Khai thác tận diệt ở Biển Đông và tham vọng phi lý của Trung Quốc
Bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.
Bắt đầu từ những năm 2010, những ngư dân Trung Quốc khai thác ngao đã tỏa đi khắp Biển Đông trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhưng lại được sự hộ tống bởi những tàu cỡ lớn đóng vai trò là tàu mẹ. Họ đi xa hơn nhiều khỏi vùng biển của Trung Quốc, đến những nơi có tranh chấp ở Biển Đông hoặc thậm chí đến cả những vùng biển rõ ràng thuộc về các nước láng giềng.
Tàu Trung Quốc gần Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Trung Quốc hủy hoại môi trường Biển Đông
Khi hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc tìm thấy một rạn san hô, ngư dân lên những chiếc thuyền nhỏ và sử dụng những cánh quạt máy bằng đồng khuấy nát các rạn san hô cho đến khi những con ngao lộ ra. Công việc tìm kiếm này không dễ và ngư dân Trung Quốc phải phá nát cả rạn san hô rộng lớn nhưng lợi nhuận mà công việc này mang lại khiến họ bất chấp tất cả. Những con ngao khổng lồ có thể có vỏ rộng đến 1,2m, cân nặng lên tới 180kg. Mỗi con ngao khổng lồ có giá lên đến hàng chục nghìn USD trên thị trường Hải Nam. Đặc biệt, những chiếc vỏ ngao khổng lồ sau khi được chế tác thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo còn có thể bán được 1 triệu USD.
Một tác phẩm điêu khắc từ vỏ ngao khổng lồ. Ảnh: Bloomberg.
Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, John McManus cho biết, có tới hơn 25.000 rạn san hô đã bị tàu thuyền Trung Quốc phá hủy theo cách này. Phát hiện của McManus là một trong những bằng chứng được tòa án quốc tế xem xét khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines hồi năm 2016.
Mặc dù phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế được cho là đòn giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh đã phớt lờ tất cả, tiếp tục cho các tàu cá xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng.
Đã có một “khoảng lặng” khi hoạt động thu hoạch ngao khổng lồ của Trung Quốc bị ngừng lại hoàn toàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà nghiên cứu, đây chỉ là sự nghỉ ngơi tạm thời. Khi đó, có nhiều đồn đoán cho rằng liệu đây có phải tác động từ phán quyết của Tòa hay đơn giản vì nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng đắt đỏ này giảm sút?
Video đang HOT
Thật không may, cho dù lý do đó là gì thì các đội tàu khai thác tận diệt của Trung Quốc cũng đã quay trở lại vào cuối năm ngoái. Điều đáng lo ngại là những đội tàu này thậm chí còn được trang bị kỹ thuật khai thác mới gây ảnh hưởng tồi tệ hơn đối với hệ sinh thái khi hệ thống nén áp suất gây ra những “đám mây” trầm tích rộng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh sản và sinh tồn của các loài cá.
Giáo sư John McManus.
Tham vọng phi lý…
Vậy việc khai thác tận diệt, phá hủy môi trường của Trung Quốc ở Biển Đông có liên quan thế nào đến xung đột tiềm tàng trong khu vực? Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc thường chỉ là mũi nhọn của ngọn giáo trong tham vọng mở rộng quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới. Các tàu đánh cá của Trung Quốc ngày càng được bảo vệ sát sao hơn bởi các tàu vũ trang của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, dân quân biển… hòng đẩy ngư dân các nước láng giềng ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.
Động thái tiếp theo thường là để quân đội Trung Quốc tiến hành nạo vét các bãi cạn, rạn san hô và xây dựng các đảo nhân tạo, bố trí trên đó các thiết bị quân sự, thậm chí là cả đường băng cho máy bay. Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, việc thu hoạch ngao khổng lồ phục vụ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát biển, đáy biển và không phận phía trên vùng biển đó. Ông Poling lưu ý, bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.
Mặc dù các hòn đảo nhân tạo đã đủ để gây ra mối lo ngại nhưng chúng chỉ là một phần trong tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ.
“Trung Quốc phải biết rằng, cái giá mà họ phải trả cho hành vi này vượt xa lợi ích mà họ đạt được”, ông Poling nói đồng thời kiến nghị các bên cần nêu vấn đề này ở các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc. Theo chuyên gia Poling, đúng là Trung Quốc có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào tại Hội đồng Bảo an nhưng nếu làm như vậy, uy tín của Trung Quốc ít nhiều sẽ bị tổn hại khi tạo ra hình ảnh một quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo giới phân tích, các quốc gia ven Biển Đông cần cùng nhau góp tiếng nói để giải quyết xung đột cũng như bảo tồn môi trường ở Biển Đông. Câu chuyện ở đây không đơn thuần chỉ là bảo tồn loài ngao khổng lồ mà nó là việc cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông – nơi cung cấp khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu. Bên cạnh đó, nạn săn trộm luôn kéo theo một loạt các tội phạm khác như buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, bắt cóc con tin… Và trên tất cả, nếu đây vẫn tiếp tục là một phần trong chiến thuật của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông thì mục tiêu giữ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở càng đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Mỹ sẵn sàng tham gia đối trọng Trung Quốc ở biển Đông
Chuyên gia Elbridge Colby khẳng định Mỹ hoàn toàn ủng hộ và sẽ hỗ trợ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nỗ lực đấu tranh chống tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 20-8 ở TP.HCM, chuyên gia Elbridge Colby, cựu phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ, hiện là một chuyên gia về an ninh quốc phòng, khẳng định lâu nay Washington luôn dành một mối quan tâm đặc biệtcho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Colby nói Mỹ đang rất quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) cũng như tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực này.
"Lợi ích của nước Mỹ gắn liền với các nước châu Á và lợi ích đó không phụ thuộc vào TQ. Mỹ không muốn phải liên tục hỏi ý Bắc Kinh mỗi lần muốn thực hiện các hoạt động hợp tác với các nước xung quanh" - ông Colby giải thích.
Mỹ xem trọng châu Á-Thái Bình Dương
Cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này xuyên suốt nhiều đời tổng thống trước luôn nỗ lực duy trì một chính sách ngoại giao mở và giảm thiểu xung đột khi bàn về vấn đề TQ. Tuy nhiên, lập trường này thời gian gần đây đã thay đổi để nhường chỗ cho nhận thức rằng cần phải kìm hãm đà tăng trưởng sức mạnh của TQ trước khi quá muộn. Một sự thay đổi tương tự cũng đang xảy ra trong lòng dư luận Mỹ khi ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ, sẵn sàng ủng hộ những biện pháp cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
"Cần phải có đòn phản công đối với những gì mà cả Nga và TQ đang xây dựng. Chiến lược mới này đặt ra khuôn khổ để xây dựng những khả năng đó" - ông Colby nói. Trên thực tế, các lãnh đạo quốc phòng cấp cao của Mỹ trước đây đã cảnh báo về sự trỗi dậy của TQ và chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tập trung hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc bổ sung các tàu cho lực lượng hải quân trong khu vực.
Theo ông Colby, hiện tại lựa chọn của các quốc gia châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, không chỉ đơn thuần là chọn giữa Mỹ và TQ, mà là một sự quyết định giữa độc lập hoặc mất đi chủ quyền. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng một châu Á nằm dưới bóng của TQ sẽ hoàn toàn không có chỗ cho các hoạt động tự do trao đổi, buôn bán với khu vực mà ông đánh giá là thị trường trọng yếu và quan trọng nhất thế giới này.
"Để bảo vệ cho cả quyền lợi của Mỹ lẫn các bạn, tôi cho rằng nhiệm vụ của phía Mỹ là hỗ trợ và củng cố nỗ lực đấu tranh với TQ ở đây. Sự hỗ trợ này không chỉ giới hạn ở vấn đề tranh chấp ở biển Đông, mà bao gồm cả những lợi ích khác bị Bắc Kinh xâm phạm" - ông Colby nói.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến thăm Philippines tháng 2-2018. Ảnh: AP
Chuyên gia Elbridge Colby khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp châu Á đối trọng TQ. Ảnh: ACH
Về TQ, ông lưu ý nước này chỉ có thể mạnh lên khi các nước xung quanh vẫn tiếp tục không phản ứng, không có những tiếng nói mạnh mẽ chống lại các động thái gây hấn của TQ. Bằng cách hợp tác lẫn nhau và hợp tác với Mỹ, ông tin rằng sức mạnh của sự đoàn kết sẽ làm giới lãnh đạo Bắc Kinh chùn bước và phải suy nghĩ lại.
"Mỹ không hề có ý định đối đầu trực diện với TQ, mà sẽ là một đối tác đáng tin cậy cho các bạn (các quốc gia khu vực - PV). Tôi nghĩ rằng tình trạng căng thẳng ở biển Đông là một màn trình diễn của Bắc Kinh, với đối tượng nhắm đến là uy tín của Mỹ trong thực hiện cam kết an ninh với các đồng minh và đối tác trong khu vực" - ông Colby nói.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc phải chăng Mỹ chỉ tập trung vào quân sự mà bỏ quên các mặt trận ngoại giao, kinh tế khi đối trọng TQ, ông Colby cho biết trước đây quân đội TQ không được đánh giá cao nhưng hiện tại quan điểm của giới lãnh đạo Washington đánh giá quân đội TQ là một mối đe dọa lớn cần sự tập trung. Dù vậy, ông Colby vẫn nhấn mạnh mặt trận kinh tế giữa hai nước đang có nhiều diễn biến đáng chú ý. Ngoài ra, trong tương lai Washington có thể cân nhắc gia tăng áp lực kinh tế trước khi TQ sử dụng lợi thế này để gây sức ép với các nước Đông Nam Á.
Tham mưu trưởng không quân Mỹ ngày 19-8 nhấn mạnh lực lượng này sẽ tiếp tục duy trì giám sát tình hình biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại trước các động thái của TQ trong khu vực.
Sẵn sàng hợp tác với Việt Nam
Đề cập đến Việt Nam (VN), chuyên gia Elbridge Colby nói ông đánh giá cao lập trường tự chủ, độc lập và sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của chính phủ VN. Trong bối cảnh lịch sử quan hệ phức tạp giữa hai nước, ông Colby khẳng định hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc trung lập, không liên minh với nước khác của VN.
Tuy nhiên, ông Colby cho biết thêm hiện tại Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cho VN nếu muốn. "Vai trò của VN trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng của TQ là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng điều cần lưu ý là chúng ta muốn đẩy mối quan hệ giữa hai nước đến mức nào và chúng ta sẽ làm việc với nhau ra sao. VN có thể hợp tác cùng Nhật Bản, Úc, Philippines để tìm các giải pháp đối trọng với Bắc Kinh" - ông Colby nhận xét.
Ông Elbridge Colby cũng gợi ý những khả năng hợp tác giữa VN và Mỹ, ví dụ như ở lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, mà không đẩy mối quan hệ Mỹ-VN đi quá những giới hạn không cần thiết. Vị này cũng đồng tình với quan điểm rằng Mỹ có thể hỗ trợ nhiều cho công tác an ninh của VN nhưng không ràng buộc hay ảnh hưởng đến sự độc lập của VN trong các quyết định quốc phòng. "Tôi tin Mỹ có thể giúp các bạn và sẵn sàng giúp các bạn, còn chuyện quyết định như thế nào thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các bạn" - ông Colby khẳng định.
Mỹ khó can thiệp quan hệ Trung Quốc-Campuchia
Khi được hỏi về những phản ứng của Mỹ trước những tin đồn về việc Campuchia đã cho TQ quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, chuyên gia Elbridge Colby cho rằng Washington sẽ khó có thể triển khai bất kỳ biện pháp trực diện nào nhằm vào Campuchia mặc dù Mỹ rất quan ngại về chuyện này. Thay vì vậy, Mỹ sẽ tìm cách thắt chặt quan hệ với các nước khác trong khu vực để đối trọng ảnh hưởng của TQ ở Campuchia. Ông khẳng định TQ có quá nhiều điều kiện và thời gian ảnh hưởng tại Campuchia, vì vậy đối với Mỹ giải pháp duy nhất hiện thời là thiết lập một mạng lưới đồng minh và đối tác đủ năng lực.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lên tiếng về tình hình biển Đông
Sáng 20-8 (giờ địa phương), trên trang Twitter cá nhân, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã lên tiếng cáo buộc TQ sử dụng "các chiến thuật cưỡng ép" ở biển Đông. Ông Bolton chỉ trích các hành động leo thang của Bắc Kinh nhằm buộc các nước xung quanh từ bỏ các hoạt động khai thác tài nguyên trên thực địa đang làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực. Quan chức này cũng khẳng định Washingtonkiên quyết cùng với các nước xung quanh chống lại "hành vi cưỡng ép và bắt nạt, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực" của TQ.
ĐỖ THIỆN - VĨ CƯỜNG ghi
Theo PLO
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng 'chiến thuật ức hiếp' ở Biển Đông Sáng 20/8 theo giờ Mỹ (tối 20/8 giờ Việt Nam), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc sử dụng "các chiến thuật ức hiếp" ở Biển Đông. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu trước báo giới. Ảnh: NBC News Trên trang mạng Twitter cá nhân, Cố vấn An ninh...