Khám phá cố đô Luangprabang – Di sản thế giới tại Lào
Thành phố Luangprabang hay còn là cố đô của đất nước Lào được UNESCO ghi danh là di sản thế giới từ năm 1995.
Nơi đây nổi tiếng với nhiều công trình lịch sử, văn hóa với lối kiến trúc độc đáo cùng nhiều điểm du lịch khám phá đặc sắc luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan.
Luangprabang nằm ở phía Bắc Lào, cách thủ đô Vientiane hơn 300 km. Thành phố nằm trên một bán đảo được hình thành bởi sông Mekong và sông Namkhan, xung quanh có các dãy núi bao bọc tạo nên một màu xanh tươi tốt.
Luangprabang đặc biệt về cả di sản kiến trúc và nghệ thuật phong phú, phản ánh sự kết hợp giữa kiến trúc đô thị truyền thống của Lào với kiến trúc thời thuộc địa. Phần lớn các ngôi nhà thường là một hoặc hai tầng, xây dựng theo truyền thống, có ban công và các chi tiết trang trí bằng gỗ.
Chùa Xiengthong là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất tại Luangprabang. Chùa được xây dựng từ những năm 1559 – 1560, mang lối kiến trúc Phật giáo đặc sắc của Lào.
Họa tiết miêu tả về đời sống hàng ngày của người dân Luangprabang được trang trí trên những bức tường của chùa Xiengthong.
Cách chùa Xiengthong không xa là Bảo tàng Hoàng cung, một trong những điểm thu hút đông đảo du khách tới tham quan.
Đối diện Bảo tàng Hoàng cung là núi Phousi linh thiêng gắn liền với nhiều câu truyện thần thoại. Nhìn từ đỉnh núi, du khách có thểm chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Luangprabang.
Video đang HOT
Toàn cảnh thành phố Luangprabang.
Lào vốn là đất nước của Phật giáo nên tới Luangprabang du khách dễ dàng bắt gặp hành trình khất thực của các chư tăng. “Lễ khất thực – Tak Bat” là nét đẹp truyền thống không thể thiếu vào mỗi buổi sáng.
Cách trung tâm thành phố Luangprabang khoảng 30km, thác Kuangsi cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng bởi thác Kuangsi có màu nước xanh như ngọc.
Đến Luangprabang, du khách cũng có thể tham quan các làng nghề truyền thống nằm dọc bên bờ sông Mekong như làng nghề dệt thủ công và làng nghề làm giấy Sa.
Nghề dệt thủ công của Luangprabang
Các sản phẩm thủ công được bày bán mọi nơi, từ cửa hàng đến vỉa hè những con phố.
Điều đặc biệt là du khách sẽ rất thích thú khi trải nghiệm các món ăn truyền thống của Luangprabang nói riêng và Lào nói chung.
Sống chậm ở Luang Prabang - thành phố du lịch sạch ASEAN
Những ngày ở cố đô Luang Prabang - thành phố của Lào lần thứ hai liên tiếp được vinh danh là thành phố du lịch sạch tiêu chuẩn của ASEAN, tôi như thấy cuộc sống trôi chậm đi...
Những ngày ở Luang Prabang - thành phố du lịch sạch ASEAN, tôi như thấy mình sống chậm.... (Ảnh: Nguyễn Hồng)
"Nếu chưa đến Luang Prabang xem như bạn chưa đến Lào" - người Lào đã ví von như vậy, như một lời mời gọi chân thành với người lữ khách khi tìm về vùng đất cố đô của đất nước Triệu Voi, di sản văn hóa thế giới, điểm đến thanh bình và thú vị của những người ưa xê dịch.
Cố đô trên ngã ba sông
Luang Prabang cách thủ đô Vientiane (Lào) 300 km về phía Bắc, nằm ở ngã ba sông Mekong và Nam Ou. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc cổ Lan Xang từ năm 1354. Theo tiếng địa phương, Luang có nghĩa là làng, Prabang có nghĩa là Phật mình vàng.
Cố đô Luang Prabang được UNESCO phong tặng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Nơi đây hội tụ nhiều công trình kiến trúc độc đáo đậm nét văn hóa Phật giáo với ngôi chùa nổi tiếng mang tên Wat Xiengthong, những cố cung, đền đài... Những công trình mang dấu ấn đặc trung của Lào tọa lạc bên dòng sông Mekong và dòng Namkhan với thác nước Kuangsi hùng vĩ. Dù là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài, nhưng nơi đây chưa bao giờ bị làn sóng du lịch nhấn chìm bởi những cửa hiệu đông đúc và những quầy bar ồn ào.
Chúng tôi đến Luang Prabang sau 5 ngày rong ruổi ở Vientiane và Vangvieng. Sau 6 tiếng ngồi lắc lư trên xe buýt, chúng tôi đã có mặt tại cố đô khi trời đã sẩm tối. Trên đường về homestay đã đặt sẵn qua Internet, tôi phần nào nhận ra một vẻ đẹp dáng dấp kiến trúc kiểu miền Nam nước Pháp, trên tuyến phố chính là những căn biệt thự thời Đông Dương và cả những nhà gỗ kiểu đặc trưng truyền thống của Lào.
Luang Prabang cũng như thủ đô Vientiane và Vangvieng mà chúng tôi đã đi qua, nơi đây là một thành phố nhỏ và bình yên. Dù đông khách du lịch, nhưng so với Vientiane vẫn chưa phải là một đô thị sầm uất và so với thành phố trẻ trung và náo nhiệt như Vangvieng thì nơi đây dành cho những người tìm đến một nơi để thả mình vào góc bình yên.
Căn homestay chúng tôi đặt ở cách trung tâm chưa đầy 1km, nhưng phải mất chừng 20 phút, người lái xe taxi mới tìm được địa chỉ. Chủ homestay là một thanh niên Việt Nam, đã có ba năm sống ở Lào. Căn homestay chúng tôi thuê rộng rãi, sạch sẽ và làm hoàn toàn bằng gỗ và nằm ngay cạnh ngôi chùa nổi tiếng Wat Xiengthong. Phía trước homestay là hàng rào bằng cây xanh mướt, được tỉa tót bằng phẳng.
Đón năm mới nơi đất Phật...
Dọn dẹp đồ đạc, chúng tôi nhanh chóng tìm đường đến khu chợ đêm - nơi tổ chức countdown chào đón năm mới. Chợ đêm nằm ngay đường trung tâm và chỉ cách nơi chúng tôi ở chừng 1km.
Du khách nước đón năm mới tại Lào. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Không giống như bất kỳ chợ nào khác, chợ đêm Luang Phrabang tràn ngập các đồ lưu niệm bằng bạc, đồ truyền thống... Ở chợ đêm thị trấn, các chủ gian hàng liên tục chào "Sabadii" với vẻ thân thiện. Các gian hàng san sát nhau dưới lòng đường chỉ cho người đi bộ và chủ yếu là bán các phẩm như lụa Lào, xà-rông, các loại quần áo sặc sỡ cho đến đồ thủ công mỹ nghệ bằng nhiều chất liệu khác nhau (đá, bạc...). Thoáng nhìn, các gian hàng hầu như không khác nhau, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có những sự khác biệt nhỏ trong cách trạm trổ hoặc những nét hoa văn.
Chúng tôi lân la hết sạp hàng này đến sạp hàng khác, cái chính là để thưởng thức không khí chợ đêm ngày cuối năm cũng như quan sát kẻ bán người mua và quyết định mua cho mình mấy sản phẩm từ lụa Lào.
Khu chợ ẩm thực với đủ các món đặc trưng của Lào được tập trung ở một khu vực, ngoài ra cũng có rất nhiều các sạp bán các món ăn đặc trưng của Lào. Các món ăn của Lào tương đối cay và có chút khó ăn với chúng tôi.
Khi ánh đèn bừng lên, cũng là lúc đường phố tấp nập người qua lại, đặc biệt, khi thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới sắp đến, càng đông các du khách đổ về khu vực trung tâm để chào đón thời khắc linh thiêng của một năm mới nhiều may mắn và thành công về mọi mặt.
Đồng hồ điểm 0h00, những câu chúc mừng năm mới bằng tiếng Lào "sabaidipihaim", tiếng Anh "Happy new year" và không thiếu tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác cùng tiếng pháo vang lên cả một khu phố.
Du khách nước ngoài, người dân Lào bắt đầu cùng nhau nhảy điệu múa Lăm Vông trong tiếng nhạc rộn ràng, những cái ôm, nụ hôn và lời chúc một năm mới thành công được trao cho nhau...
Tôi bỗng có chút nhớ nhà khi mỗi năm đều ngồi gật gù đợi đến giao thừa, dù buồn ngủ nhưng nhất định không chịu đi ngủ vì chỉ để chờ xem pháo hoa phát trên tivi.
Vào thời khắc đó, trên bàn thờ, mẹ tôi đã đặt mâm cúng, khói hương nghi ngút. Cả nhà chọn bộ đồ mới nhất, đẹp nhất để đón năm mới. Đúng giao thừa, mẹ tôi thắp ba nén hương thì thầm khấn... cùng lúc đó, tiếng pháo trên tivi cũng bắt đầu "nổ giòn tan". Tôi nhận lì xì từ bố mẹ cùng lời chúc năm mới mạnh khỏe, học giỏi và theo chân bố mẹ đi chùa và chúc tết ông bà, cô bác.
Sau này, lớn lên, đi xa, chỉ mong đến ngày Tết cả nhà quây quần, cùng nhau đi chùa, chúc tết người thân. Lúc này, tôi mới biết rằng, trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, bước qua cánh cửa chùa, đứng trước tượng Phật mới thấy tâm hồn mình thật thanh thản, con người ta chỉ một lòng hướng thiện, rũ bỏ mọi sân si thường ngày...
Giống như trong thời khắc chuyển giao năm mới, ở một vùng đất cộng đồng đều lấy phật giáo làm tâm điểm - Luang Prabang, tôi bỗng thấy lòng nhẹ bẫng, những điều nhọc nhằn, nỗi buồn, sân si... trong một năm qua đều tan biến nhường chỗ cho những ký ức hạnh phúc xôn xao đang ùa về.
Nơi những ngôi chùa in dấu
Luang Prabang - nơi ghi dấu nguyên những di tích cổ, những cung điện, chùa tháp dù trải qua thời gian, chiến tranh. Cố đô của Lào có đến gần 40 ngôi chùa cổ, trong đó hầu hết được xây dựng từ thế kỷ XIV và nhiều cung điện tráng lệ của các thời phong kiến thịnh trị được thành lập cách nay khoảng 1.200 năm.
Một nhà sư sau buổi khất thực trở về ngôi chùa Wat Xiengthong. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ở Lào, cuộc sống cộng đồng đều lấy phật giáo làm tâm điểm, với nhịp sống chủ đạo là bước chân của phật tử. Mọi con đường lớn nhỏ trong thành phố đều thấp thoáng ánh vàng. Dưới ánh nắng, sắc vàng rực rỡ của những mái chùa cùng màu áo vàng của những nhà sư hòa vào sắc màu chung ấy.
Chúng tôi đặt homestay ngay sát ngôi chùa cổ nổi tiếng Wat Xiengthong - ngôi chùa được in trên tờ tiền 2.000 Kip Lào. Ngôi chùa Wat Xiengthong được xây dựng theo lối kiến trúc đặc thù của Lào với mái cong cong buông xuống gần mặt đất, bao quanh là những miếu nhỏ có cùng lối kiến trúc, hợp thành một phong cảnh tuyệt đẹp. Ở đây còn là nơi lưu giữ bức tượng phật nằm nức tiếng, từng "ngụ" trong bảo tàng Paris sau đó được đưa về ngôi chùa này của Luang Prabang năm 1964.
Có lẽ chính vì vậy, mà người ta mới nói rằng, giống như người theo đạo Hồi phải cố gắng đến được thánh địa Mecca một lần trong đời thì với người dân Lào, đến được chùa Xieng Thong một lần trong đời là điều thiêng liêng.
Ngoài Wat Xiengthông, còn biết bao công trình cổ kính, những mảnh vàng son của quá khứ khác luôn được trân trọng, bảo vệ và hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người dân Lào và để lại những cảm nhận riêng đối với du khách khi đến với vùng đất cố đô.
Vào buổi chiều cuối cùng ở Luang Prabang lên máy bay về Việt Nam, tôi thuê chiếc xe đạp, chạy lòng vòng quanh thành phố, thấy lòng mình bình yên và dường như phải lòng nơi đây mất rồi.
Dừng bên bờ sông, ngắm dòng người lên xuống những con đò ngang, ánh hoàng hôn rực lửa đang dần khuất xa, nhớ lại những ngày ở cố đô, để ghi lại ký ức về một phần cuộc sống mình từng mơ ước...
Quốc gia nào có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận nhất? UNESCO đã công nhận hơn 1.157 di sản thế giới tại 167 quốc gia, vùng lãnh thổ, để tôn vinh và gìn giữ những thành tựu của nhân loại và các kỳ quan thiên nhiên. Italy chính là quốc gia đang dẫn đầu về số lượng di sản thế giới. 1. Italy - 58 Di sản Thế giới Sở hữu 58 di sản,...