Khám phá Hà Nội theo cụm
Thủ đô thu hút du khách cả nước ở những danh thắng đi vào lịch sử, vẻ đẹp biến đổi theo mùa hay những món ăn đặc trưng.
Hồ Gươm một sáng mùa thu.
Địa điểm tham quan
Rất khó để gom hay chia các điểm tham quan tại Hà Nội thành các nhóm dựa trên tính chất, diện tích nên những du khách lần đầu đến đây thường phân chia thành cụm theo khoảng cách tính từ khách sạn đến các địa điểm. Ở từng khoảng cách, sẽ lấy một địa danh làm trung tâm, sau đó, gom các thắng cảnh xung quanh trong một bán kính cụ thể vào thành một cụm. Gợi ý ban đầu là 4 địa danh gồm hồ Gươm, hồ Tây, lăng Bác và cụm cuối cùng là các bảo tàng, sân vận động Mỹ Đình (có thể đến hay không).
Ấn tượng và muốn đến nhất với những du khách lần đầu tiên đến Hà Nội là Hồ Gươm. Ngoài mục đích chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của hồ nước ghi lại dấu ấn lịch sử, vẻ lãng mạn của những cây đại thụ nghiêng mình trên mặt nước, là khát khao được “diện kiến” cụ rùa. Bên cạnh cụ rùa, tháp Bút và cầu Thê Húc cũng được nhiều du khách “quan tâm”. Sau khi dạo một vòng hồ Gươm, hít thở không khí trong lành, bạn có thể thả mình trong hương hoa thơm ngát hay ghi lại những soot hình ấn tượng trong các vườn hoa gần đó như vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Bác Cổ…
Các điểm tham quan ở cụm hồ Tây gồm hồ Tây, hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc, Văn miếu Quốc tử giám, Hoàng thành. Mỗi địa danh tại đây có một vẻ đẹp riêng mang đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau. Đó là hồ Tây bao la, thanh bình, mát rượi. Chùa Trấn Quốc uy nghiêm và cổ kính. Văn miếu Quốc tử giám có thiết kế nhân văn và bác học. Hoành thành gợi vết tích của một thời đại. Hồ Trúc Bạch thanh bình với những du thuyền hình thiên nga lãng đãng trên hồ.
Thú vị nhất trong chuyến tham quan thủ đô là hành trình viếng lăng Bác với hàng ngàn người từ từ tiến bước vào lăng trong im lặng và lòng thành kính. Chỉ mở cửa vào sáng thứ 7 hàng tuần nên dòng người vào thăm lăng dài đến mức, nếu không tranh thủ xếp hàng sớm, bạn sẽ phải hẹn lần sau sẽ đến.
Sau khi viếng Bác, ghi lại những shoot hình bên ngoài lăng, bạn đừng vội ra về mà hãy tự do khám phá các thắng cảnh xung quanh lăng. Đầu tiên là ao cá trong veo với đàn cá tung tăng bơi lội nhà sàn mộc mạc, dân giã bảo tàng Hồ Chí minh uy nghiêm chùa Một Cột yên bình soi bóng trên hồ sen.
Ngoài các điểm tham quan trên, du khách đến Hà Nội còn tranh thủ tham quan hàng loạt làng nghề, ngắm phố phường Hà Nội và các địa danh như đền Quán Thánh, nhà thờ lớn, chùa Kim Liên, chùa Quán Sứ, chợ Đồng Xuân, công viên Thống Nhất, làng hoa, sân vận động Mỹ Đình…
Ao cá Bác Hồ.
Gợi ý chuyến tham quan 3 ngày 3 đêm tại Hà Nội
Tối đêm thứ 5: lên xe, tàu, hay máy bay đến Hà Nội.
Sáng thứ 6: Nhận phòng, cất đồ, thuê xe tham quan cụm các di tích, thắng cảnh ở hồ Tây gồm hồ Tây, hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc, Văn miếu, Hoàng Thành…
Tối: khám phá Hà Nội về đêm, tham quan phố cổ, cảm nhận không khí tấp nập ở kem Tràng Tiền, thưởng thức và cảm nhận quán xá Hà Nội.
Sáng thứ 7: Xếp hàng vào lăng viếng Bác. Sau khi viếng Bác, tham quan các thắng cảnh trong khu vực lăng như đường xoài, ao cá Bác Hồ, nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh. Chiều về hồ Gươm, chụp hình, hít thở không khí trong lành, thả mình trong hương thơm của các vườn hoa.
Tối dạo một vòng Hà Nội, tham gia phố đi bộ, thưởng thức thêm một số món ngon, mua quà lưu niệm…
Sáng chủ nhật: Tham quan tất cả các điểm còn lại. Tối lên đường về lại hay đi tiếp đến các tỉnh khác.
Di chuyển
Thủ đô Hà Nội phát triển cả ba hình thức giao thông là đường bộ, tàu hỏa và máy bay. Tùy khoảng cách, sở thích, túi tiền mà bạn lựa chọn hình thức thích hợp nhất để đến.
Bằng phương tiện công cộng
Để đến Hà Nội, bạn có thể mua vé xe tại bến xe của mỗi tỉnh, mua vé đi tàu hỏa tại các ga và mua vé máy bay tại các đại lý. Lưu ý, nên tham khảo giá vé, thời gian xuất phát, điểm đến… trước khi đi khoảng 1 tuần để lên lịch tham quan.
Đến Hà Nội thì thuê xe ôm, bắt taxi để khám phá Hà Nội. Nhưng hình thức tham quan Hà Nội rẻ, tiện nhất là thuê xe máy với giá 100.000 đồng/ngày.
Nên trang bị một điện thoại có Google map để tiện việc di chuyển đến các địa danh.
Bằng phương tiện cá nhân
Video đang HOT
Lời khuyên thích hợp nhất với các bạn đến Hà Nội bằng phương tiện cá nhân (xe máy, xe ô tô) là nếu khoảng cách trên 300km, thì nên chuyển sang phương tiện công cộng. Tất nhiên, ngoại trừ trường hợp bạn muốn phượt hàng loạt các tỉnh phía Bắc trong một chuyến đi dài ngày và có sự đầu tư công phu.
Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang đầy đủ giấy tờ và tuân thủ luật an toàn đường bộ.
Hoàng hôn hồ Tây.
Nên đến vào mùa nào
Mỗi mùa Hà Nội có vẻ đẹp riêng, nhưng đẹp nhất là vào mùa thu.
Nhà nghỉ, khách sạn
Cũng như các thành phố du lịch khác, số lượng nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Nội khá nhiều và chia thành nhiều mức giá khác nhau. Một số cái tên giá rẻ bạn cần bỏ túi cho chuyến tham quan Hà Nội của mình như sau: khách sạn Sông Hồng 1, Memory, Jysk Hotel, nhà khách bến xe Lương Yên, nhà khách Thanh Niên. Lưu ý đặt phòng trước khi đến.
Đặc sản Hà Nội
Các món mua về gồm các sản phẩm làm từ quả sấu, bánh cốm… Lý thú nhất phải kể đến hàng loạt món ngon thưởng thức tại chỗ như bún đậu mắm tôm, bún thang, bún dọc mùng, bún riêu, bún chả, bún ốc, bún sườn, bún bung, bún chả, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây….
Chùa Trấn Quốc uy nghiêm và cổ kính.
Mang gì khi đến Hà Nội
Bất kỳ trang phục gì bạn thích, song nếu trong lịch trình có tham quan chùa, văn miếu hay viếng lăng Bác thì phải ăn bận kín đáo, lịch sự.
Mang giày, dép bệt vì phải di chuyển nhiều.
Mang dụng cụ chống nắng, đồ vệ sinh cá nhân.
Giá cả các món ăn, dịch vụ tại Hà Nội luôn cao hơn những nơi khác, vì thế nên dự trù kinh phí cao hơn.
Cầu Thê Húc và Tháp Bút, hai địa danh bạn không thể bỏ qua khi ghé hồ Gươm.
Lăng Bác yên bình trong đêm.
Chùa Một Cột.
Cột cờ Hà Nội uy nghiêm.
Hoàng Thành sáng rực trong đêm.
Nhà thờ đá yên bình.
Văn miếu Quốc tử giám.
Hồ Tây hoàng hôn.
Hà Nội trong đêm.
Những cung đường thường gặp
Hà Nội – Hưng Yên – Hải Phòng
Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Tuyên Quang
Hà Nội – Hoa Lư – Tam Cốc
Hà Nội – Hạ Long – Hải Phòng
HUỲNH HẰNG
Ảnh sưu tầm
Theo Infornet
Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn
Ở thế kỷ 21, có một Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày. Náo nhiệt, nhộn nhịp và phát triển. Và cũng có một Hà Nội vẫn cần mẫn bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Đấy là quần thể di tích "Đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - tháp Bút - đài Nghiên", một biểu tượng văn hóa của Hà Nội xưa.
Đã mấy trăm năm, người Hà Nội vẫn tự nhắn nhủ nhau và nhắn nhủ với du khách bốn phương về tụ hội trên mảnh đất kinh kỳ:
"Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này"
(Ca dao cổ)
Cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn vẫn còn đây. Dịu dàng và đằm thắm giữa mênh mông sóng nước xanh như mực của hồ Gươm. Đài Nghiên, tháp Bút đứng sừng sững, uy nghiêm, tựa ngàn ngọn bút lông tua tủa viết lên trời xanh.
Tháp Bút năm tầng đứng sừng sững giữa trời xanh - Ảnh: Tiến Thành
Gần một ngàn năm trước, những quần thể di tích này còn nằm trên một cồn cát hoang sơ của khúc sông Nhị Hà (sông Hồng). Sang đời Trần, trên cồn cát ấy có ngôi đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông. Nhưng trải qua biến cố binh lửa, đền bị đổ nát. Mãi đến thời chúa Trịnh Giang, đã dựng cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc làm nơi vui chơi, tiêu khiển. Năm 1786, cung Khánh Thụy bị Lê Chiêu Thống đốt. Những kẻ sĩ đất Bắc lại tìm về nền đất bị tàn phá, gây dựng lên những lâu đài văn hóa.
Sử sách chép lại: một tư nhân là Tín Trai đã dựng ngôi đền nhỏ trên nền cung Khánh Thụy, đền thờ Quan đế thánh nhân (tức Quan Công đời Hán), sau thêm ban thờ Trần Hưng Đạo (vị tổng chỉ huy trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông). Năm 1842, đền có thêm ban thờ Văn Xương đế quân, vị thần chủ trì văn học, sau còn thêm ban thờ tượng Lã Tể (Lã Đồng Tâm), vị tiên có tài tìm thuốc chữa bệnh. Năm 1843, đền mới chính thức có tên gọi là Ngọc Sơn.
Cổng ngoài của đền Ngọc Sơn - Ảnh: Tiến Thành
Về kiến trúc, đền Ngọc Sơn là một dãy nhà hình chữ Tam gồm tòa tiền bái, tòa chính điện và hậu cung. Tòa tiền bái thờ Quan Công, tòa chính điện thờ Văn Xương đế quân và tòa hậu cung thờ Trần Hưng Đạo. Ngoài ra trong đền còn thờ Phật A Di Đà. Điều này đã thể hiện rõ quan niệm tam giáo đồng nguyên của người Việt xưa.
Đúng 22 năm sau, phương đình Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra vận động xây dựng và tu bổ đền Ngọc Sơn thành một biểu tượng văn hóa của kẻ sĩ Bắc Hà với một công trình liên hoàn gồm "đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - tháp Bút - đài Nghiên".
Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ năm xưa - Ảnh: Tiến Thành
Nguyễn Văn Siêu, nhà tri thức lỗi lạc của đất Thăng Long xưa, đã "múa bút" viết nên những hoành phi câu đối tuyệt mỹ cho những lâu đài văn hóa đương thời. Này đây là tháp Bút với ba chữ "Tả Thiên Thanh" (Viết lên trời xanh) tỏ rõ khí phách của kẻ sĩ Bắc Hà. Rằng kiếp sĩ phu đâu phải chỉ gác bút nghiên đi ở ẩn, mà họ đang xông pha ngòi bút để chăm lo dân, trị nước, hòa nhập với vũ trụ, với những đổi thay tiến bộ của hoàn cầu.
Này đây là đài Nghiên với đôi câu đối viết lên ước nguyện đầy ắp về chốn văn chương trí tuệ của đời người:
"Nước hồ đầy bóng nghiên vượt đảo
Núi đá cao thế bút chống trời".
Cầu Thê Húc ngày và đêm - Ảnh: Tiến Thành
Ngày nay, tâm niệm của Nguyễn Văn Siêu về cây cầu Thê Húc "hội tụ ánh sáng đẹp của mặt trời" vẫn còn nguyên giá trị. Sử tích ghi lại cầu được xây dựng năm 1865, gồm 15 nhịp, 32 chân cột tròn xếp thành 16 đôi. Trên cầu lát ván gỗ và sơn màu đỏ sẫm, chữ màu vàng. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt lâu (lầu được trăng) nằm ẩn núp dưới bóng cây đa cổ thụ.
Đắc Nguyệt lâu là một gác chuông hai tầng, kiến trúc tựa như Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lầu có đắp hình long mã và rùa thần đội đồ thư và gươm báu hai bên, kèm đôi câu đối tượng trưng cho tấm lòng thanh bạch của sĩ phu Bắc Hà: "Cầu gỗ như chiếc cầu vồng đưa lên hồ đảo. Lầu cao soi trăng sáng nằm giữa lòng hồ".
Đắc Nguyệt lâu (lầu được trăng) - Ảnh: Tiến Thành
Phía Nam đền Ngọc Sơn là trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Xét ngụ ý sâu sa, tên gọi ấy mang nghĩa là chắn những làn sóng văn hóa độc hại xô bồ. Bia đền Ngọc Sơn viết: "Đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước là đình Trấn Ba ngụ ý là trụ cột đứng vững giữa làn sóng văn hóa". Trấn Ba Đình hình vuông, được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng, có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ. Cột trong đình còn có đôi câu đối ngụ ý vừa ca tụng vừa răn dạy người đời:
"Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy
Văn tòng đại khối thọ như sơn".
Nghĩa là:
"Gươm có khí thiêng sáng màu nước
Văn theo trời đất thọ như non".
Đền Ngọc Sơn - Ảnh: Tiến Thành
Ngày lại ngày, nhịp sống phố phường Hà Nội lại quay tít mù cùng bánh xe thời gian. Bận rộn và mệt mỏi. Nhưng dòng người đổ về quần thể di tích "đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - tháp Bút - đài Nghiên" vẫn chẳng có gì thay đổi. Đông đúc, nhộn nhịp như tụ hội.
Có người đến đây chỉ để vui chơi giải sầu, có người hòa mình vào không gian trầm mặc hương khói để tĩnh tâm, thư thái... Và tôi đến đây chỉ để thỏa mãn một điều là hiểu được tấc lòng thanh bạch, đầy khí phách của "kẻ sĩ Bắc Hà" xưa.
Trấn Ba Đình - Ảnh: Tiến Thành
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những địa danh đáng nhớ trong hành trình xuyên Việt của độc giả Là sinh viên du lịch, đặc biệt là lữ hành, điều thú vị nhất là chuyến đi xuyên Việt. Qua chuyến đi, càng biết nhiều hơn về những cảnh đẹp, con người mỗi nơi. Điều đó làm mỗi sinh viên càng yêu đất nước, con người Việt Nam và muốn giới thiệu đến tất cả mọi người. Hòn Chó Đá - Hạ Long...