Khám phá mũ bay gần 9 tỷ đồng của phi công F-35
Phi công của F-35 được trang bị mũ bay siêu hiện đại, cho phép họ “nhìn xuyên qua” chiếc máy bay.
Theo một bài viết trên tờ Washington Post:
F-35 Lightning II là một trong những hệ thống vũ khí tinh vi nhất từng được phát triển. Nó còn được ví von là “máy tính bay” bởi chứa hơn 8 triệu dòng mã phần mềm.
Có 3 biến thể F-35, trong đó một biến thể được thiết kế để cất và hạ cánh trên tàu sân bay, một biến thể khác có thể hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.
Tuy nhiên, để hiểu rõ chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc, hãy tạm thời không xét đến chiếc máy bay mà nhìn vào chiếc mũ bay của phi công F-35.
Mũ bay dành cho phi công F-35
Tất nhiên, mũ bay được thiết kế để bảo vệ đầu của phi công. Nhưng so với những tính năng khác mà chiếc mũ này mang lại thì có vẻ như “bảo vệ” đã trở thành công dụng phụ.
Chiếc mũ bay gần 9 tỷ đồng
Mũ bay của phi công F-35 có thể nhìn xuyên thấu chiếc máy bay. Nói cách khác là nó giúp phi công nhìn xuyên qua chiếc máy bay.
Khi các phi công nhìn xuống, họ không thấy sàn máy bay mà thấy quang cảnh bên ngoài phía dưới họ.
Nếu phi công nhìn về phía sau lưng, họ sẽ thấy bầu trời phía sau mình.
Điều này đạt được là do thân máy bay được gắn 6 camera.
Khi người phi công xoay đầu nhìn sang một hướng nhất định thì trên thực tế họ đang nhìn qua một chiếc camera tương ứng trong số này.
Camera sẽ gửi hình ảnh tới các máy chiếu bên trong mũ phi công. Các máy chiếu sau đó sẽ chiếu hình ảnh của thế giới thực bên ngoài tới tấm kính trên chiếc mũ.
Điều đó khiến cho tấm kính này không còn đơn thuần là kính chắn gió thông thường mà trở thành một màn hình hiển thị thông tin.
Ngoài tốc độ và độ cao của chiếc máy bay, phi công F-35 có thể quan sát thấy vị trí của máy bay đối phương hoặc các hệ thống vũ khí trên mặt đất.
Video đang HOT
“Thông qua các “cặp mắt” của máy bay, bạn có thể nhìn thấy thế giới giống như cách thức máy bay quan sát toàn cảnh bên dưới” – Al Norman, một phi công thử nghiệm F-35 cho Lockheed Martin nói.
Tương tự như chiếc F-35, mũ bay dành cho phi công F-35 vô cùng đắt đỏ. Chi phí cho mỗi chiếc mũ này là hơn 400.000 USD (gần 9 tỷ đồng).
Chiếc mũ bảo hiểm giúp phi công F-35 nhìn thấy mọi thứ mà máy bay nhìn thấy
Các vấn đề
Trong khi chương trình F-35 đã chậm trễ nhiều năm so với kế hoạch và vượt quá hàng triệu USD so với ngân sách ban đầu thì chiếc mũ bay dành cho phi công F-35 cũng không tránh khỏi những vấn đề.
Các phiên bản ban đầu của chiếc mũ siêu hiện đại này không tránh khỏi nhược điểm.
Khi máy bay bị rơi vào vùng nhiễu động không khí, những hình ảnh trên màn hình mũ bảo hiểm cũng bị nhiễu loạn theo.
Ngoài ra, hình ảnh do camera cung cấp có độ trễ nhất định, khiến nhiều phi công bị say máy bay.
Công nghệ nhìn đêm cũng không hoạt động hiệu quả như kỳ vọng. Nó tạo ra một quầng sáng màu xanh cản trở tầm nhìn của phi công.
Những vấn đề này nghiêm trọng tới mức vào năm 2011, Lầu Năm Góc đã phải thuê hãng BAE System thiết kế một loại mũ bảo hiểm dự phòng để đề phòng trường hợp chiếc mũ đang phát triển không thể khắc phục được.
Hai năm sau, Lầu Năm Góc quyết định chọn mẫu mũ bay do Rockwell Collins phát triển, đồng thời cho biết rằng cuộc cạnh tranh giữa các hãng chế tạo đã giúp chương trình tiến triển trở lại và giải quyết các vấn đề.
Hiện các phi công Mỹ đã bắt đầu bay thử với mũ bảo hiểm phiên bản thứ 3 được tích hợp camera nhìn đêm mới và được câng cấp phần mềm.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Chris Bogdan, giám đốc điều hành chương trình, vẫn có một số vấn đề với các phần mềm thu thập và chia sẻ thông tin giữa những chiếc F-35 bay theo đội hình.
Nếu chỉ có 1 chiếc F-35 hoặc 2 chiếc bay cùng nhau, các phi công có thể chia sẻ thông tin liền mạch. Nhưng khi có 4 chiếc F-35, các vấn đề liên lạc bắt đầu xuất hiện, chúng “có thể tạo ra các hình ảnh sai lạc cho phi công”.
Song, theo Bogdan, vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển giao hoặc tình trạng sẵn sàng hoạt động của chiếc mũ.
Chúng sẽ được khắc phục nhanh chóng nhưng với mức phí phụ trội đối với hãng Lockheed Martin dự kiến là 300 triệu USD.
Theo Norman, các chuyến bay thử nghiệm gần đây cho thấy chiếc mũ vẫn đang tiếp tục được cải tiến.
Nhiều lỗi trước đây đã được giải quyết nhưng vẫn còn vấn đề về quầng sáng màu xanh và cách thức các phi công quan sát những hình ảnh được chiếu trên kính mũ.
Theo Trí Thức Trẻ
Có cần "chi đậm" mua máy bay chiến đấu hiện đại?
Trước thềm triển lãm hàng không ở Farnborough, Anh quốc, nhiều sự chú ý đã đổ dồn về phía chiếc Lockheed Martin F-35 Lightning II.
Ảnh minh họa.
Trước thềm triển lãm hàng không ở Farnborough, Anh quốc, nhiều sự chú ý đã đổ dồn về phía chiếc Lockheed Martin F-35 Lightning II, BBC tường thuật.
Mẫu chiến đấu cơ, vốn sắp được những lực lượng không quân hùng mạnh nhất đưa vào sử dụng, lẽ ra đã là ngôi sao của cuộc triển lãm.
Thế nhưng cuối cùng, một trong những chiếc máy bay trị giá 100 triệu USD này đã bị cháy động cơ, khiến cả phi đội phải hủy lễ ra mắt. Tuy nhiên một chiếc phi cơ khác, vốn chỉ tốn 2 năm để thiết kế, chế tạo và bay thử, đã tới Farnborough an toàn.
Chiếc Scorpion của Textron, trị giá 20 triệu USD, không hẳn là một món hàng rẻ đối với đại đa số chúng ta, nhưng chỉ bằng 1/5 giá một chiếc F-35.
Chủ tịch Textron AirLand, ông Bill Anderson, nói hầu hết nỗ lực thiết kế và sáng chế trong nhiều thập niên qua chỉ tập trung vào các mẫu máy bay đắt tiền, tinh vi.
Từ những chiếc F-35 đến F-22, chiếc Eurofighter Typhoon hay Boeing F/A-18, tất cả các mẫu thiết kế đều đặt chất lượng lên trên giá cả. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, chi phí trở thành một trong những vấn đề mà ngay cả các nước phương tây giàu có nhất cũng không thể làm ngơ.
Tiết kiệm ngân sách
Textron không phải là hãng duy nhất muốn xây dựng công nghệ giá rẻ. Chiếc JF-17 của Trung Quốc, hiện đang được hợp tác sản xuất với Pakistan, được cho là cũng chỉ tốn khoảng 20 triệu USD.
Chiếc Yak-130 của Nga, được sử dụng cho các nhiệm vụ từ chiến đấu, trinh sát cho đến huấn luyện, là một ví dụ khác. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà sản xuất muốn theo đuổi các mẫu máy bay rẻ.
Chiếc MiG 21, được sản xuất từ những năm 50, vẫn đang rất thịnh hành.
Việc những quốc gia như Trung Quốc tiếp tục đặt hàng phiên bản nâng cấp của loại máy bay này cho thấy nó vẫn được các không quân, vốn hoạt động bằng ngân sách hạn chế, ưa chuộng.
Hoa Kỳ cũng từng có những thiết kế như vậy, như chiếc F-5 Freedom Fighter, vốn đã phục vụ trong không quân hơn 30 năm. Chiếc Scorpion, với vận tốc cao nhất ở 520 dặm/giờ, nhắm tới ba loại khách hàng chính.
Loại thứ nhất là các nước muốn sở hữu máy bay nhỏ có khả năng thực hiện các vụ không kích cũng như làm nhiệm vụ trinh thám, hoặc muốn thay thế các máy bay cũ.
Loại thứ hai là những nước đã sở hữu hoặc đang sản xuất các máy bay cao cấp, nhưng cũng muốn sở hữu một lượng lớn các máy bay giá rẻ.
Loại thứ ba là các cường quốc quân sự cần máy bay hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, trong môi trường ít rủi ro hơn.
Thế nhưng làm sao để tạo ra những chiếc máy bay giá rẻ?
Textron đã liên hệ với nhà cung cấp và sử dụng các thiết bị đã và đang nằm trong dây chuyền sản xuất, thay vì làm mới hoàn toàn.
Quy mô đội ngũ thiết kế cũng rất nhỏ để giúp Anderson và Dale Tutt, trưởng nhóm thiết kế máy bay Scorpion, có thể đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng.
"Sau khi đã lên mẫu thiết kế, chúng tôi ra yêu cầu cho cả đội và không buộc họ phải tuân theo các yêu cầu quá chi tiết", Tutt nói.
"Chúng tôi không đầu tư thời gian vào việc thiết động cơ mới hay ghế thoát hiểm. Chúng tôi chỉ tập trung vào việc lắp ráp những bộ phận đó lại với nhau và đưa máy bay vào hoạt động".
Nhiệm vụ tuần tra
Textron cũng có lợi thế là không phải làm theo yêu cầu của một quốc gia hay không quân cụ thể nào.
Điều này đồng nghĩa với việc đội thiết kế có thể thay đổi mẫu mã nếu họ cho rằng điều này có lợi cho dự án.
"Một ví dụ là Martin Baker, nhà làm ghế thoát hiểm của Anh", ông Anderson nói.
"Họ đã gửi một nhóm kỹ sư đến nhìn vào thiết kế buồng lái của chúng tôi và nói &'Nó sẽ không vừa với ghế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải tốn vài triệu đôla và 18 tháng nữa để thiết kế lại tất cả. Nhưng nếu quý vị có thể làm tăng chiều dài ra 3 inch và chiều rộng 2 inch, vấn đề này sẽ được xử lý".
"Và chúng tôi đã làm theo yêu cầu này".
Chiếc Scorpion không phải là một chiến đấu cơ lợi hại trên chiến trường. Tuy nhiên, nó có thể cung cấp những video góc rộng về cho chỉ huy dưới mặt đất, giống như các máy bay không người lái ở Afghanistan.
Textron hiện đang muốn cung cấp 350 máy bay huấn luyện cho không quân Mỹ.
"Ngay cả ở những nước giàu có nhất, mọi người đều đồng ý rằng chúng ta phải đề cao yếu tố kinh tế hơn", Anderson nhấn mạnh.
"Tất nhiên là chúng ta cần những phi cơ chiến đấu hiện đại, nhưng phi công vẫn cần được bay, và số máy bay hiện nay sẽ không đủ để giúp các phi công có đủ sự luyện tập".
"Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào cũng cần đến máy bay hiện đại", ông Anderson nói trên BBC.
Theo NTD/Bizlive
Bộ Quốc phòng Mỹ: Còn lâu F-35 mới có thể tham chiến Sau những báo cáo và tin tức về những lỗi kỹ thuật của phi cơ chiến đấu thế hệ tiếp theo F-35, một sự thật đang ngày một hiện rõ: máy bay vẫn chưa thể sẵn sàng chiến đấu trong tương lai gần. Dự án nghiên cứu và phát triển tiêm kích F-35 của Mỹ đã tiêu tốn đến 400 tỉ USD nhưng...