Khẩn cấp đề nghị dừng chuyến bay từ 10 nước châu Phi có biến chủng Omicron
Không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi có chủng mới Omicron; cấm nhập cảnh vào Việt Nam với hành khách đã qua 10 nước châu phi trong 30 ngày.
Thông tin trên được Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 8706 giao các Bộ ngành tăng cường công tác kiểm soát biến chủng Omicron. Thủ tướng giao Bộ GTVT và các Bộ ngành kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này.
Để chủ động ứng phó, kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới vào Việt Nam từ các quốc gia khác, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam, gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia; cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.
Hành khách đã qua 10 nước châu phi trong 30 ngày bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam (Ảnh: TTXVN).
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron như Hàn Quốc, Nhật Bản; kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Video đang HOT
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến và đề nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không để thông báo kịp thời cho Bộ Y tế, cơ quan y tế của địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này vào nước ta.
Nhiều nước trên thế giới đang chạy đua ngăn chặn biến thể mới Omicron, trong đó Israel cho biết sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả khách nước ngoài, Liên minh châu Âu (EU) thúc giục 27 nước thành viên hạn chế đi lại tới các quốc gia phía Nam châu Phi và nhiều nước EU đã ra các quyết định tương tự.
Tại khu vực châu Á, từ ngày 3/12, tất cả khách đến Singapore bằng đường hàng không, bao gồm cư dân của nước này và người quá cảnh tại sân bay Changi sẽ phải tuân thủ quy định xét nghiệm nghiêm ngặt; tạm hoãn triển khai chương trình đi lại dành cho người đã tiêm vaccine với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 1/12, Bộ Y tế Malaysia thông báo sẽ tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ các quốc gia có ca nhiễm biến thể Omicron hoặc được xem là có nguy cơ cao với biến thể này gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi; Malaysia cũng dự kiến cấm nhập cảnh những khách từ các quốc gia có biến chủng Omicron như Hồng Kông, Anh, Australia và một số khu vực khác.
Bộ Y tế Thái Lan cũng đã đưa ra các hạn chế nhập cảnh với người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Từ ngày 1/12, Thái Lan cấm hoàn toàn người nhập cảnh đến từ các quốc gia này.
Ngày 28/11, Hàn Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 8 quốc gia châu Phi, bao gồm: Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Người đã tiêm vaccine từ các quốc gia khác phải nộp bản cứng kết quả xét nghiệm PCR khi đến, sau đó làm xét nghiệm thứ hai tại trung tâm y tế công cộng địa phương và tự cách ly tại nơi cư trú cho đến khi nhận được kết quả.
Các quốc gia khác như Nhật Bản, Campuchia… đều đã áp dụng các biện pháp cấm nhập cảnh khách đến từ một số nước châu phi; những du khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 3 tuần trước khi vào Campuchia.
Nhiều giải pháp chống tăng giá vé vận tải dịp Tết
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định về kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
Đáng chú ý, tại kế hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra một loạt giải pháp quản lý giá vé dịp Tết.
Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, năm 2021, những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải. Hầu hết doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải đã phải ngừng hoạt động.
Bộ Giao thông Vận tải luôn chủ động và giải quyết những vấn đề thuộc ngành quản lý, kịp thời đôn đốc địa phương, các đơn vị trong ngành thực hiện thống nhất, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ nhằm từng bước khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết, không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển và hạn chế các hiện tượng chèn "ép" giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; chậm chuyến, hủy chuyến trong vận tải hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vân tải trong dịp Tết của đơn vị; lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết. Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.
Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.
"Cần chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé. Đồng thời, có biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải; tuân thủ "Thông điệp 5K", khai báo y tế theo quy định", Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.
Các đơn vị kinh doanh vận tải khách bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số địa phương có hiện tượng nhiều "xe dù, bến cóc", xe quá tải.
"Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện an toàn về hạ tầng, an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, chống ùn tắc trên các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các trạm thu phí BOT; chỉ đạo nhà đầu tư BOT mở barie để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí", Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nhâm Dần năm 2022...
Hành khách tham gia vận tải không phải xét nghiệm Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành hướng dẫn tạm thời mới về tổ chức vận tải 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và gắn liền với phạm vi đánh giá cấp độ...