Khám phá những nét độc đáo của di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)
Mảnh đất Vĩnh Lộc, Thanh Hóa có một quần thể du lịch tâm linh nằm ngay trong khu vực Thành nhà Hồ và các vùng lân cận.
Đó là các quần thể như đàn tế Nam Giao, đền thờ nàng Bình Khương, đền thờ Trần Khát Chân, động Hồ Công, chùa Du Anh, quần thể di tích Phủ Trịnh-Nghè Vẹt, chùa Giáng và các ngôi nhà cổ điển hình cho lối kiến trúc, điêu khắc của cư dân đồng bằng sông Mã.
Với lợi thế này, ngành du lịch Thanh Hóa đặc biệt chú trọng gắn loại hình du lịch văn hóa với du lịch tâm linh để thu hút du khách đến với di tích tòa thành đá “độc nhất vô nhị” này.
Tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuần lễ văn hóa với chủ đề “Không gian di sản văn hóa Việt Nam-ASEAN”; phối hợp với Trung tâm bảo tồn Hoàng thành Thăng Long tổ chức trưng bày “Hoàng thành Thăng Long – Thành nhà Hồ hai di sản đặc sắc của Việt Nam,” góp phần thu hút du khách đến Thành nhà Hồ nhiều hơn, trong đó có khách du lịch tâm linh.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã hình thành các tour, tuyến du lịch thường xuyên với tần suất 3 chuyến/tuần.
Video đang HOT
Với những nỗ lực trên, từ sau khi Thành nhà Hồ đón nhận bằng di sản thế giới đến nay, lượng khách đến Thành nhà Hồ đã tăng 2,5 lần so với trước, trong đó lượng khách quốc tế có chiều hướng tăng cao hơn, đặc biệt là khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản… Trong 9 tháng năm 2013 đã có gần 50.000 du khách đến với Thành nhà Hồ.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết có tới 80% du khách khi đến tham quan kiến trúc thành đá Nhà Hồ đều đến các điểm du lịch tâm linh trong khu vực thành và vùng phụ cận.
Vì vậy, việc phát triển du lịch tâm linh trong vùng quy hoạch Thành nhà Hồ cũng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, làm đa dạng loại hình du lịch và góp phần “giữ chân” du khách lâu hơn khi đến tham quan du lịch Thành nhà Hồ.
Hiện nay, số lượng du khách đến Thành nhà Hồ còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do các công ty du lịch chưa làm tốt công tác kết nối các tour, tuyến du lịch, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Du khách khi đến Thành nhà Hồ chưa có chỗ ăn, nghỉ tiện lợi.
Để khắc phục tình trạng trên, từ nay đến năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ phối hợp với Ủy ban UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành quy hoạch tổng thể khu di sản thế giới Thành nhà Hồ với diện tích 5.234ha, trong đó vùng lõi của Thành nhà Hồ có diện tích 155,5 ha với 3 bộ phận chính gồm La thành, Hoàng Thành và Đàn tế Nam Giao.
Sau khi quy hoạch hoàn thành sẽ có cơ sở xây dựng hạ tầng giao thông, khu vực lưu trú, điểm ăn, nghỉ của du khách… để thu hút du khách đến tham quan Thành nhà Hồ được đông đảo hơn.
Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2012.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã phối hợp với Ủy ban UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai quật để phát lộ tổng thể toàn bộ kiến trúc Đàn tế Nam Giao. Qua đó, du khách đến tham quan sẽ có cái nhìn tổng quan về lễ tế giao của vương triều Hồ.
Tại Đàn tế Nam Giao, qua đợt khai quật lần đầu du khách đã có thể hình dung 5 cấp nền của đàn tế, phát lộ vị trí viên đàn (trung tâm của đàn tế Nam Giao), khu vực tế thần sông, thần núi, khu vực giếng vua cung cấp nước cho lễ tế. Việc khai quật cũng đã phát hiện bộ hài cốt trâu trấn yểm long mạch của đàn tế.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cũng đang trùng tu, sửa chữa đền thờ nàng Đình Khương trong quần thể Thành nhà Hồ, xây dựng hồ sơ khoa học Đền thờ Trần Khát Chân (đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia) ở xã Vĩnh Thành để bổ sung vào di tích di sản thế giới Thành nhà Hồ nhằm tạo thêm điểm thu hút khách du lịch tâm linh.
Khám phá di tích - danh thắng động Đông Trong, Quảng Ninh
Nằm trong Vịnh Bái Tử Long, thuộc địa giới hành chính thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), động Đông Trong không nổi tiếng như những hang động trên Vịnh Hạ Long, nhưng vẫn có nét độc đáo, hấp dẫn riêng đối với du khách.
Đây không chỉ là danh thắng, mà còn là một di tích lịch sử với những dấu vết cư trú rất rõ rệt của người tiền sử thời kỳ đồ đá...
Thạch nhũ hình Phật Di Lặc ngồi trên lưng rùa, trên đầu là trái phật thủ trong động Đông Trong.
Nằm cách cảng Cái Rồng chưa tới 10 phút đi đò máy, động Đông Trong (tên chữ là Vọng Hải Sơn Động) trên núi Đông Trong - một núi đá tự nhiên nhô lên trên biển, thực sự là một bất ngờ, là một điểm nhấn của Vịnh Bái Tử Long mà không nhiều người biết tới. Động có nhiều cửa vào từ các hướng Đông, Tây, Bắc, nhưng cửa đi từ phía Đông rộng và thuận lợi nhất. Động gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ khi bước chân vào cửa. Cửa động khá rộng, vòm động cao, đi vào 3-4m đã bắt gặp những hình ảnh nhũ đá kỳ thú, đẹp mê hồn. Ngay gần cửa, phía bên phải là một thạch nhũ giống hệt hình một "cụ voi" che lọng, đối xứng phía bên trái là một thạch nhũ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh Phật Di Lặc cưỡi rùa, đầu đội trái phật thủ. Tiếp tục hành trình vào sâu trong động, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những hình thù đa dạng, lộng lẫy của thạch nhũ mà "mẹ thiên nhiên" sáng tạo ra. Chỗ thì thạch nhũ hình rùa, chỗ hình chim phượng, chỗ hình đầu rồng, mà theo sự giới thiệu của ông Lưu Văn Tốt, người có công trông giữ và đầu tư tôn tạo đảo - động nhiều năm, thì động Đông Trong có đủ tứ linh vật: Long, ly, quy, phượng. Ngoài ra còn có những thạch nhũ hình đức Phật, hình đức Chúa Giê-su chịu nạn, hình tháp nghiêng Pisa nổi tiếng của Ý và nhiều hình thù kỳ thú mê hồn khác. Bên cạnh đó, hòn Đông Trong cũng là hòn đẹp nhất trong các đảo từ khu vực hòn Rều Đá ngoài đến hòn Hang Người, đứng từ cầu cảng nhìn núi Đông Trong như một chú sư tử đang nằm. Từ đỉnh núi Đông Trong, du khách được thoả tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của Vịnh Bái Tử Long và xa hơn là Vịnh Hạ Long, nhìn lên phía Đông Bắc các hòn Ngón Chân, Rều Đá ngoài, các núi mọc lên từ biển nhìn đẹp như một bức tranh thuỷ mặc; trông về cầu cảng, thuyền bè san sát tấp nập, phố biển tựa lưng vào Hòn Rồng; phóng tầm mắt về phía Vịnh Hạ Long, hòn Rồng như một con rồng lớn đang bơi ra biển, hòn Tỳ Nam như rùa xanh, mờ xa hơn có hòn Beo Đá giống như mãnh hổ thu mình, hai bên có di chỉ khảo cổ Hang Người và hang Soi Nhụ.
Cùng với vẻ đẹp lộng lẫy, động Đông Trong còn có điểm độc đáo so với nhiều hang động khác. Trong động có dấu vết cư trú rất rõ của người tiền sử thời kỳ đồ đá, đó là những bộ xương người hóa thạch nằm dính liền vào đá; là những công cụ lao động, đồ dùng bằng đá mà ông Lưu Văn Tốt và những nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện ra ở nơi sâu nhất của hang động. Qua kết quả nghiên cứu có thể khẳng định đó là dấu tích của nền Văn hoá Hạ Long cách ngày nay khoảng 4.000 năm (công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức...). Căn cứ vào các dấu tích còn để lại ở tầng văn hoá có thể thấy rằng người cổ ở động Đông Trong đã duy trì nền kinh tế hỗn hợp giữa kinh tế biển và kinh tế săn bắt, hái lượm trên dải đất ven bờ.
Động Đông Trong được ông Lưu Văn Tốt đầu tư tôn tạo từ hơn 10 năm nay với số tiền khá lớn (từ năm 2004 đến 2011 theo kiểm toán nhà nước, ông đã đầu tư vào đảo, động trên 26 tỷ đồng), nhưng do những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, nên đến nay cảnh quan trên đảo phía ngoài hang động còn tương đối ngổn ngang, dịch vụ ăn nghỉ chưa có, công tác quảng bá cho di tích danh thắng thì hết sức hạn chế. Có lẽ đây chính là những lý do mà một di tích - danh thắng đẹp, có giá trị lịch sử cao, vị trí đi lại thuận lợi, lại ít được biết tới, lượng khách tham quan rất hạn chế. Trong quá trình đầu tư, ông Tốt đã đổ cát tạo mặt bằng ở chân núi; xây dựng được hệ thống bậc lên, đường đi trong động tương đối thuận lợi; có biển chỉ dẫn, chú thích trong động; hệ thống đèn chiếu sáng trong động. Ông Tốt với những hiểu biết của mình về động đã trở thành một hướng dẫn viên không chuyên giới thiệu về cảnh quan, giá trị lịch sử của động. Hiện công ty của ông Tốt đang tiếp tục trình hồ sơ xin phép các cấp, ngành liên quan để tiếp tục đầu tư xây dựng những hạng mục trên đảo, nhằm khai thác và phát huy giá trị di tích - danh thắng động Đông Trong.
Động Đông Trong là một di tích - danh thắng có giá trị (đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2007), một điểm đến có tiềm năng du lịch rất lớn của huyện Vân Đồn, là một điểm nhấn trong hành trình du lịch khám phá Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Vì vậy, cần tạo điều kiện về mặt pháp lý, thủ tục hành chính; hướng dẫn về chuyên môn để nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi trong đầu tư tôn tạo, khai thác du lịch; đưa vào tuyến điểm du lịch; tăng cường công tác quảng bá để động Đông Trong thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch khám phá Vân Đồn và Vịnh Bái Tử Long.
Về Kinh Bắc khám phá vẻ đẹp Đền Đô Là một trong những danh thắng nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc, Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô (tức Cổ Pháp điện) nguyên là thái miếu của nhà Lý, được khởi công từ thế kỷ XI trên đất hương Cổ Pháp, nay là phương Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Từ xa xưa, mảnh đất Cổ Pháp...