Khi nào Việt Nam sẽ triển khai 4G?
“Đây là một bài toán tổng hợp nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là bài toán về công nghệ”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng nói khi đề cập tới việc lựa chọn thời điểm để triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Bài toán phức tạp
Khái niệm 4G LTE đang dần trở nên phổ biến hơn trên thế giới. Theo con số của Bộ TT&TT, tính tới thời điểm hiện tại, trên thế giới có khoảng 30 nước đã có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 4G.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, các nước châu Âu đã triển khai 4G từ hơn 2 năm trước. Trong khi đó, các nước “gần” Việt Nam hơn như Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đã triển khai dịch vụ 4G.
Dịch vụ 3G ở Việt Nam đã rất thành công nhờ lựa chọn đúng thời điểm triển khai.
Hồi tuần trước, chính phủ của quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc cũng đã cấp phép triển khai mạng 4G cho 3 nhà mạng lớn của nước này.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu ABI Research, tính đến năm 2012 có 63% các nhà mạng ở châu Á đã cung cấp các dịch vụ 4G LTE, hoặc đang triển khai thử nghiệm hoặc có kế hoạch cung cấp dịch vụ 4G.
Việc triển khai 4G như vậy đã trở thành xu thế chung của thế giới và là con đường tất yếu để ngành viễn thông Việt Nam có thể hội nhập với thế giới. Chính vì vậy, khi “nhìn người lại ngẫm đến ta”, nhiều ý kiến tỏ ra sốt ruột và đặt vấn đề rằng: Vì sao chúng ta vẫn chưa triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam?
Theo Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch lại thị trường viễn thông thì việc triển khai 4G sẽ được xem xét triển khai từ sau 2015. Trước đó, lãnh đạo cũng như đại diện Bộ TT&TT đều khẳng định, thời điểm Việt Nam triển khai 4G sẽ căn cứ vào quy hoạch thị trường viễn thông và sẽ không cấp phép triển khai 4G trước mốc thời gian 2015 như trong quy hoạch.
Thực tế, quy hoạch vẫn có thể xem xét để thay đổi cho phù hợp với điều kiện và sự phát triển thực tế. Vấn đề đặt ra là, trước 2015 có phải là thời điểm chín muồi để chúng ta triển khai dịch vụ 4G hay không?
Phân tích vấn đề này, trong cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp viễn thông về việc triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, lựa chọn thời điểm triển khai dịch vụ 4G là rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn.
Video đang HOT
“Nếu như ta đi chậm một bước, ta sẽ tụt hậu và chúng ta sẽ bị thiệt hại. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi quá sớm thì chúng ta có thể lỡ mất một nhịp công nghệ, không đón đầu được công nghệ tốt nhất”, Thứ trưởng Thắng nói.
Tuy nhiên, “đây là một bài toán tổng hợp nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là bài toán về công nghệ”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Thắng cần phải có sự phân tích, kỹ lưỡng nhiều mặt, nhiều yếu tố liên quan để lựa chọn thời điểm triển khai thích hợp.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Tại cuộc họp, hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông đều cho rằng, từ việc phân tích các yếu tố nhu cầu thị trường, công nghệ, thương mại cho tới tài nguyên cho thấy, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Đại diện của Viettel cho rằng, thời điểm phù hợp nhất để triển khai một công nghệ mới vào Việt Nam là khi trên thế giới có khoảng 10% người dùng. Đây cũng là bài học rút ra trong quyết định triển khai dịch vụ 3G rất thành công từ năm 2009 tới nay dù chậm hơn so với thế giới 9 năm.
Tuy nhiên, theo đại diện Viettel, hiện tại, số lượng người sử dụng trên thế giới chỉ mới vào khoảng 2%. Nhiều nhà mạng, nhiều quốc gia đã cấp phép và triển khai 4G, tuy nhiên, số người sử dụng thực tế dịch vụ 4G LTE còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do cả chi phí đầu tư của nhà mạng lẫn giá thành thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 4G LTE vẫn còn rất cao.
Đại diện Viettel cho rằng, đối với điều kiện kinh tế của Việt Nam, thời điểm thích hợp để triển khai 4G LTE là khi người dân có thể mua được thiết bị đầu cuối (điện thoại) có hỗ trợ công nghệ này với mức giá 60-70 USD. Do vậy, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai 4G.
Đại diện Mobifone thì cho rằng, hiện tại, trên thị trường đã có khá nhiều thiết bị hỗ trợ LTE tuy nhiên, ứng dụng khai thác được LTE thì không nhiều. Ứng dụng cần nhiều băng thông nhất là ứng dụng xem tivi và video trực tuyến nhưng số lượng người có nhu cầu chưa lớn. Vì vậy, xét về góc độ thị trường thì Việt Nam chưa cần tới dịch vụ 4G với tốc độ cao hơn.
Phân tích của đại diện Mobifone cho rằng, một trong những đặc điểm người tiêu dùng Việt Nam là không quan tâm công nghệ. Công nghệ nhà mạng cung cấp có thể là 3G, 3,5G hay 3,75G thì người dùng cũng không quan tâm, cái người dùng quan tâm chính là có thể sử dụng dịch vụ với tốc độ cao nhất nhưng mức giá thì không thay đổi. Do vậy, nếu triển khai 4G thì không thể thu thêm mà chỉ áp dụng chung một mức cước với 3G. Vì thế, từ khía cạnh thị trường, cần phải xem xét lại việc triển khai 4G LTE tại thời điểm hiện tại.
Đại diện Vinaphone đặt vấn đề cho rằng, việc cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc triển khai dịch vụ 4G là rất lớn. Theo tính toán của Vinaphone, ít nhất phải mất 80 – 100 ngàn vị trí đặt các trạm thì mới đáp ứng được việc triển khai 4G. Tuy nhiên, để triển khai được như vậy thì ngoài vấn đề chi phí, việc triển khai thực tế cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, đại diện của Hà Nội Telecom thì cho rằng, hiện tại chưa phải là thời điểm chín muồi để triển khai 4G. Bởi lẽ, ngoài yếu tố chín muồi của công nghệ và giá thành thiết bị đầu cuối thì dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn chưa khai thác và phát huy được hết. Vì thế, nếu hiện tại cấp phép triển khai 4G, các doanh nghiệp sẽ ngưng đầu tư 3G trong khi 3G vẫn chưa phát huy hiệu quả, đầu tư chưa tới. Điều này sẽ là thiệt thòi không chỉ cho các doanh nghiệp viễn thông mà còn cho cả người dùng.
Về vấn đề tài nguyên băng tần, đại diện các nhà mạng cho rằng, theo quy hoạch, hiện tại chỉ còn 2 băng tần 2300 MHz và 2500 MHz dành cho 4G. Tuy nhiên, việc sử dụng băng tần cao khiến số lượng trạm càng lớn, chi phí sẽ càng cao. Trong khi đó, việc triển khai băng tần thấp như băng tần 700 thì hiện tại vẫn chưa được “giải phóng” và còn tùy thuộc vào tiến độ triển khai số hóa truyền hình mà theo kế hoạch là phải sau 2020 mới hoàn thành.
Từ đó, đại diện các nhà mạng cho rằng, hiện tại, chưa cần phải thay đổi quy hoạch trước đây về thời điểm triển khai 4G LTE tại Việt Nam. Điều này có nghĩa, việc triển khai 4G tại Việt Nam vẫn phải đợi tới sau 2015 mới có thể tính toán được.
Theo Vietnamnet
5 thông số các hãng di động thường bịp người dùng
Dung lượng lưu trữ thực tế không được như mong đợi, mạng 4G không hẳn là 4G hay phóng đại thời lượng pin... là những cách hãng di động thường "lừa" người dùng.
Tuy "lừa" người dùng trên nhiều phương diện, nhưng các hãng sản xuất lại không hề phạm luật. Đó là bởi họ chỉ không rõ ràng khi quảng cáo, dẫn đến hiểu lầm. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu.
Dung lượng lưu trữ thực tế không được quảng cáo
Các hãng di động thường đưa ra thông số cho sản phẩm của mình như "64 GB Surface Pro" hay "16 GB Galaxy S4". Một người dùng mới sẽ nghĩ các thiết bị nói trên sẽ có 64 hoặc 16 GB dung lượng lưu trữ nhưng thực tế không phải vậy. Một chiếc Surace Pro 64 GB chỉ có khoảng 28 GB dung lượng trống trong khi chiếc Galaxy S4 16 GB cũng chỉ có hơn 8 GB trống dành cho việc lưu trữ.
Các hãng sản xuất thường quảng cáo về dung lượng trong ổ cứng của máy, không phải dung lượng sử dụng được trên thực tế. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dùng sẽ phải chịu luôn phần hệ điều hành hoặc các ứng dụng cài đặt sẵn trên máy. Có một điểm đáng chú ý nữa là phần dung lượng sử dụng được trên mỗi thiết bị đều khác nhau tùy thuộc vào từng nhà sản xuất. Chẳng hạn, một chiếc iPad 64 GB sẽ có khoảng 57 GB dung lượng trống, thay vì chỉ 28 GB như Surface Pro.
Do đó, lẽ ra các hãng di động lên quảng cáo về những chiếc Surface Pro 28 GB, Galaxy S4 8 GB hay iPad 57 GB hơn là những con số tròn trĩnh nói trên khiến cho người dùng hiểu nhầm.
Mạng 4G hiện nay chưa phải là 4G
4G LTE đã trở nên rất phổ biến trên những chiếc điện thoại cao cấp hiện nay nhưng ít ai biết, còn khá xa nữa các nhà mạng lớn trên thế giới mới đạt được tốc độ 4G thực sự (chuẩn 4G thực sự có thể đạt tốc độ nhanh gấp 5 - 10 lần tốc độ được quảng cáo là 4G hiện tại).
Vấn đề là ở chỗ, các nhà mạng cần một thuật ngữ mang tính marketing cho sản phẩm của mình nên tổ chức Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đồng ý để họ quảng cáo về một thứ mạng 4G LTE với tốc độ cao hơn mạng 3G nhưng chưa đạt đến chuẩn 4G.
Retina, Reality Engine, Clearblack và các loại màn hình
Nếu để ý kĩ vào thông số của các thiết bị cảm ứng, đặc biệt là điện thoại - bạn sẽ thấy một loạt các thuật ngữ khó hiểu. Chẳng hạn Sony luôn nói về màn hình TruBlack, hay X-Reality Picture Engine, Toshiba có TruBrite, Nokia có ClearBlack hay PureMotion HD vv...
Điều này dẫn đến việc người dùng hiểu nhầm, chẳng hạn công nghệ X-Reality Picture Engine chỉ có trên sản phẩm Sony. Điều này không hoàn toàn đúng. Các hãng công nghệ đăng kí bản quyền những thuật ngữ nói trên, đồng nghĩa với việc chỉ mình họ được sử dụng nó, trong khi về mặt bản chất, những công nghệ nói trên có thể được phát triển bởi bất cứ hãng nào nhưng dưới 1 cái tên khác.
Lấy một ví dụ, Apple luôn quảng cáo về loại màn hình Retina mà chỉ riêng iPhone mới có. Công nghệ Retina thực chất ám chỉ một loại màn hình có độ phân giải rất cao nhưng hiện nay, đã có khá nhiều smartphone qua mặt iPhone về số mật độ điểm ảnh trên màn hình nhưng vẫn không được coi là có màn hình Retina bởi thương hiệu đó đã thuộc về Apple.
Kích thước thực của màn hình máy tính
Còn nhớ trước khi có công nghệ LCD, người dùng phải sử dụng loại màn hình máy tính CRT. Đã có khá nhiều tranh vãi về cách các nhà sản xuất loại màn hình này quảng cáo. Chẳng hạn, một chiếc màn hình 17 inch CRT có vùng hiển thị chỉ khoảng 15 inch, còn lại là phần viền màn hình khá rộng của nó.
Rất may, hiện nay các nhà sản xuất màn hình LCD đã đưa ra kích thước hiển thị thực tế trên sản phẩm của mình. Tuy nhiên, bạn sẽ vẫn tìm thấy một số màn hình LCD được quảng cáo với kích thước màn hình riêng và kích thước phần hiển thị riêng.
Phóng đại về thời lượng pin
Điều này không làm nhiều người bất ngờ, tuy nhiên, bạn vẫn cần cẩn thận khi đi mua sắm. Bạn không nên tin vào những con số về thời lượng pin đưa ra trên website của nhả sản xuất mà hãy dựa vào kết quả thử nghiệm của một bên thứ 3 nào đó - những người không có ý định bán cho bạn bất cứ thiết bị nào.
Thời lượng pin của sản phẩm thường được quảng cáo dưới dạng "lên đến x giờ" hoặc "tối đa là x giờ", tuy nhiên đó là những con số được thực hiện trong điều kiện lí tưởng nhất còn thực tế sử dụng ngoài đời không bao giờ đạt được mức độ đó.
Theo Infonet
Lộ diện Samsung Galaxy Tab 3 Lite giá rẻ sản xuất tại Việt Nam Samsung Galaxy Tab 3 Lite đang tiến gần hơn đến việc ra mắt sau khi máy đã được xác nhận tại Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC. Điều khá ngạc nhiên là máy chỉ có giá trong khoảng 100 USD và được sản xuất tại Việt Nam. Samsung Galaxy Tab 3 Lite có mã hiệu là SM - T110, có kết...