Khi các cựu ngoại trưởng Mỹ bất đồng về Ukraine
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra bình luận phản bác lại ý kiến của người tiền nhiệm Henry Kissinger về việc Ukraine nhượng bộ Nga để thiết lập hòa bình.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) thông qua cuộc gọi trực tuyến hồi tháng 5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger kêu gọi khởi động lại đàm phán với Nga và gợi ý Ukraine nhượng bộ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại một sự kiện ở Orlando, bang Florida hồi tháng 2. Ảnh REUTERS
“Lý tưởng là đường phân tuyến nên quay trở lại nguyên trạng như trước”, ông Kissinger phát biểu. Phát ngôn này được nhiều người diễn dịch rằng ông Kissinger muốn khôi phục biên giới Ukraine như trước khi chiến sự bắt đầu, nghĩa là phe ly khai vẫn kiểm soát các vùng ở Donbass và Nga kiểm soát bán đảo Crimea.
“Tiến sĩ Kissinger đã sai về việc này”, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại một hội nghị lãnh đạo Do Thái thuộc Quỹ Tikvah (Mỹ) gần đây. “Thế giới đang dõi theo cách chúng ta phản ứng và cách chúng ta hỗ trợ người Ukraine, những người chỉ muốn công cụ và hệ thống vũ khí để bảo vệ người dân và chủ quyền quốc gia của họ”, ông Pompeo nói.
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 115, ông Putin nói hết thời trật tự đơn cực, Ukraine hé lộ thiệt hại lớn
Tiếp sau đó, trả lời phỏng vấn trên Fox News ngày 18.6, ông Pompeo giải thích rõ hơn rằng Mỹ cần giúp đỡ Ukraine trong khi nước này tự quyết định đường hướng của mình.
“Ukraine là một nước tự do và độc lập và có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ của họ. Ukraine không nên bị gây sức ép bởi đối tác và đồng minh của họ. Đất nước đang bị vây hãm này và người dân đang chịu thống khổ cần sự hỗ trợ của chúng ta”, ông Pompeo nói.
Theo cựu Ngoại trưởng Pompeo, Ukraine phải sở hữu những phương tiện để đồng bộ các thành phần của lực lượng vũ trang và đây là điều mang tính chất quyết định trong cuộc xung đột.
“Năng lực này sẽ hỗ trợ tương lai của Ukraine như là một quốc gia độc lập cũng như sự ổn định trong tương lai của châu Âu và các thị trường thế giới. Đây là điều chúng ta phải giúp Ukraine đạt được. Chúng ta phải cùng các đồng minh NATO nhìn thấy Ukraine có đủ mọi phương tiện cần thiết để cứu những mạng sống quý giá”, ông Pompeo nói và nhấn mạnh: “Điều này phải được thực hiện với sự viện trợ của Mỹ nhưng không phải là những binh sĩ Mỹ trên chiến trường”.
Ông Pompeo cho rằng việc tìm cách xoa dịu Nga chỉ khiến nước này thêm tham vọng và cảnh báo việc phương Tây do dự trong việc hỗ trợ Ukraine sẽ thúc đẩy Nga mở rộng mục tiêu không chỉ Ukraine mà còn những nước khác.
Mặt khác, với việc Nga đang ở vị thế vững chắc hơn khi đồng rúp đã khôi phục giá trị, ông Pompeo chỉ trích các nước vẫn tiếp tục mua dầu khí của Nga, đặc biệt là “bạn bè” của Mỹ. Cựu ngoại trưởng cho rằng thỏa thuận gần đây của Israel và Ai Cập nhằm cung cấp khí tự nhiên cho EU là một trong những điều nên làm.
Chuyên gia từng cảnh báo hậu quả "cuộc đông tiến" của NATO
Nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hay chuyên gia hàng đầu về Nga George Kennan đều từng cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía động là bước đi mạo hiểm.
Quang cảnh một cuộc họp NATO diễn ra tại London, Anh tháng 12/2019 (Ảnh: EPA).
Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã gây ra phản ứng dữ dội trên khắp thế giới, đặc biệt là tại phương Tây. Tuy nhiên, theo RT, đây là viễn cảnh đã được các chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu thế giới dự đoán trong nhiều năm qua.
Trong suốt thập niên qua, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía Đông sẽ gây ra xung đột với Nga.
Học giả hàng đầu về Nga tại Mỹ George Kennan, người đặt nền móng cho chiến lược chính sách đối ngoại thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, đã cảnh báo rằng việc NATO mở rộng sang Trung Âu trong những năm 1990 là "sai lầm định mệnh nhất trong chính sách của Mỹ trong toàn bộ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh".
Theo ông Kennan, việc mở rộng NATO sẽ làm ảnh hưởng mối quan hệ Mỹ - Nga sâu sắc đến mức Moscow sẽ không bao giờ trở thành đối tác và sẽ mãi là kẻ thù.
Ông Kennan, đại diện ngoại giao của Mỹ tại Liên Xô từ năm 1987-1991, đã có một bài viết chỉ 9 ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, trả lời câu hỏi rằng liệu cuộc khủng hoảng này có thể tránh được hay không.
"Trong ngắn hạn là có", ông giải thích. Với câu hỏi liệu có thể dự đoán về động thái này của Nga hay không, ông cũng nói: "Hoàn toàn có thể". Theo ông, việc NATO mở rộng về phía Đông là sai lầm chiến lược sâu sắc nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Đã trả lời phỏng vấn sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế John Mearsheimer giải thích rằng, mọi việc "bắt đầu vào tháng 4/2008 tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest, thời điểm NATO đã đưa ra một tuyên bố nói rằng Ukraine và Georgia sẽ trở thành một phần của NATO".
Theo ông, vào thời điểm đó, phía Nga đã nói rõ rằng, họ coi đây là một mối đe dọa hiện hữu và họ đã lập ra một ranh giới về vấn đề này mà nếu các bên vượt qua sẽ gặp rắc rối.
Chuyên gia Mearsheimer nhấn mạnh, vấn đề Ukraine gia nhập NATO là chìa khóa đối với lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Nga.
Học giả nghiên cứu về Nga nổi tiếng Stephen Cohen đã cảnh báo vào năm 2014 sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga, rằng "nếu chúng ta di chuyển các lực lượng NATO về phía biên giới của Nga... thì rõ ràng đồng nghĩa với việc sẽ quân sự hóa tình hình và Nga sẽ không lùi bước. Đây là sự sinh tồn".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, một trong những nhà tư tưởng chiến lược nổi tiếng, cũng đã từng cảnh báo vào năm 2014 rằng "Ukraine không nên gia nhập NATO".
Ông Kissinger nói rằng, "việc coi Ukraine là một phần của cuộc đối đầu Đông - Tây sẽ làm ảnh hưởng đến triển vọng đưa Nga và phương Tây - đặc biệt là Nga và châu Âu - vào một hệ thống quốc tế hợp tác trong nhiều thập niên".
Theo ông, muốn giải quyết căng thẳng Nga - Ukraine, phương Tây phải thừa nhận quan điểm rằng, đối với Moscow, Kiev chưa bao giờ là "nước ngoài".
Ông Kissinger nói: "Lịch sử Nga bắt đầu từ liên bang thời trung cổ Kiev Rus, với thủ đô là Kiev. Chính thống giáo ở Nga truyền bá từ đây. Nga và Ukraine cùng thuộc Kiev Rus suốt nhiều thế kỷ và lịch sử của 2 nước này gắn liền với nhau".
Quan điểm của ông Kissinger được đăng trên báo Washington Post vào ngày 5/3/2014, khi bán đảo Crimea tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
Nhiều tên tuổi khác bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Pino Arlacchi, cựu Giám đốc CIA Bill Burns, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Gates cũng từng có những nhận định và cảnh báo khá chính xác về tình hình Ukraine.
Tuy nhiên, dường như tất cả những cảnh báo đó đã bị bỏ qua.
NATO dự kiến tổ chức họp thượng đỉnh vào tháng 6 tới, nơi sẽ chứng kiến sự hình thành của "văn kiện khái niệm NATO chiến lược" lần đầu tiên kể từ năm 2010, một vấn đề gây tranh cãi lớn ở cả lục địa châu Âu và thế giới. Đây sẽ là khuôn khổ chiến lược hoạt động của liên minh quân sự trong ít nhất một thập niên tới và sẽ xác định rõ ràng các mục tiêu của họ.
Hành động quân sự của Nga tại Ukraine dường như đã khiến NATO áp lực hơn chỉ sau một đêm và đặt châu Âu vào tình trạng báo động cao. Điều này thể hiện rõ ràng trong việc xoay trục chính sách đối ngoại và tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% GDP của Đức nhằm đối phó trực tiếp với tình hình ở Ukraine; hay việc Thụy Điển, Phần Lan được cho là đã cân nhắc việc gia nhập NATO; và thậm chí Thụy Sĩ chấm dứt tình trạng trung lập, cùng EU trừng phạt Nga.
Vì vậy, theo các chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 ở Madrid, Tây Ban Nha chắc chắn sẽ chứng kiến một NATO thay đổi. Khối này dự kiến sẽ thảo luận về sự phân chia nhiều hơn của hệ thống quốc tế và đề cập trực tiếp đến Nga - thậm chí có thể là Trung Quốc - trong tài liệu khái niệm chiến lược của tổ chức.
Mỹ khẳng định cách tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên Trong khi vẫn quan ngại về khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7, Mỹ một mặt khẳng định tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, một mặt tuyên bố đối thoại vẫn là một lựa chọn và "Washington sẽ tiếp tục tiếp cận Bình Nhưỡng bằng đường lối ngoại giao"....