Khi chồng dễ người, khó nhà
Chồng tôi làm việc bên ngành địa chất, chuyên nhận các gói thầu cho các công trình. Công việc của anh ấy có khi làm cật lực mấy tháng liên tục, sau đó lại ngồi chơi.
ảnh minh họa
Vì thế, tôi không thể kiểm soát được thu nhập của chồng.Thực ra, tôi cũng không có ý định kiểm soát, mà chỉ muốn biết con số chính xác để tiện bề chi tiêu trong gia đình, song điều đó vô cùng khó khăn. Tôi làm tạp vụ cho một cơ quan nhà nước, thu nhập không cao, phải làm thêm bằng công việc dọn dẹp vệ sinh theo giờ cho các gia đình. Hai đứa con tôi đã lớn, cần chi phí nhiều vào việc ăn học.
Chồng tôi không muốn tôi đi giúp việc vì sĩ diện, bảo làm cả năm chẳng bằng anh ấy kiếm trong một tháng. Thế nhưng, khi tôi bảo nếu không muốn tôi làm thêm thì đưa tiền để tôi nuôi con thì anh ấy tảng lờ đi. Anh ấy nhận phần đóng học phí cho đứa lớn, mỗi tháng đưa tôi thêm 3 triệu để chi tiêu, ngoài ra không đưa thêm đồng nào khác. Mỗi lần nhà hết tiền, tôi đành cắn răng đi vay người khác chứ không hề nhận được sự chi viện từ chồng. Lúc đầu, tôi tưởng anh ấy tháng có việc, tháng không như vậy thì không có tiền nên cũng không thúc bách gì. Nhưng khi biết chồng tôi có nhiều tiền, lại sẵn sàng cho những người bạn, họ hàng không thân cận vay tiền trong khi rất chặt chẽ với vợ con, tôi rất buồn.
Chị Phương Nhung thân mến!
Chuyện tiền nong đối với mỗi gia đình luôn là vấn đề dai dẳng, đau đầu, căng thẳng nhưng cũng vô cùng tế nhị, phức tạp. Vì thế, nhiều cặp trai gái hiện đại luôn đặt ra những quy định cụ thể về tiền trước khi về sống chung. Đó cũng là một cách hay, vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, hay cũng ở tiền, dở cũng ở tiền. Nhiều khi vì tiền nong mà tan vỡ hạnh phúc gia đình. Tất cả đều ở việc “góp gạo” sao cho hợp lý.
Có lẽ, ngay từ đầu gia đình chị đã không có những “nguyên tắc về chi tiêu” nên mới để xảy ra tình trạng ấy. Cũng có thể, bởi một lý do nào đó khiến chồng chị không tin tưởng mà không công khai thu nhập của mình cho chị. Song, dù thế nào đã là gia đình không nên giấu diếm, nhất là khi tiền nong còn phải để phục vụ việc chi tiêu chung, nuôi dưỡng con cái. Vì vậy, muốn để chồng chị tự nguyện đưa tiền một cách vui vẻ thì chị nên có các biện pháp từ mềm dẻo tới cứng rắn. Trước tiên hãy trò chuyện với chồng, nói rằng thu nhập của chị bao nhiêu, một tháng gia đình chị tiêu hết bao nhiêu, chồng chị phải đóng góp bao nhiêu. Hãy hỏi anh ấy rằng đóng góp như vậy có quá sức không, liệu anh ấy có làm ra đủ không. Hãy nói với anh ấy mức chi tiêu như vậy là đã tiết kiệm hết mức, không thể cắt giảm thêm khoản gì. Nếu anh ấy vẫn cho rằng như thế là hoang phí, chị hãy để anh ấy là người cầm tiền, chi trả mọi thứ cho sinh hoạt trong gia đình, từ đi chợ mua thức ăn, đóng tiền điện nước, tiền gas, tiền học cho con đến việc tang ma, cưới hỏi. Vì chồng chị không phải tháng nào cũng bận rộn nên những tháng ngồi nhà anh ấy hoàn toàn có thể thay chị đảm đương công việc chợ búa và tiêu tiền. Những việc trên là bất khả kháng, điện không thể không đóng tiền, con không thể không có cái ăn, không thể không đóng học phí, nhà hết gas không thể nấu tạm bếp củi… Phải lao vào thực tế mới biết phụ nữ cầm tiền không sung sướng gì. Hẳn anh ấy sẽ thay đổi, không phó mặc mọi thứ cho vợ nữa.
Theo Daidoanket