Khẩu chiến giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa quanh vấn đề đối nội
Trong chiều hướng phản ánh rõ cuộc đấu đá đảng phái tiếp tục căng thẳng sau khi phe Cộng hòa chiếm quyền đa số tại lưỡng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4/11 vừa qua, ngày 16/11, một cuộc khẩu chiến đã bùng nổ giữa Nhà Trắng và các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa.
Những người nhập cư trái phép xếp hàng chuẩn bị bị trục xuất khỏi Mỹ. Nguồn: AP
Ngày 16/11, phát biểu với báo giới tại Australia khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Barack Obama cho biết ông sẵn sàng sử dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp để thực thi những cải cách cần thiết, trong đó có các quy định về di trú và nhập cư.
Ông Obama cho biết việc một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa dọa có thể buộc chính phủ phải đóng cửa lần nữa sẽ không làm ông chùn bước trong việc đưa ra các quyết định cải cách nhập cư và quốc tịch liên quan tới số phận của hơn 13 triệu người nhập cư không đủ giấy tờ đang sinh sống tại Mỹ.
Một trong những hành động mà ông Obama có thể đơn phương quyết định là ký sắc lệnh hành chính bảo vệ cho khoảng 5 triệu người trong số này không bị trục xuất.
Trước đó một ngày, phát biểu tại cuộc hội thảo ở bang California, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cũng cho biết Tổng thống Obama sẽ có những quyết định cải tổ mang tính toàn diện để tăng cường an ninh biên giới.
Video đang HOT
Trong khi đó, thượng nghị sỹ John McCain, một trong các chính khách của đảng Cộng hòa ủng hộ cải cách luật nhập cư, hối thúc Tổng thống Obama cho phe Cộng hòa có thêm thời gian xem xét.
Ông McCain cảnh báo một hành động hành pháp đơn phương của Tổng thống “có thể gây ra những tác hại thật sự” đối với mối liên hệ giữa Nhà Trắng và Quốc hội mới do phe Cộng hòa nắm quyền chi phối.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News Sunday ngày 16/11, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Thune dọa sẽ cùng các đồng nghiệp tại Hạ viện tìm cách đóng cửa công sở liên bang một lần nữa nếu Tổng thống Obama sử dụng quyền hành pháp, đơn phương đưa ra các quyết định liên quan tới chính sách nhập cư của Mỹ.
Ông Thune cho biết một trong những biện pháp mà các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa có thể áp dụng là ngăn cản việc cấp ngân sách liên bang.
Liên quan tới một vấn đề khác cũng gây tranh cãi là tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL mà Hạ viện vừa thông qua, Hạ nghị sỹ Dick Durbin – thành viên cao cấp thứ hai của đảng Dân chủ tại Thượng viện – cho rằng Tổng thống Obama chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nếu dự án cũng được thông qua tại Thượng viện trong tuần này.
Đây là dự án cho phép chuyển dầu từ Canada xuống tận các nhà máy lọc dầu ở các bang miền Nam nước Mỹ. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Sheldon Whitehouse cũng dự báo Tổng thống Obama sẽ dùng quyền đặc biệt của Tổng thống để ngăn chặn dự án này.
Bản thân ông Obama trong lúc có mặt tại Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng đã ngỏ ý sẽ bác bỏ dự luật liên quan tới tuyến đường ống Keystone XL.
Theo Vietnam
Nga - Ukraine khẩu chiến về đông Ukraine
Moscow và Kiev hôm qua tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm một thỏa thuận ngừng bắn, trong khi đó phương Tây cảnh báo có thể gia tăng trừng phạt Nga đối với cái gọi là "leo thang quân sự" ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Telegraph.
Ukraine cáo buộc Nga gửi binh sĩ cùng vũ khí giúp phe ly khai ở miền đông nước này mở đợt tấn công mới, tiếp tục cuộc xung đột đã làm hơn 4.000 thiệt mạng. Moscow cảnh báo Kiev rằng bất kỳ hành động thù địch nào đối với phe ly khai sẽ là thảm họa với Ukraine, Reuters cho hay.
Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine đạt được hôm 5/9 tại Minsk, Belarus, đang có nguy cơ sụp đổ bởi tình trạng bạo lực gia tăng và xuất hiện thông tin cho rằng có các đoàn xe vũ trang đang di chuyển từ phía biên giới Nga vào Ukraine. Nga nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn chính là cách duy nhất để thoát khỏi xung đột, đồng thời phủ nhận tin Moscow đang điều binh sĩ và xe tăng vào Ukraine.
Khả năng thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ "không được phép xảy ra... Đó sẽ là thảm họa với tình hình ở Ukraine", ông Alexander Lukashevich, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ quan giám sát lệnh ngừng bắn, thông báo về những đoàn xe và binh sĩ ở Ukraine, đang di chuyển ra xa khỏi biên giới Nga. Một nhân chứng nói nhìn thấy hàng dài 50 phương tiện chở theo bệ phóng tên lửa và pháo tiến về phía Donetsk, thành trì của phe ly khai ở miền đông Ukraine vào ngày 11/11.
Những đợt đấu pháo mới tiếp tục làm rung chuyển Donetsk. Hiện vẫn chưa rõ ai là phe khai hỏa cũng như liệu nó có xuất phát từ sân bay của thành phố này, nơi phe ly khai và quân đội đang cố giành quyền kiểm soát, hay không. Ukraine tuần trước củng cố quân đội và triển khai các đơn vị bảo vệ các thành phố ở phía đông, sau khi phiến quân miền đông đe dọa mở rộng vùng do họ kiểm soát.
Trong khi đó, phương Tây cảnh báo có thể tăng cường trừng phạt Nga vì những sự kiện gần đây ở Ukraine. "Trong thời hạn của những bước đi tiếp theo... các chuyên gia của chúng tôi sẽ có cuộc gặp trong tuần này để xem xét có thể cùng tăng cường cái giá mà Nga phải trả như thế nào", Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, phát biểu sau cuộc họp với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ở Berlin. Bà cho biết hai người "rất lo ngại, đặc biệt là trước hành động leo thang quân sự đang diễn ra".
Phương Tây luôn cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai vũ khí và binh sĩ kể từ khi lực lượng này bắt đầu nổi dậy hồi tháng 4, một tháng sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga. Tuy nhiên, điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này. Cũng không có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ thay đổi chính sách dưới áp lực trừng phạt của phương Tây.
Như Tâm
Theo VNE
Khẩu chiến tại Hội đồng Bảo an vì khủng hoảng Ukraine Phía Mỹ cho rằng, Nga phải gánh hậu quả do hành động mà Washington cho là "cuộc xâm lăng" ở miền Đông Ukraine. Cuộc họp thứ 26 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine vào ngày 12/11, đã biến thành cuộc khẩu chiến giữa Mỹ, Ukraine và Nga. Phía Mỹ cho rằng, Nga phải gánh hậu quả...