Khi CTCK và ngân hàng lao vào “môi giới” trái phiếu doanh nghiệp
Nếu như thị trường cổ phiếu đã được xem là một dạng đầu tư bậc cao vì cần những chuyên môn nhất định để thẩm định doanh nghiệp, thì thị trường trái phiếu còn cao cấp hơn nữa và xưa nay vốn không dành cho nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ. Thế nhưng, khi “lòng tham” của người gửi tiết kiệm bị đánh thức, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã chạm đến được nguồn tiền “bỏ lọ” này.
Khi người gửi tiết kiệm sụp bẫy
Người viết bài này may mắn được chứng kiến sự lớn lên của lớp người gửi tiết kiệm biến thành NĐT TPDN trong khoảng 2 năm gần đây. Đó là nhờ có tài khoản tiết kiệm “VIP” ở một ngân hàng (NH) nên được nhân viên chăm sóc “nài nỉ” tham gia cho đủ số lượng tại một buổi giới thiệu cơ hội đầu tư TP chuyển đổi của một DN khai khoáng ngay tại hội trường chi nhánh NH.
Chỉ hơn chục “NĐT” tham dự mà phần lớn có tuổi đời phải trên 60. Tập tài liệu chi chít biểu đồ, bảng số mà rất ít người cố công đọc hết chứ chưa nói đến hiểu. Mối quan tâm chính của những người tham gia lúc đó là lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm bao nhiêu và những đồ ăn miễn phí. Đó là những chủ tài khoản tiết kiệm lọt vào tầm ngắm của NH với số dư tương đối ổn định và ở quy mô nhất định.
Bẵng đi 2 năm, lần gặp gỡ Tổng giám đốc một Công ty chứng khoán (CTCK) ở Hà Nội, vị này hồ hởi tiết lộ chiến lược phát triển tài khoản NĐT dựa trên logic thú vị: Hàng chục triệu tài khoản tiết kiệm đang nằm im với số tiền khổng lồ có thể được biến thành các tài khoản đầu tư nếu biết cách thuyết phục.
Vì thế chương trình đào tạo nhân viên môi giới và phát triển tài khoản có thêm những kỹ năng liên quan, cộng với việc kết hợp với các NH. Kết quả là số tài khoản mở mới ở CTCK này đã gia tăng chóng mặt chỉ sau vài tháng.
Khi mọi thứ đã vào guồng, thì hiện không khó bắt gặp những người gửi tiết kiệm ngồi tại trụ sở NH hỏi mua, bán một TP nào đó. Các nhân viên NH cũng sẵn sàng phục vụ nhiệt tình.
Cũng chỉ cần dạo qua trang web của các CTCK là thấy hàng loạt các sản phẩm đầu tư TP được chào mời với các lời lẽ hấp dẫn: “Kỳ hạn cố định và linh hoạt phù hợp với mọi NĐT. Lợi tức thực nhận xx.x% và được cam kết mua lại bởi công ty XXX. Được cam kết tạo thanh khoản, khả năng rút vốn linh hoạt…”. Thậm chí còn có những lời giới thiệu đầy thuyết phục như “Cánh cửa mở ra tương lai thịnh vượng cho các cá nhân và gia đình Việt Nam”!
Gần như tất cả các CTCK lớn trên thị trường hiện tại đều đang tung ra những gói dịch vụ đầu tư TP phục vụ đủ loại nhu cầu. VNDS có sản phẩm TP D-Bond, V-Bond; MBS có sản phẩm Abond; SSI có sản phẩm Sbond; TCBS có iBond…
Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng điểm chung là các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ đến tận “chân răng” của các tổ chức trung gian phân phối này để khách hàng “gà” nhất cũng có thể mua bán được TPDN.
Một thị trường “hoang dã”
Nếu như cách đây 2 năm việc thuyết phục người gửi tiết kiệm quan tâm tới TPDN là cần những nỗ lực lớn, thì hiện tại việc đầu tư TP gần như trở thành mốt. Làn sóng giảm lãi suất “thủng đáy” đang hỗ trợ các chuyên viên NH dễ dàng khuyến khích người gửi tiết kiệm chuyển sang một sản phẩm đầu tư dựa trên TP với lãi suất cố định cao hơn NH.
Video đang HOT
Khách hàng được hướng dẫn và hỗ trợ tối đa đến mức gần như chỉ ngồi một chỗ và nói ra yêu cầu của mình. Mọi thao tác, thủ tục còn lại đều có người hướng dẫn hoặc làm giúp. Sự tiện lợi của công nghệ 4.0 cũng đơn giản hóa rất nhiều các khâu trung gian.
Mặc dù công nghệ và hỗ trợ tư vấn rất sẵn, nhưng thị trường TPDN vẫn là một thị trường “hoang dã” sơ khai khi đối tượng chính và đang tăng nhanh lại là người gửi tiết kiệm chứ không phải các NĐT thực thụ.
Rất ít TPDN được niêm yết trên TTCK chính thức, phần lớn các sản phẩm đầu tư TP được cung cấp là giao dịch trên thị trường OTC. Thậm chí, các tổ chức trung gian (NH, CTCK) tự tạo ra các thị trường riêng cho khách hàng của mình giao dịch với nhau.
Do đó việc yết giá khó có thể mang tính hiệu quả. Việc mua bán có hợp lý về giá hay không phụ thuộc chủ yếu vào “đạo đức nghề nghiệp” của người môi giới.
Thực tế thông lệ quốc tế TPDN cũng chỉ giao dịch trên thị trường OTC là chính. Tuy nhiên ở thị trường phát triển, TP là lãnh địa của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ, các NH hay NĐT lớn có nhu cầu đa dạng hóa danh mục.
Đó là nơi mà các tay giao dịch/nhà môi giới đấu trí với nhau thay mặt khách hàng và kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp được coi là thước đo sống còn.
Còn thị trường TPDN Việt Nam hiện tại, phần lớn TPDN đến tay người gửi tiết kiệm là TP phát hành riêng lẻ. Chỉ số rất ít NĐT chuyên nghiệp cùng các tổ chức tham gia mua thời điểm phát hành sơ cấp.
Sau đó các tổ chức trung gian cắt lại một phần lãi cho mình và chia nhỏ lô TP đó để đẩy ra thị trường thứ cấp và đến tay người gửi tiết kiệm hoặc các NĐT cá nhân khác. Giá mua bán hàng ngày cũng ở mức lãi suất đã được chiết khấu một phần mà rất hiếm người có thể tính toán được có hợp lý hay không. Con số duy nhất được nhấn mạnh là so với mức lãi suất tiết kiệm và thậm chí đến mức lạm phát cũng bị bỏ qua.
Hầu hết người gửi tiết kiệm biến thành “NĐT TP” không thể phản biện được thông tin từ nhà môi giới vì không đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm. Sự “hoang dã” của thị trường này còn là do thiếu hẳn yếu tố định mức tín nhiệm trung gian đối với DN phát hành.
Thật kỳ quặc khi chính tổ chức hỗ trợ phát hành, thậm chí là công ty có liên quan tới DN phát hành lại đi bán chính TP đó. Khi đó, bản chào thông tin sẽ chẳng bao giờ có một vết sạn!
Cảnh báo sớm từ trái phiếu doanh nghiệp
Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam ở trong tình trạng phát triển nóng, với mức tăng trưởng bình quân 45%/năm. Và một điều không bình thường khi có sự tham gia đáng kể của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân với khoảng 15% lượng phát hành hiện nay.
Không phải chỗ cho NĐT cá nhân
Không như các loại cổ phiếu được niêm yết, TPDN là một loại tài sản đầu tư tài chính đòi hỏi NĐT phải thật am hiểu sản phẩm và cần rất nhiều thông tin, thường là thông tin không được công bố rộng rãi để đánh giá mức độ rủi ro của TP.
Một tài liệu chào bán TP (prospectus) thường có nội dung từ hàng chục đến hàng trăm trang với nhiều điều khoản, thuật ngữ có khi còn hóc búa đối với người đã có nhiều kinh nghiệm.
Vấn đề bất cân xứng thông tin giữa bên phát hành TPDN và NĐT, đòi hỏi NĐT phải có nguồn lực nhất định để tự thu thập và phân tích thông tin, hoặc thông tin có được từ các tổ chức trung gian xếp hạng tín nhiệm.
Các thông tin cần thiết để đánh giá được khả năng trả nợ của bên phát hành liên quan đến dòng tiền trong tương lai, cấu trúc nợ, lợi nhuận...
Ngoài ra các thông tin về quản trị DN, chiến lược quản trị rủi ro, hay thị trường và các yếu tố vĩ mô có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến khả năng trả nợ của DN phát hành.
Chính vì vậy, NĐT TPDN chủ yếu là NĐT tổ chức như các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các ngân hàng. NĐT cá nhân hiếm khi đầu tư vào TPDN, nếu có thì thường đầu tư qua các quỹ ETF (Exchanged-traded Fund) mà danh mục của các quỹ này thường gồm TP của các DN được xếp hạng tín nhiệm khá tốt.
Nhưng ở một thị trường có nhiều DN phát hành TP thì việc tự đánh giá mức độ rủi ro của nhiều TP cùng một lúc là hầu như không thể với một NĐT tổ chức. Do đó, các NĐT này phải dựa vào các tổ chức trung gian thứ ba thực hiện việc xếp hạng tín nhiệm độc lập.
Xếp hạng tín nhiệm không thể kéo dài
Trên thị trường xếp hạng tín nhiệm thế giới, thị phần coi như nằm trong tay 3 ông lớn là S&P, Fitch và Moody's, mặc dù các nước hầu như đều có các công ty xếp hạng tín nhiệm nội địa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự khác biệt đáng kể trong kết quả xếp hạng giữa các tổ chức nội địa và quốc tế.
Như ở Trung Quốc chẳng hạn, chênh lệch xếp hạng giữa tổ chức nội địa và tổ chức quốc tế lên đến khoảng 6,7 bậc (notch).
Còn sự phát triển của thị trường TPDN ở Việt Nam gần đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các kênh trao đổi vốn ngày càng đa dạng hơn, bớt phụ thuộc vào nguồn vốn vay NH hay phát hành cổ phiếu.
Và để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển, hoạt động xếp hạng tín nhiệm là hết sức cần thiết. Việc này không chỉ giúp cho các NĐT, các tổ chức tín dụng có thêm thông tin để đưa ra quyết định, mà còn có ích cho các đối tác trong tương lai của DN được xếp hạng.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dự kiến đến năm 2030 sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho tối đa 5 DN.
Kể từ tháng 6-2020, đã có 2 đơn vị được cấp phép xếp hạng tín nhiệm độc lập và thị trường vẫn đang mong đợi các xếp hạng được công bố cũng như các giấy phép mới được cấp trong quota còn lại. Nhưng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng có những mặt trái mà thị trường phải lưu ý, nhất là các thị trường mới bắt đầu như Việt Nam.
Và những vấn đề cần lưu ý
Ngay cả khi việc xếp hạng tín nhiệm DN phát hành TP được phổ biến, đây cũng không phải là kênh đầu tư phù hợp cho các NĐT cá nhân, nhất là những người vẫn chưa phân biệt được giữa một tài khoản tiết kiệm và TPDN.
Sau vụ tai tiếng của Enron và Worldcom năm 2002, thị trường tài chính thế giới lại bị một cú sốc lớn ở cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, mà một phần nguyên nhân đến từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Chỉ trong vài tháng của năm 2008, 14.000 tỷ USD TP có thứ hạng cao chuyển sang thành TP rác (junk bonds), kéo theo hàng loạt vụ phá sản và khủng hoảng tài chính.
Vấn đề cốt lõi tạo ra những mặt trái của tổ chức xếp hạng tín nhiệm là mô hình bên phát hành trả phí xếp hạng (issuer pays model). Theo đó, DN phát hành công cụ nợ sẽ trả phí để tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho mình.
Lúc này, sẽ rất dễ xảy ra khả năng DN phát hành lựa chọn xếp hạng nào thuận lợi nhất cho mình (ratings shopping) và các tổ chức xếp hạng lại cạnh tranh với nhau, đưa ra mức xếp hạng tốt hơn để thu hút khách hàng (ratings catering).
Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường là một DN cung cấp đồng thời các dịch vụ tư vấn, do đó dễ phát sinh mâu thuẫn lợi ích trong việc tách bạch hoạt động xếp hạng và hoạt động tư vấn.
Như mới hồi tháng 5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phạt Morningstar Credit Ratings LLC có trụ sở tại New York 3,5 triệu USD, vì đã vi phạm nguyên tắc này.
Trong đa số các trường hợp, do cạnh tranh hay độc quyền nhóm, kết quả xếp hạng tín nhiệm thường được thổi phồng lên và không phản ánh được mức độ rủi ro thực sự của DN phát hành. Điều này sẽ trở nên nguy hiểm khi thị trường bị cú sốc lớn, hiệu ứng domino sẽ phơi bày sức khỏe tài chính của các DN vay nợ.
Mô hình bên phát hành công cụ nợ trả phí dù vẫn đang bị chỉ trích, như yêu cầu của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đối với SEC hồi cuối tháng 9-2019, nhưng hiện giờ vẫn chưa có một giải pháp thỏa đáng. Bởi nếu không phải là đơn vị phát hành trả phí thì ai sẽ trả phí cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm? Hay việc xếp hạng tín nhiệm này cần được coi như một dịch vụ công của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Ủy ban chứng khoán?
Một vấn đề khác cũng khiến thị trường quan ngại là tính minh bạch của các mô hình xếp hạng tín nhiệm, bởi vì mỗi tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều có phương pháp và mô hình riêng của mình, cũng như các khả năng "điều chỉnh" mô hình để có thể thay đổi kết quả.
Thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chỉ mới chớm bắt đầu, khung pháp lý điều chỉnh cũng vừa được cập nhật để bám sát thị trường như Nghị định 81/2020/NĐ-CP mới đây. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ như đã xảy ở các thị trường khác, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần xây dựng vào tạo dựng một uy tín vững chắc, tầm nhìn lâu dài có thể lên đến trăm năm.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần yêu cầu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm minh bạch mô hình xếp hạng của mình. Đối với các tổ chức phát hành, định kỳ công bố xếp hạng cần được cập nhật thường xuyên, đặc biệt khi có những thông tin quan trọng đến tình hình tài chính và quản trị của DN.
--------------
(*) Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global
Doanh nghiệp ứng phó Nghị định 81 Nghị định 81/2020 chỉnh sửa bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), có hiệu lực ngày 1-9-2020. Theo đó, DN phát hành phải định hình lại quy trình phát hành TPDN. Sửa nhưng vẫn có cách né Việc bổ sung điều kiện phát hành TPDN được quy định trong Điều 10 của Nghị...