“Khám phá” những xe giải cứu thanh long giá siêu rẻ trên đường phố Hà Nội
Không xuất được sang Trung Quốc, nhiều xe thanh long đã quay đầu, dừng mỗi tỉnh vài ngày bán xả hàng mong vớt vát tiền vốn.
Dù bán với giá siêu rẻ, khi về đến Hà Nội, phần lớn các xe vẫn còn 70% hàng.
Thanh long “la liệt” trên đường phố Hà Nội
Câu chuyện giải cứu hoa quả tắc biên đã kéo dài suốt gần 1 tháng nay vẫn chưa có hồi kết, dù ngày Tết Nguyên đán đã cận kề. Vài ngày nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 không thể xuất khẩu qua biên giới, các xe lớn chở thanh long đã quay đầu về xuôi bán xả hàng với số lượng lớn, mong thu hồi phần nào thiệt hại để về nhà ăn Tết.
Tại khu vực biên giới Lạng Sơn, giá thanh long loại đẹp vẫn đang được bán ở mức 100.000-200.000 đồng/thùng (thùng 17-18 kg). Tính ra, mỗi cân thanh long vẫn có giá 11.000 đồng. Thế nhưng, loại hàng xấu, chín quá, có giá rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo anh Phan Văn Tâm (TP Lạng Sơn), một người chuyên kinh doanh hoa quả, mỗi tiểu thương bán xả thanh long theo một giá khác nhau, không có mức chung; bởi thanh long có nhiều loại. Hơn nữa, nông sản nhanh hỏng, tắc biên mãi đổ đi không được tiền mà còn mất chi phí vận chuyển, tiền thùng, lương công nhân…
Giải cứu thanh long ruột đỏ (Ảnh: Thế Hưng)
“Thanh long không sang được Trung Quốc thì phải bán vội, nếu quả thối là mất trắng. Do đó, tiểu thương trên đường về sẽ dừng mỗi tỉnh một vài ngày để xả hàng. Hoa quả từ Lạng Sơn về sẽ bán lần lượt từ hàng đẹp trước, hàng kém chất lượng hơn sẽ xả ở Hà Nội”, anh Tâm cho hay.
Tính chất hàng nông sản không để được lâu, quả càng chín thì giá càng thấp. Theo anh Tâm, tận dụng thời điểm này, một số tiểu thương đã gom thanh long xả hàng của các tiểu thương trên biên giới rồi đưa về bán tại Hà Nội. Vì thế mới xuất hiện những xe container lớn dừng bán xả thanh long dọc đường phố Hà Nội những ngày qua.
Xe container mở thùng với la liệt thanh long xếp đầy vỉa hè đường Giải Phóng ngày 26/1 (Ảnh: Thế Hưng).
Video đang HOT
Theo một lái xe container, thanh long được vận chuyển từ Long An ra biên giới nhưng do tắc biên nên đành quay đầu bán xả hàng. Dọc đường về, thanh long đã được bán thanh lý tại nhiều địa điểm nhưng khi về tới Hà Nội vẫn còn tới 70% hàng trong container, dù giá bán chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.
Nếu bán hết hàng với mức giá trên, 20 tấn thanh long thu về được 100 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để lái xe bù đắp vào tiền cước 70 triệu đồng và chi phí bảo quản lạnh suốt thời gian xe nằm chờ ở biên giới (chi phí bảo quản lạnh mỗi ngày lên tới 1-2 triệu đồng).
Đề phòng “giải cứu” nhầm hàng loại
Đã qua cao điểm, nhưng hiện nay tại Hà Nội lại xuất hiện một số xe container, xe tải chở thanh long treo biển giải cứu. Điểm đặc biệt của các xe này là mỗi thùng thanh long có một nhãn mác, vỏ thùng khác nhau.
Cách đóng gói bằng băng dính cho thấy đây không phải là hàng đẹp (Ảnh: Thế Hưng).
Theo anh T.P., một người chuyên buôn hoa quả tại Lạng Sơn, thanh long hàng đẹp sẽ được đóng thùng cùng nhãn mác, chủng loại và có đai cố định. Nếu hàng từ container xếp xuống vỉa hè, vỏ thùng dán băng dính và loạn chủng loại là hàng xấu, có thể sắp hỏng.
Vì theo anh P., thanh long loại đẹp phải đóng cửa để trong xe để chạy lạnh. “Thời điểm này, cũng nhiều người tranh thủ cơ hội để làm ăn. Những người cần giải cứu thật vừa khổ, vừa mang tiếng”, anh P. nói và thông tin thêm, một số dân buôn đi mua thanh long hàng không đẹp, giá cực rẻ và tự nhập vỏ thùng về đóng để bán như hàng giải cứu.
Hàng xấu lẫn lộn (bên trái) và hàng đẹp xuất khẩu (bên phải) đang có cùng mức giá xả hàng (Ảnh: Thế Hưng).
Hàng đẹp xuất khẩu đóng túi bóng từng quả, thùng cứng có ngăn tránh dập gãy quả (ảnh trên); hàng xấu là thanh long tai vàng, chưa được rửa sạch (ảnh dưới) (Ảnh: Thế Hưng).
Để tránh “giải cứu” nhầm đồ hỏng không ăn được, anh P. đưa ra lời khuyên, giá hiện đã rất rẻ nên người mua không cần so sánh giá. Thanh long đẹp sẽ có da hồng nhẵn, tai xanh, quả to và căng mọng. Nếu tai quả đã ngả vàng thì cần ăn ngay, còn tai thanh long đã chuyển đỏ thì đã chín quá, sắp thối.
Ngoài ra, người mua nên lựa chọn các xe đóng hàng cùng chủng loại đều nhau, có đai thùng để tăng độ tin tưởng.
Việc giải cứu nông sản thể hiện tinh thần đùm bọc, sẻ chia khó khăn của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng nên cảnh giác với những dân buôn lợi dụng tinh thần tương thân tương ái đó để trục lợi.
Thiếu nguồn cung từ Việt Nam, giá một loại quả ở Trung Quốc tăng vọt, lại còn khan hiếm
Theo freshplaza.com, giá thanh long tại Trung Quốc đã tăng đáng kể sau khi nguồn cung từ Việt Nam bị hạn chế do việc siết kiểm soát xuất nhập khẩu để phòng chống dịch Covid-19.
Hạn chế nhập từ Việt Nam, giá thanh long tại Trung Quốc tăng cao
Cụ thể, theo thông tin từ freshplazacom, giá thanh long tại Trung Quốc lên đến 10-12 nhân dân tệ/kg, tương đương 35.642- 42.770 đồng/kg, cao hơn 2 nhân dân tệ/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam, thời điểm quý I hàng năm, Trung Quốc thường tăng tốc mua thanh long từ Việt Nam để phục vụ Tết Nguyên đán.
Đơn cử như quý I/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt 301,8 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong năm 2021, giá trị xuất khẩu thanh long đạt khoảng 1 tỉ USD, chiếm khoảng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của trái thanh long.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit (Long An) nhận xét, Việt Nam có lợi thế rất lớn nhờ gần thị trường lớn 1,4 tỉ dân và có khả năng chi trả cao.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Một điểm sơ chế thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Ảnh: Báo Bình Thuận.
"Chúng ta xuất khẩu thanh long sang 50 nước không bằng lượng xuất qua Trung Quốc, có thị trường xuất khẩu cả năm không bằng bán cho Trung Quốc trong 2 ngày" - ông Huy nói.
Có một vấn đề đáng lưu ý là hiện nay Trung Quốc cũng đang mở rộng diện tích trồng thanh long. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến năm 2020, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tăng hơn 10 lần trong vài năm gần đây.
Điều này cũng có thể khiến thanh long Việt Nam chịu tranh tranh gay gắt hơn ở thị trường này.
Tăng cường tiêu thanh long ở thị trường nội địa, giảm phụ thuộc Trung Quốc
Trước việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp khó khăn, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương và bộ ngành liên quan xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng cũng như chú trọng, giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid - 19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.
Hướng dẫn UBND các tỉnh rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu mà đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.
Chỉ đạo doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi hiện đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh thông tin tới thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại.
Hướng dẫn nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.
Loay hoay gỡ tắc nông sản ở biên giới Lạng Sơn Quan điểm phòng chống dịch Covid-19 có sự khác biệt giữa VN và Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc dồn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có, cũng chưa có giải pháp rõ ràng để tháo gỡ. Đến trưa 20.12 vẫn còn gần 4.600 xe hàng hóa,...