Khán giả Việt đang lạm dụng diva
Rất nhiều người không hiểu hết nội dung và ý nghĩa của danh hiệu này, dẫn đến những ngộ nhận phiến diện.
Trong những năm gần đây, cùng với sự hội nhập âm nhạc quốc tế và sự nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, từ diva đã du nhập vào âm nhạc Việt Nam, trở thành một cơn sốt, khiến người người chạy đua, nhà nhà chạy đua, dẫn đến những ngộ nhận thiếu đúng đắn và tung hô tràn lan, làm giảm giá trị của danh hiệu cao quý này.
Diva là gì?
Diva (trong tiếng Italy cổ là Nữ thần) là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc. Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình.
Còn với công chúng, diva là một trong những ranh giới rõ nhất để phân biệt đẳng cấp giữa ca sĩ (có thể là rất nổi tiếng hoặc tài năng) và một bậc thầy, huyền thoại âm nhạc. Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào (có quyền) đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được. Rất nhiều người chỉ hiểu đơn giản diva là một giọng hát điêu luyện, nhưng thực tế, các tiêu chuẩn khắt khe hơn rất nhiều, đó là:
- Phải có một giọng hát xuất chúng. Có thể hiểu “xuất chúng” là một giọng hát quý hiếm, hoặc là rất đẹp (như Whitney Houston, Aretha Frankin), hoặc là vô cùng đặc biệt mà không thể tìm thấy ở các ca sĩ thông thường (như Maria Callas).
- Phải thực hiện được hàng loạt những kỹ thuật thanh nhạc tinh xảo ở mức điêu luyện mà ca sĩ thông thường không làm được.
- Phải có một tư duy, khả năng cảm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc xuất chúng.
- Phải có sự sáng tạo, cách tân và cống hiến to lớn với dòng nhạc, lĩnh vực âm nhạc mình theo đuổi.
- Phải có ảnh hưởng lớn tới công chúng và một bộ phận thế hệ ca sĩ sau đó.
Trong đó, hai điều kiện đầu tiên là hai điều kiện cần (điều kiện tiên quyết) để phân biệt diva với một nữ nghệ sĩ tài năng. Bởi trên thực tế, có những nữ nghệ sĩ/ca sĩ có tài năng, cống hiến ngang ngửa, thậm chí vượt trội hơn cả diva, nhưng không có thế mạnh về giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc nên không thể gọi là diva (như Madonna, Kate Bush, Bjrok). Các điều kiện còn lại là điều kiện đủ, để phân biệt diva với những nữ ca sĩ có giọng hát hay, kỹ thuật thanh nhạc vượt trội, nhưng tư duy và thẩm mỹ, sáng tạo, cống hiến, tầm ảnh hưởng trong âm nhạc hầu như không có nhiều (như Sohyang, Lisa Fischer).
Trong âm nhạc thường có sự phân chia về nhạc cổ điển và nhạc đại chúng, nên cũng có hai dạng diva sau:
- Diva nhạc cổ điển/opera: Maria Callas, Joan Sutherland, Birgit Nilsson, Montserrat Caballe, Leontyne Price, Victoria de Los Angeles… Họ là những diva “mẫu gốc”, đầu tiên của mỹ từ này.
- Diva nhạc đại chúng: Whitney Houston, Aretha Franklin, Mariah Carey, Barbra Streisand… Đây là những “diva phái sinh”, được gọi tên khi mỹ từ này chuyển từ nhạc cổ điển sang nhạc đại chúng.
Whitney Houston là gương mặt tiêu biểu cho một diva nhạc đại chúng.
Như vậy, có thể thấy diva là một mỹ từ cao quý mà hầu hết các nữ ca sĩ đi theo con đường vocalist và người hâm mộ của họ đều muốn đạt được. Vì không có một quy chuẩn chính xác hay tổ chức uy tín nào đứng ra công nhận ca sĩ này hay ca sĩ khác là diva nên ngày nay, mỹ từ này đã được phổ biến rộng rãi như một cách làm thị trường âm nhạc trở nên phong phú và có sức hút hơn với công chúng, và cũng để đại chúng hóa nó, giúp ca sĩ có động lực hơn để phấn đấu trong nghề nghiệp.
Nhưng chính sự phổ biến rộng rãi đã dẫn tới những cách hiểu sai lệch, dễ dãi về diva. Trong nhiều năm gần đây đã xảy ra tình trạng “loạn” diva, nước nào cũng muốn có diva, dòng nhạc nào cũng muốn có diva, thế hệ nào cũng muốn có diva, rồi sinh ra các kiểu diva khác nhau như diva nhạc rock, diva nhạc R&B, diva nhạc dance, diva châu Á, diva châu Âu, diva thế hệ mới, diva trẻ, diva kế cận…
Video đang HOT
Nhà nhà tranh đua diva, người người tranh đua diva, ai cũng muốn thần tượng của mình là diva, chỉ cần hát hay, kỹ thuật, có chút cống hiến, tài năng là có thể được báo chí tung hô làm diva. Tình trạng này đặc biệt trở nên nhức nhối với nền âm nhạc Việt Nam, vốn non trẻ nhưng hội nhập quá nhanh.
Từ việc lạm dụng danh xưng với ca sĩ quốc tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam, nhiều người nghe nhạc ngoại (chủ yếu là US-UK) không hiểu hết nghĩa của từ diva, dẫn đến việc lạm dụng vô tội vạ với chính những ca sĩ quốc tế. Không thiếu những nữ ca sĩ chỉ cần có giọng hát hay hoặc kỹ thuật tốt là được họ phong làm diva như Christina Aguilera, Susan Boyle, Charice, Jessie J, Leona Lewis, Adele… Nếu áp các ca sĩ này vào những tiêu chuẩn của diva thì họ chỉ đáp ứng được một hoặc một vài tiêu chí, không thể trọn vẹn để được gọi là diva.
Chẳng hạn, Christina có giọng hát rất đẹp và một chút cống hiến, tư duy âm nhạc, nhưng kỹ thuật không ổn. Charice, Jessie J, Leona Lewis… mới chỉ có giọng hát và một vài kỹ thuật, cống hiến và tư duy chưa có nhiều. Việc gọi hàng loạt các nữ ca sĩ nổi tiếng là diva như vậy là một sự thiếu hiểu biết và làm giảm giá trị của mỹ từ này.
Madonna là một nghệ sĩ tài năng, vĩ đại, nhưng không nên nhầm lẫn với một diva.
Nhiều người lại nhầm lẫn giữa diva và một nữ nghệ sĩ tài năng. Họ tôn vinh một số nghệ sĩ bậc thầy như Madonna, Bjork… làm diva. Đúng, những nữ nghệ sĩ này có tài năng và cống hiến thậm chí còn nhiều hơn một diva, nhưng họ chưa có giọng hát xuất chúng hoặc không đi theo con đường nghệ thuật thanh nhạc, nên bản chất của họ không phải là diva. Cái gì cũng cần có ranh giới để phân biệt, nếu đánh đồng như vậy thì một nữ chính trị gia, hay một minh tinh cũng có thể là diva, chẳng cần gì phải gọi tên nữa.
Đáng cười nhất là việc xưng tụng diva trẻ, diva kế cận, diva thế hệ mới. Những người xưng tụng và gọi như vậy không hiểu nghĩa của từ ngữ họ dùng. Họ cho rằng những “diva trẻ” của họ tuy chưa là diva nhưng tương lai có thể hoặc sẽ là diva nên gọi như thế là hợp lý. Nhưng khi gọi ai đó là diva, chứng tỏ là ca sĩ đó phải đầy đủ yếu tố và đã xứng đáng. Bỗng dưng gán chữ diva cho một ca sĩ mà hiện tại họ chưa là diva để thành “diva thế hệ mới” liệu có quá mâu thuẫn giữa hai vế của từ? Liệu họ có chắc chắn rằng ca sĩ đó trong tương lai sẽ thành diva?
Thậm chí, có nhiều người còn thiếu hiểu biết tới mức gán ghép những ca sĩ trẻ như Demi Lovato, Miley Cyrus, Lorde… là diva chỉ vì họ còn trẻ và nổi tiếng. Rõ ràng họ đang nhầm lẫn nặng nề giữa superstar (siêu sao) và diva. Việc gán ghép này vô hình chung đã thị trường hóa diva, vất bỏ tính nghệ thuật cao quý của nó. Lúc này, người ta không còn quan tâm tới giọng hát, âm nhạc nữa, mà chỉ xem xét tới sự nổi tiếng, hào nhoáng của một ca sĩ.
Charice là trường hợp điển hình phải đón nhận con dao hai lưỡi từ sự tung hô quá đáng của khán giả và truyền thông.
Cách đây vài năm, Charice nổi lên như một hiện tượng, chỉ vì cô còn nhỏ tuổi mà sở hữu chất giọng khỏe khoắn của một vocalist trưởng thành, lên được những nốt cao vút. Người ta sẵn sàng bỏ qua mọi thứ về sáng tạo, thẩm mỹ, tư duy âm nhạc là cái quan trọng nhất của một nghệ sĩ, chỉ để ý tới giọng hát để tung hô cô bé này làm diva thế hệ mới.
Nhiều bài báo còn tự tin cho rằng Charice sẽ soán ngôi Whitney, Mariah, Celine trong vài năm nữa. Thật phiến diện khi họ nghe một cô bé cover đúng nguyên bản các bài hát của diva pop với chất giọng khủng rồi tung hô luôn đó cũng là một diva. Họ quên rằng các diva lớn ngoài giọng hát đặc biệt, kỹ thuật cao cấp còn có một sự sáng tạo tuyệt vời, tư duy, thẩm mỹ âm nhạc sâu sắc, và phải cống hiến miệt mài ít nhất cả chục năm.
Chính sự tung hô bừa bãi đó đã giết chết Charice, khiến cô chạy theo việc khoe giọng vô tội vạ, lệ thuộc vào cái bóng của các diva lớn, vào việc cover lại các ca khúc kinh điển mà không chú ý phát triển cái tôi âm nhạc riêng. Hiện, dù đã là một ca sĩ trưởng thành, nhưng Charice vẫn chẳng có cống hiến nào trong tay, vẫn chỉ là một ca sĩ biết khoe giọng hát như biết bao ca sĩ giọng khủng khác.
Trên thực tế, Charice chỉ là một trong số nhiều nữ ca sĩ trẻ có giọng tốt được truyền thông tung hô là diva nhưng mãi vẫn chỉ là vocalist khoe giọng trên sân khấu. Và Charice cũng chỉ là một trong rất nhiều ca sĩ trẻ được tung hô một cách phiến diện.
Nhiều người lại cho rằng, nếu không tìm ra lớp diva kế cận thì sau khi các diva cũ ra đi hết sẽ không còn ai là diva. Quan niệm như thế thật ngớ ngẩn! Không lẽ diva buộc phải thế hệ nào cũng có? Nếu không có thì nhất định phải gán ghép bằng được để “cố đấm ăn xôi”, hạ thấp giá trị từ ngữ? Bản thân các diva nhạc pop hay opera cũng chỉ xuất hiện một lần trong suốt vài thế kỷ, và sự xuất hiện của họ hoàn toàn tự nhiên, không phải theo kiểu thế hệ trước có diva, nhất định thế hệ của họ cũng phải có.
Chúng ta đã chứng kiến một thời kỳ hoàng kim của các diva trong nửa sau thế kỉ XX và thế hệ vàng này đang dần lùi vào quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa nhất định trong thế kỉ XXI phải có diva. Diva trong thế kỷ này có thể có hoặc không. Nên nhớ, chúng ta mới đang ở đầu thế kỉ XXI, tương đương với giai đoạn đầu thế kỷ XX – cũng chưa có diva tên tuổi nào xuất hiện. Vậy nên, có thể diva sẽ xuất hiện ở nửa sau thế kỉ XXI hoặc vài thế kỷ sau. Đó là câu chuyện của thời gian và sự phát triển tự nhiên của bánh xe lịch sử.
Đến việc lạm dụng danh xưng với chính ca sĩ Việt
Âm nhạc thế giới đã vậy, thì với một nền âm nhạc còn non trẻ và đang “quá độ” như nhạc Việt, từ diva càng dễ bị lạm dụng, khiến nó trở nên kệch cỡm. Rất vô lý khi báo chí gán ghép danh xưng diva cho bốn nữ ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, gây ra bao phiền toái bấy lâu cho chính người được xưng tụng và khán giả nghe nhạc.
Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần phải hứng chịu nhiều phiền toái vì được tung hô quá mức
Tại sao chỉ có bốn người này được gọi là diva? Trong khi về tài năng, giọng hát, kỹ thuật, cống hiến, có nhiều ca sĩ thế hệ trước ngang ngửa hoặc vượt qua họ như Quách Thị Hồ, Lê Dung, Thái Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu, Bảo Yến, Thu Hiền, Thanh Nga… Chính mâu thuẫn này khiến một bộ phận không nhỏ fan của các ca sĩ thế hệ trước quay sang công kích 4 diva kia, dù họ không đáng bị như thế. Như vậy, sự vô lý của truyền thông đã gây hại cho chính người được tung hô.
Nhiều ý kiến cho rằng, gọi 4 ca sĩ trên là diva vì từ diva ở Việt Nam chỉ giới hạn trong nhạc nhẹ, nên còn gọi là diva nhạc nhẹ Việt Nam. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hầu như chỉ gọi là diva hoặc diva Việt Nam chứ không hề có từ “nhạc nhẹ”. Không hiểu những người đưa ra ý kiến này có định nghĩa được nhạc nhẹ là gì? Nếu gọi như thế, Thái Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu, Bảo Yến… không hát nhạc nhẹ thì họ hát nhạc gì – cổ điển thính phòng chăng? Và tại sao diva ở Việt Nam lại chỉ hát nhạc nhẹ, các loại nhạc khác không được tính? Đó là điều hết sức bất hợp lý.
Hoặc nếu gọi tất cả những ca sĩ gạo cội là diva cho công bằng thì lại càng khập khiễng, khi cả thế giới chỉ có vài diva mà riêng Việt Nam lại có tới vài chục diva?
Bản thân việc xưng tụng cũng gây phiền toái, áp đặt cho chính người được tung hô. Hà Trần là một nghệ sĩ tài năng, từ lâu đã đi theo con đường một nghệ sĩ indie, thiên về làm nhạc chứ không chỉ là ca sĩ đứng khoe giọng. Giá trị âm nhạc mà Hà Trần tạo nên trong sự nghiệp của cô là những giá trị thiên về sáng tạo âm nhạc hơn là giọng hát, và bản thân cô cũng mong muốn được nhìn nhận ở góc độ đó.
Trên thế giới cũng có nhiều nghệ sĩ được đánh giá cao ở góc độ làm nhạc chứ không phải giọng hát như Madonna, Bjork, Kate Bush… Và dù giọng hát không mấy nổi trội, họ vẫn được đánh giá rất cao, vì công chúng biết giá trị của họ nằm ở đâu. Nhưng tại Việt Nam, chính danh xưng diva áp vào Hà Trần khiến cô liên tiếp bị chê không xứng làm diva vì giọng mỏng, yếu, âm sắc không đặc biệt. Dư luân chỉ biết xoáy vào giọng hát để đánh giá mà quên đi những cái khác.
Hồng Nhung cũng là một trường hợp tương tự Hà Trần, liên tục bị xoáy vào giọng hát để chê không có kỹ thuật cao, hát phô, hát thô… Không ai quan tâm đến giá trị âm nhạc ngoài giọng hát mà cô tạo ra, cống hiến trong sự nghiệp. Đây là hai trường hợp điển hình của việc danh xưng vô tội vạ làm mờ mắt công chúng, dẫn đến đánh tráo thẩm mỹ nghe nhạc và gò bó chính người được tung hô.
Đến Hà Trần – người trong cuộc cũng từng có lần phải than rằng: “Nói thật, tôi rất là mệt với hình ảnh diva ấy. Nhiều năm qua tôi cứ bị gói trong khuôn khổ của một hình ảnh, làm giới hạn biên độ phát triển của nghệ sĩ”. Nếu không bị gán mác diva đằng trước, có lẽ những nghệ sĩ ấy sẽ có cơ hội làm nghệ thuật thoải mái hơn và được công chúng đánh giá một cách đúng đắn hơn là chỉ xoáy vào giọng hát.
Chính việc tung hô 4 diva như trên cũng dẫn tới tình trạng fan của các ca sĩ trẻ như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Nguyên Thảo, Uyên Linh… đòi hỏi công nhận thần tượng mình là diva trẻ, diva thế hệ mới hay diva thứ 5, diva thứ 6… Tầng lớp fan này còn rất trẻ, chưa hiểu biết nhiều về âm nhạc nghệ thuật nên có những quan điểm rất phi âm nhạc như tung hô nốt cao, tung hô việc trưng trổ kỹ thuật, trưng trổ giọng hát.
Fan Thu Minh đòi công nhận Thu Minh làm diva vì hiếm ai ở Việt Nam belt note cao chuẩn kỹ thuật như Thu Minh. Fan Mỹ Tâm đòi công nhận Mỹ Tâm làm diva vì hiếm ai ở Việt Nam thành công mà vẫn trong sạch như cô. Fan Uyên Linh đòi công nhận Uyên Linh làm diva vì trở thành hiện tượng chỉ sau một cuộc thi âm nhạc… Ai cũng muốn thần tượng mình lên làm diva vì có chút tài nghệ nhất định nào đó.
Fan của các ca sĩ trẻ thiếu hiểu biết đã đành, nhưng đến fan của các ca sĩ nhạc xưa cũng ngây ngô không kém. Họ, chủ yếu là fan của các nữ ca sĩ nhạc xưa, nhạc bolero như Bảo Yến, Khánh Ly, Ngọc Lan, Khánh Hà, Như Quỳnh… luôn chê bai 4 ca sĩ được phong diva mọi lúc, mọi nơi và cố gắng tranh giành danh hiệu về cho ca sĩ mình yêu thích.
Những người này càng tỏ ra tự cao khi vin vào những giá trị xưa cũ, cho rằng dòng nhạc mình nghe là sang trọng, đẳng cấp nên có quyền coi khinh mọi loại nhạc khác. Vì vậy, dù chẳng hiểu gì về diva, nhưng họ lại rất tự tin khi đòi hỏi diva cho ca sĩ của họ, dẫn tới loạn diva.
Uyên Linh từng được báo chí tung hô là diva thứ 5 chỉ sau chiến thắng ở Vietnam Idol.
Báo chí cũng có lỗi không nhỏ trong việc định hướng khi chạy theo thời vụ, tung hô ca sĩ này, ca sĩ kia lên làm diva để ăn theo khi tên tuổi ca sĩ đó đang hot. Chẳng hạn, sau thành công của Uyên Linh ở Vietnam Idol 2010, hàng loạt bài báo tung hô cô làm diva thứ 5, diva kế cận xuất hiện. Tương tự như Uyên Linh, Hương Tràm và Hoàng Quyên cũng được tung hô ngay sau thành công ở các cuộc thi âm nhạc lớn.
Một diva dù tài năng đến đâu cũng cần ít nhất 10 năm để phấn đấu và khẳng định mình. Đặt một thí sinh chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc cạnh các nhân vật gạo cội lên làm diva này, diva khác, trong khi họ còn chưa có cống hiến gì? Dẫu rằng mục đích của bài báo có thể chỉ là dự đoán, chưa khẳng định, nhưng ít nhiều vẫn ảnh hưởng tới thí sinh đó và khán giả nghe nhạc, dẫn đến những quan điểm sai lầm.
Việc lạm dụng danh xưng diva cũng dẫn tới việc hạ thấp thẩm mỹ của chính khán giả lẫn người làm nhạc. Dễ dàng nhận thấy trong các cuộc thi âm nhạc lớn tại Việt Nam tình trạng đua nhau khoe giọng, đua nhau khoe nốt, bỏ qua cảm xúc, sáng tạo, nhả chữ, phát âm, phong thái, chất lượng trình diễn.
Chiến thắng của Hương Tràm tại Giọng hát Việt 2012 là minh chứng rõ nhất cho xu hướng dễ dãi chạy theo diva của khán giả, khi cô luôn khoe giọng trong một phong cách pop ballad an toàn, không đổi mới, ít chất nghệ sĩ, nhưng lại luôn nhận được lượt phiếu bầu cao nhất. Và phải chăng, sự tuột dốc của Hương Tràm hiện nay cũng bắt nguồn từ chính việc tung hô quá mức của khán giả khi ấy?
Qua những dẫn chứng trên, có thể thấy, nhạc Việt hiện nay chẳng khác nào “bãi chiến trường”, nơi mà người hâm mộ của các nữ ca sĩ tranh giành nhau danh hiệu diva cho thần tượng của họ. Ai ai cũng muốn ca sĩ mình yêu thích được gọi là diva. Việc tranh giành đôi lúc trở nên gay gắt, khi các fan hâm mộ vì bảo vệ thần tượng sẵn sàng chà đạp, vùi dập các ca sĩ khác không thương tiếc.
Rõ ràng, mọi giá trị âm nhạc đang dần bị đảo lộn bởi sự du nhập của một từ ngữ Tây phương, kéo theo những quan điểm nghệ thuật lệch lạc. Chẳng đâu như Việt Nam, nữ ca sĩ nào cũng có thể là diva, chỉ cần có một lượng fan hâm mộ sẵn sàng tranh giành danh hiệu cho họ.
Như vậy, việc lạm dụng danh xưng diva một cách vô tội vạ có tác hại rất lớn cả trên thế giới và ở Việt Nam, thay đổi nghệ sĩ lẫn công chúng, thui chột thẩm mỹ nghe nhạc và tư duy âm nhạc. Diva hay không là chuyện của lịch sử và số phận, nó đến một cách tự nhiên và khi nào đến sẽ đến, đừng lạm dụng một cách cố đấm ăn xôi.
Theo Đức Long/ Vietnamnet
Đông Nhi hội ngộ Giang Hồng Ngọc tại Bài hát yêu thích
Giải đặc biệt và giải vàng của The Remix cùng trình diễn trong chương trình Bài hát yêu thích diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/6.
Đông Nhi trình diễn ca khúc Vì ai vì anh của nhạc sĩ trẻ Đỗ Hiếu. Tổng đạo diễn chương trình Bài hát yêu thích Việt Tú khẳng định đây chắc chắn là một trong những phần trình diễn hấp dẫn và đáng xem nhất trong live show tháng 6.
Trong khi đó, Giang Hồng Ngọc thể hiện ca khúc Giây phút cuối - món quà mà nhạc sĩ Dương Khắc Linh viết riêng cho giọng hát của cô. Đúng như lời Hồ Ngọc Hà từng nhận xét, quán quân X Factor là một trong những ca sĩ nữ có giọng hát chắc chắn và kỹ thuật nhất showbiz Việt hiện tại. Những màn trình diễn của cô dù cho có vũ đạo hay không, giọng hát vẫn luôn là dấu ấn nổi bật nhất.
Đông Nhi mang ca khúc Vì ai vì anh lên sân khấu Bài hát yêu thích tháng 6.
Nhóm Ayor luôn mạo hiểm khi chọn lựa những ca khúc khó, hoặc đã quen thuộc với khán giả và trình diễn theo một phong cách khác, phù hợp với tính chất của một nhóm nhạc. Xuất hiện trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 6, nhóm hát lại ca khúc Chỉ là giấc mơ từng được Uyên Linh trình diễn thành công trên sân khấu Vietnam Idol.
Vũ Cát Tường trở lại Bài hát yêu thích với ca khúc Phai. Đây là bài hát mà nữ ca sĩ ưng ý nhất trong album Giải mã. Phai đánh dấu sự lột xác của Vũ Cát Tường trong hình ảnh: từ cá tính pha lẫn ngọt ngào trở nên gai góc, sôi động và thời thượng hơn.
Trung Quân Idol và Ái Phương sẽ có cuộc hội ngộ đầy thú vị trên sân khấu. Ái Phương trình diễn Trót yêu - ca khúc từng được cô giao cho Trung Quân Idol thể hiện. Trong khi đó, Trung Quân Idol hát Xin mưa rơi nhanh - một sáng tác của SlimV, chàng trai DJ nổi tiếng từng gắn bó với Sơn Tùng M-TP trong chương trình The Remix.
Sau thời gian tạm xa sân khấu ca nhạc để thực hiện thiên chức làm mẹ, Khánh Linh trở lại với Cây vỹ cầm. Ca khúc được nhạc sĩ Lê Yến Hoa viết như được "đo ni đóng giày" cho giọng hát trong trẻo của nữ ca sĩ sinh năm 1983.
Hà My trình diễn một ca khúc do chính cô sáng tác mang tên Tình cho muộn phiền. Phong cách pop/rock rất hợp để nữ ca sĩ khoe chất giọng trầm cũng như hình ảnh biến hoá trên sân khấu.
Phần trình diễn cuối cùng thuộc về Minh Thu với ca khúc Không thể và có thể. Minh Thu được biết đến như một trong những ca sĩ hát thành công những ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương trong nhiều năm qua. Cách hát của Minh Thu với Không thể và có thể không có quá nhiều gào thét, hay những đoạn gằn như các bản diễn trước mà nữ tính và chất chứa nhiều tâm sự, trầm buồn.
Ở phần ca sĩ của tháng, diva Trần Thu Hà sẽ hát một trong 5 ca khúc Dệt tầm gai, Sắc màu, Tình ca, Biết mãi là bao lâu, Phố nghèo.
Theo Zing
Hà Trần, Uyên Linh biến nhạc của Trần Tiến thành 'món lẩu' Chứng kiến cháu gái kết hợp ba ca khúc "Chị tôi - Sao em nỡ vội lấy chồng - Tạm biệt chim én", nhạc sĩ Trần Tiến nhận xét, ông thấy nó vừa hay vừa buồn cười. Tối 3/6, nhạc sĩ Trần Tiến hội ngộ khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm nhạc mang tên Phiêu bạt... trở...