Khám phá dinh thự Vua Mèo một thời lừng lẫy xứ Bắc Hà
Từ thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) ngược lên hướng Bắc chừng hơn 80km, qua những cung đường uốn cong khúc khuỷu như con bạch xà là đến Dinh Hoàng A Tưởng hay còn gọi là Dinh thự “vua Mèo” ở xứ Bắc Hà.
Đây là một tòa dinh thự cổ bề thế, nằm giữa trung tâm thị trấn, từng là lâu đài của gia tộc họ Hoàng, một thời quyền lực nhất vùng Tây Bắc, nay trở thành điểm tham quan hấp dẫn.
Toàn cảnh dinh thự Vua Mèo xứ Bắc Hà
Lịch sử dinh Hoàng A Tưởng
Trước năm 1945, cũng như tình hình chung của Việt Nam lúc bấy giờ, Bắc Hà là một vùng thuộc địa nửa phong kiến, có giai cấp thống trị và bị trị, trong đó tầng lớp cai trị là các Thổ ty mà điển hình là cha con Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Dù gia tộc họ Hoàng là người Tày, nhưng vùng này có tới 70% là người Mông nên dân quen gọi là “vua Mèo”.
Được Pháp hậu thuẫn, gia tộc họ Hoàng càng thêm hùng mạnh, ra sức chiếm giữ các vùng đất màu mỡ, bóc lột nhân dân, đồng thời độc quyền khai thác lâm thổ sản, bán muối, hàng tiêu dùng, thuốc phiện và lương thực…
Ngày càng giàu có, cha con thổ ty Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng cho mời hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc đến để chọn đất, thiết kế, giám sát thi công xây dựng một dinh thự nguy nga, nhằm thể hiện uy quyền. Tòa dinh được khởi công từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, trở thành lâu đài lớn nhất vùng Tây Bắc với phong cách Á – Âu kết hợp.
Kiến trúc độc đáo của dinh Hoàng A Tưởng
Độ xa hoa của dinh Hoàng A Tưởng không chỉ thể hiện trong quy mô và kiến trúc mà còn ở cách thức xây dựng. Các loại gạch ngói được sản xuất tại chỗ một cách công phu còn sắt thép, xi măng được mua từ dưới xuôi, vận chuyển lên bằng máy bay của Pháp.
Nhân công là những thợ xây giỏi nhất từ miền xuôi, tại các bản làng và cả trong các nhà tù. Những người thợ phải làm cả ngày đêm để hoàn thành công trình. Thời hoàng kim, tòa dinh thự luôn có hai trung đội vũ trang bảo vệ cẩn mật. Về sau, khi ách cai trị của họ Hoàng ở Bắc Hà chấm dứt, dinh Hoàng A Tưởng vẫn được giữ lại và bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến nay.
Kiến trúc tuyệt mỹ
Video đang HOT
Địa điểm xây Dinh được chọn theo thuyết phong thủy, nằm trên một quả đồi rộng hướng Đông Nam, đằng sau và hai bên có núi che chắn, phía trước có suối và quả núi “mẹ bồng con” , cảnh quan sơn thủy hữu tình.
Tổng thể Dinh Hoàng A Tưởng có bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín, khá đặc biệt so với các dinh thự khác tại Việt Nam thời bấy giờ. Dinh vừa là nơi ở và làm việc của gia tộc họ Hoàng, vừa có chức năng như pháo đài bảo vệ. Toàn bộ Dinh có tổng diện tích 4.000m gồm 36 phòng, bao quanh là tường rào kiên cố, các phía đều có lỗ châu mai, đường đi trên thành có lính tuần tra, canh giữ ngày đêm.
Chân dung Thổ ty Hoàng Yến Chao lừng lẫy một thời
Kiến trúc dinh thự Hoàng A Tưởng là sự kết hợp phong cách Á – Âu với các nét kiến trúc Pháp được thể hiện từ tổng quan đến chi tiết như: Họa tiết cành nguyệt quế đắp nổi trên các cửa vào, biểu trưng cho hạnh phúc và thịnh vượng; cầu thang vòng, các cửa hình vòm, cột nhà thanh thoát, hành lang lát gạch và có lan can…
Lối vào dinh Hoàng A Tưởng bước lên mấy bậc thang, tới phòng chờ, qua cửa chính, trước là bức bình phong, giữa là khoảng sân rộng tổ chức hành lễ, múa hát, vui chơi. Cuối sân là khu nhà chính, gồm 2 tầng có diện tích 420m, mặt ngoài trang trí họa tiết cầu kỳ. Cả 2 tầng đều có 3 gian, là nơi sinh hoạt gia đình và hội họp.
Hai bên tả – hữu nhà chính là các dãy nhà phụ có bố cục và kiến trúc giống nhau. Mỗi dãy đều 2 tầng nhưng thấp hơn nhà chính, mỗi tầng cũng chia 3 gian với diện tích 300m, là nơi ở của các bà vợ Hoàng Yến Chao, vợ Hoàng A Tưởng. Tiếp giáp với hai dãy nhà này, còn có hai nhà phụ với diện tích 160m, kiến trúc đơn giản, dùng làm nhà kho, cho lính và phu ở. Ngoài ra, dinh thự “vua Mèo” Hoàng A Tưởng có cả hầm trú ẩn và lối thoát hiểm.
Điểm du lịch hấp dẫn
Trải qua gần 100 năm, dinh Hoàng A Tưởng vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc, sừng sững giữa đất trời cao nguyên đá và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai bảo tồn như một dấu ấn lịch sử của Bắc Hà. Tuy đã được sơn lại nhưng tòa dinh vẫn mang đậm nét cổ kính uy nghi và dần trở thành điểm tham quan du lịch có tiếng.
Hiện nay, trong dinh có một dãy phòng dùng làm nơi bày bán các sản phẩm thủ công địa phương như khăn, áo, váy thổ cẩm hay tẩu thuốc, vòng bạc…, và một dãy phòng khác làm khu trưng bày kỷ vật, các tác phẩm nghệ thuật về đời sống dân tộc vùng cao, các mô hình trang phục truyền thống của người Dao, Mông.
Toàn cảnh dinh thự Vua Mèo xứ Bắc Hà trước kia
Hiện nay, trong dinh có một dãy phòng dùng làm nơi bày bán các sản phẩm thủ công địa phương như khăn, áo, váy thổ cẩm hay tẩu thuốc, vòng bạc…, và một dãy phòng khác làm khu trưng bày kỷ vật, các tác phẩm nghệ thuật về đời sống dân tộc vùng cao, các mô hình trang phục truyền thống của người Dao, Mông.
Ngoài ra, phía sau nhà chính có dựng một mô hình nấu rượu ngô truyền thống của người dân Bắc Hà, là nơi du khách được nghe giới thiệu, xem cách thức nấu rượu cũng như thưởng thức rượu ngô tại chỗ mang đậm nét văn hóa vùng cao.
Đến Bắc Hà hôm nay, du khách thực sự ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dinh thự giữa lòng Bắc Hà như toát lên một vẻ đẹp không chỉ cổ kính mà còn uy nghi đến lạ kì. Đây hứa hẹn sẽ là một địa chỉ du lịch không thể thiếu của du khách mỗi khi ghé thăm vùng cao nguyên Bắc Hà.
Quang Thuận
Theo baophapluat.vn
"Săn mây" ở thị trấn sương mù Sa Pa
Đã từ lâu, Sa Pa (Lào Cai) được xem là địa điểm du lịch ưa thích của du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ nổi tiếng bởi ẩm thực độc đáo, lạ miệng, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Khi chiều về, những tảng mây trôi lững lờ quanh các con phố, cảm giác như có thể sờ, nắm được, khiến các du khách vô cùng thích thú.
Những con phố ở Sa Pa chìm trong sương mù. Ảnh: TL
Theo nhiều tài liệu ghi lại, thị trấn Sa Pa ra đời vào năm 1905, khi người Pháp phát hiện đây là địa điểm lý tưởng để xây dựng khu nghỉ mát và đã thực hiện. Tên Sa Pa là tên vốn có theo tiếng H'Mông ở vùng này, có nghĩa là "bãi cát", người Pháp viết tên khu là "Chapa", vì âm "S" phát âm cứng gần như "Ch" trong tiếng Pháp và "S" trong tiếng Việt chuẩn. Dấu tích còn lại của tên vùng là phường Sa Pa ngày nay.
Không phải ngẫu nhiên mà Sa Pa nổi như cồn với những tên gọi như: Thị trấn mờ sương, thị trấn trên mây... Thị trấn này quanh năm mây phủ, mỗi năm đón đến hơn 2,4 triệu lượt du khách. Những người đến đây không chỉ muốn khám phá vẻ đẹp hùng vĩ, thưởng thức những món đặc sản dân tộc mà còn được ngắm những biển mây nơi tiên cảnh.
Ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, không khó để tìm ra được những "tọa độ" săn mây tại Sa Pa. Những địa điểm này dường như nằm trong sổ tay của du khách và người yêu Sa Pa.
Chúng tôi lên Sa Pa vào những ngày đầu đông. Mùa đông lạnh giá mang đến cho thị trấn trong sương nhiều nét đẹp khác lạ, huyền diệu trong sương mờ. Nếu may mắn, lên Sa Pa chúng ta còn có thể ngắm tuyết rơi như giữa trời Âu.
"Ở đây mùa xuân là đẹp nhất. Người dân tộc Mông, Tày, Giáy... với những trang phục đầy màu sắc xuống chợ. Lúc đó, những con phố ở Sa Pa như những bức tranh sơn dầu đẹp tuyệt diệu", một ông cụ bán lan rừng nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh nhưng không rõ hẳn.
Để đi đến được thị trấn Sa Pa mùa này thì không ai khổ bằng lái xe. Sương mù bao phủ toàn bộ thị trấn và đường đi. Chúng tôi đi từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, bác tài phải liên tục bật đèn pha. Nhiều khi sương mù quá dày đặc, một thành viên nam trên xe phải xuống làm hoa tiêu, "xi nhan" cho bác tài. Chiếc xe cứ chạy rề rề cả tiếng mới đến được thị trấn mờ sương.
Mây và mây giăng kín trời đỉnh Fansipan đẹp diệu kỳ. Ảnh: TL
Không mất quá nhiều thời gian để khiến chúng tôi "phải lòng" Sa Pa. Giữa trời chiều, giữa sương mờ, Sa Pa hiện lên lung linh huyền ảo với những ánh đèn cao áp và ánh đèn đỏ của các nhà hàng trên phố. Thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa phùn và gió lạnh đến tê tái người. Mùi ngô, khoai nướng đưa nhiều người về với tuổi thơ của mình.
Có lẽ ai yêu và tìm hiểu kỹ về Sa Pa đều biết đến 5 điểm săn mây tại địa điểm du lịch nổi tiếng này. Đó là đỉnh Fansipan, đỉnh đèo Ô Quy Hồ, bản Hang Đá, bản Sâu Chua, đỉnh Hàm Rồng. Sau một đêm dạo quanh những con phố tràn ngập sương mờ, chúng tôi quyết định sáng sớm mai sẽ đến bản Sâu Chua để từ trên núi cao được chiêm ngưỡng biển mây trắng xóa.
Đúng 8giờ sáng, chúng tôi có mặt ở bản Sâu Chua. Đây là bản làng nằm trong top nghèo của Sa Pa, chưa được phát triển du lịch nhiều. Sâu Chua cách thị trấn Sa Pa khoảng gần 9km. Những anh xe ôm người dân tộc đèo chúng tôi trên những chiếc xe côn chạy dọc theo đường Điện Biên Phủ hướng xuống thành phố Lào Cai, đến cây cầu 32 là gần đến nơi. Sâu Chua vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, mộc mạc vốn có của nó.
Săn mây ở bản Sâu Chua, chúng tôi không cần phải tìm một chỗ đẹp, mà có thể ngồi ở bất kì tảng đá nào cũng có thể thu vào tầm mắt được thung lũng mây trắng muốt, cuồn cuộn như sóng biển.
Anh chàng Thào A, người bản địa Sâu Chua cười bảo: "Việc "săn mây" không khó nhưng phải biết nhìn thời tiết và có duyên. Có rất nhiều người đến đây đợi cả ngày không thấy mây nhưng vừa đi khỏi thì mây ùn ùn kéo đến như sóng cuộn. Có người thì đến bị "mây săn", nghĩa là đang đứng bị những áng mây bán chặt, không nhìn thấy đường đi. Tôi là người bản địa, gia đình tôi nhiều đời sống tại đây nên có thể đoán khá chính xác được ngày nào, giờ nào có mây và mây giăng kín bản".
Trên đường từ bản Sâu Chua về thị trấn, chúng tôi gặp những đứa trẻ người Mông đang đuổi đàn trâu về nhà. Những đứa trẻ ngây thơ, ăn mặc chưa đủ ấm với ánh mắt long lanh cười hiền với du khách. Chúng đã quá quen với cảnh những người xa lạ đến bản để "săn mây". Có lẽ, đến khi nào bản Sâu Chua phát triển được du lịch, những đứa trẻ này sẽ bớt vất vả, sẽ không còn mặc rét nữa.
Đến Sa Pa nhiều người còn thích thú với những buổi chợ phiên họp vào ngày Chủ nhật tại thị lỵ. Người dân vùng xa thường phải đi từ ngày hôm trước. Vào tối thứ Bảy, có nhiều người đi chợ cùng thức và chung vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái bản làng người H'Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, sáo, khèn... và người ta gọi đó là "chợ tình". Vào ngày Chủ nhật, tại chợ có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm nhân tạo truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩm thủ công; các món ăn dân tộc.
Thanh Lương
Theo thanhtra.com.vn
Đi Chợ Sừng Ở Xứ Mười Hai Tầng Núi Quãng đường từ trung tâm huyện Phong Thổ vượt dốc lên đỉnh Dào San, chỉ 30 km, thêm chừng 40km nữa là đến Sì Lở Lầu. Khu vực tám xã biên giới Bắc Dào San thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu là một khu vực đặc biệt cao trên 1900m với cộng đồng ba dân tộc chính sinh sống là Mông, Dao đỏ...