Khi F-16 đến tay, Ukraine vẫn phải đối mặt với thách thức cam go trên bầu trời
Vào đầu tháng 7, một thiết bị bay không người lái giám sát xuất hiện ngay trên căn cứ không quân Myrhorod của Ukraine mà không hề có cảnh báo.
Vài phút sau khi thiết bị bay này chuyển tiếp dữ liệu trở lại căn cứ của Nga, một loạt tên lửa đạn đạo đã tấn công căn cứ của Ukraine.
Chiến đấu cơ F-16 tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ukraine cho biết họ đang “trong quá trình” tiếp nhận F-16, khoảng 2 năm rưỡi sau khi Kiev lần đầu lên tiếng yêu cầu được cung cấp chiến đấu cơ này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 10/7 cho biết đợt chuyển giao đầu tiên chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine từ Đan Mạch và Hà Lan đang được thực hiện.
Sự xuất hiện của chiến đấu cơ thế hệ thứ tư sẽ rất quan trọng đối với Ukraine và là dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Kiev với phương Tây. Nhưng Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh không quân Ukraine – Tướng Serhii Holubtsov từng thừa nhận Kiev hiểu rằng F-16 “không phải là thuốc chữa bách bệnh”.
Trước khi F-16 có thể bắt đầu đóng vai trò định hình chiến trường, Ukraine cần chắc chắn rằng chúng được bảo vệ. Theo các quan chức Ukraine, trong khi Nga đã tấn công các sân bay của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát, thì cuộc tấn công đầu tháng 7 vào Myrhorod lại khác biệt. Cụ thể, ông phân tích rằng Nga đang cải tiến tên lửa và thiết bị bay không người lái trinh sát. Nga cũng lập trình trước thiết bị bay không người lái giám sát để xâm nhập sâu hơn vào Ukraine và khó bị phát hiện hơn. Nga đã khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine để tiến hành các cuộc tấn công ngày càng tinh vi vào vị trí của Ukraine.
Video đang HOT
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky trong tháng 7 tuyên bố rằng Ukraine cần khẩn trương tìm ra phương pháp mới để tiêu diệt thiết bị bay không người lái của đối phương. Tướng Holubtsov trong khi đó dự đoán các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Ukraine sẽ gia tăng. Do đó, theo ông Ukraine sẽ không giữ lại tất cả F-16 trong nước.
Tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời một quan chức quân đội Ukraine cho biết không quân nước này đã áp dụng hiệu quả các chiến thuật đánh lừa, như chế tạo máy bay mô hình để làm mồi nhử, ngụy trang chiến đấu cơ và di chuyển chúng, để bảo vệ phi đội của lực lượng và sẽ thực hiện tương tự như vậy đối với F-16. Ông cho biết Ukraine cũng đang sử dụng máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-52 để săn lùng thiết bị bay không người lái do thám của Nga.
Các vụ tấn công vào căn cứ không quân Ukraine phản ánh thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi chuẩn bị triển khai tiêm kích F-16. Ukraine hy vọng F-16, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ và nhiều vũ khí khác, có thể phối hợp với các vũ khí phương Tây như hệ thống phòng không Patriot để mở rộng khu vực nguy hiểm đối với phi công Nga. Kiev cũng mong muốn tiêm kích F-16 giúp tăng thêm một lớp bảo vệ cho các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái.
Nhưng các chuyên gia đánh giá rằng tình trạng thiếu phi công được đào tạo và số lượng F-16 hạn chế dự kiến sẽ gây tác động. Nhà phân tích quốc phòng Hunter Stoll tại tổ chức nghiên cứu Rand, phân tích: “Nga có rất nhiều thời gian để củng cố hệ thống phòng thủ, đặc biệt là dọc theo các khu vực tiền tuyến. F-16 và các phi công Ukraine sẽ phải đối mặt với kháng cự mạnh mẽ từ hệ thống phòng không của Nga, cả trên mặt đất và trên không”.
Theo các quan chức quân sự Ukraine và Mỹ, ngoài các cuộc tấn công của Nga vào căn cứ không quân Ukraine, Kiev cũng chịu hạn chế bởi số lượng phi công được đào tạo ít ỏi.
Theo các quan chức Mỹ, khoảng 20 phi công Ukraine được Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch đào tạo dự kiến sẽ sẵn sàng trong năm nay. Các chỉ huy không quân cho biết họ thường phân bổ ít nhất hai phi công cho mỗi chiếc F-16 để phi hành đoàn nghỉ ngơi, đào tạo và các vấn đề khác. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine chỉ sử dụng được khoảng tối đa 10 chiếc F-16 trong các nhiệm vụ chiến đấu năm nay.
Một yếu tố hạn chế lớn khác là số lượng nhân viên bảo dưỡng và hỗ trợ để duy trì hoạt động của F-16. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân -Tướng Charles Q. Brown Jr., từng là một phi công điều khiển F-16 lâu năm, vào tháng 6 vừa qua chia sẻ: “Không chỉ phi công. Bảo dưỡng cũng là một phần quan trọng cũng như việc đào tạo nhân viên bảo dưỡng”.
Chuyên gia quân sự Mỹ: Ukraine cần cải tổ mạnh mẽ để tận dụng tối đa F-16
Ukraine sắp nhận được máy bay chiến đấu F-16, nhưng để đối phó với lực lượng không quân mạnh hơn của Nga, Ukraine cần thay đổi hình thức tác chiến.
Máy bay chiến đấu F-16 của Không lực Mỹ cất cánh tại căn cứ không quân Spangdahlem, Đức ngày 11/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Bình luận với tờ Business Insider (Mỹ) mới đây, các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, để phát huy tối đa tiềm năng của những chiếc máy bay F-16 mới, Ukraine sẽ cần thực hiện những thay đổi mạnh mẽ. Các sĩ quan cấp cao của Ukraine, xuất thân từ quân đội Liên Xô, đã được đào tạo và thấm nhuần tư tưởng chiến tranh của Liên Xô. Trước sự đối đầu với lực lượng lớn hơn của Nga, quân đội Ukraine buộc phải áp dụng hình thức tác chiến phối hợp.
Cuối năm nay, Ukraine sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-16. Việc cần làm tiếp theo là lập kế hoạch sử dụng hiệu quả chúng trong cuộc đối đầu đang diễn ra với Nga, quốc gia có lực lượng không quân mạnh hơn, máy bay hiện đại hơn và nhiều tên lửa phòng không. Theo hai chuyên gia người Mỹ, những máy bay F-16 có thể giúp Ukraine xoay chuyển tình thế, nhưng chỉ khi không quân Ukraine sẵn sàng thay đổi cách chiến đấu.
"Các chỉ huy cấp cao của lực lượng vũ trang Ukraine phải từ bỏ học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của Liên Xô/Nga mà họ đã được đào tạo", David Deptula và Christopher Bowie viết trong một báo cáo cho Viện Mitchell. Theo hai chuyên gia quân sự này, họ cần chấp nhận các khái niệm và đào tạo mới, đồng thời sẵn sàng "viết lại học thuyết" về hoạt động quân sự. Các chỉ huy của không quân Ukraine cũng cần phối hợp với Bộ Tổng tham mưu Ukraine để thúc đẩy các khái niệm và kế hoạch tích hợp.
"Điều này sẽ không dễ dàng. Sẽ mất nhiều năm để văn hóa quân sự của Ukraine chuyển từ mô hình Liên Xô sang học thuyết quân sự phương Tây", Deptula, Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, nói với Business Insider.
Ukraine đang đối mặt với thách thức lớn vì nhiều sĩ quan cấp cao bắt đầu sự nghiệp trong quân đội Liên Xô và có xu hướng quay lại tư duy cũ khi đối mặt với lời khuyên từ quân đội phương Tây. Điều này đang dần thay đổi với sự xuất hiện của các sĩ quan trẻ, nhưng việc thay đổi tư duy quân sự trong thời chiến là vô cùng khó khăn.
Quân đội Mỹ cũng từng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986 được ban hành để loại bỏ sự cạnh tranh giữa các lực lượng và thúc đẩy sự hợp tác. Mặc dù đã gần 40 năm trôi qua, sự cạnh tranh vẫn tồn tại trong quân đội Mỹ, nhưng ít nhất họ đã quen với tác chiến liên hợp.
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ trên, Ukraine cần phải học cách khai thác tối đa sức mạnh trong lực lượng của mình trước sức mạnh vượt trội của Nga. Điều này đòi hỏi một phong cách chiến tranh linh hoạt và phối hợp, như việc pháo binh và tên lửa mặt đất phá hủy hệ thống phòng không của Nga để không quân Ukraine có thể hoạt động hiệu quả hơn và cung cấp hỗ trợ trên không cho bộ binh.
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ lưu ý rằng F-16 có thể dễ bị tấn công trong không phận Ukraine, và Ukraine có thể không có nhiều máy bay bổ sung nếu bị tổn thất. Trong khi đó, những cải cách cần thiết sẽ không dễ dàng và đòi hỏi thời gian, nhưng Ukraine phải thực hiện nếu muốn đạt được lợi thế trước Nga.
Ukraine thừa nhận thách thức khi vận hành chiến đấu cơ F-16 Không quân Ukraine thừa nhận sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành cả máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất và máy bay chiến đấu thời Liên Xô. Máy bay chiến đấu F-16 của Đan Mạch tại Căn cứ Không quân Fighter Wing Skrydstrup gần Vojens, Đan Mạch tháng 5/2023. Ảnh: AFP Theo kênh truyền hình RT, người phát ngôn Lực...