Khám phá “viên ngọc” Cù Lao Xanh
Cách đất liền hơn 20 km, xã đảo Nhơn Châu, còn gọi là Cù Lao Xanh, thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về QP – AN, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn được mệnh danh là “viên ngọc xanh” với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, thơ mộng với không gian xanh bất tận, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mỗi dịp ghé thăm.
Một góc trung tâm đảo Nhơn Châu.
Kỳ nghỉ Hè năm nay, gia đình anh Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nội) chọn đặt tour khám phá Cù Lao Xanh 2 ngày 1 đêm để giúp các con thỏa sức khám phá thiên nhiên. Đi tàu siêu tốc ra đảo từ sáng sớm, gia đình anh Hùng đã tham quan và tìm hiểu về ngọn hải đăng, cột cờ Thanh niên; lặn ngắm san hô, tắm biển, đốt lửa trại và thưởng thức bữa tối thú vị bên bờ biển với các món ăn đặc sản của địa phương. Anh Hùng chia sẻ: “Cù Lao Xanh là hòn đảo xinh đẹp, chúng tôi thỏa sức thả mình trong làn nước biển xanh ngắt, êm đềm; mỗi khung cảnh đều là background check – in siêu đẹp; đồ ăn tươi, ngon, người dân thân thiện”.
Cù Lao Xanh có diện tích trên 362 ha với 608 hộ dân và trên 2.190 nhân khẩu. Bãi trước là bờ biển, cát trắng mịn trải dài mênh mông, bãi sau là những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau hướng ra biển với những hình thù ấn tượng. Trên đảo có ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1890, hoàn toàn bằng đá, giúp định hướng cho ngư dân đi biển, cũng là biểu tượng, niềm tự hào của người dân xã đảo. Ngay cạnh hải đăng là cột cờ Thanh niên, được xây dựng năm 2015, là một trong những cột cờ Tổ quốc tiêu biểu được xây dựng trên các đảo của nước ta, có ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia. Từ hải đăng và cột cờ Thanh niên, du khách phóng tầm mắt, chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của Cù Lao Xanh, hoặc thức dậy từ sáng sớm đón ánh bình minh tuyệt đẹp; ngắm nhìn hoàng hôn trên biển với những chiếc thuyền con dập dềnh sóng nước, ngắm nhìn cuộc sống của những người dân làng chài dung dị, bình yên.
Nghề nuôi cá lồng trên Cù Lao Xanh
Trước đây, chưa có điện lưới, phương tiện ra đảo ít, thời tiết khắc nghiệt, người dân trên đảo chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản nhưng tàu, thuyền ít, công suất nhỏ, thô sơ nên chỉ đánh bắt ngư trường ven bờ, sản lượng kém, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Phần lớn thanh niên rời đảo vào đất liền kiếm việc làm nên người ta gọi Cù Lao Xanh là “đảo người già”. Nhưng những năm gần đây, Cù Lao Xanh đã được “đánh thức” khi Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu hoàn thành vào năm 2020; du lịch (DL) phát triển mạnh mẽ; người dân đầu tư nuôi và chế biến thủy, hải sản; thanh niên trở về đảo lập nghiệp.
Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản của xã đạt 525, đạt 116% kế hoạch. Toàn xã có 57 hộ nuôi thủy sản với 221 lồng, bè; tổng giá trị thủy sản đang thả nuôi ước đạt trên 7 tỷ đồng; tổng giá trị nông, lâm, thủy sản đạt 33 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người đạt 56,2 triệu đồng/năm. Hiện nay, có 6 hộ phát triển cơ sở chế biến thủy, hải sản với các sản phẩm nổi tiếng như: Chả cá, nước mắm, cá khô, mực, rong biển và thủy sản tươi sống các loại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Xã đạt 5/19 tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao và chỉ còn 8 hộ nghèo.
Cá về buổi sáng.
Mặc dù là xã đảo, nhưng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện xã đã cung cấp thủ tục hành chính đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 57,4%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả điện tử đạt 70,34%; thanh toán điện tử trực tuyến đạt 86,18%.
Đặc biệt, phát huy lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, Cù Lao Xanh chú trọng phát triển mạnh mẽ DL. Toàn xã có 13 hộ kinh doanh dịch vụ DL, lưu trú. Năm 2022 thu hút trên 10.800 lượt du khách. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ, DL đạt trên 26 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2023, thu hút trên 6.550 lượt khách. DL tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương, trong đó phụ nữ phát huy sự chăm chỉ, khéo léo, chế biến nhiều món ăn ngon, thanh niên dẫn tour, chụp ảnh cho khách; đàn ông kiên trì bám biển, đánh bắt, nuôi thủy, hải sản phục vụ DL. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị, lợi thế của Nhơn Châu để phát triển đảo này thành một trong những trung tâm DL biển đảo của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thiêng, người làm DL lâu năm nhất ở Cù Lao Xanh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi buôn bán nhỏ lẻ, nhưng từ ngày có chủ trương của xã về phát triển DL và có nhiều du khách ghé thăm đảo, gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng cơ sở lưu trú, phối hợp với một số công ty DL trong thành phố Quy Nhơn để đón khách. Hiện nay, mỗi ngày tôi đón gần 100 du khách đến tham quan đảo và đặt bàn ăn trưa, trong đó nhiều du khách lưu trú qua đêm; việc phát triển DL giúp gia đình có thêm thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương”.
Là hướng dẫn viên DL, nhiều lần đưa du khách ra Cù Lao Xanh, chị Hồ Thị Hồng tâm sự: “Cù Lao Xanh đẹp và bình yên, mỗi lần ra đảo là một cảm nhận mới, khám phá mới. Con người nơi đây hiền lành, chất phát, làm DL tận tình, phục vụ khách chu đáo, khách em dẫn ra đảo đều rất hài lòng. Nhưng phát triển DL còn nhỏ lẻ, cần đầu tư thêm nhiều tàu ra đảo, xây dựng thêm các cơ sở lưu trú và tăng cường quảng bá hình ảnh để nhiều người biết và đến với Cù Lao Xanh nhiều hơn”.
“Bình Định có núi Vọng Phu, Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”, câu ca khẳng định những địa danh nổi tiếng ở Bình Định gắn liền với lịch sử hào hùng và thiên nhiên tươi đẹp. Ở đó, có một Cù Lao Xanh vừa sừng sững đón phong ba, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; vừa dịu êm bên bờ cát trắng và dung dị, bình yên, yêu mến đến lạ thường.
Video đang HOT
Bình Liêu: Khám phá "viên ngọc" miền biên cương Tổ quốc
Khi nhắc tới Quảng Ninh, phần nhiều du khách sẽ nhớ tới vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Tuy nhiên, nơi đây còn ẩn giấu một hòn ngọc xanh mướt, ôm trong mình cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những sắc màu văn hóa dân tộc độc đáo nơi miền biên cương Tổ quốc. Đó chính là huyện Bình Liêu.
Hoàng hôn trên ruộng bậc thang thôn Cao Thắng, Bình Liêu (Ảnh: Nguyễn Thành Trung)
Bình Liêu là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270 km. Để tới Bình Liêu, du khách có thể đi bằng ô tô theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, đi tiếp theo hướng Quốc lộ 18 và 18C là đến nơi.
Huyện Bình Liêu là điểm đến còn khá hoang sơ nhưng lại là nơi lý tưởng cho du khách tận hưởng hết tất thảy đặc trưng của thiên nhiên núi rừng, nơi biển gặp núi, nơi được bao phủ bởi núi non hùng vĩ, thác nước thơ mộng và bồng bềnh mây trôi. Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hứa hẹn trở thành 'nàng thơ' mới cho những tín đồ 'ưa xê dịch' tới khám phá.
Dù tới Bình Liêu vào thời điểm nào trong năm, du khách cũng được tận hưởng và trải nghiệm những đặc trưng của huyện miền biên cương này. Mùa xuân là thời điểm cho du lịch tâm linh, là dịp tham gia các lễ hội đặc sắc như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên. Mùa hè với những thác nước cuồn cuộn và ruộng bậc thang xanh mướt mắt, và để chứng kiến một "nàng thơ" Bình Liêu đỏng đảnh chỗ nắng, chỗ mưa, đi mấy bước là trời quang mây tạnh, bước thêm bước thứ hai là mưa rào tí tách. Vào mùa thu đông, cỏ lau phủ khắp một vùng trời biên cương rộng lớn, với mùa thu hoạch và dịp lễ hội hoa sở - loài hoa đặc trưng của Bình Liêu và là loài hoa duy nhất nở vào mùa đông, cùng lễ mừng cơm mới, thưởng thức phong hương lá đỏ.
Bà con dân tộc Dao tại Lễ hội Hoa Sở Bình Liêu (Ảnh: Bùi Bích Thủy)
Các điểm du lịch hấp dẫn ở Bình Liêu
Đình Lục Nà
Đình Lục Nà (Ảnh: TITC)
Đình Lục Nà được lấy từ tên Bản Lục Nà thuộc xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh ngày 18/7/2005. Đình Lục Nà là nơi thờ thành hoàng làng là ông Hoàng Cần, một vị tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người dân địa phương. Tới đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về những mốc son lịch sử cách mạng của huyện Bình Liêu.
Ruộng bậc thang mùa lúa chín
Ruộng bậc thang tại Bình Liêu (Ảnh: Hoàng Đức Bằng)
Tháng 10 hàng năm là thời điểm Bình Liêu trở nên thơ mộng cùng hương thơm ngọt ngào của hương lúa, màu vàng trải dài trên những cánh ruộng bậc thang. Du khách muốn tận hưởng cảnh sắc Bình Liêu mùa lúa chín không nên bỏ qua một số địa điểm sau: Các bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn), nằm ở sườn tây núi Cao Xiêm, cách Quốc lộ 18C khoảng trên 3km. Ngoài ra, bản Sông Moóc và Khe Tiền (xã Đồng Văn), bản Ngàn Cậm, Cao Sơn, xã Hoành Mô là những địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng Bình Liêu vào vụ lúa chín vàng.
Thác Khe Vằn
Thác Khe Vằn (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn - Thông Châu với độ cao địa hình khoảng 330m, thuộc huyện Bình Liêu. Thác Khe Vằn nằm ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Thác nước với 3 tầng nước chảy với độ cao khoảng 100m, đổ xuống trắng xóa giữa rừng cây, bên dưới là những tảng đá lớn, hai bên là vách đá phủ rêu phong. Bao quanh Thác Khe Vằn là rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm đến tham quan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên rừng núi, suối trong mát.
Cửa khẩu Hoành Mô
Ảnh: TITC
Mốc 1317 (Ảnh: TITC)
Cửa khẩu Hoành Mô, một trong những cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến Hoành Mô, du khách có thể kết hợp được tham quan mốc 1317 nằm bên phía Việt Nam.
Mốc 1305 và Sống lưng khủng long
Đường tuần tra biên giới Bình Liêu (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Sống lưng khủng long chụp từ Mốc 1305 (Ảnh:Nam Hoàng)
Cột mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu, là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh. Đường tới Mốc 1305 uốn lượn, ôm núi, đây là công trình do bộ đội biên phòng huyện Bình Liêu thực hiện. Đây cũng là đoạn đẹp nhất của con đường lên mốc. Sống lưng Khủng Long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305. Sống lưng Khủng long chính là cung đường trekking lý tưởng với hơn 2.000 bậc thang và dốc, cùng 3 trạm nghỉ dừng. Đi vượt qua Sống lưng Khủng long khoảng 2 giờ du khách sẽ đến được mốc.
Bên cạnh đó, mốc 1300, 1302, 1317 và 1327 là những cột mốc đẹp và thiêng liêng không thể bỏ qua khi đến Bình Liêu.
Núi Cao Ly
Biển mây Cao Ly (Ảnh: Cấn Đình Loan)
Cao Ly là dãy núi cao trải dài với diện tích trên 40 km2 với 8 đỉnh cao hơn 1.000 m thuộc huyện biên giới Bình Liêu. Đây là một điểm cắm trại, dã ngoại phù hợp cho các nhóm bạn trẻ hoặc gia đình. Thời điểm từ tháng 7 tới cuối tháng 10, du khách sẽ được thưởng thức sắc tím của hoa mua nở muộn, trải dài bao phủ các vạt đồi và săn biển mây.
Tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Bà con dân tộc Dao trong sắc áo đỏ họa tiết thêu hoa đặc trưng tại phiên chợ vùng cao (Ảnh: Phạm Long)
Chợ phiên ở trung tâm thị trấn huyện Bình Liêu (Ảnh: Hoàng Đức Bằng)
Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa... Du khách tới với Bình Liêu sẽ có cơ hội hòa mình vào bản sắc văn hóa của người dân nơi đây, mặc lên mình các bộ trang phục đồng bào nổi bật với nhiều họa tiết và màu sắc rực rỡ. Cuối tuần ghé Bình Liêu, du khách có cơ hội dạo chợ phiên ở trung tâm thị trấn hay chợ xã Đồng Văn. Chợ họp vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, bà con khắp thôn bản từ những xã huyện lân cận cũng mang hàng hóa, nông lâm sản về chợ trao đổi buôn bán. Lá tắm, dược liệu chữa bệnh của đồng bào dân tộc, mật ong rừng, măng rừng... là những mặt hàng đặc trưng tại chợ phiên vùng cao này.
Đặc sản Bình Liêu
Du khách tới Bình Liêu đừng bỏ qua các món ngon đặc trưng của vùng núi miền biên cương này như Miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, rượu rễ cây, rượu bao thai, cháo hoa nấu từ gạo bao thai, đỗ Mèo, măng rừng xào, dầu Sở...
Khám phá 'viên ngọc' Đồng Hới Ngoài hệ thống hang động hùng vỹ, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) còn nhiều điểm đến có khung cảnh đẹp để du khách trải nghiệm trong hè này. Thành phố Đồng Hới thu hút du khách bởi những điểm đến đẹp. Ảnh: @phuonganh.h_29. Nhắc đến Quảng Bình, hiện lên trong đầu du khách là những hang động hùng vĩ như Sơn Đòong,...