản mở đường để ngành TMĐT trong nước hướng tới mục tiêu vươn lên vị trí thứ hai khu vực ASEAN. Quy mô thị trường dự kiến thu hút 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, doanh số TMĐT ước tăng 25%/năm, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước... Đây chính là tiền đề thuận lợi để các doanh nghiệp kích hoạt chế độ kinh doanh online, kết hợp "song kiếm" online - offline để gia tăng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hấp dẫn dành cho các nhà bán hàng từ các sàn TMĐT uy tín như Lazada sẽ tạo đòn bẩy thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh số. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm như Caring Life, sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ nhân viên Lazada từ cách thức đăng ký, nền tảng công nghệ, phương thức vận hành, quản lý gian hàng đến các công cụ quảng bá sản phẩm cũng giúp dẹp bỏ những trở ngại tâm lý và kiến thức khi tham gia TMĐT. Việc doanh nghiệp vừa biết nắm bắt cơ hội kinh doanh trong mùa dịch, vừa tận dụng được các nền tảng TMĐT để phát triển thương hiệu thời điểm hậu dịch sẽ là bảo chứng cho quá trình gia tăng doanh số trong thời gian tới.
Giới chuyên gia dự kiến những nhân tố trên sẽ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết, tạo nên thị trường TMĐT sôi động trong tương lai gần.
Đa dạng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phòng dịch COVID-19 Theo các chuyên gia công nghệ, việc mua sắm đủ loại hàng hóa, gọi món ăn bất kể sáng tối...cho đến thanh toán các loại hóa đơn hàng ngày thông qua các ứng dụng tiện ích online ngày càng tăng, đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội như hiện nay. Mua sắm online trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết...