Khám bệnh từ xa – giải pháp hữu hiệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế; nhất là nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Dịch COVID-19 xảy ra khiến nhiều người dân lo ngại đến những nơi đông người, trong đó có các bệnh viện.
Từ đó, nhu cầu được khám bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà ngày càng trở nên cấp thiết. Mới đây, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, đã triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh tại nhà trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (telemedicine).
Ở nhà vẫn được khám bệnh
Bà Lê Thị Yến (75 tuổi, ngụ Phường 16, quận Gò Vấp) bị bệnh tiểu đường và trước đây vẫn đều đặn đến Bệnh viện quận Gò Vấp tái khám 2 tuần 1 lần. Tuy nhiên, vài năm gần đây bà xin chuyển về Trạm y tế Phường 16, quận Gò Vấp, để theo dõi sức khỏe do mắc thêm bệnh đau khớp gối, đi lại khó khăn.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nghe tin Trạm y tế Phường 16, quận Gò Vấp, có thí điểm khám bệnh từ xa, bà đăng ký và may mắn được các bác sỹ ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ này.
Theo đó, cứ mỗi tháng 1 lần, một điều dưỡng viên của Trạm y tế đến tận nhà thăm khám, đo huyết áp, đo đường huyết, kiểm tra việc sử dụng đơn thuốc cũ, hỏi thăm tình hình sức khỏe… Sau đó, bà Yến được kết nối trực tuyến với bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 16, quận Gò Vấp thông qua máy tính bảng.
Tại những cuộc nói chuyện này, bác sỹ Thương nắm được diễn tiến sức khỏe trong từng thời điểm của bà Yến, kết hợp với báo cáo của điều dưỡng viên để cho y lệnh và đơn thuốc. Thuốc được chuyển đến tận nhà cho bà Yến hoặc người nhà của bà Yến đến trạm y tế lấy ngay trong ngày. “Tôi già rồi, mỗi lần đi khám bệnh khổ cực quá, nhưng nếu không đi thì bệnh càng nặng hơn. Giờ có dịch vụ khám từ xa này thật sự tiện lợi,” bà Yến chia sẻ.
Mô hình khám, chữa bệnh tại nhà trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin là mô hình khám, chữa bệnh từ xa do Trung tâm Y tế quận Gò Vấp triển khai thí điểm tại một số trạm y tế phường trên địa bàn. Thay vì người dân phải đến trạm y tế hoặc bệnh viện quận khám bệnh thì một điều dưỡng được cử đến nhà, thực hiện các công đoạn đo huyết áp, thử đường huyết… Sau đó, bệnh nhân kết nối trực tuyến với trạm y tế thông qua hệ thống telemedicine để được bác sỹ của trạm thăm khám, tư vấn và chỉ định đơn thuốc.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp hội chẩn từ xa với bác sỹ Bệnh viện quận Gò Vấp. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, mô hình khám bệnh từ xa đã có ý tưởng từ lâu nhưng đến tháng 10/2019, đơn vị này mới quyết định đầu tư hệ thống telemedicine ở 4 điểm cầu để thực hiện hộichẩn trực tuyến giữa tuyến trên – tuyến dưới, giữa các trạm y tế với phòng khám đa khoa và giữa trạm y tế với người dân, nhằm tăng niềm tin của người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế.
“Khi có hệ thống telemedicine thì cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh từ xa của người dân là rất bức thiết, nhất là đối với những người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính và đi lại khó khăn. Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, từ tháng 3/2020, chúng tôi bắt đầu vận hành mô hình khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống telemedicine cho người dân trên địa bàn với các điểm cầu đặt tại các trạm y tế: Phường 16, Phường 8, Phường 12 và Phòng khám đa khoa Nguyễn Thái Sơn,” bác sỹ Hòa cho hay.
Nhận xét ưu điểm của hệ thống telemedicine trong khám chữa bệnh cho người cao tuổi, bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 16, quận Gò Vấp, cho biết Phường 16 hiện có 1.052 người trên 80 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay Trạm Y tế mới chỉ quản lý sức khỏe cho khoảng 20% người cao tuổi.
“Được khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà là mong muốn thật sự của người dân, nhất là những người mắc các bệnh không lây như tăng huyết áp, tiểu đường, người bệnh lớn tuổi đi lại khó khăn. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người dân e ngại khi phải đi đến bệnh viện để khám bệnh do sợ bệnh lây lan, hệ thống telemedicine đã giải quyết được vấn đề này. Nhờ đó, việc khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe đối với người cao tuổi cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn,” bác sỹ Thương cho hay.
Mô hình cần nhân rộng
Sau 3 tháng triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả ấn tượng. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, chỉ trong 3 tháng đầu thực hiện mô hình, 4 điểm cầu đã kết nối và khám bệnh thông qua hệ thống telemedicine cho gần 800 lượt bệnh nhân. Được hưởng lợi nhất chính là những người dân khi họ không mất chi phí đi lại, đưa đón, không cần phải chờ đợi lâu.
Với trường hợp của gia đình bà Hồ Mỹ Ngọc (ngụ Phường 16, quận Gò Vấp), đây là “cứu cánh” khi trong nhà bà Ngọc có đến 2 người bệnh lớn tuổi cần tái khám thường xuyên.
“Trước đây, mỗi lần chồng tôi và chị chồng đi tái khám là một lần tốn kém tiền thuê xe taxi vì cả hai đều không thể tự di chuyển được. Khi được các bác sỹ đến tận nhà khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, đo đường huyết, cho đơn thuốc… chúng tôi mừng lắm,” bà Ngọc chia sẻ.
Video đang HOT
Đặc biệt, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp còn phối hợp với Bệnh viện quận Gò Vấp cho phép các bác sỹ của các trạm y tế phường kết nối với bác sỹ bệnh viện quận. “Việc kết nối được thực hiện khi cần có sự trao đổi kinh nghiệm về một số trường hợp bệnh nhân cụ thể mà trước đây đã được bác sỹ của bệnh viện trực tiếp điều trị hoặc hỗ trợ chuyển viện cấp cứu khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nặng cần nhập viện cấp cứu ngay. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo thêm một kênh hội chẩn từ xa giữa các bác sỹ của trạm y tế với bác sỹ của Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế quận, nhất là hội chẩn hình ảnh siêu âm và X-quang,” bác sỹ Hòa cho biết.
Sau thời gian thí điểm, nhận được sự đánh giá hài lòng của người dân, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp dự kiến sẽ mở rộng mô hình này đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khác, nhất là các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp đã được điều trị ổn định.
Điều dưỡng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp đến nhà người bệnh, giúp người bệnh kết nối với bác sỹ trạm y tế thông qua máy tính bảng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Trung Hòa nhìn nhận: “Người dân mắc bệnh mạn tính có nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà bởi đa phần họ và bác sỹ đã thân quen với nhau. Bệnh nhân sử dụng phác đồ điều trị nào, dị ứng hay không dị ứng với loại thuốc nào… bác sỹ đã nắm rõ. Do đó, bệnh nhân không nhất thiết phải lên đến bệnh viện mà điều dưỡng có thể đến nhà thực hiện công đoạn khám lâm sàng, sau đó bác sỹ chỉ định y lệnh từ xa, vừa đúng theo quy định vừa mang ý nghĩa nhân văn rất lớn.”
Phó giáo sư-tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những định hướng mà ngành y tế Thành phố luôn hướng tới trong những năm gần đây. Mục đích là mang lại những tiện ích tốt nhất, tăng sự hài lòng cho người bệnh.
Mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế; trong đó, đáng chú ý là nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và nguồn nhân lực còn hạn chế của các trạm y tế, nhất là bác sỹ.
Bên cạnh đó, khám bệnh từ xa cũng giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, việc hội chẩn trực tuyến cũng giúp các bác sỹ tuyến trên và tuyến dưới chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách giữa các bác sỹ làm công tác khám, chữa bệnh ban đầu.
“Từ những tín hiệu lạc quan của mô hình thí điểm tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, chúng tôi sẽ xây dựng quy trình khám chữa bệnh từ xa một cách chặt chẽ và kiến nghị Bộ Y tế xem xét chi trả Bảo hiểm y tế cho người dân đối với hình thức khám bệnh này,” ông Tăng Chí Thượng cho hay./.
'Trẻ em ở vùng sâu sẽ được chữa bệnh như tại Hà Nội'
Hơn 10 năm ấp ủ và thử nghiệm hệ thống khám chữa bệnh từ xa, GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hào hứng chia sẻ về những thành quả ban đầu.
- Xin cho chúng tôi xem hình ảnh siêu âm tim của bệnh nhân
- Các bạn đo áp lực động mạch phổi thất phải
- Ống mạch quá nhỏ, cẩn thận
- Ổn rồi, đưa van lên
Chắc hẳn đây là cuộc hội thoại của các phẫu thuật viên đứng cạnh nhau trong phòng mổ. Thực tế, đó là cuộc trao đổi giữa một người là chuyên gia tim mạch của Bệnh viện Nhi Trung ương, đang có mặt tại Hà Nội, một người là bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Họ đang cùng nhau thực hiện ca mổ tim cho bệnh nhân cho bệnh nhi mới 23 ngày tuổi, nặng 4,5 kg, được chẩn đoán bị hẹp nặng van động mạch phổi tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Hơn 10 năm trước, GS.TS.BSCC Lê Thanh Hải từng ấp ủ và thử nghiệm triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa phục vụ cho hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến. Ngày 29/5, ông cười rạng rỡ, hào hứng cùng các đồng nghiệp tham gia buổi hội chẩn trực trực tuyến đầu tiên với 5 điểm cầu, thậm chí còn chứng kiến một ca phẫu thuật của một ê-kíp đặc biệt cách nhau hàng trăm km.
GS.TS.BSCC Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hoàng Minh.
Nỗi lo về những em bé có thể chết trên đường chuyển tuyến
- Ước mơ về một hệ thống khám chữa bệnh từ xa của giáo sư cách đây 10 năm đã được ấp ủ và nhen nhóm như thế nào?
- Vào những năm 2000, ngày đó phương tiện thông tin liên lạc còn hết sức thô sơ đơn giản, chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Khi đó, bệnh viện chỉ có những chiếc điện thoại bàn, rồi đến đến điện thoại di động và gần đây là các công nghệ hỗ trợ từ mạng di động và smartphone.
Đến năm 2014-2015, việc hội chẩn từ xa mới chính thức được triển khai theo chương trình đào tạo của thế giới thông qua Telemedecine. Ngày đó hoạt động này chưa thành thường quy.
3 năm tiếp theo (2017-2019), nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân càng ngày càng được nâng lên, đặc biệt là vùng sâu vùng xa vùng khó khăn. Ở những nơi này, việc vận chuyển được bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi Trung ương hết sức khó khăn. Nhiều trường hợp bệnh trở nặng trong quá trình di chuyển. Nắm bắt được tình hình này, chúng tôi đã triển khai chúng tôi đã triển khai khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa nhưng không thể đi thường xuyên. Vì vậy, khám chữa bệnh từ xa trở thành phương tiên hữu ích và được tổ chức thường xuyên hơn.
Trong thời gian này, bệnh viện từng được các tổ chức quốc tế, Đại học New Mexico (Mỹ) tư vấn về phần mềm và kỹ thuật. Đồng thời, tạp chí BMJ của Anh tư vấn cho chúng tôi các kiến thức y khoa cập nhật nhất.
- Sau hơn 10 năm, tại buổi hội chẩn trực tuyến đầu tiên, những điều gì đã trở thành hiện thực?
- Bạn có thể quan sát và nhận thấy rằng đây hoàn toàn là những hình ảnh trực tiếp từ các bệnh viện tuyến dưới có ca khó cần hội chẩn, xin ý kiến các bác sĩ đầu ngành khi xử lý, chẩn đoán.
Trong buổi đầu tiên, chúng tôi có 7 điểm cầu. Bệnh viện Nhi trung ương làm đầu mối để kết nối với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh về một trường hợp tim bẩm sinh rất nhỏ có nguy cơ suy hô hấp, suy tim. Thứ hai là một trường hợp bệnh nhân bị u rất khó chẩn đoán ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.
Bệnh nhân thứ 3 là một bệnh nhi gặp biến chứng sau khi mổ teo thực quản bẩm sinh của các bạn đồng nghiệp ở Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Chúng tôi hội chẩn và có hướng xử lý với ca này. Một trường hợp nữa là chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp (Sơn La) - nơi giáp ranh với biên giới Lào. Các bác sĩ sẽ tư vấn lúc sinh, chăm sóc trẻ để tránh nguy cơ suy hô hấp sau đẻ.
Ngoài ra, trường hợp tuyến dưới muốn chuyển bệnh nhân lên, chúng tôi sẽ hỗ trợ về việc liên hệ, tổ chức chuyển tuyến an toàn. Ngoài ra, tại buổi hội chẩn, các bác sĩ tại nhiều điểm cầu còn được nghe bài giảng của giáo sư chuyên ngành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Đại học New Mexico về vấn đề phòng chống các bệnh lý truyền nhiễm.
- Hệ thống khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa như thế nào?
- Với sự phát triển của công nghệ 4.0, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, rất nhiều trẻ em, bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa không thể nào đến được các bệnh viện lớn, hệ thống này càng mang lại hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn.
Không những thế, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương có thể hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho nhiều đơn vị trong cùng một thời điểm. Như trong buổi đầu tiên, chúng tôi cùng lúc kết nối với 3 bệnh viện tuyến tỉnh và một bệnh viện tuyến huyện.
Dưới sự "cầm tay chỉ việc" thường xuyên của các bác sĩ đầu ngành, đội ngũ y bác sĩ ở tuyến dưới cũng có thể xử lý cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân không khác gì ở đây. Ngoài ra, chúng tôi còn kết nối với các đồng nghiệp quốc tế. Điều đó có ý nghĩa rất lớn khi gặp các ca bệnh khó.
Như vậy, sự phát triển của hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp trẻ em ở vùng sâu vùng xa được hưởng hoạt động chăm sóc khám chữa bệnh tương tự như ở Hà Nội, ở trung ương.
Minh chứng rõ nhất cho ý nghĩa này là là bệnh nhân bị tim bẩm sinh nặng tại Quảng Ninh cần phẫu thuật, can thiệp cấp cứu. Trước đây, bác sĩ tuyến dưới không làm được phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đó, bệnh nhi sẽ phải đối mắt với nguy cơ tử vong trên đường chuyển tuyến. Hiện nay, với hệ thống này, các bác sĩ tại trung ương có thể hỗ trợ các bác sĩ ở tuyến dưới xử trí kịp thời, giúp bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Đại dịch Covid-19 khiến tất cả phải nghĩ đến khám bệnh từ xa
- Hiểu rõ về tầm quan trọng của việc khám chữa bệnh từ xa, vì sao phải sau hơn 10 năm, Bệnh viện Nhi Trung ương mới có thể xây dựng được hệ thống này?
- Tôi cho rằng thời điểm này chúng tôi hội tụ đầy đủ các yếu tố "Thiên thời - địa lợi - nhân hòa".
Thiên thời ở đây là đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và thế giới. Đại dịch này khiến cho tất cả các nước đều phải suy nghĩ đến việc triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
Địa lợi ở đây là Bệnh viện Nhi Trung ương đã có thời gian dài triển khai việc khám chữa bệnh từ xa, chúng tôi đã có kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ đã sẵn sàng.
Còn nhân hòa là chúng tôi được mọi người ủng hộ.
Từ những năm 2000, chúng tôi đã triển khai hệ thống ban đầu nhưng đường truyền ngày đó quá đắt, không lấy đâu chi phí để duy trì. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ có tính chất làm chơi. Mỗi lần hội chẩn trực tuyến như thế này thời đó tốn kém từ 5-10 triệu đồng chi phí.
Từ đầu năm đến nay, thông qua Hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa của Tập đoàn Viettel, bệnh viện đã tiến hành hơn 20 cuộc hội chẩn từ xa, khoảng 20 lớp đào tạo. Chúng tôi sẽ trực 24/24 giờ, luôn sẵn sàng kết nối với 28 bệnh viện cấp tỉnh, 18 bệnh viện huyện và một số trung tâm y tế xã.
Trước kia, chúng tôi chỉ thảo luận và hội chẩn các ca khó, hiện nay mức độ hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới sẽ tăng lên rất nhiều. Đồng thời, trong cùng một thời gian như thế này, trước kia chúng tôi chỉ hỗ trợ được cho 1 đơn vị, nhưng giờ một lúc có thể hỗ trợ được 5-6 đơn vị. Nơi xa nhất bệnh viện hỗ trợ là Mường Khương, Sốp Cộp, Mường Nhé, Bắc Nậm...
Hy vọng, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế sẽ đưa khám chữa bệnh từ xa trở thành hoạt động thường quy và có chi phí. Như thế, các bệnh viện sẽ đầu tư để phát triển hệ thống rất có ý nghĩa này.
"Chế độ chính sách liên quan đến việc khám chữa bệnh từ xa phải được bằng văn bản hóa. Chi phí phát sinh khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ được tính toán thế nào, có được bảo hiểm chi trả", GS.TS Lê Thanh Hải chia sẻ. Ảnh: Hoàng Minh.
- Bên cạnh những mặt thuận lợi, khó khăn giữa các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa là gì?
- Khó khăn thứ nhất là vấn đề trang thiết bị. Trong đó, trang thiết bị ở Bệnh viện Nhi Trung ương thì chúng tôi có thể giải quyết được rồi, nhưng những trang thiết bị ở đầu cuối, ở tuyến dưới từ tuyến tỉnh, tuyến huyện thậm chí tuyến xã thì không phải nơi nào cũng có thể trang bị được. Thứ hai, đường dẫn truyền phải đảm bảo, nếu không các bác sĩ rất khó nhận biết, chẩn đoán chính xác.
Ngoài ra, chế độ chính sách liên quan đến việc khám chữa bệnh từ xa phải được bằng văn bản hóa. Chi phí phát sinh khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ được tính toán thế nào, có được bảo hiểm chi trả.
- Ông đánh giá tiềm năng phát triển của hệ thống khám chữa bệnh từ xa trong tương lai?
- Khám chữa bệnh từ xa không mới, bệnh viện đã làm nhiều rồi. Nhiều người dân cũng phần nào hiểu về vấn đề này. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh viện tư vấn người dân đồng ý ở lại tuyến dưới điều trị dưới sự hỗ trợ từ xa của các bác sĩ tuyến trung ương mà không phải lên tận đây.
Trong tương lai, với những thay đổi của điều kiện kinh tế xã hội và đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, khám chữa bệnh từ xa chắc chắn trở thành phương tiện rất quan trọng trong hệ thống khám chữa bệnh và sẽ trở thành thường quy.
Tôi lấy ví dụ khi áp dụng hệ thống này, một bệnh viện A gọi lên Bệnh viện Nhi Trung ương về một trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phổi suy hô hấp khi chào đời và đề nghị hỗ trợ. Người trực hệ thống thời điểm đó sẽ mời chuyên gia hô hấp để tư vấn. Chuyên gia này sẽ hướng dẫn trực tiếp bác sĩ tuyến dưới thực hiện các phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Nếu tuyến dưới vẫn chưa thể xử trí thành công, chúng tôi tiếp tục có hệ thống trực vận chuyển. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn cho tuyến dưới vận chuyển an toàn bệnh nhân, theo dõi người bệnh trong suốt quãng đường đi.
Ngoài ra, khi tiếp nhận thông tin của bệnh nhân, nếu cần xử lý tại chỗ, chúng tôi cũng có đội ngũ đưa bác sĩ về tuyến dưới để hỗ trợ điều trị. Nếu tình trạng sức khỏe ổn định, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị ở đây mà không cần chuyển tuyến.
- Vậy theo ông vấn đề then chốt để khám chữa bệnh từ xa ngày càng hiệu quả?
- Theo tôi, để việc khám chữa bệnh từ xa phát triển và mang lại hiệu quả, chúng ta cần xử lý tốt các sức ép sau.
Sức ép của các giám đốc bệnh viện tuyến dưới. Những lãnh đạo này phải tăng chất lượng khám chữa bệnh chất lượng để bệnh nhân không bỏ đi. Để làm được điều đó, vấn đề chuyên môn này mỗi bác sĩ, mỗi bệnh viện. phải thường xuyên nghiên cứu và đầu tư. Một bệnh viện tồn tại được hay không thì số lượng bệnh nhân là điều quyết định. Nếu không chịu đào tạo nhân lực, không chịu trang bị máy móc, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, đội ngũ nhân viên không được nâng lên, bệnh nhân sẽ không tin tưởng và bỏ đi.
Sức ép thứ 2 là khó khăn về mặt tài chính do điều kiện khách quan. Các trung tâm y tế, bệnh viện ở vùng sâu vùng xa cần có chế độ chính sách tác động để hỗ trợ.
Sức ép thứ 3 là các bệnh viện tuyến trung ương, phải xem đây là nhiệm vụ bắt buộc, là nhiệm vụ trách nhiệm mà các cơ sở y tế phải làm, phải giúp đỡ các bệnh viện tuyến dưới. Khi các bệnh viện tuyến dưới duy trì, đảm bảo được công tác khám chữa bệnh thì tuyến trên mới có thể dành thời gian đầu tư vào đào tạo, nghiên cứu.
Cách hơn 100km, bác sĩ vẫn cứu bé 23 ngày tuổi vượt bệnh hiểm nghèo Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ, các bác sĩ ở Hà Nội có thể khám, chỉ dẫn bác sĩ tuyến dưới phẫu thuật thành công cho bệnh nhi mắc bệnh nặng. Ảnh minh họa Ngày 29/5, Bệnh viện Nhi Trung ương chính thức đưa hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) vào phục vụ công tác chẩn...