Khi hàng giả thành quen thuộc
Hàng giả, giả từ thương hiệu đến nguồn gốc xuất xứ, bao nhiêu năm qua vẫn tràn lan. Một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là vì người sản xuất không biết sợ. Không sợ vì luật pháp không kín kẽ, không nghiêm khắc hay không sợ còn vì có thể “đàm phán” được với cơ quan chức năng?
Câu chuyện hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại chắc chắn còn tiếp tục kéo dài. Trong ảnh: Khách chọn sản phẩm tại một hội chợ hàng tiêu dùng. Ảnh: THÀNH HOA
1.001 chuyện bi hài chống hàng giả
“Chúng tôi mất khá nhiều thời gian điều nghiên, chụp ảnh các bằng chứng vi phạm của một cơ sở sản xuất hàng giả thương hiệu của mình. Sau đó, chúng tôi báo cho cơ quan chức năng đến để kiểm tra. Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra thì lại không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ nơi đây từng sản xuất hàng giả”, đại diện chống hàng giả của hãng Unilever từng kể lại tình huống dở khóc dở cười đó tại một hội nghị về công tác chống hàng giả có mặt của đại diện nhiều cơ quan chức năng diễn ra chưa lâu.
Theo vị này, đây là tình trạng phổ biến trong công tác chống hàng giả hiện nay khi doanh nghiệp phải trực tiếp điều nghiên, rồi thông báo, “chỉ điểm” cụ thể cho cơ quan chức năng nhưng cuối cùng, lại như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Trưởng phòng kinh doanh của một công ty kinh doanh gas còn gặp tình huống “đau lòng” hơn. Phát hiện một cơ sở sang chiết gas sử dụng rất nhiều vỏ bình của công ty mình, ông và các nhân viên công ty mấy đêm liền chia nhau theo dõi, ghi lại hoạt động của từng xe bồn chở nguyên liệu, xe tải chở thành phẩm đi ra đi vào. Khi đã chắc chắn về quy luật hoạt động, ông báo với cơ quan quản lý thị trường của địa phương để bắt quả tang (một trong những yêu cầu nếu muốn chứng minh ai đó sản xuất hàng giả theo quy định hiện nay – PV). Vậy nhưng, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có vài vỏ bình của công ty ông lăn lóc tại hiện trường. Lần đó, ngoài công sức, thời gian, công ty còn mất trắng cả trăm triệu đồng bỏ phong bì để xúc tiến việc kiểm tra nhưng cuối cùng không mang lại kết quả nào.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp với TBKTSG, “quy trình” để chống hàng giả (nếu muốn làm) tại doanh nghiệp hiện nay là tự phát hiện cơ sở, đối tượng làm giả hàng hóa của mình. Nếu doanh nghiệp không có nhân lực thì có thể bỏ tiền thuê công ty dịch vụ làm thay. Khi đã có thông tin thì báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra chính thức. Tất nhiên, mức độ nhanh hay chậm, dài hay ngắn, của thời gian chờ đợi các cuộc kiểm tra này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó nói khác. “Theo lẽ thông thường, đây là công việc của cơ quan chức năng. Biết là chúng tôi đang làm ngược nhưng nếu không làm thì sẽ không có cuộc kiểm tra nào”, đại diện một doanh nghiệp thừa nhận.
Video đang HOT
Như trường hợp Khaisilk, vụ việc được phát hiện từ tháng 10-2017, cơ quan quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra và có kết luận vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng đến nay, sau hơn bảy tháng vẫn chưa có kết quả xử lý cuối cùng.
Cất công là vậy nhưng trong không ít trường hợp, doanh nghiệp tay trắng. Vì rằng, đối tượng làm giả lại có quan hệ mật thiết với lực lượng chức năng, cho nên họ được báo về kế hoạch kiểm tra và có sự chuẩn bị đối phó. Bản thân lực lượng chức năng biết điều này nên có không ít cuộc kiểm tra, địa điểm, thời gian được bí mật với các thành viên tham gia, chỉ khi xuất phát mới thông báo.
Trong khi đó, với những doanh nghiệp may mắn hơn là bắt được hàng giả thì mọi việc lại rất mệt mỏi. Doanh nghiệp phải theo đuổi một hành trình với hàng loạt thủ tục phức tạp, cung cấp giấy tờ chứng minh, chờ đợi kết luận… Có những vụ việc, thời gian kéo dài hàng năm trời. Kết luận được rồi thì mức xử phạt với đối tượng làm giả hàng hóa lại không thấm tháp với lợi nhuận họ thu được. Chính thực tế này, nói như các doanh nghiệp, đã khiến họ nản lòng, mất niềm tin và trong không ít trường hợp chấp nhận “sống chung với lũ”.
Lỗi ở đâu?
Trao đổi với TBKTSG, một chuyên gia có nhiều năm phụ trách pháp lý cho một số công ty nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ, các quy định về phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tại Việt Nam không phải không đầy đủ. Vậy nhưng, các chính sách lại được thiết kế lại theo hướng dàn hàng ngang kiểm soát, nghĩa là kiểm tra tràn lan thay vì quản lý theo phương thức rủi ro. Điều này, tạo kẽ hở để cơ quan quản lý vận dụng theo hướng có lợi cho mình khi thực thi. Theo đó, cơ quan quản lý thường nhắm vào doanh nghiệp có thương hiệu để “hành”, làm nhiều cách để các công ty buộc phải “quan hệ, chăm sóc” dưới nhiều hình thức khác nhau.
“Vì rằng, không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo chắc chắn 100% rằng mình không có vi phạm, sai sót. Và vì có thương hiệu nên sống chết phải bảo vệ”, vị này phân tích. Trong khi đó, những chỗ cần kiểm tra thì lại được bỏ qua hoặc làm cho có vì đó là những người “không có gì để mất”. Cũng vì cơ chế dàn hàng ngang này mà khi có chuyện xảy ra thì cơ quan chức năng viện dẫn đủ các lý do để bào chữa và quả bóng trách nhiệm đá qua đá lại. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu nhân sự, không thể kiểm soát hết thị trường rộng lớn.
Vậy, câu hỏi là tại sao cơ quan chức năng có thể làm được những điều này? Một trong những lý do là các quy trình không được công khai, minh bạch cũng như không được giám sát, kiểm tra chéo. Các vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian qua như Khaisilk, Mumuso hay mới đây nhất là Con Cưng đều xuất phát từ việc người tiêu dùng tố cáo trên mạng xã hội hoặc báo chí nước ngoài lên tiếng, hoàn toàn không phải từ phát hiện của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, đây là các chuỗi cửa hàng có quy mô rộng khắp, hoạt động thời gian dài. Việc các cơ quan chức năng có từng kiểm tra hoạt động của các cửa hàng này trước đây hay không, kiểm tra khi nào, kết quả ra sao… hoàn toàn không có trong các dữ liệu công khai để người dân theo dõi.
Tương tự, chuyện các cơ quan chức năng khác nhau kiểm tra chéo hoạt động của nhau lại càng không thấy. Như trường hợp Khaisilk, vụ việc được phát hiện từ tháng 10-2017, cơ quan quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra và có kết luận vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng đến nay, sau hơn bảy tháng vẫn chưa có kết quả xử lý cuối cùng. Cán bộ quản lý thị trường khi được hỏi về diễn tiến vụ việc cũng lắc đầu không biết.
Với tình trạng này thì câu chuyện hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại chắc chắn còn tiếp tục kéo dài. Hậu quả thì người tiêu dùng gánh chịu.
Theo thesaigontimes
Không để những vụ như Khaisilk, Thuận Phong, Con Cưng "chìm xuồng"
"Những vụ hàng giả liên quan đến sức khỏe người dân phải kiên quyết xử lý!" - Phó cục trưởng Cục QLTT khẳng định.
"Những vụ hàng giả liên quan đến sức khỏe người dân phải kiên quyết xử lý!" - Phó cục trưởng Cục QLTT khẳng định. Ảnh minh họa
Trao đổi bên lề cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chiều 2/8 về các vụ việc nhập nhằng nhãn mác gây hiểu lầm như: Mumuso, Con Cưng, Khaisilk được phát hiện nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Trước tình trạng hàng giả tràn lan, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ và trực tiếp Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thành lập Tổ công tác 334 để xử lý.
"Bây giờ phải hành động luôn chứ văn bản, thông tư, nghị định quá nhiều. Chúng tôi dứt khoát theo đến cùng các vụ việc mà quản lý thị trường đã phát hiện đầy đủ dấu hiệu hình sự như vụ Thuận Phong. Không khởi tố, truy tố thì trật tự quản lý nhà nước ở đâu? Hay như vụ thuốc giả VN PHARMA, phải xử lý đúng người đúng tội". Hay như vụ Vinaga, ông Hùng cho rằng, chỉ xử phạt hành chính 4 triệu đồng không thể chấp nhận.
"Chúng tôi phải phối hợp với Công an TP Hải Phòng, khởi tố trong 10 ngày. Cho thấy con người và ý thức trách nhiệm là gốc vấn đề. Và phải phối hợp các cơ quan báo chí để cả nước biết, không thể để chìm xuồng. Hay như vụ Khaisilk cũng bị phát hiện, cơ quan chức năng Hà Nội vẫn đang làm, không thể chìm xuồng được. Những vụ hàng giả liên quan đến sức khỏe người dân phải kiên quyết xử lý", ông Trần Hùng khẳng định.
Liên quan tới giải pháp mạnh tay để có tính răn đe, ông Hùng cho rằng, để tránh xử phạt hành chính, đã là hàng giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải xử lý hình sự, khởi tố trước pháp luật. Ông Hùng cũng thông tin, thời gian tới sẽ thực hiện lực lượng quản lý thị trường ngành dọc từ T.Ư xuống dịa phương để tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
"Ngay chiều qua tôi đã kí văn bản xử lý ngay 3 vụ việc nhức nhối cả nước về giả mạo nguồn gốc xuất xứ ở 3 vùng trọng điểm cả nước. Cơ quan điều tra cần bí mật nên tôi chưa thể công bố như các bạn sẽ thấy sự vào cuộc quyết liệt. Không thể để ngay giữa chợ Bến Thành mà hàng giả tràn lan thế. Tổ công tác 334 quyết định xử lý luôn, nhân dân ủng hộ", Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường thông tin.
Nói về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường trong các vụ việc hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Trần Hùng cho biết, để điều tra các ổ nhóm, thủ đoạn về hàng giả lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp với cơ quan công an. Riêng lĩnh vực chống buôn lậu, lực lượng chủ yếu vào cuộc là hải quan và biên phòng.
Tại các cửa khẩu chính ngạch, nhập khẩu thì lực lượng hải quan chịu trách nhiệm. Đường mòn lối mở thì lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm. Nhưng nếu hàng giả mang vác nhỏ lẻ thì lực lượng biên phòng cũng rất vất vả xử lý.
"Đâu đó còn hiện tượng buông lỏng để hàng giả công khai, ngang nhiên, thách thức dư luận. Quan trọng nhất là làm sao để nhân dân tin tưởng lấy lại niềm tin, đồng thuận ủng hộ, tố giác, tạo nên làn sóng chống hàng giả, hàng nhái", ông Hùng nói.
Cao Sơn
Theo baogiaothong
Từ vụ Khaisilk, Con Cưng: Trách nhiệm nhà quản lý thị trường ở đâu? Những vụ việc như Khaisilk hay dấu hiệu sai phạm của Con Cưng đã ít nhiều làm giảm uy tín với người tiêu dùng về sản phẩm, thương hiệu Việt. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, nhiều biện pháp nghiêm khắc đã được đưa ra, song vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn hoành...