“Khéo chơi” trái phiếu như Ngân hàng OCB
Danh sách trái chủ của Ngân hàng TMCP Phương Đông khá đa dạng, từ các công ty chứng khoán đến các nhà băng lớn như MBBank hay Vietcombank. Lãi suất phát hành mà OCB đưa ra rất “mềm” – chỉ ngang lãi suất huy động tiền gửi – nhưng các lô trái phiếu đều rất đắt khách, bất chấp các trái chủ của họ đã phải chấp nhận bỏ ra các mức chi phí vốn lớn hơn nhiều để huy động tiền trong các động thái tương tự…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo thống kê của VietTimes, trong giai đoạn từ 6/6/2019 – 10/2/2020, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hoạt động khá tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng cộng 11 đợt phát hành riêng lẻ và mua lại trái phiếu trước hạn được công bố.
Các báo cáo công bố thông tin của OCB trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, những trái phiếu này đều là loại hình không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm theo chứng quyền.
Dù vậy, mức lãi suất cho các lô trái phiếu của OCB tương đối thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Kỳ hạn các lô trái phiếu chỉ kéo dài từ 2 – 3 năm.
Ngày 6/6/2019, OCB đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 3 năm cho CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Cần lưu ý rằng, sau khi mua trái phiếu của OCB, trong nửa cuối năm 2019, VCSC thực hiện huy động 500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng với mức lãi suất cao hơn, ở mức từ 7 – 9%/năm, dù kỳ hạn chỉ kéo dài 2 năm.
Bên cạnh đó, VCSC cũng là trái chủ nhận mức lãi suất trái phiếu cao nhất mà OCB phát hành trong năm 2019. Đa phần các lô trái phiếu khác do nhà băng của vị Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn phát hành có mức lãi suất dao động từ 6,6 – 6,8%/năm.
Trái phiếu của OCB cũng thu hút sự tham gia của các công ty chứng khoán khác như: CTCP Chứng khoán VPS (VPS), CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND), CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI). Cả VPS và VND trong năm 2019 đều thực hiện huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng mức lãi suất cũng lên tới 9 – 9,8%/năm.
Video đang HOT
Trong các đợt phát hành riêng lẻ vào ngày 9/12 và 19/12/2019, OCB dường như “khéo” hơn trong việc công bố danh tính các trái chủ là tổ chức trong nước đã mua vào tổng cộng 1.500 tỷ đồng trái phiếu.
Ở chiều hướng ngược lại, OCB đã thực hiện mua lại trước hạn 500 tỷ đồng trái phiếu (lãi suất 6,8%/năm, kỳ hạn 3 năm) từ Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank – Mã CK: MBB) ngày 25/6/2019.
Hay gần đây nhất, hôm 31/1/2020, OCB đã mua vào trước hạn 1.000 tỷ đồng trái phiếu có mức lãi suất chỉ 6,5%/năm từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB).
Việc mua lại trái phiếu “giá rẻ” của OCB diễn ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trái phiếu do các nhà băng phát hành có xu hướng tăng nhanh từ cuối năm 2019. Lãi suất tăng nhanh từ dưới 7%/năm lên tới 8%/năm, thậm chí chạm ngưỡng 9,5%/năm như trường hợp của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) trong đợt phát hành 254,8 tỷ đồng trái phiếu diễn ra hôm 16/1/2020.
Cách OCB dùng trái phiếu
Tính đến ngày 31/12/2019, OCB ghi nhận số dư phát hành giấy tờ có giá trên báo cáo tài chính hợp nhất (chưa kiểm toán) đạt 11.764 tỷ đồng, tăng 44,2% so với đầu năm và chiếm gần 10% tổng tài sản của nhà băng này.
Trong số các giấy tờ có giá, chiếm hơn 82% là các trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng tới 5 năm, giá trị cuối kỳ đạt 9.700 tỷ đồng.
Một kênh huy động vốn khác của OCB cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý là tiền gửi khách hàng với số dư cuối kỳ đạt 68.142 tỷ đồng ( 14,5% so với đầu năm).
Tuy nhiên, phân loại theo rủi ro thanh khoản do OCB tự lập cho thấy, các khoản tiền gửi của khách hàng chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn, còn trong kỳ hạn từ 1 – 5 năm chỉ ghi nhận giá trị đạt 1.497 tỷ đồng. Đây cũng là kỳ hạn OCB tập trung huy động vốn từ phát hành giấy tờ có giá (chủ yếu là trái phiếu như VietTimes đề cập ở trên) và đi vay từ các tổ chức tín dụng khác với tổng giá trị ghi nhận đạt 12.650,8 tỷ đồng.
Ngoài vốn huy động từ tiền gửi và trái phiếu, không thể thiếu nguồn vốn chủ sở hữu của OCB. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của OCB đạt 11.507 tỷ đồng, tăng 30,8% so với đầu năm.
Mới đây, cổ đông của OCB đã tiến hành bỏ phiếu thông qua việc chào bán lượng lớn cổ phần ngân hàng cho Ngân hàng Aozora Bank (Nhật Bản).
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của OCB tăng trưởng 18,2% so với đầu năm, đạt 118.159,9 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.366 tỷ đồng, tăng trưởng 26,2% so với đầu năm.
Năm 2019, OCB báo lãi lũy kế hợp nhất sau thuế đạt 2.582 tỷ đồng, tăng tới 46,6% so với kết quả đạt được năm 2018./.
Theo Viettimes.vn
Nợ xấu của VietinBank đang dần đẹp
Có lợi nhuận ngàn tỉ, Vietinbank tạo ra bước chuyển tình thế đáng ngạc nhiên.
Ảnh: TL
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với nhiều điểm đáng chú ý. Lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 của Ngân hàng đạt 3.324 tỉ đồng, trái ngược hoàn toàn với khoản lỗ 1.037 tỉ đồng cùng kỳ năm trước, khi VietinBank phải thoái thu nhập lãi lớn trị giá 6.460 tỉ đồng để xử lý nợ xấu. Như vậy, nếu không bao gồm khoản thoái thu lãi ở trên, tổng thu nhập hoạt động trong quý IV/2019 tăng 28% so với cùng kỳ nhờ thu nhập lãi ròng tăng 30% và thu nhập ròng ngoài lãi tăng 20,9%. Xét lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 11.780 tỉ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ.
Năm 2019 chứng kiến sự chuyển mình trong cơ cấu cho vay của VietinBank khi cho vay cá nhân và doanh nghiệp tăng lần lượt 25,2% và 16,1% so với cùng kỳ, trong khi cho vay đối với các tập đoàn lớn giảm 4,6%. VietinBank cũng giảm số dư trái phiếu doanh nghiệp trong khi mở rộng đầu tư trái phiếu liên ngân hàng. Đây là chiến lược phù hợp vì quá trình này cần ít vốn hơn để mở rộng tài sản sinh lãi do hạn chế về vốn của Ngân hàng.
Bên cạnh việc tái cấu trúc các khoản vay, VietinBank cũng đẩy mạnh cắt giảm chi phí vốn thông qua gia tăng huy động các khoản tiền gửi ngắn hạn (tăng 22,6%), trong khi giảm mạnh 68,7% các khoản tiền gửi dài hạn. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được cải thiện, với tổng tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ chiếm 20,2% tổng số tiền gửi (so với 19,4% trong năm 2018).
Trong năm qua, VietinBank tiếp tục đẩy nhanh xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu còn tồn đọng. Cụ thể, ngân hàng này đã trích lập hơn 5.000 tỉ đồng chi phí dự phòng cho số dư trái phiếu VAMC trong năm 2019 (tương đương 37% dư gộp trái phiếu), tăng 78,6% so với cùng kỳ. Ngân hàng cũng xóa 8.590 tỉ đồng nợ xấu, cao hơn nhiều so với 255 tỉ đồng trong năm 2018. Tổng cộng, tổng số nợ xấu và trái phiếu VAMC đã được xử lý đạt 13.610 tỉ đồng, tăng 43,2% so với 9.500 tỉ đồng trong năm 2018. Trong năm, VietinBank cũng dành hơn 8.500 tỉ đồng cho dự phòng nợ xấu, tăng 72% so với cùng kỳ và tương đương 21% tổng thu nhập hoạt động so với 17,4% trong năm 2018. Mức trích lập dự phòng này chỉ bằng gần một nửa so với BIDV (37,3%), nhưng cao hơn Vietcombank (14,8%).
VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.600 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2019 với lợi suất ROE từ 13% lên 15%. Tổng tài sản, tín dụng và tiền gửi đặt kế hoạch tăng lần lượt ở mức 6-7%, 8-10% và 10-12%. Công ty Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2020 của VietinBank đạt 13.150 tỉ đồng, tương đương tăng 11,6% với ROAA và ROAE là 0,82% và 13,3%.
Cũng theo Công ty Chứng khoán SSI, VietinBank sẽ tiếp tục mở rộng cho vay cá nhân, hiện chiếm tỉ trọng 33% trong tổng khoản vay. Tỉ lệ này tương đối thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cùng hệ thống và có nhiều dư địa để tăng trưởng. SSI ước tính hệ số NIM của Ngân hàng sẽ được cải thiện từ 2,88% trong năm 2019 lên 2,96% năm 2020. Theo đó, thu nhập lãi ròng ước tăng 11% trong năm 2020 nhờ NIM cải thiện.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thúy Anh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, vấn đề của VietinBank chủ yếu liên quan đến vấn đề an toàn vốn: với hệ số CAR về gần mức ngưỡng 9%, VietinBank chưa được áp dụng Thông tư 41 (Basel II), đồng nghĩa với việc Ngân hàng sẽ khó tăng trưởng tín dụng mạnh cũng như có thể không được hưởng một số ưu đãi như các ngân hàng Basel II khác. Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin.
Dù vậy, Chính phủ đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ và nếu việc này hoàn thiện, khó khăn trước mắt của năm 2020 sẽ phần nào được tháo gỡ. Nhìn xa hơn, để có thể đảm bảo tăng trưởng dài hạn, VietinBank cần phải có giải pháp thu hút nguồn vốn mới. Một khó khăn khác là dư nợ VAMC, dù đã trích lập khoảng 4.500 tỉ đồng trong năm 2019 nhưng số dư VAMC ròng cuối năm vẫn ở mức 6.500 tỉ đồng (tương đương 0,7% tổng dư nợ).
Với bài toán nợ xấu theo dự báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm xuống 6-6,3% trong trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn trong nửa đầu năm. Việc dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều khả năng sẽ gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản của Ngân hàng.
Dù vậy, chất lượng tài sản toàn ngành vẫn đang được kiểm soát tốt với tỉ lệ nợ xấu giảm và tỉ lệ dự phòng tăng so với năm 2018 ở hầu hết các ngân hàng. Ở VietinBank, chất lượng tài sản nội bảng vẫn tương đối tích cực với tỉ lệ nợ xấu giảm còn 1,2% (so với 1,6% cuối năm 2018), tỉ lệ dự phòng tăng lên 120% (so với 95% cuối năm 2018). Vì vậy, nếu tình hình dịch bệnh không trở nên quá tiêu cực, Ngân hàng vẫn sẽ kiểm soát được vấn đề này. Nếu tăng vốn thành công và được áp dụng Basel II, triển vọng của VietinBank sẽ được cải thiện và Ngân hàng có thể được hưởng mức định giá tốt hơn.
Theo nhipcaudautu.vn
Doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu "cuộc chơi" phát hành trái phiếu Doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 55% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2019. Theo thống kê, trong tháng 1/2020, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 13.374 tỷ đồng. Trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành. Lãi suất phát hành...