Khai thác thương mại dự án Cát Linh – Hà Đông cuối năm 2019?
Theo đánh giá của tư vấn Pháp, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu…
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội ( Hà Nội Metro), cho biết như vậy tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2019, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức sáng 29-11.
Theo ông Trường, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được Công ty Tư vấn ACT của Pháp (tư vấn độc lập) đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định. Bước đầu cho thấy dự án cơ bản đúng tiêu chuẩn thế giới. Bao gồm quy trình vận hành và bảo dưỡng, các kịch bản vận hành, biểu đồ chạy tàu, quy trình xử lý sự cố, nhiệm vụ các chức danh…
Ông Trường cũng cho hay việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo rằng tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao. Do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn.
Trước đó Bộ GTVT khẳng định dự án Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành nhưng vướng các thủ tục nghiệm thu. Ảnh: VIẾT LONG
Video đang HOT
Đối với quá trình vận hành thử toàn hệ thống, ông Trường khẳng định về cơ bản nhân sự Việt Nam đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát. “Lúc đầu cũng có chút lo lắng nhưng qua thực tế vận hành thử thấy anh em đã sẵn sàng tiếp nhận vận hành” – ông Trường nói.
Lãnh đạo Hà Nội Metro cũng nhìn nhận đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Dù đội ngũ nhân sự được đào tạo nhưng không tránh khỏi các tình huống khó khăn trong thực tế. Do đó, để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong một năm đầu khai thác.
Về thời gian khai thác thương mại, ông Trường cho biết sau khi hoàn tất thủ tục nghiệm thu, dự án sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội. “Dự kiến dự án sẽ khai thác thương mại từ cuối năm 2019″ – ông Trường thông tin.
Liên quan đến dự án này, trước đó (ngày 15-11), tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội, thông tin để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thành phố đã tuyển dụng, đào tạo hàng ngàn lao động. Nhưng do dự án chậm đi vào hoạt động chính thức nên khoảng 28% số công nhân, nhân viên của dự án đã bỏ việc, làm cho TP gặp rất nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo Hà Nội Metro, đây là con số tính gộp những trường hợp xin nghỉ rải rác từ năm 2016 đến tháng 3-2019. Phần lớn là nhân viên làm những công việc không đòi hỏi nhiều về trình độ chuyên môn. Những nhân sự cao cấp, đảm nhiệm vị trí đòi hỏi tay nghề cao và mang tính chuyên ngành sâu cũng như lái tàu cơ bản giữ như ban đầu.
Hà Nội Metro cho biết thêm công ty đã tuyển bổ sung thay thế để đảm bảo quá trình đào tạo cũng như vận hành thử hay yêu cầu khai thác thương mại về sau.
Mỗi ngày có 20 người chết vì tai nạn giao thông
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trước năm 2010, mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 12.000 người tại Việt Nam. Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ đó tới nay, mỗi năm đã giảm 5%-10% số vụ và số người thương vong. Trong đó, năm 2019, lần đầu tiên số người tử vong dưới 8.000 người. Dù vậy, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, bình quân mỗi ngày có 20 người chết và 50 người bị thương.
Đặc biệt, vẫn còn nhiều bức xúc của dư luận về tình trạng tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích còn phổ biến. Việc ứng dụng xử phạt nguội, giám sát điều hành giao thông còn kém. Đây là những vấn đề Bộ GTVT và các địa phương cần quan tâm giải quyết để giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.
VIẾT LONG
Theo PLO
Dự án đường Hồ Chí Minh thiếu vốn 28.400 tỷ đồng
Ngày 18-11, Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm này, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu hơn 28.000 tỷ đồng cho việc xây dựng 289km còn lại, để có thể nối thông toàn tuyến với tổng chiều dài 2.744km.
Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.218km, đang triển khai đầu tư 237km, còn lại khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, đường Hồ Chí Minh còn 160km chưa triển khai do thiếu khoảng 18.000 tỷ đồng. Ở khu vực phía Nam, đoạn tuyến từ Chơn Thành đến Đất Mũi còn 129km chưa triển khai (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận) do thiếu hơn 10.400 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn cho Bộ GTVT để triển khai hoàn thành các dự án đường Hồ Chí Minh, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra là thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô tối thiểu 2 làn xe vào năm 2020.
BÍCH QUYÊN
Theo SGGP
Gần 300 công nhân vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông bỏ việc Đã có gần 300 trong tổng số 700 người được Hà Nội đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bỏ việc do dự án chậm tiến độ quá lâu. Có cần gần 700 người phục vụ tuyến Cát Linh - Hà Đông Theo Ban Quản lý Dự án Đường sắt và Công ty TNHH một thành viên...