Khám phá phong vị ẩm thực Tây Bắc tại Ajinomoto Cooking Studio
Nói đến ẩm thực Tây Bắc chinh phục thực khách bởi sự tươi ngon và thuần khiết không thể không kể đến Pa pỉnh tộp – món ăn cổ truyền của dân tộc Thái. Trong tiếng Thái, Pa nghĩa là cá, Pa pỉnh tộp có thể hiểu nôm na là cá nướng. Điểm hấp dẫn của món ăn trứ danh này nằm ở sự kết hợp hài hòa của nguyên liệu gồm cá suối và các loại gia vị tự nhiên của rừng núi.
Pa pỉnh tộp thường được bày trên tàu lá chuối cùng các loại rau thơm, kích thích vị giác của thực khách.
Cá suối được chọn có thể là cá chép, cá trôi hay cá trắm, mang vị ngọt tự nhiên và tươi. Sau khi làm sạch và mổ dọc sống lưng, khía những đường song song lên mình cá, người Thái ướp và nhồi vào bụng cá các loại gia vị bao gồm gừng, sả, rau thơm, ớt,… và một thứ gia vị đặc trưng hương vị ẩm thực Tây Bắc chính là mắc khén.
Hạt mắc khén không cay nồng như tiêu, chỉ mang mùi hương nồng dịu và vị cay cay, tê tê trên đầu lưỡi, cùng hậu vị ngòn ngọt, tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn, nhất là các món chiên và nướng, mê hoặc thực khách từ lần nếm đầu tiên.
Mắc khén rừng Tây Bắc – loại gia vị tạo nên sức hút khó cưỡng của ẩm thực nơi đây.
Không cần phải lên tận Tây Bắc xa xôi để nếm món ăn trứ danh này, các bạn trẻ ở Hà Nội vừa được đầu bếp tại Trung tâm hướng dẫn thực hành nấu ăn Ajinomoto Cooking Studio hướng dẫn cách chế biến Pa pỉnh tộp với chút biến tấu nguyên liệu, đó là thay thế cá suối bằng cá rô phi. Pa Pỉnh Tộp sẽ hoàn thiện sau 3 bước đơn giản:
Video đang HOT
Bước 1: Nhồi tất cả nguyên liệu rau củ được băm nhỏ (thì là, húng chó, húng bạc hà, ớt sừng, sả củ, hành khô và hạt mắc khén) vào trong bụng cá, xát đều trong bụng, trong mang cá cho thấm. Bên ngoài khía qua thân cá, sau đó xát đều hỗn hợp gồm hành băm, sả băm, hạt mắc khén, muối hạt và bột ngọt AJI-NO-MOTO.
Bước 2: Làm nóng lò ở nhiệt độ 250oC và nướng cá trong khoảng 18 phút đến khi lớp da cá vàng giòn.
Bước 3: Pha chẩm chéo: Hòa tan hỗn hợp gồm bột canh Ajinomoto, hạt tiêu, ớt hiểm băm nhuyễn cùng một ít gia vị và nước ướp trong bụng cá sau khi nướng.
Các học viên hăng hái bắt tay vào chế biến đặc sản Tây Bắc sau hướng dẫn của đầu bếp.
Khi khía qua thân cá thường chỉ khía khoảng 30mm để gia vị ngấm đều; lúc nhồi nguyên liệu vào bụng cá nên dàn đều ra, rắc thêm chút muối và mắc khén vào phần thân ngoài của cá. Sau khi đã cho đủ gia vị, gập ngang thân cá sao cho phần đầu và phần đuôi cá chụm lại với nhau rồi mới đem nướng. Khi thấy cá thơm, phần ngoài vàng rộm là cá đã chín. Món ăn cũng sẽ ngon hơn khi bày trên tàu lá chuối, dùng kèm rau rừng, xôi nếp rượi ngô và dùng bằng tay.
Thế lâm
Theo laodong.vn
Từ một loại quả chẳng ai ăn, người Tây Bắc lại chế ra món gây sốt cả Hà Nội
Vừa chua, vừa cay, vừa chát, ấy thế mà món ăn này lại được rất nhiều chị em yêu thích, đến mùa là tìm mua bằng được đó.
Mùa này, các chị em cuồng ăn vặt hẳn là sẽ biết đến món bắp cải cuộn nhót xanh nhỉ? Vì nhót xanh đang vào mùa mà, nhót lại còn nhanh to, nhanh chín nên muốn ăn món này thì phải tranh thủ mới được.
Mấy năm nay, cứ vào khoảng thời gian này, bắp cải cuộn nhót xanh lại được nhiều người săn lùng, nhất là ở Hà Nội. Nhưng bạn có biết, thật ra trước đây chẳng mấy ai thích quả nhót xanh vừa chua vừa chát này, cho đến khi "cập nhật" được từ các đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc món bắp cải cuộn nhót xanh vừa lạ miệng và hấp dẫn.
Với nhiều tỉnh vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, vào mùa nhót xanh, ở chợ còn có những hàng bán đầy đủ luôn combo nhót xanh và các loại rau ăn kèm như bắp cải, rau mùi, tỏi tươi, quả mắc sim... chẳng thiếu thứ gì.
Quả nhót xanh tốt nhất nên chọn quả bánh tẻ vừa phải, không non quá vì chưa đủ chua, cùng không già quá thì ăn mới ngon, hạt nhót chưa cứng nên ăn không bị bã. Độ chua, độ chát của quả nhót cũng vừa vặn, dễ ăn hơn và ngon hơn.
Đặc biệt, tuy không phải nhân vật chính nhưng những nguyên liệu ăn kèm vẫn vô cùng quan trọng. Có tới gần 10 thứ bao gồm lá bắp cải, tỏi tươi, rau mùi, bạc hà, củ đậu, quả mắc sim, gừng, muối ớt, mắc khén, muối...
Quả mắc sim (hay mắc sin) là một loại quả có ở vùng núi phía Bắc, cũng hơi chua và chát, vị lạ, để cuộn vào kèm thì ăn sẽ lạ hơn. Tuy nhiên, khi món ăn này "lạc trôi" về Hà Nội, do không có quả mắc sim nên thường thì nguyên liệu này sẽ bị gạch tên nhưng dù vậy thì món nhót xanh cuộn bắp cải vẫn ngon và hấp dẫn.
Cách pha nước chấm ở mỗi nơi sẽ có một chút khác biệt. Đơn giản thì sẽ pha muối (bột canh), ớt bột, mắc khén rồi thêm một chút nước vào và khuấy đều lên. Thế nhưng, để thật sự ăn ngon đúng điệu thì phải bỏ công làm cầu kỳ hơn để tạo nên một bát chẩm chéo (chẳm chéo): là sự hoà quyện của tỏi khô, gừng, ớt, rau mùi... Tất cả cho vào giã nhuyễn rồi trộn với một chút mắm, muối hoặc mì chính.
Khi ăn, chúng ta sẽ bổ đôi quả nhót, cắt lát gừng, quả mắc sim. Dùng lá bắp cải non, cho các nguyên liệu vào giữa, cuộn lại rồi chấm với đồ chấm đã pha sẵn. Món ăn hoà quyện giữa vị chua, chát, cay, tê, mặn, ngọt... Mỗi lần ăn là quắn quéo, xuýt xoa, mắt nhắm nghiền... rồi thậm chí còn chảy cả nước mắt nhưng lại cuốn vô cùng.
Mùa nhót xanh sắp hết rồi, ai đam mê món này thì hãy tranh thủ mà ăn đi. Ai chưa từng ăn thì sao không thử một lần nhỉ, biết đâu lại rất thích đó!
Theo Trí Thức Trẻ
Năm Kỷ Hợi thưởng thức bún bò giò heo xứ Huế Bún bò Huế, hay bún bò giò heo xứ Huế là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012 và lọt vào Top 10 đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Thơm ngon và cay nồng Sáng sớm ngủ dậy, tôi thường đến quán o Hương ở đường Chi Lăng, đoạn gần...